Vũ Tuyết Nhung, người đi tắt đến chiều sâu con chữ (Nhân đọc tập thơ Người thắp đêm của Vũ Tuyết Nhung) - Nguyễn Minh Khiêm
Lần đầu tiên tôi gặp chị. Lần đầu tiên tôi được chị tặng thơ, tập thơ: “Người thắp đêm”, tập thơ đầu tay của chị được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020. Chị là Vũ Tuyết Nhung, quê Nga Phượng, Nga Sơn, Thanh Hóa. Đọc hơn tám mươi bài thơ trong tập, tôi có cảm tưởng, đây không phải tập thơ đầu tiên của một người vừa xuất hiện trên sân thơ. Nhiều bài thơ của Vũ Tuyết Nhung nhập vào dòng thơ hiện đại với một tư cách, một tư thế, một tâm thế đàng hoàng, chững chạc. Từ thơ đến chữ, từ chữ đến nghĩa đều chín chắn, già dặn. Nhiều câu thơ làm ngỡ ngàng người đọc. Tư duy thơ, nội lực thơ Vũ Tuyết Nhung không cần phải đợi độ chín. Nó đã chín, đang chín. Hoa quả trong “Người thắp đêm” có hương, có sắc, có cá tính rất riêng của Vũ Tuyết Nhung.
Tên tập thơ rất gợi. Đọc hết tập thơ mới vỡ ra, “Người thắp đêm” không chỉ làm sáng lên những khoảng lặng, những nỗi niềm khuất lấp, những tâm trạng phía sau ngọn gió, mà nó là ngọn đèn thắp sáng một cõi lòng, một vùng thầm kín, bí ẩn của tâm hồn, nhất là tâm hồn mong manh, nhạy cảm, đa cảm của người phụ nữ đầy ẩn ức, đầy thúc bách của số phận, của hoàn cảnh. Trong trái tim của “Người thắp đêm” có rất nhiều cái chuông nhỏ đòi được rung động, rung lắc, rung ngân, rung chấn. Tất cả mọi ẩn khuất, mọi chìm sâu dưới đáy ký ức, đáy kỷ niệm, đáy hồi tưởng đều động cựa, đều muốn phát thành thanh âm. Cái thanh âm ấy dù trường độ, cao độ khác nhau, cung bậc khác nhau, tần suất khác nhau nhưng tất cả đều có một mẫu số chung, đó là mọi cảm thức, mọi dồn nén, mọi chứa đựng của con tim đều đòi được giải thoát, phải được cất cánh. “Người thắp đêm” là chỗ đứt gãy, là dư chấn, là sự phun trào của quá trình giải thoát ấy.
Ngôn từ của thi ca trong tâm hồn con người là những cánh chim, là những bông hoa, chiếc lá, là sóng, là gió, là ánh sáng. Một khi tất cả còn nằm trong tâm thức, tâm cảm, tâm trạng, dù sâu sắc đến đâu, mới lạ đến đâu, vi diệu đến đâu thì đó vẫn là sản phẩm nằm trong đáy sâu của trí tuệ, của trí tưởng tượng. Tất cả vẫn không âm thanh, không màu sắc, không mùi vị, không hình hài. Vẻ đẹp của ngôn từ, sức sống của ngôn từ, chiều sâu, chiều rộng, chiều cao của ngôn từ chỉ tồn tại, lay thức người đọc khi nó hiện diện trên mặt giấy. Vũ Tuyết Nhung đã làm được điều đó. Chị đem lòng mình, tình mình, trắc trở, éo le, thân phận, duyên phận, số phận, đáy sâu thầm kín của mình, của thơ trải lên mặt giấy. Vũ Tuyết Nhung bung ra, mở ra, vỡ ra. Bông lau có. Bông hồng có. Bông sen có. Dạ hương có. Hướng dương có. Vuông có. Tròn có. Góc cạnh có. Nó đậu vào ta. Nó cứa vào ta. Và ta nhận ra một Vũ Tuyết Nhung mới, trẻ trung, sung sức, tìm tòi, nội lực, sắc sảo.
Không biết bằng cách nào Vũ Tuyết Nhung bỏ qua được giai đoạn thơ kể, tả, tường thuật, liệt kê. Có nghĩa là tác giả bỏ qua được thứ thơ nhìn bằng mắt, bằng tai, cái giai đoạn mà các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học thường gọi là thơ mặt phẳng, thơ quay phim, thơ chụp ảnh. “Người thắp đêm” nhập ngay được vào thơ của trải nghiệm, của ký ức, của tâm trạng, của nỗi niềm, xúc cảm. Ta không nhìn thấy giai đoạn chung chuyển, giai đoạn cầu nối, giai đoạn lột xác giữa hai thời kỳ ấy, giai đoạn mà nhiều cây bút không vượt nổi.
Thơ Vũ Tuyết Nhung, không phải thơ nhìn bằng mắt. Hình như tất cả những gì cay đắng ngọt bùi chát chua, mặn nhạt của cuộc đời thấm vào chị sau bao nhiêu năm tinh lọc, gạn lặng nó thành dưỡng chất nuôi lớn duy cảm, mỹ cảm, nâng lên tầm thi cảm trong tâm hồn. Nó bồi đắp tâm hồn chị, lên men tâm hồn chị, thôi thúc tâm hồn chị. Thơ là sự phun trào của quá trình tích tụ, dồn nén ấy. “Người thắp đêm” rất giàu chất suy ngẫm. Ngó sen, Người đàn bà ngực lép, Đêm cô đơn, Sau những lời đau, Tắm đêm, Người đàn bà giặt đêm, Người đàn bà gấp áo, Tôi từ ruộng đất mà ra, Gọi tên ký ức, Em trốn vào trong cát… là loạt bài tiêu biểu cho chất suy ngẫm. Đó là loạt bài thơ nhìn bằng tâm, bằng trí. Thơ mang nguồn năng lượng từ bên trong tỏa ra. Thơ của nỗi niềm, của tâm trạng. Nó suy ngẫm về thân phận, thời cuộc, hạnh phúc, mất, còn, đau đớn, cay đắng, ngọt bùi.
Tất cả ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ là dấu ấn của trải nghiệm, kỷ niệm, ký ức. Đây là vùng lõi của thơ. Vũ Tuyết Nhung đã chạm được vùng lõi của thơ. Đáng mừng hơn, Vũ Tuyết Nhung không tìm cách diễn tả tâm trạng mà tìm cách lột tả tâm trạng. Chị tránh cho thơ những tiếng kêu của tâm trạng như đau lắm, buồn lắm, thương nhớ lắm, cô đơn lắm, lẻ loi lắm, nhức nhối lắm. Chị để cho hình ảnh, cho con chữ tự thành keo giữ người đọc, tự làm dao, làm mảnh gương, mảnh kính, lách tre, lách nứa khía vào lòng người đọc. Người đọc tự ứa nước mắt, tự chảy máu, tự đau, tự xót. Vũ Tuyết Nhung làm được việc không bằng ngôn từ to tát mà bằng những ngôn ngữ giản dị. Đó là tầm của người cầm bút. Không có tầm không làm được điều đó.
Tôi dừng lại rất lâu với bài “Bữa tối”. Chị viết:
Người đàn bà đã nấu ăn xong
Trải chiếu sắp bát dọn mâm
Bát của bà và bát của bao người khác
Những người đi xa chưa về
...
Bà dọn ra chia bát cho mọi người
Bát của cây, của hoa và của gió
Bát của con mèo đang ngủ
Bát của bóng và của mình
Tất cả quây quần đầm ấm chung mâm
…
Bà đứng dậy đi lấy thêm
Bát của tiếng thở dài.
Cứ tưởng Vũ Tuyết Nhung không phải đang làm thơ. Chị kể việc người đàn bà nấu ăn xong đi lấy bát. Mấy câu đầu rất thực. Mấy câu sau bắt đầu ảo. Câu cuối “Bát của tiếng thở dài” thì rất bất ngờ, rất tài hoa, rất giỏi. Nhưng rất thơ. Đích thực thơ. Cô đọng. Súc tích. Rất gợi. Từ những cái bát thực, đôi đũa thực, người thực, chỗ ngồi thực đến cái “bát của tiếng thở dài” thì Vũ Tuyết Nhung tạo một bất ngờ lớn. Một bước ngoặt lớn của “Bữa tối”. Một bước ngoặt của tư duy Vũ Tuyết Nhung.
Chị không chinh phục người đọc bằng miên cảm, mà chinh phục người đọc bằng thủ pháp nghệ thuật thơ, bằng cái ẩn chứa trong hình ảnh thơ, sự mở ra một cánh cổng khác của ngôn ngữ thơ. Chị biết cách diễn đạt cái thầm kín, cái thầm lặng, cái bên trong sâu sắc, ngắn gọn nhưng rất hiệu quả. Câu chữ dung dị, hiền dịu, không lên gân lên cốt. Điều cốt lõi là cái chị muốn nói bật lên đúng lúc nó cần bật lên, nó kết thúc đúng lúc cần kết thúc. Mượn ngó sen để nói về vẻ đẹp, về phẩm chất của người đàn bà chân lấm tay bùn, lam lũ, chịu thương chịu khó, nhưng tâm hồn cao đẹp, chị viết:
Ngập chìm trong những cặn bùn
Ngó trắng không thanh minh cho mình được nữa
Xung quanh tất cả đều tối
Những cơn gió cũng chẳng đến tìm
Chỉ người hái sen biết
…
Ngọt giòn
…
Dưới ấy
Lặng thầm
Anh có chịu cúi xuống tìm em?
(Ngó sen)
Tình kín. Thơ kín. Chữ kín. Ngó sen đẹp. Hồn thơ đẹp. Đôi khi ẩn dụ quen nhưng cái kết rất lạ. “Những mùa gió cũ” cũng có kiểu kết cấu lạ ấy. Mình hôn nhau mặc úa tàn hơi/ Nắm tay nhau chân trần lội suối/ Hút vào nhau hương sen cốm mới/ Gió thu về lá xoáy yêu đương… Rồi: Anh em tro than/ …/ Trên tay em những mùa gió cũ/ Hóa vòi rồng lốc xoáy chôn nhau.
Mấy khổ thơ không có một từ nào chia ly, không có từ nào xa cách, không có từ nào đổ vỡ. Nhưng đọc câu “Vòi rồng lốc xoáy chôn nhau” thì thông điệp rất rõ. Đã có một cái gì đó khủng khiếp xảy ra. Một sự đứt gãy. Một nỗi éo le. Một sự trắc trở. Hai nửa. Hai nỗi đau. Chị biết tiết chế cảm xúc. Chị không lạm dụng cảm xúc làm hoa văn, làm thính dẫn dắt người đọc, tạo mê cung trong câu chữ. Phải đọc nhiều, học nhiều, đúc kết nhiều, phải tu luyện nhiều mới đến được cái nghiêm cẩn, cái giản đơn ấy.
Ở “Người đàn bà gấp áo” Vũ Tuyết Nhung lại viết về một nỗi đau khác, nỗi đau nhói buốt của con tim. Đó là nỗi đau người đàn bà trẻ gấp áo của người chồng đã bỏ nàng đi sang cõi khác. Chị viết:
Những chiếc áo anh lâu rồi không mặc
Trên móc treo vẫn như mới may về
Bộ comple ngày cưới mình đã cũ
Em vẫn giữ gìn từng đường li
…
Quần áo đẹp sao anh không mặc
Quần áo sang sao anh để lại nhà
Tay trắng ra đi. Đường đông em ngã
Choáng đến tận giờ
Mỗi khi thắp hương
…
Trên bàn thơ
Mời anh về cùng với tổ tiên
(Người đàn bà gấp áo)
Không một từ chết. Không một từ mất. Không một từ đau. Không một từ nhói buốt. Nhưng người đọc thì rơi nước mắt, thắt tim. Phải bản lĩnh lắm mới làm chủ được ngòi bút. Phải già dặn lắm mới bình tĩnh dẫn dắt thơ đi êm dịu trên lưỡi cưa, lưỡi hái của tâm hồn rỉ máu được như thế. Không rên rỉ. Không rườm rà. Nhưng nỗi đau có gai, có rễ bấu víu vào tâm khảm người đọc.
Phải nói rằng, chất tài hoa đã xuất hiện trên ngòi bút Vũ Tuyết Nhung. “Em trốn vào trong cát” là một ví dụ:
Em trốn vào trong cát
Anh đổ cát vào bình thủy tinh
Đi đâu cũng cầm theo
Em nhìn dòng người đi lại trong chai
Cát muốn về với sông và biển
Đem chai theo sợ người khác thấy
Hoặc giống nhau có thể cầm nhầm
Anh đem chai về bọc trong lụa
Cho vào két sắt khóa mật khẩu
Lưu bằng yêu thương
Tối anh mở tủ lấy chai ra
Đổ cát lên tay và nắm chặt
Rồi xòe ra định ôm em vào mộng
Giật mình nhìn tay đã trống không
(Em trốn vào trong cát)
Có thể khẳng định, đây là bài hay nhất trong tập “Người thắp đêm”. Nó hội tụ được tất cả các yếu tố trữ tình, trí tuệ, triết lý mỹ cảm, vẻ đẹp thi ca sâu sắc. Một tình yêu đẹp là một tình yêu phải được tự do, phải được thăng hoa, phải được lan tỏa với cuộc sống tâm hồn đích thực. Cái đẹp sẽ chết, tình yêu sẽ chết bởi sự ích kỷ, hẹp hòi. Ai muốn chiếm đoạt tình yêu, chiếm đoạt cái đẹp bằng một tâm hồn bệnh hoạn, giam cầm nó trong một tâm hồn bệnh hoạn thì kết cục cái được hưởng chỉ là hai bàn tay trắng. Triết lý mỹ cảm, mỹ học của “Em trốn vào trong cát” là thế. “Cái đẹp, một phạm trù cơ bản trong mỹ học của chủ nghĩa Mác - Lênin” từ lâu đã khẳng định điều đó.
Không có những hư từ thì - và - là - mà - vô cùng - rất chi là; không có những thán từ, từ cảm ôi - ơi - tuyệt vời - vô cùng - vô tận. Nhạc điệu của thơ nằm trong ruột chữ. Thơ được nén chặt. Câu thơ được cô đặc đến mức tối đa. Chữ, hình ảnh được chọn lọc kỹ. Hồn thơ, ý thơ được cuộn vào bên trong. Nó là máu của chữ, tủy của chữ. Với bút pháp ấy, “Người thắp đêm” đã tìm được đường đi tắt đến chiều sâu con chữ.
Ở mảng thơ lục bát, câu chữ, vần điệu cũng được trau chuốt nuột nà hơn, luyến láy hơn. Chất thơ đằm hơn, êm dịu hơn. Có những bài, những câu trong “Người thắp đêm” mang hơi thở lục bát hiện đại. Câu chữ giàu ngẫm ngợi: Rức rưng bóng mẹ xa vời/ Bao năm chưa thốt được lời con thương (Thương nhớ ngày xưa), Bóng mình khuất giữa mênh mông/ Gối chung mà vẫn buốt lòng tìm nhau (Vẫn lòng tìm nhau), Tôi từ ruộng đất phèn chua, Đi tìm về những ngày xưa quê mình, Bí bầu khác giống chung tình, Thẳng băng như cột chống đình trăm năm/ …/ Trượt chân qua những cơn mê/ Đứng lên vịn bóng con đê tôi về (Tôi từ ruộng đất mà ra).
Chỉ trích dẫn mấy câu đủ thấy, với lục bát, Vũ Tuyết Nhung cũng rất trôi chảy, lưu loát, tinh khôn con chữ. Ta nhìn vào đấy thấy độ sâu, độ rộng của tri thức, thấy sự từng trải của cuộc đời, thấy cách nghĩ, cách cảm của một tâm hồn nhạy bén. Ngôn ngữ, chữ nghĩa ở mảng lục bát mượt, trơn, êm. Đây cũng là nguyên nhân mảng thơ lục bát trong “Người thắp đêm” không cứa vào lòng người đọc mạnh mẽ như mảng thơ tự do. Xét từ góc độ tác động mãnh liệt, ám dụ sâu sắc tới người đọc, mảng thơ tự do của Vũ Tuyết Nhung trong “Người thắp đêm” tạo được nhiều dấu ấn hơn.
Thơ Vũ Tuyết Nhung không phải thơ của cái bên ngoài nhập vào mà thơ của cái bên trong tỏa ra. Đó là hoài niệm, ký ức, trải nghiệm. Nó là nguồn năng lượng, là nguồn nguyên liệu quặng tâm hồn chi phối phần lớn hồn thơ Vũ Tuyết Nhung. Có hai mạch vỉa quặng chính chi phối “Người thắp đêm” của Vũ Tuyết Nhung. Mạch vỉa thứ nhất là thân phận, số phận, hình ảnh Người đàn bà; mạch vỉa thứ hai là hình ảnh: Cha, mẹ. Ngoài những bài Ngó sen, Người đàn bà ngực lép, Đêm cô đơn, Sau những lời đau, Tắm đêm, Người đàn bà giặt đêm, Người đàn bà gấp áo, Tôi từ ruộng đất mà ra, Gọi tên ký ức... còn nhiều bài khác nữa viết về người đàn bà, người mẹ, người cha như: Bữa tối, Người đàn bà với giấc mơ điên, Em trốn vào trong cát, Mai em là người khác, Người đàn bà cũ, Mẹ ngồi chải tóc, Bên bàn thờ mẹ, Ngọn khói xa mờ, Lạy cha, con đã trở về… Thật cảm động khi chị viết về mẹ: Con về thăm búi lại suối tóc dày óng xuân, nhìn mái bạc sợi cằn ngắn đứt nằm trên tay mẹ răng lược găm lòng lốc xoáy đảo tim (Mẹ ngồi chải tóc), Gọi lên một tiếng mẹ ơi/ Bao nhiêu thầm lặng ru đời hy sinh/ Sảy sàng sạn thóc về mình/ Phần con gạo trắng thơm tình đồng xanh (Gọi tên ký ức). Cũng mạch cảm xúc ngậm ngùi ấy, Vũ Tuyết Nhung viết về cha: Cha đi về cõi mây bay/ Ấm trà lạnh lẽo chờ tay người cầm/ Con đi xiêu cả tháng năm/ Chén trà ngày ấy bao rằm còn đau (Con vẫn còn say).
Trong “Người thắp đêm” có nhiều bài đề cập đến đêm. Hình như đêm mang lại cho Vũ Tuyết Nhung nhiều không gian ngẫm ngợi, nhiều đáy sâu trầm tích hiển lộ. Hàng loạt câu thơ trổ mầm trong đêm: Cầm trên tay cả đêm dài/ …/ Tàn thân đêm mới biết tình lửa đau (Buông); Người đàn bà vẫn đi tìm mỗi đêm trong những mơ rỗng không hình khối màu sắc của mình (Khát cả cơn mê); Đêm che anh/ Bằng ánh điện thị thành/ Tự khâu vết thương/ Em trở thành y tá của riêng mình / …/ Cảm ơn đêm/ Cảm ơn nỗi buồn/ Thiêu đốt thăng hoa (Cảm ơn); Khuya thật khuya/ …Tay mới ngừng một lát/ Dội nước lên người… / …/ Đêm bâng khuâng/ Thấp thỏm/ Phập phồng (Tắm đêm); Rồi: Đêm lại giăng bẩn/ Gục đầu tựa cán chổi/ Ngày mai/ Mưa có về (Dấu cũ); Em lại treo lên đình màn/ Ký ức đêm/ Ngày anh chưa là liệt sĩ (Đêm); Như bao đêm của năm em lại ngồi gấp áo (Người đàn bà gấp áo); Đêm cười tôi chợt thấy tôi/ Tướp thành dăm mảnh rụng rơi quanh nhà (Ngày tôi tròn tuổi); Thoảng thơ trong gió hương chanh/ Trắng đêm con nhớ lá xanh quê nhà (Đêm trắng); Đêm dài ta cạn với ta/ Tìm trong cay đắng chắt ra rượu đời/ Giơ tay hứng giọt mưa rơi/ Nghe bàn tay buốt những lời bão giông (Ta cạn với ta).
Bóc tách ra chừng ấy bài thơ, chừng ấy câu thơ, chừng ấy mảng màu thơ trong “Người thắp đêm” không phải là ít, không phải là ngắn. Người viết bài này tương đối kỹ càng về ý tứ, câu chữ, bút pháp, thủ pháp nghệ thuật cốt thể hiện một điều, thơ Vũ Tuyết Nhung không còn phải đợi độ chín. Nó đã chín, đang chín và tiếp tục chín. Điều quan trọng hơn là, với “Người thắp đêm”, Vũ Tuyết Nhung đã tìm được đường đi tắt đến chiều sâu con chữ.
21-1-2021
N.M.K