Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Bút ký - du ký của giáo sư Hà Minh Đức - Đinh Trí Dũng
Bút ký - du ký của giáo sư Hà Minh Đức - Đinh Trí Dũng

Ngoài các tác phẩm lý luận phê bình là phần đóng góp lớn nhất trong sự nghiệp của mình, GS. NGND Hà Minh Đức còn sáng tác thơ, viết ký. Ông đã cho xuất bản 11 tập ký. Ký của ông khá đa dạng, có sự pha trộn nhiều thể/ tiểu loại, dù cho phần lớn các tập đều được định danh là bút ký. Dường như khi sáng tác, ông cũng không quan tâm nhiều đến việc viết theo thể/ tiểu loại nào. Ông đi nhiều, trải nghiệm nhiều, chịu khó quan sát, ghi chép về các vùng đất đã đến, về con người, về bạn bè, đồng nghiệp đã từng công tác, gặp gỡ hoặc chỉ mới gặp lần đầu. Nếu như cần phải xác định ranh giới như một thao tác nghiên cứu thì căn cứ trên cách khai thác đề tài, cách tiếp cận hiện thực, cách tổ chức các tác phẩm, chúng ta có thể tạm chia ký Hà Minh Đức thành các thể: chuyên luận, trò chuyện, ghi chép - một kiểu phê bình văn học hết sức sinh động (Tô Hoài, sức sáng tạo của một đời văn, Nữ sĩ Anh Thơ, mùa hoa đồng nội, Huy Cận, ngọn lửa thiêng không tắt...), Bút ký (Ký ức những sắc màu thời gian, xứ Thanh người và cảnh một thời ), Bút ký - chân dung văn học (Vị giáo sư và ẩn sĩ đường, Người của một thời, Cõi học và người thầy), Bút ký - du ký (Ba lần đến nước Mỹ, Tản mạn đầu ô, Đi một ngày đàng, Paris hai mùa thu trở lại). Tất nhiên, sự phân chia này chỉ là tương đối, bởi vì có sự giao thoa, đan xen độc đáo. Ngay trong một tập sách vẫn có thể tồn tại nhiều hình thức: có tác phẩm bút ký, có tác phẩm bút ký pha du ký, có tác phẩm bút ký pha chân dung văn học. Chúng tôi định danh là bút ký - du ký để chỉ mảng ký viết về đất và người ở những nơi tác giả từng qua, với tâm thế của người viết là vừa du lịch, khám phá, vừa trải nghiệm, suy tư; kết hợp việc phát hiện ra những vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên, con người ở một vùng đất, đồng thời cũng có những suy ngẫm sâu sắc về bản sắc văn hóa, về cuộc sống nhân sinh nói chung. Có thể xem đây là một sự giao thoa thể loại độc đáo trong ký Hà Minh Đức.
Đọc các tập bút ký - du ký của Hà Minh Đức, chúng ta bắt gặp tư duy của một nhà nghiên cứu: ghi chép cẩn thận, tư liệu chính xác, nhận xét có chiều sâu, đồng thời chúng ta cũng chứng kiến cách tiếp cận hiện thực của một nhà văn: nhìn sự vật, con người luôn gắn với cái nhìn văn hóa, với cảm xúc thẩm mỹ, nhân văn. Là một giáo sư văn học, một trí thức nổi tiếng, Hà Minh Đức có nhiều lý do và điều kiện để đến với nhiều vùng đất của Tổ quốc. Trong tác phẩm ký, ông luôn luôn chú ý đến nét đẹp riêng của cảnh, của con người, đặc biệt là nét văn hóa độc đáo của các vùng quê. Ông chú ý đối chiếu, so sánh với những gì mình đã biết, những gì đã đi vào văn chương và đã trở thành tài sản văn hóa chung. Về với Lạng Sơn địa đầu Tổ quốc là để được trải nghiệm cảm xúc của câu ca dao “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh…”, để được chứng kiến sức vươn lên của một thị xã với nhiều ngôi nhà mới xen lẫn với thiên nhiên như một bức tranh đẹp, và cũng là có phút giây lắng lại một kỷ niệm xưa: “Dạo ấy bố tôi làm ngành xe lửa nên gia đình đã trôi dạt và cư trú nhiều năm tháng ở Lạng Sơn, Na Sầm. Lạng Sơn lúc đó còn là một thị xã nhỏ, đẹp và thưa vắng người...”(1). Đến với Sa Pa vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập, người viết vui thú được nhìn ngắm vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của một khu sinh thái “thơ mộng, dễ ru hồn trong những giấc mơ” trải dài của dãy Hoàng Liên Sơn, có đỉnh Phan Xi Păng cao ngất, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Cát Cát, Hàm Rồng, Thác Bạc, Cầu Mây, Bãi Đá, Cổng Trời… Ngoài ra, tác giả cũng được dịp trải nghiệm cảm xúc của một nhà văn hóa trước một vùng đất du lịch có “những nét nguyên thủy, thiên nhiên và con người còn thuần phác”, vừa già lại vừa trẻ, già vì đã ở vào tuổi 99 với biết bao trầm tích, còn trẻ bởi sự chuyển động của một thị xã giống như một công trường đang thi công. Con mắt của con người ưa khám phá cái lạ tỏ ra thích thú trước cảnh đồng bào dân tộc “đầu chít vành khăn rộng bản như chiếc mũ, có hoa văn ở cổ và hai ống tay, váy ngắn đến đầu gối và chân đi sà cạp”, cảnh các cô gái người Mông nói tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài, cảnh trong không khí hoang vu của núi rừng, người ta vừa thưởng thức các loại đặc sản đồ nướng, từ thịt, ngô, khoai, cơm lam nướng, vừa tham gia vào màn nhảy sạp truyền thống với các dụng cụ làm từ tre trúc của người dân Tây Bắc…(2). Khác với Sa Pa, sự khám phá Tam Đảo lại gắn liền với cảm nhận về ánh nắng đẹp kiểu miền ôn đới: “Khi nắng đã lên cả vùng núi cao rạng rỡ trong ánh mặt trời ban mai. Lúc này Tam Đảo mới bộc lộ hết vẻ đẹp của nó. Mây trắng lang thang trên đỉnh núi và bỗng chốc hạ thấp dần rồi tỏa bay vào các khu nhà cao tầng. Có thể đứng trên ban công mà ngắm mây bay và những đám mây bất ngờ tấn công người ngắm cảnh. Một làn sương mỏng nhẹ chùm lấy người, những hạt nhỏ mát mẻ mơn man trên da thịt”(3). 
Vào miền Trung, đến với Nghệ An, đến thành phố Vinh, tác giả như được ôn lại truyền thống của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, nơi được mệnh danh là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới ngòi bút Hà Minh Đức, đất Nghệ có nhiều thứ hấp dẫn: cam Xã Đoài nổi tiếng, nước chè xanh đượm chát, thơm hương, cà Nghệ giòn, bưởi Nghệ ngọt dịu, thầy đồ xứ Nghệ cho chữ trên nhiều vùng đất nước…(4). Còn xứ Huế trong cảm nhận của Hà Minh Đức là vẻ đẹp của một thành phố được Unesco chọn làm thành phố Festival, với các quần thể kiến trúc và nhã nhạc cung đình được công nhận là di sản văn hóa thế giới, với vẻ đẹp dịu dàng của người con gái Huế… “Dấu ấn đậm đà nhất vẫn là văn hóa xứ Huế, một phẩm chất văn hóa kết tinh từ bao giá trị tinh thần. Đến với Huế trong một hai ngày thì sẽ được thăm Đại Nội, chùa Thiên Mụ, lăng Tự Đức, nghe ca Huế và thả đèn hoa đăng trên dòng Hương. Đến với Huế trong một tuần có thể thăm nhiều lăng tẩm Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định. Thăm các nhà vườn cổ Phú Mộng, Kim Long và Bảo tàng nghệ thuật. Đến với Huế dài ngày tâm lý khảo cứu dễ nảy sinh, trước những giá trị tinh thần phong phú du khách có thể bị đồng hóa và quên đường về”(5)…
Còn đến với Tây Nguyên, là đến với vùng đất xa xôi nhưng cũng rất gần gũi với những núi cao, vực sâu, với kho tàng huyền thoại, sử thi phong phú: “Tây Nguyên là đất của rừng sâu, núi cao, của sông suối vừa hiền hòa vừa hung dữ của những loài thú, loài chim hiếm quý, của các già làng quắc thước và những cô gái đẹp”(6); Tây Nguyên cũng là “một miền đất giàu có, hoang dã, đất của huyền thoại, sử thi, nơi khát khao của những chuyến du khảo, chốn linh thiêng và bí ẩn trong tâm tưởng của nhiều người”; vì thế “một lần đến với Tây Nguyên là một lần bị cuốn hút và mong ngày trở lại... Tây Nguyên như một vườn hoa trái và tôi mới chỉ hái được đôi quả mùa đầu. Vị chua chua ngọt ngọt của hoa quả núi rừng còn như tê tê đầu lưỡi và tỏa hương thơm”(7). 
Bước chân của Giáo sư Hà Minh Đức còn trải dài trên nhiều đất nước, từ nước Mỹ “vừa lạ vừa quen” đến nước Nga “vàng thu, miên man tuyết trắng”, từ xứ sở Trung Hoa “kỳ bí” đến các nước Đông Nam Á “chung nền văn minh lúa nước”… Đó là một đất nước Thái Lan với nhiều nét văn hóa độc đáo: thủ đô Băng Cốc hiện đại với nhiều cảnh quan, công viên vườn thú quý hiếm, đặt biệt là các sô biểu diễn Alcazad do các nữ diễn viên chuyển đổi giới tính; Là khu nghỉ mát, ăn chơi nổi tiếng Pattaya: “Đêm đen, đèn đỏ, đèn mờ, rượu thơm, âm nhạc, vũ điệu là hơi thở của thành phố”(8). 
Ba lần đến nước Mỹ là những ghi chép được thể hiện trong ba thời điểm, tâm thế khác nhau trên đất Mỹ, nhưng cái nhìn thì rất khách quan và cởi mở. Với Hà Minh Đức, nước Mỹ không chỉ là một siêu cường, một “đế quốc hùng mạnh” trong con mắt nhiều người mà còn là một quốc gia tươi đẹp, rộng lớn, con người thân thiện và đặc biệt có nền khoa học, giáo dục rất phát triển. Lần đầu đến nước Mỹ, sự bỡ ngỡ khiến cảm nhận được ông gói ghém trong bốn chữ: Nước Mỹ xa xôi. Thời ấy, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam còn khá căng thẳng, việc đến được với nước Mỹ thật không chút dễ dàng. Cảm giác đầu tiên là lạ: “thực ra thì lần đầu tiên đến Mỹ cũng có nhiều cái lạ mắt, từ cảnh vật đến con người”(9). Nhưng với những lần đến sau, cảm giác quen thuộc lớn dần khi nhà văn được hòa mình trong không khí hội ngộ, thân tình giữa các nhà văn, nhà nghiên cứu, các bạn Mỹ. Không còn xa lạ khi nghe chị W. Ross thuyết trình về Gánh hàng hoa, ông W. Elliot nghiên cứu thơ Tản Đà, ông Jonh Balaban nghiên cứu ca dao Nam bộ... 
Khác với những cảm nhận về nước Mỹ, nước Pháp hiện ra trong các trang kí của Hà Minh Đức với ấn tượng một kinh đô biểu tượng của văn minh và văn hóa châu Âu, với những lâu đài, nhà cửa, kiến trúc cổ kính mà vẻ đẹp như bền vững với thời gian. Nước Pháp với Paris của những khoảng khắc mùa thu trong lành, thoáng đãng, với những đường phố mang tên các vị thánh, với dòng sông Seine thơ mộng, nối đôi bờ bằng ba mươi sáu chiếc cầu có lối kiến trúc độc đáo. Rồi tháp Eiffel, quảng trường La Concorde, cung điện Versailles... Những nhận xét sâu sắc có tính khái quát tạo thêm sức nặng cho những khám phá: “Paris là thành phố mà quá khứ và hiện tại, thiên nhiên và con người, cuộc đời và nghệ thuật như quyện hòa trên từng bước đi qua một đường phố, một tòa nhà, một khu vườn đẹp.”(10). Ngòi bút của Hà Minh Đức như trở nên thăng hoa trước vẻ đẹp của thiên nhiên Paris của những ngày cuối thu. “Khi trời trong và se lạnh, lá cây rung nhẹ phấp phới theo chiều gió. Mùa thu còn lại ở Paris những ngày cuối cùng. Tôi lại đến vườn Luxembourg để chiêm ngưỡng một khu vườn đẹp đến mẫu mực. Lá cây vàng ươm, vàng tươi, vàng đến non tơ vẫn tỏa bóng mát bên các lối đi. Trong tiếng gió đã có chút xào xạc rất nhẹ của những chiếc lá vàng khô. Những pho tượng bằng đá cẩm thạch, bằng đồng vẫn lặng lẽ trầm ngâm như chứng tích của thời gian. Các bồn hoa được đặt trên cao với những màu sắc đỏ thắm, vàng tươi rạng rỡ. Những con chim bồ câu khi đậu trên vai tượng, khi chao nghiêng cánh bay lượn trong không trung. Điều may mắn cho tôi là đã bắt gặp một thoáng mùa thu khi trời đã bắt đầu chuyển sang đông”(11). 
Cũng không thể không kể đến những cảm nhận về nước Nga qua tác phẩm bút ký - du ký “Nước Nga - vàng thu, miên man tuyết trắng”. Dù không được học tập và đào tạo ở Liên Xô như một số bạn bè khác, nhưng Hà Minh Đức luôn dành sự quan tâm sâu sắc, sự thiện cảm cho đất nước vĩ đại này. Từ cảm nhận qua ba lần được đến Liên Xô, rồi qua các dịp được tiếp xúc, tham gia các hội thảo về văn học Nga, qua mối quen biết với một số nhà Việt Nam học Nga, tác giả đã có hơn 10 tác phẩm viết hấp dẫn về đất nước Nga, con người và tình bạn Nga. Bắt đầu là tình yêu văn học Nga qua việc được đọc, được nghiên cứu sâu về những tác phẩm, tác giả kinh điển của nền văn học Nga và Xô Viết như Pu-skin, Đốt-stôi-ép-xki, Lép Tônxtôi, Goóc-ki, Sê-khốp, Alexis Tolstoi... Rồi nước Nga với vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng, mùa thu vàng rực rỡ, những ngày đông miên man tuyết trắng, sự lãng mạn của những đêm trắng, cảnh những thành phố đẹp, cung điện nguy nga, bảo tàng nghệ thuật, những chiếc cầu trên sông Nêva, đại lộ Nép- ski... Đan xen với đó là ấn tượng đẹp về những con người dũng cảm, thông minh, nhân hậu, người thầy giáo Liên Xô, bà mẹ hiền Nga, tình thầy trò Nga - Việt… Đi, khám phá, chỗ nào cũng thú vị, chỗ nào cũng đầy ắp những xúc động, suy tư… về dân tộc Nga, con người Nga, phong cách Nga. Có thể nói, với một ngòi bút tài hoa, thích khám phá những nét mới lạ, mỗi tác phẩm ký của Hà Minh Đức có thể xem như những thước phim quay chậm về đất và người ở những nơi mà ông có dịp đặt chân đến. Ở đó bức tranh về hiện thực vừa chứa đựng vẻ đẹp mang trầm tích lịch sử, văn hóa lâu đời, vừa tươi mới, sống động trong sự đổi thay, biến động không ngừng mang tính quy luật. Vì thế người đọc luôn có cảm giác lôi cuốn, như được tham gia, trải nghiệm trên hành trình lãng du của tác giả. 
Kiểu pha trộn bút ký - du ký này là một biểu hiện độc đáo của sự giao thoa giữa các tiểu loại ký, có xu hướng trở nên phổ biến trong tác phẩm của các tác giả trẻ hiện nay như Phan Việt, Dương Thụy, Huyền Chíp, Ngô Thị Giáng Uyên… Sự giao thoa thể loại này sẽ giúp ký mở rộng phạm vi phản ánh, năng động và uyển chuyển trong việc thể hiện cái tôi tác giả - một phương diện quan trọng của nghệ thuật ký. Trong hơn một thập kỉ trở lại đây, cùng với sự phát triển của xu hướng hội nhập quốc tế, truyền thông và mạng xã hội, bút ký - du ký đang trở thành thể loại văn học có sức hấp dẫn bậc nhất đối với bạn đọc trẻ. Hàng loạt tác phẩm bút ký - du ký ra đời, đến tay bạn đọc và nhanh chóng trở thành những “hiện tượng” đã chứng tỏ sức ảnh hưởng mạnh mẽ của loại hình văn học này tới đời sống văn hóa Việt Nam. Có thể kể đến các tác giả tiêu biểu như Ngô Thị Giáng Uyên với Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (2006), Bánh mì thơm, café đắng; Dương Thụy với Venise và những cuộc tình Gondola (2009); Phan Việt với bộ ba tác phẩm trong chuỗi “Bất hạnh như một tài sản” gồm Một mình ở châu Âu (2012), Xuyên Mỹ, Về nhà (2017); Trương Anh Ngọc với Nước Ý, câu chuyện tình của tôi (2012), Phút 90++ (2013) và Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu (2017); Nguyễn Phương Mai - Tôi là một con lừa (2013); Trần Hùng John - John đi tìm Hùng (2013); Đinh Hằng và hành trình Quá trẻ để chết (2015); Nguyễn Phan Quế Mai với Hạt muối rong chơi; Huyền Chip với Xách balo lên và đi (2012 - 2013)… Tất cả họ, một thế hệ nhà văn và người viết trẻ trưởng thành trong bối cảnh đất nước đổi mới, có học thức, bản lĩnh văn hóa và khát vọng dấn thân, đã làm sống lại một thể loại văn học vốn thịnh hành ở Việt Nam cách đây một thế kỉ, vào những năm đầu của thế kỉ XX với tên tuổi của Nguyễn Đôn Phục, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tuân…
                                

Đ.T.D


(1), (10), (11): Vị Giáo sư và ẩn sĩ đường, NXB Văn học, Hà Nội, 1996, tr.55, tr. 167, tr.180.
(2), (3): Tản mạn đầu ô, NXB Văn học, Hà Nội, 2002, tr.47, tr.26. 
(4), (5), (6), (7), (8): Đi một ngày đàng, NXB Văn học, Hà Nội, 2004, tr.57, tr.101, tr.137, tr.141, tr.27.
(9): Ba lần đến nước Mỹ, tr.39.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 204
 Hôm nay: 12258
 Tổng số truy cập: 12844955
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa