Lê Huyền - Người đàn bà tự khâu vá con tim, đến hát với bầu trời (Đôi lời về tập thơ "Tình như chiếc lá" của Lê Huyền) - Lê Đáng
Trong bài “Dùng thơ giới thiệu thơ - Một cách thức phê bình mới?” đăng trên báo Văn hóa, tháng 7-2020, Nguyễn Minh Châu có nói: “Những gì không diễn đạt được bằng lời thì hãy diễn đạt bằng thơ”, điều này đúng với Lê Huyền, tác giả của tập thơ “Tình như chiếc lá”.
… Tôi đang cầm trên tay bản thảo với hơn 70 bài thơ chị gửi trao. Cẩn trọng và nâng niu… Sau một chút lo lắng về trách nhiệm của người cầm bút thì cái còn lại trong tôi là niềm vui dần dấy lên khi được chị gửi trao đứa con đầu lòng còn chưa kịp làm giấy khai sinh này.
Lê Huyền sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven biển, cái nơi mà nhắc đến người ta nghĩ ngay đến sự mặn mòi, đậm đà của nước mắm, Hải Châu - Tĩnh Gia - Thanh Hóa. Sau này chị theo chồng về Ngọc Lặc. Sự pha trộn, giao thoa giữa cái nắng gió miền biển với cái tư duy giàu hình ảnh cụ thể của người miền núi khiến cho thơ của Lê Huyền vừa chân thực vừa lãng mạn, ngược gió nhưng thuận hướng Mặt trời. Và trên hết ta cảm được thơ chị có cái tình được nói một cách dung dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày vậy.
Tập thơ “Tình như chiếc lá” có 71 bài được chia làm 2 phần với hai chủ đề được khái quát đó là Đi qua nỗi đau và Cho những dấu yêu. Ngay tên gọi các chủ đề đã gợi cho người đọc thấy được hành trình đi từ mất mát, “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” (Chế Lan Viên) của người phụ nữ một mình tự khâu vá con tim rồi kiêu hãnh mang yêu thương đến hát với bầu trời.
Ở phần thứ nhất Đi qua nỗi đau với 29 bài thơ là 29 mảnh vỡ, 29 vết cắt của trái tim run rẩy đau mà ngân lên đủ cung bậc, trạng thái cảm xúc. Lê Huyền có tâm sự với tôi đó là vào khoảng đầu năm 2014, khi chị mất đi người chồng yêu dấu, đó là cú sốc lớn về tâm lý. Tôi nghĩ có thể vì không khóc được nên chị đã gửi những tiếng khóc của mình vào thơ. Còn phần thứ hai Cho những dấu yêu với 42 bài phải chăng chính là những gì chị nhìn thấy, nhận thấy cũng như cảm được ở phía cuối chặng đường khi đã đi qua nỗi đau ấy? Đọc “Tình như chiếc lá” ta thấy:
1. Người phụ nữ với trái tim khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc viên mãn nhưng lại phải chịu sự đứt gãy dở dang.
Người hứa nắm tay em đi hết cuối cuộc đời
Sao lại nỡ buông tay giữa mùa xuân nắng ấm.
(Hạnh phúc xa rồi)
Lúc trách móc người nhẹ nhàng nhưng thẳm sâu đang cắt cứa đớn đau như chính mình đang cảm được, quờ được:
- Người về bên ấy chiều đông
Bỏ ta ở lại lạnh lòng tuyết rơi
- Người về bên ấy lặng thinh
Bỏ ta với một chữ “Tình” vương mang
(Người về bên ấy)
Khi lại dằn lòng, nhủ lòng bớt chông chênh bằng cách đằm trong hoài niệm:
Cứ nhủ lòng…
Đêm… thôi đừng trăn trở
Đừng nhớ về hơi thở của người xưa
Đừng thở dài khi trời đổ cơn mưa
Đừng tiếc heo may khi thu về trên phố
(Thương về ngày cũ)
Chị viết để giãi bày lòng mình, ngay cả những bài viết cho con cũng là cái cớ để chị vơi bớt cô đơn mất mát, những vụn vỡ mình đang trải qua (Nói cùng con).
2. Hành trình đi tìm cho mình một lý do, một chút gì để bấu viu, để vá víu, để níu mình lại với đời.
Trên đoạn đường xuyên qua mất mát ấy, chị mượn những hình ảnh tươi sáng, đoàn viên, ấp ám như mùa xuân, hoa, hương sữa… rồi rạo rực, nồng nàn, thơm lịm… Để sống với cái đã từng có, cái tròn đầy rồi cuối cùng cũng phải quay về thực tại đứt gãy:
Tơ tình ta tha thiết
Đứt rồi anh tiếc không?
(Anh nợ em)
Có khi hoài niệm qua giấc mơ được điệp lại đến mức ám ảnh, khát khao:
- Anh lại về trong giấc mơ em
- Anh lại về cùng em đi giữa cánh đồng bát ngát màu xanh
- Anh lại về khi thị trấn vào thu
- Anh lại về rũ hết những thương đau
(Anh lại về trong giấc mơ của em)
Hiểu và buông:
Thu buông nốt chiếc lá vàng
Tôi buông tôi giữa trái ngang dòng đời
(Buông)
3. “Tình như chiếc lá” cho ta thấy cái vô thường của cuộc sống, từ đó điềm nhiên sống, hướng về phía ánh sáng, tương lai.
Không phải thời gian chữa lành vết thương, mà chính sự từng trải, những va đập, biến động khiến người ta muốn chết mà không thể chết ấy đã làm cho ta dần quen, trơ lì trước nỗi đau, chấp nhận, ngộ ra được quy luật mà nhà Phật gọi đó là vô thường:
Ta đi qua bóng đêm
Để biết trân quý hơn ánh bình minh rực rỡ
Đi qua những ngày bão tố
Thấy hết ngọt ngào của giây phút an yên
(Đi qua nỗi đau)
Hay:
Ta chỉ là cọng cỏ
Giữa ngút ngàn thảo nguyên.
Hiểu được quy luật cuộc đời:
Tình ta như chiếc lá
Lá rơi khi thu tàn
Tình ta như tia nắng
Nắng tan sau hoàng hôn
(Tình như chiếc lá)
Khi bão giông đi qua là chuỗi ngày nắng ấm
Ngoài kia én gọi xuân về!
(Khóc đi em)
Khi thấu hiểu đời như chiếc lá, lá về cội là để hồi sinh, tình như chiếc lá mỏng manh nhưng kiên cường. Lê Huyền đã lấy dấu yêu lấp đầy mất mát. Ta hãy một lần nữa cùng chị lấy tiếng hát thay cho tiếng khóc, tiễn biệt những mất mát đau thương bằng những câu thơ đầy tính nhạc:
Người ơi anh ra đi
Một chiều mây lang thang
Người ơi anh ra đi
Buồn ngàn năm em mang
…
Tình ơi sao chia li
Một trời mây âm u
Tình ơi sao chia li
Một đời ta tương tư
(Tình như chiếc lá)
Đọc đến phần 2 “Tình như chiếc lá” của Lê Huyền, ta liên tưởng đến “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn Mỹ O-Henri. Một chiếc lá mỏng manh qua giông bão vẫn kiên nhẫn treo bám trên thân dây trường xuân mỏng manh, kiên nhẫn bám trụ vào tường gạch. Đó là chiếc lá của sự hồi sinh, chiếc lá của tình yêu thương con người, chiếc lá vì yêu mà tồn tại. Vì yêu mà đánh đổi sinh mệnh cho sự hồi sinh khác…
4. “Tình như chiếc lá” là những tình cảm bình thường mà sâu bền, là sợi dây vô hình kết nối ta với đời sống. Đó là tình cảm gia đình, tình đồng nghiệp, tình cảm của người lính sau chiến tranh trong thấu hiểu, sẻ chia.
Cha nhận khuyết một đời
Cho con tròn trịa giấc mơ.
(Lời ru của cha)
Đi qua những mất mát đau thương, cái còn lại là sự đồng cảm, là tình người.
- Con lớn lên trong ngôi nhà không có đàn ông
Nội và mẹ dìu nhau đi suốt chặng đường giông bão
- Hai người đàn bà bên nhau lặng lẽ
Dõi mắt vào ngày mai…
(Ngôi nhà không có đàn ông)
Và xuân lại về, Em lại đắm say điệu múa Pồn Pôông, lại mời anh, gọi anh…
Về đi anh
Giọt sương long lanh trong buổi sáng mùa xuân ngọt như bờ môi thiếu nữ
Sẽ chẳng chờ anh lâu…
…
Bếp Mường em than hồng lửa đỏ
Xôi ngũ sắc em đồ thơm chín bậc cầu thang…
(Về đi anh)
Lê Huyền viết vài thể loại và đã có những thành công đáng kể với tản văn, truyện ngắn… Dù chưa được đào tạo nhiều về sáng tác nhưng chị đã được biết đến với các bài viết trên báo mạng cũng như báo giấy, (trước khi tham gia lớp bồi dưỡng “Sáng tác Văn học trẻ và Văn học miền núi” ở Thanh Hóa, Lê Huyền đã có tên tuổi trên các mặt báo). Đây là lần đầu tiên chị cho ra mắt bạn đọc một tập thơ.
Với 71 bài thơ như một sự khẳng định cho hồn thơ trữ tình, cho trái tim người phụ nữ. Nhắc đến thơ của các nhà thơ nữ, người ta thường liên tưởng đến cái nhẹ nhàng, sâu đằm, vị tha, hồn hậu… Nhưng với Lê Huyền thì bên cạnh chất nữ ấy là một bản lĩnh mạnh mẽ, tự trọng và chút kiêu hãnh luôn hướng về phía ánh sáng. Bắt nguồn từ trong cuộc sống nên thơ Lê Huyền không mang vẻ đẹp của bồn hoa, chậu cảnh mà là vẻ đẹp của non xanh nước biếc còn mãi với thời gian.
Tôi nghĩ Lê Huyền chỉ muốn tự sự nhưng lại kể bằng chính con tim, vì thế mà đọc thơ chị ta thấy thật trữ tình ấm áp.
Bằng việc sử dụng linh hoạt thể thơ 5 chữ, 8 chữ, thể tự do với câu dài ngắn khác nhau. Chính nội dung đã quyết định hình thức của các bài thơ cũng như cả tập thơ. Cũng có đoạn, bài Lê Huyền mượn thể lục bát truyền thống để nói lên cái dịu đằm, mượt mà của cảm xúc… Lê Huyền không khuôn thước hay chải chuốt câu chữ… Tất cả đều cho thấy sự tinh tế tự nhiên của ngôn ngữ lẫn ý tứ. Thơ chị có nhọc nhằn, mất mát đớn đau nhưng vẫn ánh lên niềm tin, hi vọng. Hay nói đúng hơn, Lê Huyền đã mượn thơ để khóc, để hát, để vá víu những mất mát, vượt lên chính mình để sống cho những dấu yêu và vì những dấu yêu mà sống.
Thành phố Thanh Hóa, tháng 7-2020
L.T.Đ