Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Đôi điều về thơ dự thi trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh năm 2021
Đôi điều về thơ dự thi trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh năm 2021

Năm 2021 đi qua, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã khép lại chặng đường một năm mười hai số tạp chí đều đặn ra đời cũng như hành trình đưa tạp chí đến với bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh với tôi luôn đẹp về hình thức và phong phú về nội dung, thể loại: truyện, ký, thơ, nghiên cứu - lý luận - phê bình, khảo cứu văn hóa lịch sử... Hầu hết các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, đặc biệt có sự xuất hiện ngày càng nhiều các cây bút mới không chuyên trong và ngoài tỉnh. Ở bài viết này, tôi xin được tập trung đi vào phần thơ dự thi trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh năm 2021. Thơ xứng đáng là cái nhụy của cuộc sống như ý nhà thơ Tố Hữu sinh thời đã nói. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã tổ chức cuộc thi thơ với chủ đề "Linh thiêng Tổ quốc - Hào khí xứ Thanh" trong năm 2021, cuộc thi đã tạo ra sân chơi hết sức cuốn hút cho các nhà thơ trong và ngoài tỉnh, là dịp để các cây bút giao lưu, chia sẻ và thể hiện sự sáng tạo con chữ cũng như tâm hồn thi ca của mình.
Nhìn lại một năm, thơ được chọn in trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh có nhiều bài để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Từ các nhà thơ gạo cội, lực lượng chủ lực của tạp chí như nhà thơ Văn Đắc, Huy Trụ, Vương Anh, Nguyễn Minh Khiêm, Lâm Bằng, Đinh Ngọc Diệp, Vũ Thị Khương, Viên Lan Anh, Phạm Thị Kim Khánh, Trương Vạn Thành, Hoàng Quốc Cảnh, Bùi Khắc Viên, Nguyễn Thanh Xuyết... đến sự xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên các nhà thơ trẻ góp phần không nhỏ vào sự đa dạng, phong phú về chất và giọng điệu của thơ in trên tạp chí. Trên bước đường thể nghiệm để có thơ hay, các nhà thơ luôn tìm cách làm mới mình để ngôn ngữ thơ giản dị mà vẫn đẹp, gợi hình, gợi ảnh, gợi tình hơn, dụng chữ đa nghĩa hơn nhưng câu thơ lại cô đọng, hàm súc hơn và đặc biệt là ngày một đến được gần hơn với bạn đọc. Thơ vừa gắn với tiến trình hiện đại lại vừa giữ được bản sắc, đậm đà tính dân tộc. Tất cả những thử thách đó đã được các nhà thơ chinh phục một cách ngoạn mục và thể hiện rất đỗi tinh tế, uyển chuyển trong từng trang thơ in trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh.
Hiện thực cuộc sống sôi động, phong phú, đa diện, nhà thơ phải nắm bắt được cái lõi của cuộc sống để phản ánh, xây dựng, chuyển tải kịp thời tất cả những lấp lánh sắc màu ấy vào trong thơ. Ban Tổ chức đã rất khéo léo trong việc lựa chọn đề tài cho cuộc thi, vừa để cho mỗi tác giả có không gian thể hiện được cảm xúc về cái rộng dài của tình yêu quê hương, đất nước; vừa thu tầm nhìn của các tác giả tham dự cuộc thi tập trung về một điểm có sức cuốn hút bất tận đó là hào khí, là nét đẹp của quê hương xứ Thanh, còn là tình yêu đôi lứa, những khát vọng đời thường của người Thanh Hóa. Nhìn một cách bao quát đó là hình ảnh xứ Thanh đang vươn mình trên con đường hội nhập và phát triển để hòa vào sự thịnh vượng chung của đất nước. Với tình yêu mến cả cho thơ, cả cho tạp chí, qua việc theo dõi và đọc các tác phẩm thơ dự thi trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, không chủ quan khi cho rằng hầu hết các tác phẩm dự thi không những đã bám sát được đề tài mà còn đưa đến cho thơ, cho tạp chí sự cuốn hút mạnh mẽ, một sức sống mới với ăm ắp xúc cảm thơ ca và đậm đà hơi thở cuộc sống, có khi rất đỗi đời thường và cũng có lúc lại vô cùng thi vị.
Quê hương, đất nước là nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân, với mỗi nhà thơ xứ Thanh đó còn là khát khao, là khắc khoải trong mỗi nhịp thở cũng như trong mỗi nhịp thơ. Cầu Hàm Rồng, chứng nhân huyền thoại của lịch sử, mồ chôn những "thần sấm con ma" một thời đạn lửa. Chiến tranh đã đi qua, cây cầu trở về với dáng vẻ bình yên, lặng thầm nối đôi bờ sông Mã, cùng với bao thế hệ người dân Thanh Hóa xây dựng quê hương ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Cầu Hàm Rồng vừa là biểu tượng của tinh thần bất diệt, bản anh hùng ca hào hùng về tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, vừa là nơi neo đậu cho bao hồn thơ đa sầu, đa cảm. Những xúc cảm vừa lãng mạn, thướt tha với sông Mã, núi Ngọc, núi Rồng, vừa mạnh mẽ, mãnh liệt với thế đứng hiên ngang giữa trời mây sông núi như tâm thế người xứ Thanh suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. 
Nơi đây một thời máu đổ
Lửa bom cháy sạm thân cầu
Linh khí ngàn năm vút lên đầu súng
Nâng đôi vai gầy cô gái tuổi đôi mươi
... "Cây cầu thép qua bao ngày bão lửa
Ngàn vết thương vẫn sừng sững ngang trời".
        (Chiều Hàm Rồng - Hoàng Quốc Cảnh)
 Địa dư đất nước đã làm nên những con sông của thi ca, nhạc họa: sông Hồng, sông Thương, sông Cầu, sông Mã... và những cây cầu nối những bờ vui. Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã, quê hương xứ Thanh, qua bao thăng trầm lịch sử đã trở thành địa chỉ văn hóa lịch sử hào hùng và thiêng liêng. Linh khí, hồn thiêng núi Rồng, sông Mã đã hun đúc nên cây cầu vững vàng trước mưa bom. Vẫn còn đây, người em gái mảnh mai tuổi hai mươi vác đạn diệt thù, vẫn còn đây những người lính pháo thủ Đồi C4 kiên trung, sắt thép trước bom thù. 
Nếu dòng Hương Giang xứ Huế mộng mơ, êm đềm điệu hò mái nhì, mái đẩy thì dòng sông Mã cuộn trào điệu hò khoan khỏe khoắn, tươi trẻ: Câu hò khoan vang vọng đến mê say/ Như kể lại những ngày chiến thắng/ Như sông Mã vang câu hò nghĩa nặng/ Khúc độc hành mê mải xứ Thanh ơi! (Khúc ru trên dòng sông Mã - Nguyễn Hùng Sơn). Dòng sông mải miết chảy giữa đôi bờ lúa ngô trù mật, kể mãi chiến công anh hùng xứ sở. Thơ tựa chiếc thuyền nan, tấm bè mảng trôi từ ngọn nguồn lịch sử đến rộng dài trầm tích văn hóa xứ Thanh: Người kể sử thâu đêm bằng sông Mã/ Để nắng mai thức dậy phía Hàm Rồng/ Người thợ chạm gươm đao thành liềm hái/ Trong những dáng đình vời vợi xứ Thanh/ Lam Kinh của bậc quân vương vệ quốc/ Thành vòm xanh rười rượi với bây giờ/ Lam Sơn của muôn người áo vải/ Lớp lớp sóng trào trong đại cáo Bình Ngô (Với xứ Thanh - Bùi Việt Phương). 
Sầm Sơn, bãi biển đẹp, thơ mộng, món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho xứ Thanh, chả thế mà hình ảnh Sầm Sơn cứ trở đi rồi trở lại thế mà mỗi lần mỗi khác, vẫn cứ luyến lưu, đáng yêu, đáng nhớ và thân thương đến lạ. "Biển và em" cũng là nguồn cảm hứng dạt dào của thi nhân: Chia tay biển em về mang theo gió/ Mang theo về nhạc sóng trùng khơi/ Lật mở nắng lại về Sầm Sơn nhé/ Biển trong anh thành nhịp thở lâu rồi (Sầm Sơn gọi - Phạm Văn Dũng). 
Phóng tầm nhìn xa hơn sẽ thấy đảo Mê, núm ruột thiêng liêng của xứ Thanh, ngọn hải đăng tiền đồn Tổ quốc cũng làm bao thi nhân khắc khoải nhắc tới: Khúc quân hành chúng tôi ra thăm đảo/ Trời nồm nam biển gọi gió thu về/ Qua cửa Bạng tàu cỡi trên lưng sóng/ Mắt nôn nao hướng ra đảo Hòn Mê (Thăm đảo Hòn Mê - Nguyễn Bằng).
Bên cạnh dòng thơ mang sắc thái sử thi, các bài thơ ăm ắp sự kiện, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống thời đại cũng góp phần làm đa dạng, phong phú cả về chất và lượng cho cuộc thi. Từ ngày dịch Covid ập đến, thế giới bước sang thời kỳ vừa chống dịch vừa ổn định phát triển kinh tế, nước ta cũng nằm trong bối cảnh đó và trong đó có quê hương Thanh Hóa. Các nhà thơ cũng "xuống đường" cùng toàn dân chống dịch: Sinh ra từ xứ Thanh bên bờ sông Mã/ Cô gái ngành y phơi phới tuổi xuân thì/ Nghe tiếng gọi khắp ba miền chống dịch/ Em lên đường quyết chí diệt cô vi (Trịnh Vĩnh Đức). Bài thơ ra đời kịp thời động viên những "chiến sĩ ngành y" đang náo nức lên đường vào phía Nam để giúp đỡ đồng bào ruột thịt. Những cô gái trường Y tuổi đời còn rất trẻ, xa nhà nhớ mẹ nhưng vẫn dũng cảm, tận tình ngày đêm bên giường bệnh để cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân. Nhà thơ xứng đáng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa như Bác Hồ thuở sinh thời đã dạy. Họ góp tiếng lòng, tiếng thơ động viên nhân dân vững vàng vượt qua cơn hiểm nguy của dịch bệnh, thực hiện đúng Chỉ thị của Chính phủ. Bên cạnh đó các nhà thơ còn biểu dương những tấm gương cao cả của các y bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân, chia sẻ với mọi người, tự mình gánh vác khó khăn, vững vàng niềm tin vào một ngày mai chiến thắng, ngày mai tươi sáng: "Viết cho con những ngày đại dịch" của Phong Lan; "Biết hi sinh" của Đỗ Thế Tuấn; "Nghĩa tình..." của Lê Đăng Sơn, “Nếu ngày mai nhà mình phải cách li” của Phong Lan... 
Dòng thơ thể hiện tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu đôi lứa cũng chiếm số lượng không hề nhỏ trong tổng thể của cuộc thi. Quê hương, chốn đi về của mỗi chúng ta. Điểm tựa tinh thần mỗi khi ta mỏi mệt trên bước đường mưu sinh bầm dập, ta lại tìm về quê để được nương tựa, được vỗ về, yêu thương. Bình yên trong tháng ngày, không dối lừa, phù phiếm mà chỉ có ân tình ấm áp: Đã lâu quê phía xa vời/ Cánh cò vỗ trắng những lời mẹ ru/ Dại - khôn trong chốn phù hoa/ Bụi người có ám thịt da quê mùa (Đã lâu quê phía xa vời - Nguyễn Thanh Xuyết). Có lúc làng là quê, có khi quê cũng là làng, đã yêu thương nào ai nghĩ nhiều đến rạch ròi, cứ chân chất xuề xòa như người làng, người quê bao đời nay vậy thôi. "Làng", qua bao phen binh hỏa lịch sử, có lúc nước mất nhưng làng không bao giờ mất, làng là hồn cốt của quê. Đứa con còn biết nhớ làng là đứa con hiếu nghĩa. Xa quê, nhớ quê đi cả vào giấc ngủ (Vọng quê - Đinh Thị Hường). 
Cảm xúc về tình yêu lứa đôi được các nhà thơ khơi sâu ở nhiều dạng thức. Có lúc lời thơ trăn trở, day dứt vì tình lỡ dở không thành: Ai làm cho mụn măng nhú/ Ai giục măng vội thành tre/ Để đau một mùa măng lỡ/ Vừa nhỡ một mùa non tre (Phạm Thị Kim Khánh). Lời trách than cùng câu xường của quê hương xứ mường gắn với thiên nhiên núi rừng, mùa màng, cây cối. Cách nói ví von ẩn dụ càng làm cho nỗi buồn đau trở nên da diết. Kim Khánh, một nhà thơ nữ dân tộc Mường, thơ chị giàu trắc ẩn, cảm xúc tinh tế, luôn truy tìm và tràn đầy khát vọng hạnh phúc đời thường. 
Năm qua, mặc dù dịch giã triền miên, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần, nhưng thơ xứ Thanh đã đạt được những thành tựu đáng được ghi nhận. Các nhà thơ không ngừng sáng tạo để cho ra đời những thi phẩm có giá trị, phục vụ bạn đọc. Tuy nhiên, đây đó cũng vẫn còn những tác phẩm chưa thật sự thuyết phục bạn đọc, song số đó không nhiều. Và qua cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh năm 2021, mong rằng, Ban Giám khảo sẽ chọn ra được những bài thơ hay, phát hiện những nhân tố mới, khích lệ và động viên các cây viết kịp thời, góp phần làm cho tiếng nói của thơ thêm giàu có và bề thế. 
Xin chúc mừng một năm thành công của thơ và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh. 
                                

9-12-2021
                                                                                            LX.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 220
 Hôm nay: 8772
 Tổng số truy cập: 13017241
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa