Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Định vị văn học trẻ xứ Thanh trong dòng chảy sôi động của VHNT Bắc miền Trung - Bùi Hương Thảo
Định vị văn học trẻ xứ Thanh trong dòng chảy sôi động của VHNT Bắc miền Trung - Bùi Hương Thảo

1. Vài nét khái quát về VHNT Bắc miền Trung
Quả thực, xuyên suốt tiến trình vận động và phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) của cả nước, không thể phủ nhận vai trò và những đóng góp quan trọng của VHNT địa phương nói riêng, khu vực nói chung. Nhìn lại chặng đường 20 năm (từ năm 2000 đến nay), sự phát triển của VHNT 6 tỉnh Bắc miền Trung (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) là minh chứng sinh động. Dẫu rằng, VHNT mỗi địa phương đều mang nét đặc trưng riêng biệt, phản ánh đậm đặc hơi thở cuộc sống tại nơi mà nó được sinh ra và nuôi dưỡng. Thực tế vận động và phát triển cho thấy, VHNT Bắc miền Trung đã tạo nên sự giao thoa, kết nối hài hòa, bền chặt trên tinh thần tôn trọng và sát cánh bên nhau cùng hướng đến sự phát triển. VHNT Bắc miền Trung vừa làm nổi bật văn hóa vùng miền, vừa làm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đời sống VHNT Bắc miền Trung có sự tổng hòa nhiều gương mặt, đại diện cho những sắc thái văn hóa vùng, miền khác nhau. Tất cả những nét đặc trưng tiêu biểu, mang đậm dấu ấn vùng miền ấy đã góp phần làm nên diện mạo, đời sống VHNT Bắc miền Trung đa dạng, độc đáo và phát triển. 
Trong mạch nguồn sáng tạo đa sắc, đa thanh ấy, trên tinh thần kế thừa và phát huy giá trị bản sắc văn hóa địa phương, bằng tài năng, sức sáng tạo, nhiệt huyết, năng động và đặc biệt nhạy bén với cái mới, lực lượng sáng tác trẻ đã xác lập vị trí, dấu ấn đậm nét, độc đáo, góp phần làm nên diện mạo, đời sống VHNT Bắc miền Trung. Lực lượng sáng tác tác trẻ mà chúng tôi đề cập ở đây giới hạn từ thế hệ 7x đến nay. Chiếu theo giới hạn ấy, nhắc đến lực lượng sáng tác trẻ khu vực Bắc miền Trung, chúng ta có thể điểm mặt gọi tên một số tác giả tiêu biểu, đại diện cho VHNT từng địa phương như: Thy Lan, Nguyễn Thanh Tâm, Ngân Hằng, Phạm Tú Anh,… (Thanh Hóa); Kha Thị Thường, Nguyễn Thị Luyến, Lê Thanh Nga,… (Nghệ An); Trần Nam Phong, Trần Hải Vân, Trần Quỳnh Nga, Trần Thị Ngọc Mai, Nguyễn Thị Hạnh Loan,… (Hà Tĩnh); Lê Na, Phạm Hương Duyên, Hoàng Thụy Anh,… (Quảng Bình); Phạm Minh Quốc, Hoàng Công Danh,… (Quảng Trị); Lê Vũ Trường Giang, Lê Minh Phong, Nhụy Nguyên,… (Huế). Những gương mặt văn học ấy vừa mang nét đặc sắc, độc đáo riêng của bản sắc vùng, miền nhưng tựu chung lại đều có điểm tương đồng: Đó là nỗ lực khám phá, tìm tòi, khao khát hướng đến sự mới mẻ, sáng tạo.
2. Văn học trẻ xứ Thanh - “Một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng”
Nếu ví văn học nghệ thuật (VHNT) Bắc miền Trung là mạch nguồn sáng tạo đa sắc, đa thanh thì văn học trẻ xứ Thanh tựa hồ như một nhánh phù sa màu mỡ, vừa rất đỗi thân quen vừa biết tự làm mới mình trong những nỗ lực phát triển không ngừng nghỉ. Thanh Hóa là tỉnh có đội ngũ sáng tác hùng hậu, văn nghệ sĩ vừa mang một “cá tính xứ Thanh” rất chung nhưng cũng rất riêng trong một cá tính sáng tạo độc lập. Tuy nhiên, khác biệt nhưng không hề dị biệt, một mặt, văn học trẻ xứ Thanh luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của VHNT tỉnh nhà, khu vực và cả nước; mặt khác, họ luôn nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh, cá tính sáng tạo nhằm tự khẳng định, định vị mình giữa một vườn hoa sáng tác đa sắc, đa hương. 
Những năm gần đây, xu hướng vận động và phát triển của văn học xứ Thanh cho thấy nỗ lực bứt phá mạnh mẽ của các cây viết trẻ. Với tuổi đời từ 16-40 tuổi, họ thực sự là nguồn kế cận đáng quý giữa bối cảnh khan hiếm lực lượng sáng tác trẻ tại các Hội VHNT địa phương.
Để khắc phục tình trạng “tre già nhưng măng chưa mọc”, Hội VHNT Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển hội viên, phát hiện và bồi dưỡng các cây viết trẻ. Hội thường xuyên tổ chức những lớp học bồi dưỡng sáng tác trẻ, mời những giảng viên là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình nổi tiếng cả nước về truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm sáng tác. Đồng thời, các lớp học này tạo ra môi trường giao lưu, kết nối, học hỏi giữa những cây viết trẻ thúc đẩy nhau cùng phấn đấu trên con đường sáng tạo nghệ thuật. 
Nhận thức sâu sắc văn học trẻ là “phù sa”, là “làn gió mới” góp phần tạo nên sức hấp dẫn, phong phú, đa dạng trong đời sống VHNT tỉnh nhà, trong những năm qua, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Thanh Hóa, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh vẫn cùng lúc làm tốt hai nhiệm vụ song song. Đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị như bất kỳ cơ quan báo chí trong tỉnh vừa làm tốt vai trò “bà đỡ” cho tác giả, tác phẩm VHNT. Ấn phẩm ra mắt bạn đọc đúng kỳ hạn, không chỉ được đánh giá cao về chất lượng nội dung mà ở cả phương diện hình thức, tạo được sự hài hòa giữa các lĩnh vực VHNT, giữa các cây viết trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đóng vai trò quan trọng trên hành trình ươm mầm tài năng, kiến tạo nguồn, đội ngũ kế cận vô cùng gian nan, nhọc nhằn ấy. Đây là một trong số ít các tạp chí VHNT địa phương tổ chức tốt các diễn đàn, các cuộc thi sáng tác văn học, nhất là sáng tác văn học trẻ nhằm nâng cao chất lượng ấn phẩm, “đỡ đầu” cho các cây bút tài năng vươn mình trong hành trình sáng tạo. Với những việc làm thiết thực, hiệu quả ấy, đội ngũ sáng tác trẻ xứ Thanh không ngừng được củng cố, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tác giả trẻ đang dần khẳng định mình trong đời sống VHNT xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung: Thy Lan (lý luận phê bình); Phạm Tiến Triều, Việt Hưng, Lê Hương, Lê Đáng, Hạnh Lê (thơ)…; Ngân Hằng, Minh Thúy (truyện ngắn, bút ký)… Đây là bước đi đúng và kịp thời, thể hiện vai trò, năng lực và tầm nhìn của tạp chí hướng tới mục tiêu củng cố, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ vững mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển của VHNT trong thời kỳ mới.
3. Vì sự phát triển của văn học trẻ xứ Thanh
Trong bối cảnh hiện nay, với những ưu thế vượt trội của mình, văn học trẻ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Văn học trẻ nói chung, văn học trẻ xứ Thanh nói riêng vẫn chưa thực sự tạo nên được sức bật mạnh mẽ, chưa có được tác phẩm lớn xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà. Một số cây bút vẫn loay hoay đi tìm câu trả lời: “Đây là đâu và tôi là ai?”, vẫn giới hạn mình trong những khuôn khổ, hiểu biết chật hẹp, nửa vời, hời hợt về biến chuyển của đời sống xã hội, đời sống VHNT, thiếu nhạy bén với hơi thở của thời đại. 
Một bộ phận người sáng tác trẻ không giữ vững được mình trước sức hút của thị trường, nóng vội muốn khẳng định, xác lập hệ giá trị của mình mà dần dần tự đánh mất mình. Sự dễ dãi, ồ ạt, tung hứng ở những không gian sáng tác mở như: Mạng xã hội, các CLB, diễn đàn, hội, quán... nhiều khi đã “chiều hư” các cây viết, khiến họ dễ rơi vào trạng thái “ảo tưởng”, nhận thức chưa thực sự đúng đắn về hướng đi, phát triển với nghề. 
Mặt khác, lực lượng sáng tác trẻ thiếu sự chuyên tâm, đào sâu, máu lửa với nghề. Phần lớn họ là nguồn nhân lực đang công tác tại nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác trong xã hội. Họ có niềm đam mê, có tài năng, tâm huyết nhưng nhiều khi bị chi phối bởi các yếu tố tâm lý, thời gian, công việc... nên thiếu sự đầu tư dài hơi, bài bản, chuyên nghiệp… 
Để khắc phục tình trạng “tre già nhưng măng chưa mọc”, nhằm phát triển hơn nữa đội ngũ văn học trẻ, soi chiếu vào những gì mà tỉnh Thanh Hóa đã làm được, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp:
- Mở các lớp học bồi dưỡng, trại sáng tác trẻ, mời những giảng viên là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình nổi tiếng cả nước về truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm sáng tác. Đồng thời, các lớp học này tạo ra môi trường giao lưu, kết nối, học hỏi giữa những cây viết trẻ thúc đẩy nhau cùng phấn đấu trên con đường sáng tạo nghệ thuật. 
- Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tiếp tục làm tốt vai trò là “cánh tay nối dài” của Hội VHNT, “bà đỡ” cho các cây viết tiềm năng trên tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo hơn nữa cả về nội dung, hình thức ấn phẩm và cách thức hoạt động.
Quan trọng hơn tất thảy, bản thân mỗi văn nghệ sĩ cần nhận thức sâu sắc sứ mệnh cao đẹp, trách nhiệm lớn lao của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Có như vậy, văn học trẻ mới thực sự phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh; từ đó tạo động lực phát triển, gặt hái thành công, từng bước khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế và đóng góp của mình trong sự phát triển VHNT Bắc miền Trung nói riêng, VHNT cả nước nói chung.
                                                                                 

 B.H.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 144
 Hôm nay: 7981
 Tổng số truy cập: 12853271
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa