Có lẽ trong các loại hình nghệ thuật, thì thơ ca xuất hiện khá sớm. Câu vè, câu ví, ca dao… đã có mặt từ cả ngàn năm trước trên dải đất này. Điều đó khẳng định tầm quan trọng của thơ ca trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam chúng ta.
Bộ môn thơ cũng là một trong 7 chuyên ngành có mặt ngay từ khi Hội VHNT được thành lập, năm 1974. Và luôn luôn là chuyên ngành có số hội viên đông. Ban Thơ khi mới thành lập Hội (1974) có 21 hội viên. Đến đại hội lần thứ 2 (1983) có 28 hội viên; đại hội lần thứ 3 (1989) có 25 hội viên; năm 1990 có 30 hội viên và hiện nay Ban Thơ có 65 hội viên (Trừ 16 hội viên đã chuyển sinh hoạt và 22 hội viên từ trần). Điều đó cho thấy, những năm gần đây người làm thơ ngày càng đông đảo, càng nhiều người yêu thơ.
Thơ Thanh Hóa đang ở đâu?
Câu hỏi này dành cho các nhà Lý luận - Phê bình. Tuy nhiên ở góc độ người làm thơ, cũng xin mạo muội.
1. Với gần 70 hội viên đang sinh hoạt tại Hội VHNT Thanh Hóa, nhiều năm qua, thơ Thanh Hóa có rất nhiều khởi sắc và rất nhiều thành tựu. Có thể nói thi đàn xứ Thanh là một vườn hoa đa thanh, đa sắc, đa hương. Ở đó quy tụ nhiều sắc thái của tài năng, nhiều cung bậc của thành tựu và cũng có nhiều giọng điệu thơ, phong cách thơ được khẳng định và bứt phá thành công.
Thơ Thanh Hóa ít nhiều đã tiếp cận, hòa nhập được với cả nước, với bè bạn… Đội ngũ những người làm thơ hiện hữu đã kế tục, phát huy một cách xứng đáng những thành tựu mà thế hệ trước đã vun đắp. Bởi đó là những người đã gắn bó máu thịt với quê hương xứ Thanh. Những nhà thơ đã và đang khắc họa nên diện mạo thơ Thanh Hóa đương đại. Đó là một Văn Đắc nhẹ nhàng, uyển chuyển mà đắm say. Thơ luôn yêu hết mình, yêu cái đẹp và yêu nỗi đời, mà lấp lánh chất tài hoa thi sỹ. Một Vương Anh nhuần nhuyễn thi ngôn. Thi điệu tự nhiên như suối chảy, giàu nội lực, hàm chứa sắc thái văn hóa nguồn cội. Một Bùi Nhị Lê chỉn chu câu chữ mà ngồn ngộn, chất chứa hồn Mường. Một Nguyễn Minh Khiêm ngôn ngữ thơ tung tẩy, phóng khoáng, giàu chất biểu đạt, mà như cứa vào thịt da, mà như nhoi nhói ở đâu đó. Một Hải Minh, một Trịnh Ngọc Dự chau chuốt, cẩn trọng từng câu, từng chữ. Câu thơ đượm hồn và tinh tế. Một Huy Trụ lời thơ giản dị, chân chất, mà níu lòng người đọc. Một Vũ Thị Khương rất đời, thân phận tràn vào con chữ, nên thơ bình dị mà da diết, lắng sâu. Trong khi đó, Trịnh Minh Châu sau một chặng dài ồn ào thì chợt lặng lẽ. Lặng lẽ sống, lặng lẽ viết, lặng lẽ quan sát và lặng lẽ găm vào người đọc những cảm thức nhân sinh tưởng như khuất lấp đâu đó.
Rồi chúng ta cũng đang có một Đinh Ngọc Diệp với từ ngữ chắt lọc, kiệm lời, luôn phát hiện thi ảnh lạ trong muôn vàn hình ảnh đời thường để chợt òa ra một triết lý cõi đời, đầy khắc chạm. Một Phạm Khang mạnh mẽ, có phần bạo liệt, luôn đi đến tận cùng, góc cạnh của cuộc sống, tuy có hơi xô bồ nên cần chắt lọc hơn nữa. Nguyễn Xuân Nha thì đang nhẩn nha tìm lối đi riêng cho mình. Và anh một mình một vệt thơ. Một lối thơ tự hát hồn nhiên tự gan ruột thi sỹ. Một Lê Đình Bằng ngôn ngữ thơ bình dị mà giàu sức liên tưởng, hàm chứa nỗi người, nỗi đời. Trong khi Nguyễn Duy Chinh dồn nén, hàm súc, gọn gàng, nhưng có lẽ câu thơ hơi tỉnh, rất cần một sự đắm say... Còn thơ lục bát Nguyễn Trọng Liên thì ngôn ngữ linh hoạt nhưng cấu tứ dàn trải, gam màu thơ còn nhẹ. Thơ anh đang rất cần có sức gợi, sức liên tưởng trong mỗi câu thơ. Vì mỗi câu, mỗi từ… anh đều bộc lộ hết, không còn khoảng để người đọc nhấp nháp, suy ngẫm. Cho nên thơ anh ít đọng và ít ám ảnh. Và chúng ta cũng đang có một Lê Hai lúc như trầm lắng, lúc lại như nổi loạn (như chính cuộc đời anh). Một sự nổi loạn của khát khao, nổi loạn của niềm yêu…
2. Một đội ngũ các tác giả xuất hiện ở thập kỷ thứ nhất, thứ hai của của thế kỷ XXI. Đây là những người có nhiều vốn sống, có nhiệt tình với thơ. Một số người có khát vọng và ít nhiều đã và đang cố gắng làm rõ giọng điệu thơ của mình: Trương Vạn Thành tự nhiên nhi nhiên, lời thơ thật thà mà tỉnh, luôn nằm trong trường ám ảnh thơ mà anh yêu mến. Phạm Thị Kim Khánh thức dậy chất Mường trong sâu thẳm tâm hồn. Thơ có lúc chắt lọc dồn nén, có lúc lại tung tẩy mang chút phá phách. Hoàng Quốc Cảnh thật và lành, vừa nhẩn nha, điềm tĩnh quan sát, vừa tìm tòi, thử nghiệm mà đằm sâu ký ức. Vũ Quang Trạch vắt kiệt từng con chữ để bộc lộ tư tưởng. Mỗi từ, mỗi chữ của anh như sa thạch, không dễ bào mòn, vì nó đã được bóc đến tận lõi. Còn Trần Tất Trừ vừa lạ vừa quen, câu thơ hừng hực đấy mà nhẹ ngay đấy, v.v…
Thi đàn Thanh Hóa hiện nay có một đội ngũ tác giả trẻ đầy tiềm năng, có sức viết rất sung lực. Đó là: Phạm Văn Dũng, Phạm Tiến Triều, Mai Hương, Phong Lan, Sơn Ca, Quách Lan Anh, Lâu Văn Mua, Bùi Xuân Tứ, An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Lê Thị Đáng, Mạc Phong Tuyền, Trương Xuân Thiên, Việt Hưng,… Lực lượng này có môi trường tốt, được trang bị khá đầy đủ kiến thức và các điều kiện để phát triển, có khát vọng, có niềm đam mê và đầy nhiệt huyết. Nhưng ngoài Mạc Phong Tuyền, Mai Hương, An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Trương Xuân Thiên… có nhiều tìm tòi, đang trên con đường xác lập bản quyền giọng điệu của mình; và Phạm Văn Dũng, Phạm Tiến Triều nồng nhiệt, hăm hở khám phá, thể nghiệm, số còn lại đang đứng trước thách thức không nhỏ.
(Bên cạnh đó, gần đây cũng có một số tác giả trẻ, cũng đã có đầy đủ hành trang kiến thức, nhưng thơ chưa có tín hiệu một tác giả. Thơ nhạt về tứ, hời hợt, nông cạn. Ngôn ngữ hoặc cũ mòn, hoặc ngôn tình hóa, dễ dãi. Đặc biệt cứ na ná ở đâu đó. Các bạn ấy cần được khích lệ. Nhưng những ồn ào quá mức đôi khi lại làm hại cho họ. Để bước vào văn trường, các bạn ấy cần điềm tĩnh lắng nghe, nghiêm khắc với chính mình, tự mình đòi hỏi cao hơn và mạnh dạn đoạn tuyệt với những cái mà chưa thể gọi là thơ. Người đọc chờ đợi nhiều nữa ở các bạn ấy).
3. Có thể nói, trong số gần 70 hội viên của Ban Thơ đang sinh hoạt, ngoài các nhà thơ đã thành danh, đã ghim được tên mình vào văn đàn cả nước, có những đóng góp tự hào cho nền văn học nước nhà; Và một số cây bút đang cố gắng khẳng định mình, cố gắng xác lập một giọng điệu, một thi điệu, một cái tên với bạn bè… Thì số còn lại hầu như đều bằng lòng với cái đã có, bằng lòng với vị thế của thơ mình. Số này rất đông. Rất ham mê, rất say sưa, rất nhiệt tình với thơ. Luôn lấy thơ làm niềm vui, làm niềm vui thù tạc. Nhưng hầu như ít có khát vọng vươn lên, ít có khát khao đổi mới và có lẽ cũng không đủ sức để làm mới thơ mình. Đó là chưa nói đến có tác giả còn dị ứng với thơ hiện đại, thơ cách tân với thái độ bảo thủ, cực đoan. Chính vì vậy mà sự hòa nhập của thơ Thanh Hóa với thơ cả nước còn ở mức độ khiêm tốn, mức độ dè dặt, thậm chí có khu vực (Khu vực tác giả) đang còn có khoảng cách nhất định. Rất ít có sự bứt phá. Hiếm thấy có một cá tính sáng tạo, cá tính thơ, sống quyết liệt với thơ, quyết liệt vì thơ. Những tác giả mới xuất hiện, ít thấy có những giọng điệu riêng, phong cách riêng, mới và lạ (Ngoài một số tác giả đã nói ở trên)... Lặp lại mình và na ná người khác là điều không hiếm.
4. Một điều rất dễ nhận thấy là hiện nay, Thanh Hóa chúng ta vắng hẳn thơ viết cho thiếu nhi, cả về tác giả, và cả về tác phẩm. Chúng ta đã từng có một thế hệ các nhà thơ viết cho thiếu nhi rất say mê, với một tình yêu trẻ thơ rất đắm say và hồn nhiên. Đó là các nhà thơ Mai Ngọc Uyển, Đỗ Xuân Thanh, Lã Hoan, Mạnh Lê, Anh Tuấn, Xuân Thơm, Bùi Nhị Lê, Nguyễn Ngọc Quế... Các nhà thơ Mai Ngọc Uyển, Đỗ Xuân Thanh, Lã Hoan, Mạnh Lê, Xuân Thơm, Anh Tuấn đã đi xa. Còn nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế đã chuyển đi Hà Nội. Và gần đây anh cũng ít viết cho thiếu nhi. Các tác giả hiện hữu ở Thanh Hóa hôm nay, hầu như không ai viết cho thiếu nhi. Có phải thơ thiếu nhi dễ viết. Thơ thiếu nhi ít được coi trọng, và tỷ lệ dành cho thơ thiếu nhi trên các báo, tạp chí quá ít… mà người làm thơ hôm nay không mặn mà với thơ thiếu nhi nữa. Quan niệm đó hoàn toàn sai. Thậm chí làm thơ cho thiếu nhi còn khó hơn cả làm thơ cho người lớn. Vì ngoài các yếu tố cần như khi làm các bài thơ khác, viết cho thiếu nhi, tác giả còn phải hòa nhập được với tâm hồn của trẻ em, có được tâm hồn của trẻ thơ. Có như thế thơ mới không gượng, mới được các em đón nhận.
5. Có hay không hiện tượng tự khoanh vùng, “mẹ hát con khen hay”, không giao lưu, không đọc của bạn bè. Không cần biết thiên hạ đang viết gì, đang viết như thế nào. Không đọc của bạn bè là hạn chế, là thiệt thòi rất lớn của người viết.
Phê bình thơ, giới thiệu thơ và giới thiệu sách… còn nặng về giao đãi, hoan hỷ. Ít thấy chỉ ra mặt mạnh, mặt yếu của một tác giả, để qua đó tác giả nhận được mình, thấy mình cần viết như thế nào.
Bên cạnh những thành tựu, cũng xin được mạnh dạn nhặt ra một số hạn chế mà thơ chúng ta vẫn còn mắc phải.
- Còn khá nhiều thơ thiếu cảm xúc, khô khan, thiếu vốn sống, thơ "nghĩ ra", xếp vần đơn thuần.
- Ngôn ngữ làm xiếc một cách vô hồn, sáo rỗng.
- Thơ vần điệu tuy lưu loát nhưng tứ nhạt, ít gây ấn tượng.
- Ý tưởng vụn vặt, nông cạn, gặp gì viết nấy, ngôn tình hóa.
- Thơ triết lý khiên cưỡng, thiếu logic, thiếu tự nhiên.
- Những bức xúc thì quá riêng tư, nói “cho đã”, thiếu nhân văn.
- Ngôn ngữ nôm na, mòn sáo, tự nhiên chủ nghĩa, thiếu chắt lọc, ít sáng tạo.
- Sự ảnh hưởng người khác thiếu nhuần nhuyễn, chứng tỏ bản lĩnh nghệ thuật chưa vững chắc.
Và hơn cả là chúng ta đang thiếu vắng một sự vạm vỡ trong thơ. Một sự sang trọng, hùng tráng, hào sảng, minh triết... của thơ. Chúng ta cũng đang thiếu vắng những tác phẩm có vóc dáng bề thế, đề cập đến những vấn đề lớn, hàm chứa tư tưởng lớn của thời đại, của quốc gia, nhân quần.
*
Có thể nói, thơ Thanh Hóa đang đứng trước những thách thức lớn, đó là thách thức trước sự chuyển động của thi ca, và sự cao khiết của môi trường thơ, không gian thơ với những giá trị vĩnh hằng của sản phẩm tâm hồn. Không thể cứ mãi trong tình trạng “Mẹ hát con khen hay”. Giao lưu hội nhập, sinh hoạt học thuật, vươn ra khơi xa đang là yêu cầu bức thiết của người sáng tác. Vì vậy, rất cần có sự linh hoạt, thiết thực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoạt động. Bao gồm cả việc nâng tầm của tổ chức Hội, của Ban chuyên ngành; Đổi mới hoạt động theo hướng mở cửa, giao lưu, hội nhập, đặc biệt chú trọng học thuật; Tăng cường sự thâm nhập thực tế đời sống. Người nghệ sỹ - Nhà thơ phải đốt lên ngọn lửa đam mê, luôn bắt nhịp được với đời sống xã hội. Phải gắn bó máu thịt với quê hương, với sự chuyển động, đi lên, thay đổi từng ngày của xứ Thanh; Chú trọng, tạo điều kiện tốt nhất để người sáng tác công bố, phổ biến tác phẩm của mình. Kịp thời tôn vinh, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, động viên, khuyến khích những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, có nội dung tư tưởng tốt, mang hơi thở nồng đượm của công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Có sức lan tỏa và tác động đến tình cảm, mỹ cảm của công chúng bạn đọc và nhân dân. Có kế hoạch đặt hàng, đầu tư xứng đáng cho tác phẩm, công trình có quy mô lớn, có tầm cao tư tưởng, có giá trị nghệ thuật cao, đậm tính sử thi, đề cập đến vấn đề lớn của đất nước và lịch sử phát triển của dân tộc; Những tác phẩm bề thế, có sức lan tỏa sâu rộng và sức sống lâu bền.
Tháng 10-2021
L.B