Tôi biết Phạm Công Thắng từ khi anh còn là một nhiếp ảnh gia và có nhiều năm làm việc ở Sở Tư pháp Thanh Hóa, cho đến khi anh là Thư ký Tòa soạn Báo Văn hóa Thông tin Thanh Hóa rồi sau đó chuyển công tác ra Hà Nội.
Thời sơ tán chống Mỹ, Phạm Công Thắng cũng có tuổi thơ lam lũ, nhọc nhằn cũng như những niềm vui thả diều, đổ nước tìm bắt dế mèn, chơi cù, đánh đáo... như bao bạn bè cùng trang lứa. Cha mẹ anh vốn là công chức nghèo lại đông con nên ngoài giờ học mấy anh em lại phải ra đồng mò cua, kiếm cá để phụ giúp gia đình. Vừa học xong cấp 3, Phạm Công Thắng tình nguyện nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Hoàn thành nhiệm vụ, về cơ quan cũ, anh đi học rồi về công tác tại ngành Tư pháp tỉnh sau đó trở thành nhà báo. Đất và người nơi anh học tập và công tác, cùng với sự say mê, sáng tạo đã hun đúc nên tên tuổi nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng. Là người miệt mài, đam mê với công việc, yêu cái đẹp và biết trân quý những giá trị cuộc sống, vì thế anh đã cho ra đời những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật, báo chí, mang hơi thở cuộc sống. Phạm Công Thắng đi nhiều và trải nghiệm với con người, phong cảnh đẹp trên khắp mọi miền quê hương, đất nước, từ đó anh đã gom góp nhiều vốn sống quý.
Trong quá trình công tác làm việc ở Thanh Hóa, anh đã từng là Ủy viên BCH Hội VHNT Thanh Hóa hai khóa liền; hai lần đoạt giải thưởng báo chí Trần Mai Ninh; nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về thành tích hoạt động Văn học nghệ thuật 5 năm; giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông. Anh đã tổ chức được một triển lãm ảnh cá nhân mang tên “Quê hương” năm 1999 tại Thanh Hóa.
Tại Hà Nội, năm 2011 anh đã tổ chức thành công Triển lãm ảnh “Khoảnh khắc”; ra mắt 02 sách ảnh “Lãng du cùng Phạm Công Thắng”. Anh cũng đã đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá tại các cuộc thi nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Cho đến một ngày, anh nghiệm thấy nhiếp ảnh không thể chuyển tải hết những gì anh muốn nói, nên anh quay sang viết văn. Anh quan niệm: “Viết văn trước hết là viết cho chính mình, cho bạn bè và cho người thân”. Sau một thời gian thai nghén, anh đã cho ra đời tập truyện ngắn đầu tay “Ngã rẽ”. Sau khi tổ chức ra mắt sách tại Hà Nội và Thanh Hóa, tập truyện ngắn đầu tay “Ngã rẽ” của Phạm Công Thắng đã được dư luận đánh giá cao. “Ngã rẽ” gồm 17 truyện, duy nhất trong đó có: “Làng Cổ Bôn ngày ấy” thuộc thể loại truyện ký, còn lại 16 truyện đều là truyện ngắn với độ dài ngắn, dầy mỏng, khác nhau. Phạm Công Thắng có dịp đi nhiều, và mỗi chuyến đi đã làm dày hơn vốn sống trong anh. Phạm Công Thắng viết nhiều đề tài, từ quê hương đến tình yêu, thế sự. Những truyện ngắn của anh là những khoảnh khắc sinh động, đa sắc màu về nhân tình thế thái, về cuộc sống, về thân phận con người, về luân thường đạo lý, luật nhân quả… Thật sôi động và cuốn hút người đọc. Trong tập truyện ngắn “Ngã rẽ”, tác giả đã viết 8 chuyện tình, mỗi chuyện là một lát cắt đa dạng về tình yêu, nghĩa vợ chồng, cũng như hạnh phúc gia đình... Với lối diễn đạt giản dị, dễ tiếp cận, tác giả đã cho chúng ta hiểu sâu hơn về thân phận người phụ nữ, những mối tình trắc trở, ngang trái trong truyện ngắn “Cái giá phải trả”, đến “ Bẫy tình”; thậm chí tha hóa, đồi bại trong “Mặt nạ”. Song, vượt qua tất cả, sâu đậm trên hết vẫn là những mối tình lãng mạn, cùng vượt qua gian nan, trở ngại để đi đến hạnh phúc: “Chuyện tình bên sông”. Trong truyện ngắn “Người đàn bà chờ chồng”, tác giả ca ngợi người phụ nữ thủy chung, vượt qua mọi cám dỗ ngày đêm chờ chồng trên biển vắng. Đặc biệt trong truyện ngắn “Khi người lính trở về” Phạm Công Thắng đã khắc họa chân dung người lính giữa ranh giới cái sống và cái chết vẫn thể hiện tình đồng đội cảm động. Một người lính bị thương rất nặng, biết không thể qua khỏi, trước khi nhắm mắt đã ủy thác cho đồng đội sau này nếu còn sống hãy trở về chăm sóc vợ con thay anh ta. Đúng vậy, chỉ có trong chiến đấu mới có những tấm gương hy sinh cao cả và những nghĩa cử cao đẹp như trong truyện ngắn này.
Không chỉ viết truyện tình hay, Phạm Công Thắng còn viết về thế sự rất sâu sắc, với những cung bậc đan xen lôi cuốn. Đó là những câu chuyện quan tham lạm dụng chức quyền, làm điều ác, kiếm tiền bằng mọi giá, bằng nhiều thủ đoạn gian xảo, tinh vi trong truyện ngắn “Quyền lực và tội lỗi”. Đó là câu chuyện về những kẻ lêu lổng, hư hỏng, lao vào con đường đao kiếm, tù tội bỏ mặc mẹ già đơn côi vò võ, ốm đau bệnh tật cho đến chết trong: “Cường Đen”. Không chỉ có hiện tại, Phạm Công Thắng còn đưa chúng ta quay về bối cảnh thời Pháp thuộc miêu tả cuộc sống phè phỡn, thói chơi ngông nghênh, tìm mọi cách để bóc lột, đè đầu cưỡi cổ người dân trong truyện ngắn “Tri huyện Bình Tây” cuối cùng cũng bị quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh lật đổ.
Ngoài những mảng đề tài đa dạng nói trên, truyện ngắn của Phạm Công Thắng còn đề cập đến những khía cạnh khác trong đời sống. Đó là chuyện về người con trai bỏ du học nước ngoài để xung phong gia nhập Việt Minh rồi hi sinh trên trận địa pháo được thể hiện qua truyện ngắn “Chuyện bây giờ mới kể”; Chuyện về một con người hiền lành, xấu xí, ngờ nghệch, nhưng rất tốt bụng trong truyện “Thằng Bành”; Sự hoàn lương, trở về ngoạn mục của một con người vốn vũ phu, bệnh hoạn… được một vị sư trụ trì hóa giải trong “Sự đổi thay kỳ diệu”. Tuy nhiên cũng có câu chuyện làm lòng người thắt lại khi con cái bất hiếu, cư xử tệ bạc với người đã sinh thành, nuôi nấng chỉ vì mẹ ở nhà quê, chỉ vì mẹ nghèo trong truyện ngắn “Con gà mái hoa mơ”…
Đọc “Ngã rẽ” của Phạm Công Thắng, ta thấy ngồn ngộn, đầy ắp chất liệu cuộc sống với nhiều chiều kích khác nhau kể cả mặt sáng mặt tối; về triết lý nhân quả và giá trị cuộc sống mà con người đang vươn tới. Càng trân quý anh hơn một nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, một văn nhân dù ở độ tuổi thất thập vẫn luôn nuôi dưỡng, nung nấu và tiếp nối trong hành trình đi tìm cái đẹp.
V.D.H