Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Người ra đi văn chương còn mãi - Trịnh Vĩnh Đức
Người ra đi văn chương còn mãi - Trịnh Vĩnh Đức

Chu Văn Sơn mất ngày 18 tháng 4. Cứ đến ngày này, hình ảnh một nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học xuất sắc Chu Văn Sơn cứ ám ảnh tôi đến kỳ lạ. 
Chu Văn Sơn quê Đông Hương, thành phố Thanh Hóa. Anh học cấp 3 tại trường chuyên Hàm Rồng. Anh là người thông minh, học giỏi. Với giải đặc biệt trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Văn toàn quốc đã làm thán phục bao thế hệ học trò cả nước. Trên con đường văn nghiệp, ngoài công tác giảng dạy tại trường đại học Sư phạm Hà Nội, anh là nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học xuất sắc.
Tôi thân tình với anh, đã được anh tặng cuốn sách “Ba đỉnh cao thơ mới” xuất bản năm 2003. Một tác phẩm lấp lánh giá trị nghệ thuật trên văn đàn. Anh hồn hậu và chân tình lắm. Anh biết tôi hay làm thơ. Nên mỗi lần tôi nhờ anh góp ý, anh rất nhiệt tình. Những ý kiến của anh làm bật lên những dòng cảm xúc thật ấn tượng sâu sắc. Từ trong sâu thẳm của bao người, anh chính là một nghệ sĩ đích thực trong làng văn nước nhà. Quan điểm của anh, khi tìm ra chân lý lẽ phải trong nghiên cứu, lí luận phê bình bao giờ cũng dấn thân để tìm hướng đi đã chọn, dẫu còn có nhiều ý kiến khác nhau về học thuật. Tôi nhận thấy những tinh hoa phát tiết trong anh đã thực sự quyến rũ mọi người bằng cái tài sử dụng yếu tố liên văn bản, trong cấu trúc ngôn ngữ và trong điểm nhìn nghệ thuật.
Say mê cái đẹp vốn là bản năng mà Chu Văn Sơn thể hiện từ ngòi bút trong hành trình tìm cảm hứng sáng tác. Đã có nhiều người cùng chung quan điểm này. Cái đẹp thường nảy sinh từ bản chất của đời sống văn học, được hình tượng hóa qua tác phẩm văn chương. Với Chu Văn Sơn, văn chương là thế giới muôn mầu, là điệu hồn muôn điệu của những thanh âm cuộc sống đã được người nghệ sĩ tài năng phát hiện, căn chỉnh, xếp đặt ngôn từ đúng giọng điệu, đúng thang bậc tần suất để phát ra thứ âm thanh bằng ngôn ngữ rung động, quyến rũ lòng người. 
Trong sáng tác, xuất phát từ quan điểm nhận thức về cái đẹp, say cái đẹp đến khát khao, Chu Văn Sơn như con ong cần mẫn hút nhụy hương để kết tinh cho đời một thứ văn chương không dễ gì để có. Đó là tinh hoa của trời đất, tinh hoa của tạo hóa ban tặng con người. Lòng đam mê trong sáng tạo nghệ thuật đã đưa Chu Văn Sơn xứng đáng hòa nhịp với những nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam, tiếp cận đỉnh cao của thế giới nghệ thuật đương đại. Anh đã tìm đến những triết lí mỹ cảm nhằm tiêu hao cái xấu để đưa cuộc sống nhân bản tốt đẹp hơn. Từ quan điểm ấy, trong thế giới văn chương của anh cũng rất rõ ràng. Khi yêu cái đẹp, phải tự tìm đến, mới tìm thấy ánh sáng thú vị của nó. Anh từng tâm sự: “Cuộc đời ngắn lắm như một giấc mơ nếu đi được đến đâu thì cứ đi...”. Anh đã đi nhiều nơi khám phá các vẻ đẹp từ hoang sơ đến hiện đại. Đi đến đâu cũng nhận ra căn cốt, sức sống tiềm ẩn đầy bí hiểm, để rồi mang lại niềm hạnh phúc ngọt ngào qua những trải nghiệm. Sau nhiều năm với vai trò là giảng viên đại học, anh đã chắt chiu từng con chữ, thấm ngấm những ý tưởng hay trên lĩnh vực học thuật, đưa ra những quan điểm nhìn nhận về văn chương cho những nghiên cứu minh triết của mình. Kết quả đã được giới học thuật xem anh như một hiện tượng sắc sảo trong lý luận phê bình, và những lớp học trò anh dạy khá tâm phục, coi anh như thần tượng. Những kiến giải về văn chương nói chung, trong nghiên cứu, lý luận phê bình, các tác phẩm văn học nói riêng đã nói lên tài năng, cá tính sáng tạo của anh. Yếu tố này đã tạo nên một phong cách Chu Văn Sơn với văn chương như một nghệ sĩ tài năng đích thực.
Từ gia tài kiến thức qua nhiều năm học tập, giảng dạy, nghiên cứu thể nghiệm, Chu Văn Sơn đã xuất bản tác phẩm mang tầm vóc “Ba đỉnh cao thơ mới” được dư luận đánh giá là ba đỉnh cao của rặng Thái Sơn trong thế giới văn chương. Tác phẩm được Chu Văn Sơn nghiên cứu khá công phu, sắc sảo về ba thi sĩ lớn của mọi thời đại: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử. Trong cách nhìn nhận và đánh giá lối văn anh viết tài hoa đến ngạc nhiên. Mỗi điểm nhấn trong văn chương, có tâm hồn và trí lực, có sự ngẫu hứng đến kì lạ trong cách viết lôi cuốn người đọc. Văn anh không những biểu hiện hồn thi sĩ, có những mảng mầu của hiện thực đời sống sinh động mà nhẹ nhàng thấm dần vào những góc khuất, những mặt trái của xã hội, để rồi hội tụ toát lên một nét đẹp kiêu sa rạng ngời, tỏa sáng, nhân văn. 
Đáng chú ý lối viết văn của anh, từ câu mở đầu đến câu kết thúc luôn toát lên hồn cốt, thần thái, bố cục chặt chẽ. Khi viết về chân dung tác giả văn học, chân dung nghệ thuật, điểm chạm ngay từ dẫn luận ngắn gọn, sức gợi lớn dẫn dắt người đọc đi dần tới cõi đam mê. Có khi pha chút kí chân dung nhưng chỉ là điểm thêm son phấn để toát lên những điều cốt lõi mà anh thể hiện cho điểm chính của vấn đề nêu ra.
 Với những giá trị văn chương vang bóng “Ba đỉnh cao thơ mới” thực sự là đỉnh cao trong nghiên cứu lý luận - phê bình thơ mới của anh. Chu Văn Sơn là người nhạy cảm, tinh tế, được xem như là tác giả phê bình văn học đã tiếp nối được những nét sắc sảo, diệu hoạt của nhà phê bình Hoài Thanh. Qua những trang viết máu thịt, anh còn là cây bút giàu mĩ cảm, góp tiếng nói cho thi pháp học hiện đại có thêm hương vị mới cho nền văn học nước nhà. Văn chương Chu Văn Sơn thâm nhập sâu vào thế giới nội hàm của nghệ thuật để tìm thêm nguồn sáng mở đường cho những phát kiến tinh mà lạ, sắc sảo và lan tỏa. Đáng chú ý, anh gọi “Xuân Diệu” là mới nhất “thi sĩ của tình yêu”, “tù nhân của chữ tình”; Nguyễn Bính là “quen nhất”; Hàn Mặc Tử là “lạ nhất”, “chàng thi sĩ khao khát cái tột cùng”; Hoàng Cầm là “gã phù du Kinh Bắc”; Nguyễn Duy “thi sĩ của thảo dân”; Thanh Thảo “nghĩa khí và cách tân”; Trúc Thông “ngọn đèn xanh trong xứ mơ hồ”; Xuân Quỳnh “cánh chuồn trong giông bão”… Đặc biệt khi bàn về thơ mới, Chu Văn Sơn đã chưng cất thành sản phẩm cái đẹp của văn chương. Trong cách đánh giá để tìm ra đối chứng cho minh giải của mình rất giàu năng lượng. Bút pháp tinh tế từ các điểm nhìn chân dung nghệ thuật đã kí thác tâm hồn mình cho văn chương Việt Nam tạo nên một hiệu ứng mới trong sáng tạo. Nếu nói Chu Văn Sơn là nghệ sĩ của văn chương hoàn toàn đúng. Những nét phiêu bồng trong con người anh luôn dự báo những điều sẽ đến trong dự cảm như có gì xuất thần. Chính vì thế trong nhận diện đối tượng văn học, anh có con mắt xanh như có lửa trong thẩm bình văn bản nghệ thuật. Chả thể mà Chu Văn Sơn đã khẳng định và cho rằng: “Thế giới” thơ Xuân Diệu là thế giới của “chữ tình”. Thế giới nghệ thuật của thi sĩ trữ tình là một hệ thống gồm ba hình tượng cơ bản: “Tôi - Em - Thế giới”. Theo Chu Văn Sơn: “Tôi” là một tình nhân - “Em” là một “giai nhân” còn “thế giới” là một “mảnh vườn tình”. Cái cách cảm nhận đưa đến những lí giải xác đáng thể hiện sự cao tay trong cách phê bình theo kiểu diễn dịch, đồng hiện đan cài. Với anh, thi sĩ Nguyễn Bính là điệu tâm hồn của làng quê nên hình tượng giai nhân có cả chất quê, từ con người đến cảnh vật đều hàm chứa thế giới dân gian đậm đặc. Ta thường thấy tiếng tơ lòng của Nguyễn Bính mỗi khi rung ngân được thể hiện qua cách thẩm bình sáng tạo của Chu Văn Sơn khá giàu cảm xúc, với một điệu hồn xúc động cung bậc “hồn quê”. Ta biết Nguyễn Bính là nghệ sĩ kế thừa cái đẹp của văn vần dân gian sáng tạo tài năng. Thơ ông như người tình làm cho nhiều người phải lòng trong đó có Chu Văn Sơn. Chính vì vậy mỗi khi văn sĩ họ Chu rung bút thì hàng ngàn lớp sóng ngôn từ trong thơ Nguyễn Bính hiện lên lung linh cùng cái đẹp. Nó đã tạo nên một không gian nghệ thuật đầy sắc thái trong vườn xuân ngập tràn hương vị. Khi nói về vẻ đẹp ngôn từ tiếng Việt trong thơ Nguyễn Bính, Chu Văn Sơn viết “Người nghệ sĩ ngôn từ chân chính nào muốn làm giàu ngôn ngữ của mình bằng việc nắm cho được cái thần, cái hồn của tiếng mẹ đẻ, nắm cho được cái phép tinh luyện ngôn từ của cha ông thì ở lối đi này Nguyễn Bính là một tấm gương lớn”.
Có thể nói, Chu Văn Sơn đã dành nốt chính và nốt hoa mĩ cho văn chương để đánh thức những gì tinh hoa nhất mà các tác giả thơ mới thể hiện. Vì thế anh xem thi sĩ Hàn Mặc Tử là chàng thi sĩ khao khát cái tột cùng, một tiếng thơ nhiều bí ẩn, một đời thơ khác lạ, một chí hướng phi thường. Một linh hồn thanh khiết với vẻ đẹp trinh khiết mà xuân tình. Từ những ảo diệu trong hồn thơ của thi sĩ họ Hàn, Chu Văn Sơn đã có cuộc hành hương về Vĩ Dạ để tìm ra vẻ đẹp nguyên trinh của “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, của “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”, của “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Xa hơn, theo mạch cảm xúc chảy dài bất tận, Chu Văn Sơn đã hé lộ một phép thuật khá cao tay trong cảm nhận “Mùa xuân chín”. Anh gọi “mùa xuân chín” là tiếng thơ thuộc loại trong trẻo nhất nhưng cũng đầy bí ẩn nhất đã bước vào thế giới nghệ thuật với một biểu hiện giao tình độc đáo. 
Điều tôi muốn nói ở trên chính là những điểm mạnh mà Chu Văn Sơn thường dùng cho lối viết tiểu luận phê bình văn học. Đây là một trong những điểm đáng chú ý nhất trong khả năng thiên phú của anh. Anh đã thấm nhuần câu nói của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, người có ảnh hưởng đến anh khá nhiều “Văn phê bình phải có văn, có giọng, không có văn có giọng làm sao chuyển tải được nội dung thuyết phục đến người đọc”. Vì vậy ngoài tác phẩm “Ba đỉnh cao thơ mới”, anh còn có tác phẩm “Thơ điệu hồn và cấu trúc”, các tản văn, các bài tùy bút đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả. 
Riêng mảng anh viết chân dung tác giả văn học, chân dung nghệ thuật, lối viết in đậm dấu ấn cá nhân, có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa nhận diện, phân tích, khái quát sắc sảo, thẩm bình văn chương tài hoa. Anh cho rằng mỗi một người nghệ sĩ phải quan niệm thẩm mĩ riêng về cái đẹp của văn chương. Từ đó mới chi phối hoàn toàn hoạt động kiến tạo thế giới nghệ thuật của mình. Không phải ngẫu nhiên mà anh có được phong cách thẩm bình độc đáo khi thẩm bình thơ Nguyễn Duy. Cái chính là tài năng của người nghệ sĩ. Anh đã nhận xét khá tinh: Lục bát Nguyễn Duy chính là “cây đàn hương hỏa”, thứ rượu của chúng sinh ẩn chứa dân gian ngàn năm. Đồng thời “Khắc chế cái khổ vượt lên trên cái khổ”, “đơn sơ mà kỳ diệu”. Mỗi một cách nhìn đánh giá, sức lan tỏa trường văn anh viết như dòng sông chở nặng phù sa, bồi đắp nên cánh đồng văn chương mầu mỡ. Giọng văn của anh ngọt mà sắc, tích hợp những câu chuyện ân tình sang trọng. Đặc biệt, các tác giả có thứ hạng của nền văn học Việt Nam hiện đại coi Chu Văn Sơn là người viết tùy bút có nét phong cách tương đối giống với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đôi khi ở một góc nhìn nào đó, đã học tập lối viết theo kiểu nhà văn Nguyễn Tuân. Đến Đà Lạt xứ sở của ngàn hoa, thâm sâu cổ kính, hoa lệ, văn chương của anh như tráng một lớp men lên cảnh vật làm cho cảnh vật lung linh biết nói. Tác phẩm tùy bút “Phận hoa bên lề”- “Ăng kor những đối cực của cái đẹp”, “Sơn Đoòng”. “Ở Đầm Vạc viết về cò”, “Lỡ hẹn với hoa ban”… vừa thể hiện giọng vừa thể hiện điệu khá nhịp nhàng, uyển chuyển. Trên cơ sở tìm được tứ hay, thể hiện cái tình và ý được nung chảy, thắp lên những vệt sáng văn chương. 
Có thể khẳng định, trong hành trình xuất chữ của mình, văn chương Chu Văn Sơn khá điển hình. Điển hình trong tư duy thế giới nghệ thuật, trong sự tri giác về sự vật và hiện tượng, đến độ tinh xảo có chất tài năng nghệ thuật. Không những góp thêm một phong cách phê bình văn học đậm thị hiếu độc giả mà còn khám phá những nhân tố nghệ thuật sắc sảo trước yêu cầu thẩm mĩ mà các yếu tố ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học đặt ra. Như một cái kết có hậu, tác phẩm “Tự tình cùng cái đẹp” là một minh chứng trong cuộc đời sự nghiệp văn chương của anh được bạn bè và những người yêu anh nhớ mãi. 
Cảm nhận về anh, tôi xem sự ra đi của Chu Văn Sơn như một cuộc dạo chơi. Anh sẽ không bao giờ mất, vì một lẽ “Người ra đi văn chương còn mãi” trong nỗi nhớ bao người.
                              

 T.V.Đ


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 145
 Hôm nay: 6180
 Tổng số truy cập: 12851470
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa