Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nhà giáo xứ Thanh và những trang thơ thấm đẫm tình đời
Nhà giáo xứ Thanh và những trang thơ thấm đẫm tình đời

Xứ Thanh, vùng đất thường được gọi với nhiều cái tên rất đáng suy ngẫm, rất đáng tự hào như Địa linh nhân kiệt; Đất quý hương; Thanh thế Nghệ thần… Và còn một xứ Thanh đất học. Đất học xứ Thanh xưa với những thầy đồ và môn sinh làm rạng danh cho quê hương, đất nước như thầy Lương Đắc Bằng (1472-1522) người Hoằng Hóa, đã đào tạo nên một Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (quê Hải Dương) tài năng đức độ, Tiến sĩ Đinh Bạt Tụy (Nghệ An), Tiến sĩ Nguyễn Mẫu Đồi, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hưu, Hoàng giáp Lại Kim Bảng...       
Sau Cách mạng tháng Tám, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sau ngày thống nhất đất nước, trong nền giáo dục mới đã xuất hiện nhiều nhà giáo tâm đức, tài ba, vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi quản lý. Đó là những gương mặt nhà giáo tiêu biểu như thầy Nguyễn Danh Lân, Cao Hữu Nhu, Nguyễn Xuân Dương, Vũ Ngọc Khánh, Lưu Đức Hiền, Hoàng Ngọc Giới, Phạm Công, Vũ Lê Thống, Cao Danh Đằng, Cao Sơn Hải, Nguyễn Văn Bồng, Vương Văn Việt, Lê Xuân Đồng, Chu Thị Huệ, Phạm Ngọc Quang… và còn nhiều nhà giáo tâm huyết, mẫu mực hoạt động giảng dạy và quản lý ở các cơ sở giáo dục.   
1. Dù bận với công việc giảng dạy hay quản lý, nhiều thầy cô giáo vẫn dành cảm xúc cho thơ, như một nhu cầu của đời sống tinh thần nhà giáo. Thơ với họ như một phần tất yếu của những người làm nghề dạy học. 
Nhà giáo, nhà thơ Lê Đăng Sơn (Hội VHNT Thanh Hóa) từng chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, nguyên Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ông đã xuất bản hàng chục tập thơ và nhận được nhiều giải thưởng của Hội VHNT và UBND tỉnh. Hai mảng đề tài lớn trong thơ ông là tình quê hương và nghĩa tình đồng đội, đặc biệt là những bài thơ ông viết về đồng đội. Nhiều năm ở chiến trường, đối mặt với cái chết, chứng kiến đồng đội hy sinh trong những tình huống khác nhau, ký ức hằn sâu nghĩa tình đồng đội nên mỗi dịp tháng Tư về Lê Đăng Sơn có nhiều thơ cho đồng đội. Người đọc đồng cảm với ông qua nhiều bài thơ nghẹn ngào những dòng nước mắt, ám ảnh và lay thức lương tâm. Đó là Dấu lặng mãi còn đây, Nợ Trường Sơn, Tháng Tư về nhớ bạn, Chiều uống rượu bên mộ bạn…
Đau đến nghẹn ngào. Buốt đến lặng thinh
Những người lính bạn tôi nằm chất chồng cửa mở
Tôi còn sống để rồi tôi mang nợ
Tôi còn sống để suốt đời phải nhớ
Năm tháng gồng mình trong tàn khốc đạn bom
            (Nợ Trường Sơn)
Nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Trọng Liên (Hội VHNT Thanh Hóa) nhập ngũ năm 1965, tái ngũ năm 1972, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, nguyên Trưởng bộ môn Hình học, khoa Toán Trường Đại học Hồng Đức. Nguyễn Trọng Liên đã xuất bản 11 tập tập thơ, ký, truyện ngắn và nhiều thơ in chung. Thơ Nguyễn Trọng Liên đa dạng về thể loại, đề tài, giọng điệu. Chính vì thế mà tác giả luôn có ý thức làm mới mình, làm mới thơ. Mới nhưng không lạ, mới của trí tuệ, tìm tòi và sáng tạo. Bài thơ "Đếm tóc" của ông là một sáng tạo độc đáo và thú vị: Sợi này e ấp nỗi đau/ Sợi này thô ráp nát nhàu cho con/ Sợi này phơi nắng dầm sương/ Sợi này nữa hóa vô thường đợi anh/ Khi yêu dài mượt tóc xanh/ Thời gian đã nhuộm tóc thành pha lê. Những câu thơ lục bát nhuần nhuyễn nhịp điệu. Các điệp ngữ  "Sợi này" tưởng như đang diễn ra sự đếm một cách cụ thể, rành rọt. Mà làm sao lại đếm được tóc? Thì ra đây là cách để nhà thơ thấu hiểu và chia sẻ những nhọc nhằn, vất vả của một đời làm vợ. 
Nhà giáo ưu tú, nhà thơ Lê Xuân Đồng (Hội VHNT Thanh Hóa), chiến đấu ở chiến trường Thừa  Thiên - Huế, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, đã trình làng tập thơ đầu tay "Tơ lòng" năm 2018, và đang chuẩn bị xuất bản 1 tập thơ và 1 tập lý luận phê bình văn học trong năm 2021 này. Ngoài những bài thơ về tình đồng đội, tình quê hương và tình yêu, chủ yếu bằng thể thơ lục bát, thì Lê Xuân Đồng có những bài thơ về nhà trường, về nhà giáo như Phượng đỏ, Mùa thi, Nghe tiếng trống trường…
Lòng em khắc khoải tiếng ve
Dạ tôi nóng chảy ngày hè phượng rơi
Mái trường xưa, mái trường ơi
Lặng thầm mà cả một đời hiến dâng…
            (Mùa thi)
Nhà giáo, nhà thơ Trần Tất Trừ (Hội VHNT Thanh Hóa), sau nhiều năm chiến đấu ở mặt trận phía Nam, nguyên Hiệu trưởng trường THCS, đã có 5 tập thơ được xuất bản. Thơ ông ngày càng đậm chất triết lý và hình như tác giả như muốn làm mới mình trong thơ (Bông so đũa, Lời thề đáy giếng, Về lại đồng làng…). Đó là tín hiệu vui, rất đáng mừng: Sau chiến tranh con trai mẹ không về/ Con dâu nay đã thành bà ngoại/ Nhà mẹ bốn mùa… Dâu thảo bện chổi rơm…/ … Rơm nếp cuống dài buộc vàng tuổi chị/ Mãi bào mòn mười dấu vân tay (Người vận chổi rơm).
Những năm 60, 70 của thế kỉ XX, nhiều người từ nhà giáo nhập ngũ đi chiến đấu hoặc từ chiến trường trở về đi học sư phạm. Họ là những nhà giáo - chiến sĩ. Cho nên thơ của nhà giáo - chiến sĩ đầy ắp kỷ niệm chiến trường, chứa chan tình đồng đội. Đó là nhà thơ Huy Quân (Phòng Giáo dục Như Thanh), Hoàng Xuân Đổng (Cao đẳng Sư phạm), Bùi Đình Ngọt (Cao đẳng Sư phạm), Vũ Hữu Thỏa (Đại học Hồng Đức), Mai Duy Lời (Phòng Giáo dục Bỉm Sơn)… Mỗi tác giả đã có những tập thơ cho riêng mình, góp thêm hương sắc cho vườn thơ xứ Thanh.
2. Từ nhà giáo dạy Văn rồi chuyển hẳn sang hoạt động văn chương chuyên nghiệp như là một cơ duyên. Đó là trường hợp của Văn Đắc, Mạnh Lê, Thy Lan
Văn Đắc (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa), nguyên giáo viên Văn THPT được trời phú cho một giọng đọc tuyệt vời, nhất là khi ông đọc thơ. Ông chưa đi vào phân tích, chỉ mới đọc thôi đã cuốn hút người nghe rồi. Văn Đắc xuất bản hàng chục tập thơ với nhiều phần thưởng xứng đáng của Hội VHNT địa phương và Hội Trung ương, thơ Văn Đắc gắn với từng thời kỳ lịch sử của đất nước, quê hương. Thơ ông đậm chất triết lý, một thứ triết lý của người từng trải kiểu như “nói dễ đi những điều khó hiểu, nhưng để hiểu hết thì không hề dễ chút nào”.
… Câu tục ngữ xưa mà làng đã nay rồi
Đời lại đẻ ra nhiều câu mới nữa
Tôi muốn hát một lời gì nhỏ nhẹ
Như là câu tục ngữ thế này thôi.
Cố nhà thơ, nhà giáo Mạnh Lê (Hội VHNT Thanh Hóa) gắn bó với Tạp chí Xứ Thanh ngay từ những ngày đầu. Nhà thơ Mạnh Lê luôn khai thác những mạch trầm tích văn hóa truyền thống của quê hương. Âm vang của làng nghề đúc đồng, dân ca Đông Anh, hò sông Mã… đã dội vào thơ và trường ca của nhà thơ: Dô tả dô tà, sông Mã quê ta/ Ngày nắng, ngày mưa xanh bờ rau má/ Múa thì đội đèn, hát như trống vỗ/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng… (Dô tả dô tà).
Lê Thị Lan (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa, Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh), bút danh Lan Lê, Thy Lan, cũng từ một cô giáo dạy Văn ở THPT bén duyên cùng Hội VHNT Thanh Hóa rồi không dứt ra được nữa. Vừa tham gia quản lý vừa dành cảm xúc cho văn chương. Gần chục năm nay, Thy Lan đã có 3 tập nghiên cứu lý luận, phê bình văn học và một tập thơ Trăng đầu hạ. Tập thơ là tình yêu quê hương, đất nước, tình vợ chồng thủy chung gắn bó, là những trăn trở trước bộn bề cuộc sống xung quanh. Trăng đầu hạ là những thể nghiệm bước đầu cho một hành trình khám phá và định hình bút pháp của riêng mình với xu hướng triết lý:
Còn chút heo may trộn mùa tóc rối
Em sợ chiều đi mang bóng anh theo
Trăng vội vã dốc lên trời vằng vặc 
Đêm mông lung như cạn lại như đầy! 
            (Với thu)
Người đọc dễ nhận thấy một Thy Lan sâu sắc trong những trang lý luận phê bình thì cũng có một Thy Lan đằm thắm và triết lý trong thơ.
3. Có một điều thú vị là trong ngành giáo dục, nhiều thầy cô tham gia quản lý cũng yêu thích thơ và làm thơ như một nhu cầu không thể thiếu được. 
Nhà giáo, nhà thơ Lê Huy Hoàng (Hội VHNT Thanh Hóa), nguyên là Bí thư Huyện ủy Bá Thước, đam mê thơ và đã có 9 tập thơ được xuất bản. Thơ ông man mác tình đời, tình quê - nhất là với Bá Thước, quê hương thứ hai của ông:                                                                                                                                                      
Trên đỉnh Pù Luông mây vờn
Núi cao, trời thấp vẫn hẹn hò
Cánh vạc chao nghiêng chiều ập đến
Rừng núi Mường Khoòng ai ban cho
            (Chiều Pù Luông)
Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa), nguyên Hiệu trưởng trường THCS, với một gia tài khổng lồ: 14 tập thơ, 5 trường ca, 2 tập truyện, 2 tập ký, 1 tiểu thuyết. Với sự lao động miệt mài và sức sáng tạo không ngừng nghỉ, chất lượng tác phẩm của Nguyễn Minh Khiêm, dù là thơ hay trường ca, anh rất xứng đáng là một trong những nhà thơ gội cạo của xứ Thanh trong thời điểm hiện tại. Và anh cũng xứng đáng nhận được nhiều phần thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa…
Trường ca của Nguyễn Minh Khiêm là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tự sự và trữ tình: Rợp trời cờ xí tung bay/ Muôn phương nhập một rừng cây điệp trùng/… Còn một chiếc lá rừng Lam/ Còn lá cờ nghĩa thì còn mai sau…/ Nước non Đại Việt mở ra/ Một trang sử mới bao la chân trời/… Dưới cờ là sức vạn người/ Bình Định Vương hóa mặt trời ban mai… (Trường ca Lê Lợi mài gươm).
Nhà giáo, nhà thơ Lê Văn Sự (Hội VHNT Thanh Hóa) từng nhiều năm làm quản lý, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc. Ông đã xuất bản 8 tập thơ, 1 trường ca và 1 tập Địa chí. Ông nhận được nhiều giải thưởng của Hội VHNT Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa, UBND tỉnh. Thơ ông chân thành và ấm áp tình người: Ta ngồi uống rượu đêm trăng/ Muôn vì sao với chị Hằng chênh chao/ Xích gần hơn nữa chút nào/ Nghe bao đắng đót chảy vào chén thơ/ Nỗi buồn vui cứ vẩn vơ/ Cứ lơ thơ cứ vật vờ quanh đây/ Rót đi em chén rượu đầy/ Bạn thời đánh giậm đêm nay cũng về/ Uống cho những đứa xa quê/ Những đồng đội cũ đã về thiên thu… (Uống rượu đêm trăng).
Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa), nguyên Tổ trưởng tổ Toán cấp 3 Đào Duy Từ, với 7 tập thơ và 2 tập phê bình văn học, cho thấy sức làm việc không mệt mỏi của ông. Thơ ông giản dị, ân tình nhưng sâu sắc:
 Lá rụng. Lá đang trôi về đất
Nắng tắt. Nắng thắp lửa về trời
Đêm mở cửa cho ngày mai nẩy hạt
Những giấc mơ xòe cánh bay lên. 
            (Đêm mơ)
Với nhà giáo, nhà thơ Trịnh Vĩnh Đức (Hội VHNT Thanh Hóa), vừa làm quản lý ở trường THCS vừa nghiên cứu văn hóa, viết lý luận phê bình và làm thơ. Đến nay tác giả đã có 3 tập sách in riêng và một tập in chung. Tập thơ Hương Biển là tấm lòng tri ân với quê hương, bạn bè, đồng nghiệp. Trịnh Vĩnh Đức còn viết về tình yêu với một chất thơ trữ tình vừa hiện thực vừa lãng mạn cũng rất đỗi đáng yêu. Đây là một trong nhiều bài thơ mà Trịnh Vĩnh Đức đã thành công trong phương thức biểu đạt giọng điệu thơ trữ tình: “Khi ta đã về quá bán tuổi năm mươi/ Hơn nửa đời trôi như dòng sông một đời tất tưởi/ Chảy nặng gánh quê chứa bao điều thầm lặng/ Vẫn rạo rực lòng thao thức một chốn quê - Quê hương tôi xanh xanh ngắt triền đê/ Cơn gió chênh chao bao mùa vất vả/ Cánh cò nghiêng mỗi chiều yên ả/ Cất giữ lời quê nơi ấy đợi em về” (Quê hương).
4. Các nhà giáo người dân tộc thiểu số ở xứ Thanh đã có nhiều đóng góp trong nghiên cứu văn hóa, chữ viết của người Thái, Mường. Họ đồng thời cũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu, đại diện cho dân tộc mình. Đó là nhà giáo Cao Sơn Hải (Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa), nguyên Phó GĐ Sở Giáo dục và Đào tạo; Hà Văn Thương (Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa), nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa… Thơ của nhà giáo Cao Sơn Hải, Hà Văn Thương chân chất, mộc mạc, hồn nhiên như chính con người miền núi, vùng cao.
Nữ nhà giáo, nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh (Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa) đã có 4 tập thơ: Vườn tháng Giêng, Hai ngọn gió, Cõi vọng, Mùa lá. Thơ Phạm Thị Kim Khánh đậm chất Mường trong đề tài, chất liệu, ngôn ngữ, cách cảm, cách nghĩ: Người đi rồi không còn nghe đêm phai/ Tiếng chim trống păng păng cưa vách đá/ Póp póp, chim mái thoi thóp gọi/ Sừng trăng non chưa đủ rạng mái rừng… (Tháng Giêng bỏ quên).
Nhà giáo, nhà thơ Phạm Tiến Triều (Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa). Tác giả có 4 tập thơ và 1 tập tiểu luận phê bình. Thơ Phạm Tiến Triều ăm ắp tấm lòng của người dân bản trong từng câu xường, trong buổi gọi vía:
Ôm câu xường tìm em suốt trăm năm
Câu xường côi thương lắm
Câu xường tắm nhớ thương
Ta tìm em suốt bảy núi mười thung…
            (Ôm câu xường tìm em suốt trăm năm)
 5. Giáo dục Thanh Hóa tự hào có một đội ngũ hùng hậu là nữ giáo viên. Trong số đó có người tham gia quản lý, nhiều người là giáo viên giỏi các cấp, đã nêu cao khẩu hiệu “Đảm việc trường, giỏi việc nhà”. Một số chị có làm thơ và thơ khá hay. 
Tác giả Nguyễn Thị Kim Quy (Hội VHNT Thanh Hóa), nguyên giáo viên Văn cấp 3 Lam Sơn, có thơ từ rất sớm và với 7 tập thơ, 1 tập Thơ - Nhạc được phát hành. Thơ Nguyễn Thị Kim Quy là tiếng nói dịu dàng, ân cần dành cho phái nữ: Lẽ nào em có tội/ Chỉ vì quá yêu anh/ Lẽ nào em có lỗi/ Muốn anh chỉ yêu mình… Ai yêu nhau chả thế/ Chứ riêng gì em đâu/ Yêu anh, em không thể/ Sao lại giận em nào?…
Chúng ta có những nữ nhà giáo, nhà thơ trẻ đang độ sung sức và đầy triển vọng: Lê Huyền (Phòng Giáo dục Ngọc Lặc), Trần Thị Thu Hà (Phòng Giáo dục Vĩnh Lộc), Tiến sĩ Mai Thị Hạnh Lê (Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa), Lâm Trần (Phòng Giáo dục Thọ Xuân)… Họ đã có thơ đăng và thơ in thành tập.
Cũng cần nói đến những nhà giáo, nhà thơ đã dành cả cuộc đời cho giáo dục tỉnh Thanh mà giờ đây họ đã là người thiên cổ. Đó là thầy Phạm Cúc (giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, trường cấp 3 Lam Sơn) với 10 tập thơ viết cho thiếu nhi như Cho con cháu phi lên, Mặt trời tỏa sáng… và có thơ được chọn để in trong SGK cấp 1. Là thầy Mai Ngọc Uyển (Phòng Giáo dục Bỉm Sơn), thầy Đặng Anh (Trường Cấp 3 Thiệu Hóa)… Hình ảnh các thầy cô sẽ đọng mãi trong ký ức học trò xứ Thanh.
Ngành giáo dục Thanh Hóa còn xuất hiện nhiều nhà giáo không làm thơ, nhưng họ viết văn, nghiên cứu văn hóa, văn học nghệ thuật, lịch sử, phương pháp dạy - học văn... Họ đã để lại những tác phẩm, công trình khoa học có giá trị, phục vụ đời sống và giảng dạy. Đó là nhà giáo: PGS Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Xuân Dương, PGS Hoàng Tiến Tựu, Nguyễn Ngọc Liễn, Võ Hồng Phi, Lê Huy Trâm, Phùng Thanh Vân, Lưu Đức Hạnh, Vũ Ngọc Khôi, Lê Xuân Đức, Lê Xuân Soan, Hoàng Trọng Cường, Hà Nam Ninh, PGS.TS Hỏa Diệu Thúy, PGS.TS Hoàng Mai, PGS.TS Mai Thị Hồng Hải, PGS.TS Lê Tú Anh, Lê Vạn Quỳnh…
*
Thơ của nhà giáo xứ Thanh luôn chuẩn mực và đổi mới. Chuẩn mực trong sử dụng ngôn từ, trong cách biểu đạt. Đổi mới trong cách tiếp cận với xu hướng thơ hiện đại. Cho dù viết theo thể thơ lục bát, Đường luật hay thơ tự do, các nhà giáo, hơn ai hết, luôn làm chủ và sáng tạo, cũng là để làm mới mình.
Giọng điệu thơ của nhà giáo xứ Thanh luôn nhẹ nhàng, trong trẻo nhưng cũng không ít những trăn trở, đau đáu nỗi niềm thế sự. Những triết lý nhân sinh trên bục giảng và hiện thực cuộc sống được các nhà giáo, nhà thơ dung hợp, giao thoa, cân bằng giữa bài giảng và trang thơ. Đó chính là phẩm chất nghệ sĩ của nhà giáo - nhà thơ xứ Thanh, rất đáng tự hào! 
                              

Tháng 11 năm 2021
                                L.X.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 126
 Hôm nay: 2632
 Tổng số truy cập: 7667369
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa