Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Mây buông dải yếm buộc say nồng nàn (Đọc tập thơ Mây buông dải yếm của Trần Thị Thu Hà, NXB Văn học, 2021) - Lê Xuân Soan
Mây buông dải yếm buộc say nồng nàn (Đọc tập thơ Mây buông dải yếm của Trần Thị Thu Hà, NXB Văn học, 2021) - Lê Xuân Soan

Vượt qua những khó khăn của đời thường, con đường tới trường thì xa ngái, chồng lại ốm đau luôn, rồi con cái học hành… vậy mà cô giáo Trần Thị Thu Hà vẫn hàng ngày chăm chút cho những giờ dạy Văn trên lớp và dành nhiều cảm xúc cho thi ca. Tháng 7 năm 2021, Trần Thị Thu Hà đã cho ra mắt tập thơ đầu tay Mây buông dải yếm, đứa con tinh thần mà cô giáo hằng ấp ủ.
1. Trong 36 bài thơ xinh xắn thì có đến 20 bài thơ được Thu Hà viết theo thể lục bát, có lẽ đây là sự lựa chọn tự nhiên bởi sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và ý thơ, tứ thơ. Và tình yêu là chủ đề nổi trội trong thơ lục bát của chị. Thu Hà cũng mượn biển để giãi bày:  
Em về với biển chiều nay
Nắng nghiêng nghiêng nắng biển lay thức bờ
Sóng lăn tăn mãi hững hờ
Tim hồi hộp đập giả vờ không yêu…
        (Về với biển)
Thơ viết về biển đã có những đỉnh cao như Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh… với nhiều cách biểu hiện độc đáo, rất riêng: Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em (Xuân Diệu); Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ/ Những ngày không gặp nhau/ Lòng thuyền đau rạn vỡ (Xuân Quỳnh); Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn (Hữu Thỉnh); Nhặt chi con ốc vàng/ Sóng xô vào tận bãi/ Những cái gì dễ dãi/ Có bao giờ bền lâu (Lâm Thị Mỹ Dạ); Anh ngồi rót biển vào chai (Đỗ Xuân Thanh); Em mang biển về cho anh rửa chân… Từ thuở hồng hoang, biển và bãi bờ luôn tồn tại một cặp song hành và được thi nhân so sánh như tình yêu muôn thuở, lúc dào dạt, vỗ về, khi trào dâng vồ vập… Với Thu Hà, chị lấy cái động là “biển” để “lay thức” cái tĩnh là “bờ”: Nắng nghiêng nghiêng nắng biển lay thức bờ. Từ “lay thức” - một hình ảnh nhân hóa sinh động, giàu sức biểu cảm, như một lời nhắc nhở tinh tế bởi tình yêu chân chính luôn cần được tôn trọng, sưởi ấm, cần được hâm nóng và giữ lửa! Phải ở một độ chín vừa đủ mới có được sự lựa chọn từ ngữ hợp lí như vậy, tạo nên một tứ thơ mới mẻ và để không lặp lại của người khác khi viết về tình yêu và biển.
Thật thú vị khi tìm thấy trong thơ lục bát của Thu Hà là những cảm thức về không gian, thời gian để chị biểu hiện các cung bậc của tình yêu, của những mùa yêu…
… Tháng ba giọt mật ngất ngây
Dịu dàng đằm thắm đong đầy trong em
Đất trời dường cũng lên men
Mây say loạng choạng hôn lên nắng đào.
Tháng ba hương vị ngọt ngào
Áo ai tim tím vương vào mắt anh
Em như tia nắng trong lành
Chắt chiu chồi biếc đầu cành đơm bông.
Tháng ba xuân rót ánh hồng
Nụ cười má lúm cho lòng anh say…
        (Yêu thầm)
Thiên nhiên và lòng người như hòa quyện. Giọt mật, nắng đào, hương bưởi, chồi biếc… là những hình ảnh quen thuộc của mùa xuân phù hợp với không gian của tình yêu để đong đầy mắt em và vương vào trong anh. Cảnh ấy, tình ấy đã lên men cho một tình yêu trong sáng. 
Mắt nhìn mùa hạ là bài thơ nói về những rung cảm đầu đời của tuổi học trò. Bao nhiêu là e ấp mà hồn nhiên, đáng yêu đến thế:
Tóc thề em xõa bờ vai
Sân trường phượng cháy để ai thẫn thờ
Em đem tình giấu trang thơ
Anh như tia nắng ngẩn ngơ nấp rình.
… Hạ về lòng cứ cháy thêm
Ngổn ngang kỉ niệm khát thèm tuổi yêu…
Hạ đến, bao kí ức tuổi thơ là bấy nhiêu kỉ niệm cứ bồi hồi trong ngực trẻ. Không có một tuổi thơ đầy ấn tượng thì Thu Hà không thể có một sân trường phượng cháy và những bài thơ được giấu vội trong vở học trò như thế!
Rồi thu sang, tác giả gọi mùa thu là Nàng thu. Nàng thu là đối tượng trữ tình, đối tượng thẩm mỹ để tạo ra tứ cho bài thơ:
Nàng thu dịu ngọt móng rồng
Hương thơm ướp cả cầu vồng sau mưa…
… Nàng thu quá đỗi dịu dàng
Mà hừng hực cháy rám vàng bưởi yêu…
… Thu vàng đỏng đảnh trêu ngươi
Khiến anh ngơ ngẩn một đời đắm say
Anh tìm sợi gió heo may
Neo nàng thu ở ngất ngây bến tình.
        (Nàng thu)
Nói nàng thu cũng là để nói tình thu, tình người, tình đời:
Đủ lạnh sớm, đủ ấm chiều
Đủ thương đủ ghét, đủ yêu đủ ngờ
Nửa như thực, nửa như mơ
Nửa da diết, nửa hững hờ thế thôi.
        (Nàng thu)
Đây là một bài thơ hay. Hay về ý, về lời, về tứ. Hay cả về cấu trúc toàn bài, từng khổ, từng câu lục bát, nhuần nhuyễn linh hoạt trong vần nhịp. Hình ảnh nàng thu mang ý nghĩa khái quát chứ không là nàng thu của lá vàng xào xạc, của những cơn mưa dầm dề, ủ ê… Tôi rất thích câu thơ: “Nàng thu đỏng đảnh lắm thay/ Mây buông dải yếm buộc say nồng nàn” mà tác giả đã lấy một vế làm tên cho cả tập thơ Mây buông dải yếm, rất hình ảnh, rất gợi cảm. 
Xuân qua, hạ đến, thu sang rồi đông về:
Đông về tưởng lạnh… mà không
Có em ấm áp trong vòng tay yêu
Gió mùa đông bắc chiều chiều
Chẳng sao! Đã có lời yêu thì thầm…
… Đông về yêu lại yêu thêm
Tay trong tay ấy… môi mềm thiết tha…
… Đông đang chắt lọc cho đời
Mầm non chồi biếc tuyệt vời trong em.
        (Đông về)
Vẫn là chuyện tình yêu giữa mùa không hoa lá, khẳng khiu cây cối, chim xa phương trời mà sao cứ ấm áp, cứ nóng bỏng đậm đà trong Đông? Dễ dàng nhận ra một tâm hồn trong trẻo, lạc quan để có một quan niệm lành mạnh về tình yêu giữa thời hiện đại này.
Có thể thấy một Thu Hà đầy trải nghiệm mà cũng rất tinh tế trong tình yêu qua các bài Anh ơi trời lại đổ mưa, Con đường, Giá như, Thế là, Ký ức…
Em về trên phố mưa rơi
Làm cho nghiêng ngả đất trời yêu nhau
Giọt mưa đan xéo chênh chao
        (Em về trên phố mưa rơi)
Giọt mưa, hạt mưa với người xưa là thân phận, là cuộc đời: Thân em như hạt mưa sa/ Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng; Thân em như hạt mưa rào/ Hạt sa xuống giếng hạt vào động tiên… Thì nay, giọt mưa, hạt mưa không còn là hình ảnh so sánh nữa mà là hình ảnh ẩn dụ được Thu Hà sử dụng với một dụng ý nghệ thuật nhất định.
Vắng anh mưa lại buồn thêm
Em còn thao thức suốt đêm canh dài
Ước gì em hóa thành mây
Để anh là gió suốt ngày bên nhau…
… Màu mưa sao cứ long lanh
Đường mưa sao cứ tròng trành khó qua…
        (Anh ơi trời lại đổ mưa)
Bài thơ sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa để nói về nỗi nhớ người yêu trong một đêm mưa. Cái “màu mưa… long lanh” ấy là một định ngữ nghệ thuật tu sức cho câu thơ thêm thần thái. Rồi “đường mưa… tròng trành” như dự báo một điều trắc trở gì đây? Màu mưa, đường mưa đã có một sự chuyển nghĩa, gợi nhiều suy luận và ý tứ sâu xa cho người đọc?
2. Làm thơ lục bát không khó. Nhưng để có những câu lục bát hay, những bài lục bát hay thì không hề dễ. Các nhà thơ đã học tập trong kho tàng ca dao dân tộc để có một Truyện Kiều của Nguyễn Du, một Thề non nước của Tản Đà, một Lỡ bước sang ngang, Chân quê của Nguyễn Bính, một Việt Bắc, Nước non ngàn dặm của Tố Hữu, một Tre Việt Nam của Nguyễn Duy… Trần Thị Thu Hà được đào tạo bài bản ở trường sư phạm, cô giáo dạy Văn hàng ngày tiếp xúc với tác phẩm văn chương hẳn là hiểu sâu sắc những vấn đề của thể thơ lục bát. Thơ lục bát của Thu Hà nhuần nhuyễn trong câu từ:
Một mình em cứ chênh vênh
Một mình em cứ nổi nênh một mình…
        (Một mình)
Cuối ngày bỗng nổi cơn giông 
Mưa ào ào đổ, gió đùng đùng quay…
… Cuối ngày giọt nắng như đùa
Ngả nghiêng trời đất như chưa… cuối ngày
        (Giọt nắng cuối ngày)
Việc sử dụng lớp từ láy giàu ý nghĩa tượng hình, tượng thanh lại làm cho câu thơ có nhịp điệu và thêm nhạc tính.
Có khi Thu Hà bất ngờ tạo ra nhịp điệu linh hoạt để biểu hiện cảm xúc và chuyển tải nội dung đến người đọc:
Bao giờ… bao giờ… hỡi anh
Để cho lá lại tươi xanh trên cành?
Bao giờ biển lặng trời xanh
Để em khô lệ ngắm vành trăng lên?
        (Một mình)
Chớm là một bài thơ độc đáo, rất mới cả về nội dung và hình thức, vừa dí dỏm, hồn nhiên vừa lắng đọng suy tư, khiến độc giả giật mình bất ngờ:
Nụ hoa chạm má giọt mưa
Khẽ như cô gái lén đưa thư tình
Tinh ranh gió hé cửa rình
Lung linh nắng ấm trao tình…
Chớm xuân!
… Sương mai chạm nhẹ môi hồng
Đất trời quấn quýt phải lòng…
Chớm yêu!
… Ngát hương thơm ngõ thời gian
Nụ đào e ấp mơ màng…
Chớm hôn!
… Anh đi lạc giữa ngàn hoa
Uống xuân ngọt đến la đà…
Chớm say!
Chớm xuân, Chớm yêu, Chớm hôn, Chớm say là những từ cuối cùng của câu bát mỗi khổ thơ, gần giống với kiểu thơ “yết hậu”. “Chớm” là trạng thái của sự bắt đầu, vừa mới, giao thoa và nhạy cảm. Chớm xuân, Chớm yêu, Chớm hôn, Chớm say là có thật trong cuộc đời. Nhưng phát hiện ra những trạng thái đó cần một sự mẫn cảm, tĩnh tâm và sống hết mình với cuộc đời.
Thơ lục bát của Trần Thị Thu Hà đã tiếp thu được tinh hoa của thơ ca dân tộc, vừa mang âm hưởng ca dao vừa tạo cho mình một giọng điệu riêng, không trau chuốt nhưng tinh tế, đôi lúc màu mè nhưng không khuôn sáo. Hy vọng trong hành trình thơ của mình, Trần Thị Thu Hà sẽ có thêm nội lực để góp phần làm mới thơ hiện đại nói chung và lục bát nói riêng.
                                                                                       

 L.X.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 150
 Hôm nay: 10259
 Tổng số truy cập: 12842956
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa