Người đọc nhớ đến Văn Đắc khi anh có bài Làng sơ tán. Bài thơ còn có chỗ kể lể, nhưng nói được cái khỏe, cái đẹp của một làng sơ tán trong những năm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Cái tư thế chủ động, ung dung của người chiến đấu và làm nên chiến thắng hiện lên trong dáng vẻ bình dị mà hiên ngang “Một túp lều con - sơ tán - Nhiều túp lều con - thành làng - sơ tán - Giặc bỏ bom ngang - ta xây làng dọc - Giặc bỏ bom dọc - ta dựng làng ngang -Trận địa ta giăng hàng - rộng hơn vòng bom giặc”.
Bắt đầu là tả, nhờ quan sát, có nhiều chi tiết thực, đến đây tâm trạng tác giả như thức dậy, gây xúc động cho người đọc:
Chiếc chum vỡ mẹ kê đựng nước
Nhớ mặt giếng xây thao thức một vầng trăng
Thơ Văn Đắc trầm tĩnh, nhịp điệu thường bằng lặng, thiên về thủ thỉ, tâm tình. Dù viết về những vấn đề thời sự, nóng hổi nhưng trong thơ ông vẫn miên man đi giữa những hình ảnh, sự việc, có khi giãi bày. Thơ ông cô đọng, súc tích, không ưa dài dòng, cần dồn nén tình cảm để cuối cùng tạo nên những bùng nổ của trí tuệ. Trước hết là tình cảm, tình cảm là gốc, trong thơ trí tuệ chỉ đóng vai trò “người hầu”. Thế nhưng rất cần có “người hầu” để dẫn dắt mạch tình cảm. Thơ Văn Đắc còn thiếu vai trò “người hầu” cho nên tình cảm trong thơ ông có khi dềnh dàng thiếu một sự khẩn trương cần thiết, đúng lúc đúng chỗ.
Chọn đọc những bài thơ thành công của Văn Đắc thì thấy ông trội lên ở mảng xúc cảm trữ tình, tinh tế. Ông viết về Dòng sông trong đêm: “Không thấy đầu sông - Không thấy cuối sông - Chỉ thấy một dòng sáng lắm - Sao nhỏ giọt như dòng sông thắp nến - Cho cá lượn vòng - Cho tôm bật cung - Cho phù sa không lạc lối”. Ý thơ đằm, sâu mà tình cảm thì nồng nàn. Ở đây đã có kết hợp giữa khả năng mô tả, sự suy nghĩ và sức liên tưởng của tác giả. Bài thơ tiếp tục và đưa đến một nhận thức mới: dòng sông như dòng đời cuộn chảy vừa mạnh mẽ vừa im lặng:
Ôi dòng sông đêm sao mà im lặng
Ta xuống với sông khoát vòng nước sáng
Mới biết dòng sông chảy mạnh vô cùng
Mới biết đất này tất cả những dòng sông
Chảy mạnh vô cùng và vô cùng im lặng
Rải rác những bài thơ khác, chúng ta còn gặp những câu thơ, đoạn thơ chân thành và say sưa như thế. Có được như vậy là nhờ ở tấm lòng luôn gắn bó với quê hương, với những gì gần gũi, thân thiết nhất với Văn Đắc. Và ở những trường hợp này cái “nghề thơ” xem chừng phải ẩn đi để sự sống làm nên máu thịt cho thơ:
Tôi biết lắm đất bốn mùa giữ lại dấu chân ta
Và cả máu cả mồ hôi ta nữa
Và cả những sớm chiều ta thương nhớ
Tiễn người thân đi hết bãi sông dài…
Một Niềm vui ban đầu ở một làng mới, khó tả nhưng nói được cái xao xuyến, cái rộn rã, tin yêu:
Gặp đất ngày đầu đã thấy say mê
Đêm ngắn quá gió về không kịp ngủ
Ngày ngắn quá không kịp nhìn bàn tay vất vả
Đã thấy niềm vui mở cả ra rồi
Chất lượng thơ Văn Đắc được gia tăng ở những bài sau này. Thì cũng là một sự thường tình đối với những người sáng tác có ý thức, có trách nhiệm, muốn tìm, muốn vươn lên, không chịu dậm chân tại chỗ. Thăm đền An Dương Vương, Bữa cơm người lấn biển, Đêm ở chợ Đồng Mỏ… là những ví dụ. Kết cấu đã chặt chẽ, tránh được mô tả, thêm được phần biểu hiện, nhịp thơ đã gấp hơn, khỏe hơn, đặc biệt là tình cảm đã hòa vào trí tuệ, tâm trạng đã giàu có hơn. Cảm hứng lịch sử được tác giả gợi lên trong không khí vừa trang nghiêm, hào hùng vừa mới mẻ:
Một dải trời nghiêng trên đầu dãy núi
Xanh xôn xao một sắc biển không cùng
Tôi bâng khuâng đứng lặng sáng chiều hồng
Nghe gió bấc lật qua nhiều trang sử
Nghe tiếng ngựa rung bờm tung vó hí
Tiếng rùa vàng thét lớn giữa mênh mông
(Thăm đền An Dương Vương)
Và cuộc sống hiện tại - Bữa cơm người lấn biển đi vào thơ trong cái thế vững vàng, hấp dẫn phơi phới. Câu thơ sức lực pha chút ngang tàng, có bát ngát của biển trời, trăng nước và có một chút “chếnh choáng” của men say. Đây là bài thơ thuần thục, được cả bài và cả chi tiết, được cả ý lẫn lời, tả mà không thiếu tâm trạng:
Nồi cơm vừa mở vung
Thơm bay đầy miệng bát
Tôm cá vừa mới bắt
Nấu lên còn tươi nguyên
Ở đây ai cũng là chủ, khách, không chờ mời mọc, không nệ đứng ngồi. Những người lao động biến bữa cơm lao động “thành bữa tiệc”. Bữa tiệc với vài thứ đơn sơ thôi nhưng chắc chắn cái quý nhất là tinh thần, là lòng yêu cuộc sống, yêu cái công việc vất vả mà họ đang gánh vác. “Chếnh choáng chút men thôi - Bãi triều này mới đẹp - Đêm nay còn phải thức - Đắp con đê ngang trời - Cởi áo đón trăng lên - Vai còn hầm hập nắng - Đất nối vào với sóng - Biển không còn mênh mông”. Cùng sử dụng thể thơ 5 chữ, có lẽ là thể thơ thích hợp với mình, Văn Đắc tả cảnh Đêm ở chợ Đồng Mỏ. Cảnh và tình chan hòa với nhau. Cái tinh tế, nhẹ nhàng, duyên dáng cứ xao động suốt cả bài thơ:
Gái níu cành cây hát
Trai tựa vòm cây hát
Câu hát chăng qua đường
Tôi không dám đi ngang
Sợ vướng vào câu lượn
Văn Đắc liên tiếp xuất bản Hai triền sông (1973), Biển xanh (1985), Muộn mằn (1991), Đi tìm thời trai trẻ (1994), Trái tim dọc đường (1999), Lời cho em (2003), Tuyển Thơ Văn Đắc (2013) và hai trường ca… Bút lực dồi dào, mở ra nhiều vấn đề của đời sống, tình yêu. Đọc thơ Văn Đắc, ta thấy ông đi nhiều, trải rộng. Các vùng đất xứ Thanh khỏi nói, dấu chân ông in khắp từ Lạng Sơn đến tận mũi Cà Mau. Thích giao du đây đó, nhưng những câu thơ ấn tượng của Văn Đắc vẫn là những câu thơ về xứ sở quê hương:
Cửa sông lắm lạch nhiều sò
Áo tơi nón rách đi mò ốc cua
… Chuyện xưa nghe lại bây giờ
Thấy rơm rớm nắng hai bờ sông con
(Làng Triều)
Từ làng Triều, Văn Đắc dõng dạc, tự hào về đất và người Thanh Hóa. Yêu Thanh Hóa đến tận cùng, ông có những câu thơ tự nhiên mà gan ruột “Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó - Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên”.
Đói no lựa cách vỗ về
Cao sang không biết ghét chê nghèo hèn
Ném vào những cuộc đua chen
Biết nhường nhịn biết vượt lên bằng người
Người đọc chú ý đến những bài thơ tình của Văn Đắc. Ông thú nhận khi đã quá tuổi thanh xuân “Tóc đã quá nửa hoa râm - Mà sao xuân cứ vụng thầm nở hoa”. Tình yêu như một thứ bùa mê, như một vị thuốc quý “Tình yêu đắp bồi những miền anh sụt lở”, “Em đến… và vườn anh tươi tốt”. Và hương vị ngọt ngào “Cuộc tình đã qua đi - Sao em còn đứng đợi - Nghiêng xanh trong đời ta”. Nhưng tình yêu cũng mang nhiều vị đắng. Cứ tưởng “Thương nhau nhặt chút lá vàng cho cây”, “Ai ngờ lật ngửa bàn tay - Em rung lá úa rụng đầy tay tôi”:
Thật lòng hay giả dối đây
Mà tay đã nối bàn tay lúc nào
Môi em thấm vị ngọt ngào
Mà sao vị đắng thấm vào môi anh
Yêu say đắm, tận hưởng và thăng hoa, có lúc thắc thỏm, chờ đợi, nghi ngại, có lúc bần thần, do dự, có lúc đắn đo, cay đắng. Tình yêu là thế, khác sao được.
Tôi rất quý những bài thơ ông viết về người thân, gia đình cha mẹ. Con người hoa lá cành ấy nghĩ đến vợ thật chứa chan, tình cảm, thông hiểu cảm động:
Ngẫm mình nhớ ngược nhớ xuôi
Chẳng nơi nào được như nơi em chờ
Lấy thơ làm của trong nhà
Buồn vui sướng khổ chia ra cùng người
(Bài thơ tặng vợ)
Một chút ân hận rất nghệ sĩ “Khi anh đang nhìn cỏ may - ngả tay ra đón gió - thì tay em đang sàng gạo - khi anh đang nhấp chén trà như nhấp mật ong - thì em mồ hôi ướt hai bầu vú”.
Ông nhớ về người cha:
Chẳng bao giờ học làm sang
Chẳng chê ai, chẳng ngồi bàn chuyện ai
Ở bên biển rộng sông dài
Nên thương con ốc con trai ruộng bùn
… Hôm đưa cha về cõi tiên
Đường hoa dại trắng hai bên nở đầy
Với người mẹ khi đã đến cõi tiên “Ngôi mộ mẹ tôi - Nằm ở cồn cát sau làng - Hoa và cỏ dại mọc lẫn với chân hương”.
Đưa mẹ về nơi ấy
Nơi đào xuống ba tấc đất
Là gặp lại biển và sông
Ngôi mộ mẹ tôi nổi lên như một chiếc thuyền
Nhiều chi tiết thực chọn lọc, tình cảm sâu mà lan tỏa. Bài Nhà tôi giọng thơ như dịu xuống, nồng ấm, chân thành, mộc mạc gây được sự cảm thông, chia sẻ ở người đọc: “Nhà tôi - Vui niềm vui bận rộn - Cái ghế làm con tàu - Cái bàn thành bến cảng - Sóng gió trở buồm nâu - Không ngủ được - Trong ngôi nhà nhỏ - Tôi như ngọn đèn vô tình ai thắp - tự ngàn xưa - Nhà tôi - Mấy chiếc lông gà đậu bên lối ngõ - Tiếng cười mở ra ngoài đường - Nước mắt gói vào vạt áo”.
Thơ Văn Đắc vốn thế nghiêng về những hình ảnh đẹp, chi tiết đẹp. Yêu thì nồng nàn, say đắm, với quê thì đau đáu, da diết, nhớ thương, với người thân thì chân thành, tôn kính… Hơn bốn mươi năm làm thơ bám vào quê nhưng cũng đã mở rộng bước chân tầm mắt với thiên hạ. Tài hoa và nồng nhiệt; tôi vẫn muốn ông khẩn trương hơn với cuộc sống hiện thời sôi động và không ít những phấp phỏng khó lường. Mà thôi, mỗi người mỗi tạng. Chính cái riêng làm phong phú cho nền thơ chung.
M.G.L