Lịch sử quê hương và trái tim thi sĩ - Thanh Ứng
Tôi biết nhà thơ Lê Văn Sự của tỉnh Thanh qua một vài bài người khác viết về ông và chùm thơ ông tuyển in trong “Hợp tuyển Thơ - Văn” của Hội Nhà văn Việt Nam - tác phẩm được chọn làm quà tặng các nhà văn trong Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X vừa qua. Nay đọc “Huyền thoại bên gốc cây Bồ Đề”, tôi ngẫm nghĩ: Ông là một nhà thơ thật hạnh phúc khi được sống và viết ngay trên quê hương mình. Dẫu tuổi thơ có những thiệt thòi từ tấm bé nhưng ông có một người mẹ đảm đang, tảo tần nuôi ông ăn học và trưởng thành. Quê hương ông, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa “vùng đất địa linh nhân kiệt”, mỗi gang tấc của mảnh đất này đều được in đậm từng trang trong chính sử và cả trong huyền sử với bao câu chuyện anh hùng, bi tráng về những con người và địa danh nơi đây. Có thể nói, ngoài thiên tư bẩm sinh thì quê hương chính là cái nôi, và là vùng đất dung dưỡng hồn thơ ông. Ông đã cho ra đời 9 tập thơ. Thơ ông viết về nhiều vùng đất mà ông đã đi qua và cảm xúc song nhiều hơn cả vẫn là sự trải lòng tri ân với vùng đất Vĩnh Lộc quê ông. Vùng quê Vĩnh Lộc trong thơ ông có khi được thể hiện cụ thể qua những địa danh thân thương: Vĩnh Ninh, Vĩnh Phúc, thành Nhà Hồ, Đốn Sơn, Bái Giang, Hà Lăng, sông Mã…, là tên tuổi những người con trung hiếu của dòng họ Trịnh, họ Trần... hiển hách… Quê hương trong thơ ông còn chính là những người ruột rà máu thịt của ông: là người mẹ “góa bụa nuôi con”, là bà ngoại “thân gầy chắn bão giông mưa nguồn”, là chị gái “khóa tuổi xuân năm tháng thờ chồng”… và bao người, bao cảnh sắc thiên nhiên làng quê với một làn nắng, một mảng mây, một ánh trăng lững lờ đêm sông Mã mùa xuân,... của Vĩnh Lộc thân thương… Ông có hạnh phúc của một người cầm bút là được sống và viết ở chính quê hương mình và bản thân ông với tư cách công dân bằng hoạt động thực tiễn đã có những đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Ông từng dạy phổ thông trung học, làm Trưởng phòng Văn hóa kiêm Giám đốc Trung tâm VHTT huyện, rồi Chánh Văn phòng huyện ủy, và bây giờ dù đã rời cương vị công tác ông vẫn là Chủ tịch Hội Khuyến học của huyện. Ông còn là đồng tác giả của Công trình nghiên cứu, biên soạn “Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí” do Nhà xuất bản Thanh Hóa xuất bản năm 2010. Đất trời và cả hồn thiêng của Vĩnh Lộc hội tụ trong ông một cách hồn nhiên, sâu nặng. Ông hiểu Vĩnh Lộc không chỉ qua sử sách mà còn cả trong những huyền thoại và nhiều câu chuyện dân gian kì thú. Như một số nhà thơ khác, những bài thơ, tập thơ ngắn không làm thỏa mãn tình yêu của Lê Văn Sự với quê hương. Khi cảm xúc đủ độ chín, năng lượng thơ được tập trung, thăng hoa, lượng bút lực có thể đi xa…, ông đã viết trường ca. Trường ca là thể tài thơ khó tính: đòi hỏi người viết phải có vốn sống phong phú, vốn ngôn ngữ dồi dào và một cảm hứng thơ nhất quán tập trung trong suốt quá trình triển khai thi tứ. Trường ca “Huyền thoại Đốn Sơn” trong tập “Huyền thoại bên gốc cây Bồ Đề” của nhà thơ Lê Văn Sự đã hội tụ được những phẩm chất cần thiết của một trường ca. “Huyền thoại Đốn Sơn” thực chất là một trường ca lịch sử. Lịch sử 175 năm của triều đại nhà Trần nước ta trải qua bao chiến công hiển hách của công cuộc chống ngoại xâm phương Bắc và phương Nam nhưng cũng không ít những sự kiện bi tráng thấm đẫm máu và nước mắt của thời “Đông A cuối Trần”. Với những tên người, địa danh, những sự kiện và có khi ghi cả năm tháng… bằng cảm xúc ngập tràn, lòng tự hào về quê hương Vĩnh Lộc và hiểu biết của mình qua sử sách, qua những huyền thoại lưu truyền, nhà thơ Lê Văn Sự đã đem đến trường ca một không khí lịch sử đầy hào sảng, bi tráng quanh cuộc đời và cái chết nghĩa dũng của Thượng tướng quân Trần Khát Chân, từ đó làm sáng ngời triết lý nhân văn cao cả của dân tộc ta từ ngàn xưa đến nay.
Trường ca “Huyền thoại Đốn Sơn” gồm 735 câu thơ, chủ yếu là thơ tự do. Câu ngắn nhất có ba chữ, câu dài có khi đến 17, 18 chữ. Thể thơ tự do cho phép tác giả có điều kiện thể hiện nhiều cung bậc khác nhau của những diễn biến thăng trầm lịch sử, của cảm xúc khi dồn nén, khi trào dâng, tha thiết của trái tim thi sĩ. Nhờ có thể thơ này mà những đoạn miêu tả sự kiện của nhà thơ thêm phần sống động, mở rộng chiều kích của tưởng tượng tạo được sự cuốn hút với người đọc.
Trường ca chia làm 6 chương và một phần “Vĩ thanh”. Chương I: Quê hương (trong đó có đoạn lục bát “Lễ đặt tên”), Chương II: Đông A cuối Trần, Chương III: Tiếng súng trên sông Hải Triều, Chương IV: Tiếng hát trên bến Bình Than (trong đó có 21 cặp lục bát ca ngợi chiến công hiển hách của Trần Khát Chân dẹp yên giặc Chiêm, mang thủ cấp của Chế Bồng Nga dâng vua), Chương V: Huyền thoại Đốn Sơn. Chương VI: Ngưỡng vọng và phần kết: Vĩ thanh. Đây chính là kết cấu của trường ca. Một kết cấu bài bản và hợp lí. Kết cấu trên phục vụ một cách hiệu quả cho cảm hứng chủ đạo của toàn bộ trường ca chính là cuộc đời và những chiến công hiển hách Trần Khát Chân trong công cuộc bình Chiêm ở phương Nam và cái chết đi vào huyền thoại bất tử của nhân vật lịch sử nổi tiếng này. Với cảm hứng sử thi ngợi ca, Lê Văn Sự đã dành những dòng thơ đẹp nhất viết về quê hương, sự ra đời và lễ đặt tên Trần Khát Chân. Đó là một đêm “lóe ánh sao băng rạch sáng Ngân Hà” và “Chú bé họ Trần/ trán rộng, tóc đen/ đôi mắt sáng đượm buồn/ khóc chào đời như thế!” (trang 10) và lễ đặt tên thật trang trọng, thiêng liêng “Nén nhang cháy xoắn thành vòng/ Lung linh làn khói thơm nồng mùi hương” (trang 11). Trong những biến cố nổi nênh, thăng trầm của vương triều, Trần Khát Chân lớn lên “như cây xanh tỏa bóng cuối Trần/ với lòng trung vằng vặc ánh trăng/ sức học - Thiên tư - cốt cách nhân văn/ đậu Thái học sinh năm hai mươi tuổi xuân/ hai mươi mốt tuổi “Tam công trật nội hầu”/ gương mặt sáng ngời võ tướng” (trang 21, Chương II: Đông A cuối Trần). Lúc đó, thế giặc Chiêm mạnh như nước cuốn, tiến vào nước ta gây bao tội ác, nhà vua phải bỏ kinh thành lánh nạn, quan quân có người đầu hàng giặc, có người trở thành kẻ cướp tiếp tay cướp bóc dân lành. Trong cảnh vương triều hèn yếu, Hồ Quý Ly lộng quyền, quân Chế Bồng Nga tiến vào “quậy đất trời Thanh Hóa”, “Hồ Quý Ly vội vã rút quân về/ trước nỗi lo triều thần ngơ ngác”, Trần Khát Chân quỳ lạy xin đi đánh giặc “cứu dân tộc khỏi cơn hiểm họa”. Trong trận đánh trên sông Hải Triều, bằng mưu kế và trí dũng anh hùng của dòng máu Việt, Trần Khát Chân đã đánh thắng giặc Chiêm và mang thủ cấp Chế Bồng Nga về dâng vua. Sau chiến công lẫy lừng thắng giặc Chiêm, Trần Khát Chân được phong tặng chức “Thượng tướng quân/ phẩm hàm Long Hồ Vệ”- một chức cao trong triều đình.
Điểm nhấn của trường ca này là Chương V: Huyền thoại Đốn Sơn. Đây là đoạn cao trào của cảm hứng thơ trong trường ca. Tác giả đã tập trung bút lực miêu tả một cách sinh động trình tự diễn biến của sự kiện. Từ việc Hồ Quý Ly dần dần nắm giữ vương triều, đốc dân, quân xây thành đá, càng ngày càng coi thường nhà Trần, tự phong mình là Khâm đức liệt đại vương và làm mất lòng dân… nhiều người trung nghĩa nhà Trần muốn loại bỏ Hồ Quý Ly… Giọng thơ tác giả như trầm xuống kể lại chuyện xưa theo màu sắc dân gian “…Chuyện kể rằng đầu hạ nắng oi/ hoa gạo đỏ trời như máu ứa” (trang 44, chương V: Huyền thoại Đốn Sơn). Nhà thơ đã dẫn giải một cách chi tiết những gì đã xảy ra trong Lễ hội Minh thề do Hồ Quý Ly tổ chức tháng 4 năm 1399. Giọng thơ đầy xúc động, như nghẹn uất. Sợ không làm chủ được con tim mình, nhà thơ luôn chuyển vai kể: Lúc thì là: “Lịch sử kể rằng…”, một đoạn sau lại “Huyền thoại kể rằng…”. Đây là đoạn trái tim nhà thơ lên tiếng, mặc dù vẫn nương dựa vào lịch sử bằng cách ghi ngày tháng năm, những địa danh diễn ra sự kiện nhưng cả đoạn thơ tràn ngập nỗi niềm cảm thương, giàu chi tiết sống động mà bất cứ một nhà viết sử tài năng nào cũng không thể ghi lại được: Đó là cái sắc diện uy phong, ngạo nghễ của Hồ Quý Ly, là thần thái, khí phách của Trần Khát Chân và những uất hận, tang thương của hơn 370 sinh linh bị hành quyết, dìm sông trong cuộc trả thù đẫm máu “Máu đẫm ngàn năm trang sử không mờ/ đất trời sấm động, sóng xô” (Trang 47, Chương V: Huyền thoại Đốn Sơn). Chi tiết “bà hàng nước” ngay ngày đó và chuyện một “thầy phong thủy”, “hai sáu năm sau” là cách tác giả thay mặt chính nghĩa và đông đảo người dân chiêu tuyết cho cái chết oan khuất của một con người trung hiếu Trần Khát Chân, phù hợp với đạo lý và truyền thống nhân văn cao cả của dân tộc ta.
Khởi lên từ cảm hứng lịch sử, nương dựa vào lịch sử song trường ca của nhà thơ không phụ thuộc, câu nệ lịch sử. Ngòi bút của ông phóng khoáng, cảm xúc luôn dồi dào, trái tim ông luôn mở rộng để hòa nhịp đập của mình với trái tim thời đại. Chương “Ngưỡng vọng” và phần “Vĩ thanh” chính là phần nhà thơ tự cho phép ngòi bút trở lại với những cảm hứng sáng tạo thơ ca quen thuộc của mình. Từ tấm gương lẫm liệt của Trần Khát Chân ông luận bàn về lịch sử, về văn hóa, về lòng ngưỡng mộ tâm linh và về quê hương Vĩnh Lộc thân thương, giàu truyền thống lịch sử, đáng tự hào của nhà thơ. Trên nền lịch sử, văn hóa đầy chất thi ca đó, tôi tin Lê Văn Sự sẽ còn nhiều cảm hứng để sáng tạo văn chương và đóng góp sức mình vào sự phồn vinh của quê hương Vĩnh Lộc và Thanh Hóa.
Chủ đề “Quê hương” luôn là chủ đề lớn của thơ Lê Văn Sự mà cao trào là trường ca “Huyền thoại Đốn Sơn”. Phần thơ ngắn trong tập này gồm 38 bài thơ được sáng tác từ hai, ba năm trở lại đây với tựa đề “Bên gốc cây Bồ Đề”. Đây là tên một bài thơ trong tập ông viết giữa ngày Đại lễ Phật Đản tại quê hương Vĩnh Lộc. Bài thơ là những suy cảm của nhà thơ về đạo Phật, về Phật hoàng Trần Nhân Tông “rời ngai vàng, mĩ nữ/ Lên Yên Tử sơn tạo Thiền phái Trúc Lâm” (Bài đã dẫn, trang 85) đến “những điều trông thấy” của thời nay: “Trẻ thiếu sách đến trường quần áo không đủ ấm/ Đẳng cấp giàu, nghèo, chức quyền tham nhũng”… và cuối cùng nhà thơ vẫn trở về với vẻ đẹp hiện có của thị trấn quê hương: “Chiều thị trấn hoa bằng lăng tím/ Chim bồ câu bay lên trong ngày VESAK” (Bài đã dẫn, trang 86).
Như một ám ảnh tâm linh, nhà thơ lại đến với những di tích lịch sử với một lòng ngưỡng vọng về một thời đã xa. Ông “Thăm đền Trần Khát Chân/ Một chiều nắng quái” và nặng lòng suy tư: “Cách chỗ tôi vài chục bước chân/ Ngôi mộ chôn chung cỏ lên xanh mướt/ Gần bốn trăm linh hồn phảng phất/ Nhắc một ngày máu chảy đầu rơi” và cái kết làm người đọc giật mình: “Có phải oan hồn/ đang thảng thốt nhìn tôi” (Dưới gốc cây di sản, trang 77). Quá khứ đau thương như trở về nhắc nhở ông và những người đang sống điều gì thật nghiệt ngã, đắng lòng. Là nhà thơ đa cảm, ông không thể bình thản trước những nỗi đau vẫn còn hiện hữu trên trái đất này. Bài lục bát “Viết ở nhà tưởng niệm Hồ Quý Ly” thật khó phân định được tình cảm của nhà thơ: ngợi ca hay trách giận, nhưng trong sương khói của thời gian, với trái tim bao dung của thời đại ông đã dành cho Hồ Quý Ly những vần thơ thật cảm thương, thấu tình, thấu nghĩa: “Nỗi buồn để chén ngọc rơi/ Vỡ toang ngay giữa đất trời Đốn Sơn/ Rượu cay, đắng vạt cỏ non/ Nhòe trang sử kí màu son triều Hồ…/ Thiên Cầm vàng vọt nỗi đau /Anh hùng di hận nhuốm màu thiên thu” (Bài đã dẫn trang 79, 80). Vẫn là những cảm hứng nối tiếp của “Huyền thoại Đốn Sơn”. Nhà thơ đến thăm những di tích không phải là những khách du lịch mà chính là một lần nữa trở lại trái tim mình để suy nghiệm về những trang sử đầy bi tráng trên quê hương và cũng chính là để yêu thêm mảnh đất quê hương mình đang sống.
Yêu quê hương mình, nhà thơ yêu những con người quê hương. Ông làm thơ về Bí thư huyện ủy Vĩnh Lộc Mai Văn Bình, về nhà giáo Cao Văn Bình Trưởng phòng giáo dục huyện Vĩnh Lộc và các thầy cô giáo trong huyện, về bác Cư nuôi ong…, yêu những làng xóm có thành tích trong xây dựng nông thôn mới như thôn 4 xã Vĩnh Thành, xã miền núi Vĩnh Hưng... Quê hương trong nhà thơ Lê Văn Sự còn là tỉnh Thanh Hóa rộng lớn với những con người có nghĩa cử cao đẹp như mẹ Đỗ Thị Mơ nộp đơn xin thoát nghèo, anh Nguyễn Văn Thọ nông dân sản xuất giỏi… và nhiều khu du lịch nổi tiếng như Tiên Sơn, Hải Tiến… Ở những bài thơ đó, chất cảm hứng của thi sĩ - công dân thể hiện rất rõ trong thơ Lê Văn Sự. Tuy nhiên sẽ là thiếu sót nếu không nói tới những bài thơ tình của nhà thơ trong phần thơ này. Ta vẫn gặp cách xưng hô ngọt ngào “Anh/ em” của tác giả trong nhiều bài thơ đậm đà chất men tình ái. Khi thì với trực tiếp là người thuộc phái đẹp như: “Tại anh”, “Nét xuân”, “Một thoáng Cúc Phương”, “Hương đêm”… khi thì với biểu tượng ẩn dụ là hoa: “Hoa bằng lăng tím”, “Quế Lan hương”, “Hương bồ kết”… Có câu thơ gợi tình thật đáng nhớ “Bên em, mây gió, trăng, say/ Nụ hôn đầu cứ ngất ngây đến giờ…” (Tại anh, trang 107), “Giữa mênh mông hoàng hôn chiều hạ /Hoa bừng lên màu tím thủy chung” (Hoa bằng lăng tím - trang 81)…
Trong phần thơ ngắn của tập, Lê Văn Sự còn có những bài viết về những phận người, những hoàn cảnh éo le, đáng thương. Đây là một chủ đề khá đậm trong thơ ông. Với trái tim nhân hậu, nhạy cảm đang đi trên thành phố thủ đô “Nườm nượp người, xe, cao ốc chọc trời” ông nhớ về “Khâm Thiên đêm ấy”: “Tôi bỗng chùn chân trên phố Khâm Thiên…/ Chợt nghe đâu đây tiếng gọi: Mẹ ơi!/ Của cháu nhỏ bị bom vùi đêm ấy” (Bài đã dẫn, trang 99). “Tiếng khóc trước phiên tòa” là nỗi đau của sự chia lìa gia đình khi hai vợ chồng li hôn không chỉ là “nỗi buồn cắt chia ruột thịt” của người trong cuộc mà là nỗi buồn chung của nhiều người trong phiên tòa. Đó là sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ hòa chung với nỗi buồn mọi người. Ông còn thương những người đồng hương xa xứ bị nạn trong bài Người ơi “Thương viếng linh hồn 39 người Việt tử nạn ở Es Ses - Anh Quốc” với những vần thơ thật xót xa, đau đớn: “Mẹ ơi! Tin nhắn gãy ngang/ Hồn siêu về chốn địa đàng sương giăng…” (Bài đã dẫn, trang 100)… Truyền thống nhân hậu của trái tim thi sĩ - nhà giáo trong tập thơ này là sự nối tiếp tự nhiên từ những tập thơ trước của tác giả như “Về một vùng quê”, “Dáng mẹ chiều mưa”, “Miền thương nhớ” đến “Lời ru trên sông”, “Lục bát ru tôi” … Và cũng rất tự nhiên ở phần thơ này còn vương lại những bài thơ đậm chất “du kí” của một thời ham mê xê dịch như đang ở tuổi tráng niên khi ta gặp hồn ông ở hồ Xuân Hương (Đà Lạt), hay đền Ponagar (Nha Trang), Nghe nhạc Trịnh trong quán Diễm xưa, thăm vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình)… Tất cả cho thấy Lê Văn Sự vẫn còn giàu năng lượng thơ, dồi dào vốn đời sống, vốn tri thức và không vơi cạn lòng ham mê, ham đi, ham phát hiện, khám phá.
Chúng ta tin đây không phải là tập thơ, tập sách cuối cùng của ông. Hy vọng sẽ tiếp tục được đọc thơ, đọc sách của nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Văn Sự của đất Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh - Một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”…
Hà Đông, những ngày cuối năm Canh Tý
T.Ư