Khẩu khí xứ Thanh qua thơ Văn Đắc - Hỏa Diệu Thúy
Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó
thả lúc nào cũng vớt được tôi lên.
Lần đầu nghe Văn Đắc đọc Tôi người Thanh Hóa trong một hội thơ Rằm tháng Giêng, thật thích thú và ấn tượng, cũng định chia sẻ cảm xúc về bài thơ này từ lâu mà cứ… để dành, để dành (!) và bây giờ mới có cơ hội. Cảm xúc vẫn nguyên niềm yêu thích ấy. Tôi người Thanh Hóa giống như “tuyên ngôn” đầy xúc cảm của Văn Đắc về quê nhà, về nguồn cội và đó cũng là một tuyên ngôn đầy cá tính của một người am hiểu văn hóa quê nhà sâu sắc.
Này đây, một Thanh Hóa có vị trí địa lý như một pháo đài tự nhiên độc đáo: Phía Đông là biển/ Phía Bắc là dãy Tam Điệp/ Phía Tây là biên giới Lào Việt/ Phía Nam là núi Chẹt/ Toàn vần trắc/ Cao thấp chập chờn. Tác giả cho người đọc cảm nhận một không gian của thử thách: Đâu phải vần bằng mà tung tăng rong chơi! Song, đây cũng là không gian tự chủ, bị “nhốt” trong cái “khung” thiên nhiên vô hình, để thoát ra, vượt lên thách thức của tạo hóa, con người cần ý chí, nghị lực và nhất quyết không thể chùn bước. Phải chăng, không gian địa văn hóa ấy đã tạo nên tính cách, khẩu khí “xứ Thanh” đặc trưng: khỏe khoắn, bộc trực mà cũng vô cùng lãng mạn!
Tôi không lẫn vào ai được
chỉ rặt một máu Thanh Hóa mẹ cha tôi.
Mặc dầu chủ thể trữ tình xưng “tôi” nhưng là cái “tôi” mang tính phổ quát đại diện, cái “tôi Thanh Hóa” ngang tàng, ngạo nghễ: Cái khuôn đúc sẵn của trời/ Đã xoay đủ cách vẫn trồi tôi ra. Tính cách xứ Thanh ở đây hiển hiện khí chất mạnh mẽ ngút ngàn: Cười như tiếng Trạng Quỳnh cười/ Khóc như tiếng khóc núi Nhồi Vọng Phu/ Vượt vời cất tiếng hò dô/ Dọc ngang rạch đất, dựng bờ làm sông (…) Thích thì vác đá xây thành/ Uất thì chọc thủng trời xanh mà cười… Trong liên tưởng, bắt gặp ở đây hình ảnh khỏe khoắn, rắn rỏi của chàng trai sông Mã xưa: Sóng to thì mặc sóng to/ Ta đẩy con đò quyết vượt sóng lên/ Chớ thấy sóng cả mà lo/ Sóng cả mặc sóng chèo cho có chừng (Hò sông Mã). Hậu duệ của họ trong những trang thơ hiện đại Thanh Hóa thì vô số: Ơ những người!/ đen như mực/ đặc thành keo (…) chân bọc sắt/ mắt khoét thủng đêm dày (Nhớ máu - Trần Mai Ninh); Tóc râu trùm/ vai rộng/ râu ngược/ chào nhau bên vách núi (Đèo Cả - Hữu Loan); Cỏ đã lấp ai còn nhìn thấy nữa/ chiếc xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn/ ai thấy nữa ông già đầu bạc xóa/ đẩy xe thồ ngang dọc lũng Tà Cơn (Cầu Bố - Nguyễn Duy), v.v… Trong ứng xử đời thường vẫn thấy tính cách ngang tàng, mạnh mẽ ấy bộc lộ qua vẻ tự tin, nam tính và lãng tử này: Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo mới/ Tôi mặc đồ quân nhân/ Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân/ Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo (Màu tím hoa sim - Hữu Loan); Nắng tắt mà người không đến/ anh ngồi rót biển vào chai (Biển vắng - Trịnh Thanh Sơn). Người đàn ông kẻ bể - cha của chủ thể trữ tình ở đây cũng vậy, có thể thấy bản lĩnh của kẻ quen dọc ngang trong hình ảnh lặng lẽ này: Những tấm súc tơ vàng gói vuông bỏ vào đẫy nải/ Cha tôi quẩy lên vai, đi trẩy Hải Phòng, Nghệ An/ bán cho ngư dân suốt dọc bãi bể chân trời.
Cũng thật lạ, Thanh Hóa sở hữu cùng lúc những biểu tượng đặc sắc về những nét tính cách, khí chất rất khác nhau: cứng cỏi, cương trực như thần Đồng Cổ, Mai An Tiêm, Bà Triệu…; Lại mơ màng, lãng tử coi vinh hoa phú quý như giấc mơ như Từ Thức, thăm thẳm trông chồng đến hóa đá như nàng Vọng Phu! Dường như cũng từng suy ngẫm về điều đó, tác giả thốt lên ngỡ ngàng: Xứ này vừa thật vừa mơ/ rất người mà rất “bay choa” mới tài. Muốn tìm hiểu mảnh đất Thanh Hóa và người Thanh Hóa phải nhận ra điều này.
Tôi người Thanh Hóa giúp người ta nhận ra khẩu khí một vùng đất, khẩu khí ấy không giống với âm hưởng da diết, nhẫn nhịn của xứ Nghệ, xứ Huế cùng dải đất miền Trung. Khẩu khí xứ Thanh bộc trực, hồn nhiên, cứng cỏi, sôi nổi và khoáng hoạt. Xứ Thanh từ thuở sinh thành đã dần hội tụ mạch văn hóa vừa tài hoa, lãng mạn vừa tự chủ, hào hùng: Cánh chim lạc bay rợp trời buổi sớm/ Trống đồng lăn theo mặt trời lên/ không ở đất liền thì ra đảo/ Mai An Tiêm sinh hạ những mùa dưa/ bầy trẻ nít xứ Thanh hay chơi trò kéo co/ đó là giấc mơ đọ sức cùng sóng gió/ bổ lát sóng xanh mở ra lòng dưa đỏ/ bao dải cát vàng sắc lẻm lưỡi dao… Đất và người Thanh Hóa như thế đấy! Điều thú vị là tác giả diễn đạt những đặc sắc ấy bằng liên tưởng rất xa tạo những hình ảnh, hình tượng sắc sảo, bất ngờ: làn sóng biển trong những đường vằn của vỏ dưa, lưỡi dao sắc lẻm trong hình ảnh dải cát vàng mịn dưới ánh mặt trời… Nơi ấy, thiên nhiên và con người hòa quyện vào nhau, cộng sinh và thăng hoa, vì vậy, kiên cường và bền vững.
Kháng chiến đến, hai cuộc kéo dài một mạch suốt ba mươi năm đủ cho bốn năm thế hệ trải nghiệm, với khí chất xứ Thanh có thể hình dung ra sự gan góc: Giặc bỏ bom ngang/ Ta xây làng dọc/ Giặc bỏ bom dọc/ Ta dựng làng ngang… (Làng sơ tán). Dốc toàn lực cho kháng chiến, nhân tai và thiên tai, khiến mạch đất từng khởi phát bốn triều vua, hai dòng chúa có lúc rơi vào giai đoạn khó khăn đến nỗi thành thương hiệu “ăn rau má phá đường tàu”(*). Văn Đắc không né tránh thực tế ấy: Người ta nói/ dân Thanh Hóa là dân rau má. Thì đã sao: Rau má là tôi là anh/ cứ xanh mắt lá hiền lành là ta. Đó là khẩu khí, khẩu khí tự tin của kẻ tự biết mình. Khẳng định mình gốc “rặt” Thanh Hóa là đã biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình lắm. Từ “rặt”, phương ngữ xứ Thanh chỉ nguyên khí, nguyên trạng một thứ gì đó, không bị lẫn lộn, pha tạp dù rất nhỏ (rặt cá, rặt tép, rặt ngô, rặt khoai…), nếu được dùng để nhấn mạnh tính chất nòi giống thì còn ngầm bộc lộ thái độ tự hào (rặt nòi). Khi bị thiên hạ dè bỉu, coi thường, nhận là người Thanh Hóa đồng nghĩa với lòng tự trọng bị tổn thương, ấy vậy mà vẫn lớn tiếng: “tôi người Thanh Hóa” thì đó là một thứ dũng khí. Bởi dù là nguồn cội nhưng mấy ai tự hào về gốc gác “ăn rau má, phá đường tàu”? Đâu có như đất Kẻ Chợ kia, dù chẳng ra sao cũng vẫn tự hào: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Đó là chất “Thanh Hóa”, là khẩu khí Thanh Hóa. Hồn vía của núi cao, sông sâu, âm hưởng của khánh đá, trống đồng đã hun đúc nên khẩu khí tự tin, hào sảng đến vậy.
Văn Đắc có xu hướng đẩy hình ảnh cụ thể thành biểu tượng, tư duy phân tích, khái quát khiến hình ảnh, hình tượng thơ luôn hướng tới tính đại diện với những suy tưởng triết lý. Dòng sông, con đường, thành phố, thị xã, thậm chí bé nhỏ như hạt phù sa, tiếng con chim sáo… vào thơ Văn Đắc cũng thành biểu tượng: Bao giờ anh về miền xuôi/ Đứng trước vô cùng biển sóng/ Nhìn hạt phù sa đỏ thắm/ Lòng anh lại nhớ ngọn nguồn (Phù sa). Phù sa thành ngọn nguồn, phù sa là em, phù sa thành thương nhớ… Xu hướng biểu tượng hóa cũng là một thứ khí chất. Thích biểu trưng, khoáng hoạt, không thích đơn lẻ, tầm thường, âu cũng là khí chất trượng phu. Thế mà có lúc tính cách ấy cũng biết sợ, thậm chí là “kinh sợ” khi thú nhận điều này: nỗi kinh sợ nhất mà tôi bắt gặp/ là khi mình không viết nổi một câu thơ! Khí chất tài hoa, tài tử là đây, kẻ trượng phu khác biệt với kẻ phàm phu là đây. Kẻ phàm phu chỉ biết dùng sức mạnh, kẻ trượng phu biết cúi đầu trước cái đẹp, trước nỗi đau và sự thiện lương. Không làm được thơ là không còn biết rung cảm, là vô cảm trước bước đi của tạo hóa, trước nhịp sống của muôn loài chứ gì. Đó là nỗi sợ của kẻ ham sống, ham yêu, ham chinh phục và hưởng thụ. Dĩ nhiên, là sự hưởng thụ tinh thần. Xin chia sẻ với thi nhân tâm trạng yếu đuối này: Ngồi viết/ mực chảy tấm tức/ tình chết trong giấy/ ý chết trong lời/ chữ chỉ còn cái xác/ hát cũng không xong/ cười càng thêm nhạt/ khóc thì hóa người yếu đuối/ ta đành thả bút tiễn đưa ta/ Ôi!/ cái nỗi muôn đời thi sĩ/ luôn có cuộc đưa tang trong khoảng trống tâm hồn (Khoảng trống). Xin chép cả bài thơ vì đó là một mạch của tâm trạng bất lực thơ, thú nhận “khoảng trống” tâm hồn, thú nhận tự “tiễn đưa ta” khi ngòi bút “tấm tức” khóc! Ơ, đây lại cũng là bản lĩnh, bản lĩnh thi sĩ. Nhà thơ Thanh Hóa này đúng là mang khí chất Thanh Hóa “rặt”, đến làm thơ, đến khóc cười cũng là khẩu khí mẹ cha ban!
Thanh Hóa, mùa hoa gạo, Tân Sửu
H.D.T
(*) Cụm từ mới xuất hiện gần đây, diễu Thanh Hóa nghèo khổ. Thậm chí, còn có bài vè dân gian mới: Khu Bốn đẩy ra, khu Ba đẩy vào, định đẩy sang Lào nhưng Lào không nhận…