Yếu tố vần, nhịp điệu và từ ngữ trong hát gọi vía của người Thái ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Hát gọi vía (họong khoắn) là hệ thống các bài dân ca nghi lễ phong tục trong thực hành nghi lễ làm vía của người Thái nói chung và người Thái ở huyện Quan Sơn nói riêng. Nhìn chung, các bài hát gọi vía cơ bản tương đồng nhau nhưng cũng có những nét riêng, mang những sắc thái địa phương nhất là yếu tố vần, nhịp và từ ngữ. Qua nghiên cứu các bản tư liệu hát gọi vía của người Thái được sưu tầm ở huyện Quan Sơn, Thanh Hóa, chúng tôi nhận thấy hát gọi vía này mang đậm bản sắc của người Thái đen trên vùng đất phên dậu xứ Thanh.
Vần
Hát gọi vía của người Thái ở Quan Sơn phổ biến có ba kiểu vần: vần chân, vần lưng và vần liền.
Vần liền: đa số được sử dụng chủ yếu trong hầu hết các bài hát gọi vía tạo ra sự liên tiếp trong nhịp điệu, giúp cho bài khặp có tiết tấu cao hơn, nhanh hơn, dễ nhớ dễ đi vào lòng người:
Đáy khăm mó xọng
Xóng hú mưa tắng
(Được cầm nồi đầy
Hai quay về nấu)
Cháu xứa nị pín chệp nơ mạy
Xáy khá khooc nơ khinh
(Chủ áo này bị bệnh
Tật hành hạ thân xác).
Vần chân: là vần được gieo ở cuối dòng thơ, có tác dụng đánh dấu sự kết thúc dòng thơ và tạo nên sự liên kết:
Chơ nị kháu nhăng mi te chén láu xiếu mi hiêu láy chợ
Mi cay tố lướng pó mé lung tá áu táu chệ nơ
(Bây giờ cơm còn có cùng chén rượu nấu
Có con gà vàng bố mẹ họ hàng mang đến đấy)
Vần lưng: gieo vần lưng là cách gieo vần nằm ở giữa câu thơ giúp tạo ra sự liên kết giữa câu trước với câu sau về vần, tạo nhịp điệu và tiết tấu vừa phải, dễ hiểu, dễ nhớ cho thầy cúng mường và tạo ra những sự liên kết trong câu nói, vần vắt vần, chữ vắt chữ, dòng vắt dòng:
Phay lặp chăng bặt ma tám
phay lam ma xuốn nơ
(Lửa tàn mới đến nhóm
Lửa bén ra ngoài lại đến)
Như vậy, chúng ta có thể thấy, cách gieo vần trong hát gọi vía của người Thái ở Quan Sơn khá phong phú; nó thể hiện cung bậc, tâm trạng và cách thầy mo luyến láy để trao gửi thông điệp tới vía lạc, với thần linh cai quản vía.
Nhịp
Các bài hát gọi vía được chia nhịp theo hai cách: theo người hát và theo nhịp thơ truyền thống của bài gọi vía. Tuy nhiên, chiếm ưu thế vẫn là cách chia theo nhịp diễn xướng của các thầy mo. Theo ông Hà Văn Mon (87 tuổi) - thầy cúng lâu năm của Mường Mìn: đôi khi trong quá trình mà chúng tôi hát gọi vía của một cuộc gọi vía nào đó thì nhịp không còn tuân theo thể thơ truyền thống ban đầu vốn có ấy, nhịp của bài gọi vía sẽ được thay đổi nhờ vào cảm xúc và độ quan trọng của từng công đoạn trong một tục làm vía. Nó tùy thuộc vào từng loại vía và từng loại làm vía. Trong khúc hát trên chúng tôi sẽ hát nhịp vắt dòng (ù ôi/há chơ mi nơ khin la xám mường/ hàu ời/ hự ơi/ a ni nơi la xám mường/ hàu ơi).
Bên cạnh đó, nhịp vắt dòng trong hát gọi vía làm chúng ta liên tưởng đến thể thơ hát nói của dân tộc Thái:
Ù ôi há chơ mi nơ khin
La xám mường hàu ời
Hự ơi a ni nơi
La xám mường hau ời
Về nhịp thơ truyền thống trong hát gọi vía của người Thái đa số là nhịp 3/2/2, nhịp 2/3/2 tạo nên những tiết tấu gấp gáp để quá trình gọi vía được diễn ra nhanh hơn, vía người lạc đường có thể về nhà sớm hơn với gia chủ, để người bệnh tật mong chóng hồi phục, để đứa trẻ sinh ra được may mắn…
Tộc năn nơi /hau có/ nhau du
Tộc mu nặn/ hau có/ nha xau
Hay:
Tang mo mọi/ mo tháu/ cai dán
Tang mo mọi/ mo tháu/ cái mưa
Đồng thời trong một bài hát gọi vía sẽ xuất hiện đồng thời của nhiều nhịp thơ khác nhau, từ đó tạo nên một âm điệu gọi vía rất đặc trưng vừa mang nhịp du dương, vừa mang âm hưởng thiêng liêng, giao kết với thế giới thần linh. Mục đích cuối cùng là để gọi vía về đúng nơi, về đến chốn:
Cháu xứa nị/ xớ pín chệp/ nơ mạy
Xáy khá khóoc/ nơ khing
Pe dú xúng/ kháu le/ khín nhạo
Xứa pát xáo/ kháu láy/ khín nung
Báu mi/ phí lơ hạu
Báu mi cháu lơ tặc/ lơ to nớ
Nhăng láy tó tạo pú én/ dú tén pu xúng
Vần và nhịp điệu trong hát gọi vía góp phần tạo nên sắc thái rất riêng mang phong cách của khặp Thái về nghi lễ phong tục; trong đó, thầy mo, thầy cúng là người diễn trình, thực hành nghi lễ ấy với một phong cách riêng đã góp phần làm đa dạng thêm về nhịp trong quá trình thực hành nghi lễ gọi vía.
Từ ngữ
Từ ngữ trong các bài hát gọi vía là những danh từ mang đậm chất văn hóa của người Thái: lin na pai piêng nặm áp (guồng nước hay tắm), sặp pe phứn đí (khan đẹp), xứa lai lẹp (áo đẹp), tạo húa pén (tạo bẹp đầu), tạo húa lai cai (tạo đầu vuông)…
Khoắn chắng tộc ma tá nặm kín nớ
Khoắn tộc ma lin na pai piêng nặm áp
Tộc hắn khoắn có nha dú
Tộc bu nặn khoắn có nha xau
Chăng ma sặp pe phứn đí hum nứa
Ma sặp xứa lai lẹp phứn nhơ hum tún
Mi khót kháu tú áu páy ệt leng
Khót cứa mo mương áu páy tón khoắn mưa
Mưa xặp co phay léng
Mưa xặp xéng phay hươn thôi
Khoắn nha kháu huối nắm pú
Nha kháu hu nắm ngược
Nha kháu du nắm tạo húa pén non phai nớ
Kháu nắm tạo húa lai cai cớn non nặm
Dịch là:
Vía mới về đến guồng nước hay uống
Vía mới về đến guồng nước hay tắm
Về đến đó cũng không được ở
Về đến đó cũng không được ngoái
về theo chiếc khăn đẹp
Về theo cái áo đẹp thường mang theo mình
Có túi cơm tôi lấy đi làm cơm
Túi muối mo mường lấy đi đón vía
Về theo đốm lửa đỏ
Về theo đốm lửa của nhà ta
Vía đừng vào suối với ông
Đừng vào hang với rồng
Đừng vào ở với tạo đầu bẹp
Vào ở với tạo đầu vuông dưới nước
Các danh từ: mo mường (Mặt trời lặn thì mo mường đi lấy vía bị lạc, này nhé), cầu thang (Các vía bước lên cầu thang đẹp/ Mới buông mình lên cầu thang cuốn khăn đẹp), quả phen (mác phen - loại quả dâu da rừng rất chua, có nhiều ở rừng mà người Thái thích ăn), đống lửa, bếp lửa (là nơi giữ hồn, giữa sự ấm áp cho cả gia đình), cái nôi, mó nước, làng bản… đều là hồn cốt, là chất men say quen thuộc trong đời sống tự nhiên và sinh hoạt của người Thái.
Ngoài ra, hát gọi vía còn sử dụng lặp lại những từ ngữ mang âm hưởng của thế giới tâm linh. Những từ ngữ ấy mang ý nghĩa gọi vía của người bị lạc vía và gọi cả ma quỷ thần linh với mục đích hỏi về việc vía có muốn về nhà không hay là ma quỷ và thần linh có muốn trả lại vía cho gia chủ hay không:
Ù ôi há chơ mi nơ khinh
Hự ơi a ni nơi
Từ ngữ mang đặc trưng riêng của hát gọi vía, tạo nên sắc thái, âm điệu mang đậm bản sắc văn hóa Thái và đậm chất linh thiêng của dân ca nghi lễ phong tục.
Cách gieo vần đa dạng, nhịp điệu linh hoạt, từ ngữ đậm sắc thái văn hóa dân tộc Thái đã phản ánh linh hồn của nghi lễ gọi vía. Đó cũng là những thành tố quan trọng của nghệ thuật ngôn từ trong những bài hát vía khi sống trong môi trường diễn xướng sẽ giúp người nghe có thể cảm nhận sự linh liêng, huyền bí trong giao cảm giữa con người với thế giới thần linh mà thầy mo là nghệ nhân thực hành nghi lễ. Vần, nhịp điệu góp phần tạo nên tính nhạc, sự truyền cảm; từ ngữ chuyển tải thông điệp một cách rất riêng đã tạo nên sự hấp dẫn của hát gọi vía.
N.T.Q - V.H.N