Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   “Sóng” của tình yêu
“Sóng” của tình yêu

“… có lẽ thủy thủ các anh giàu có nhất vì bể bơi của thủy thủ không hề có giới hạn”

Là một kỹ sư điện, từng làm việc trên tàu viễn dương, Trương Anh Quốc có nhiều lợi thế hơn so với các nhà văn khác khi nhúng ngòi bút của mình vào biển cả. Những trải nghiệm, vốn sống quý giá của thủy thủ được anh chia sẻ vào hai tiểu thuyết “Biển” và “Sóng”. Nếu “Biển” dồn nén muôn mặt đời sống thủy thủ trên con tàu, thì với “Sóng” dịch chuyển theo chuyến du ký, người đọc được cùng anh chiêm ngưỡng và thám mã những vùng đất mới lạ, những nền văn hóa đặc sắc, đầy hấp dẫn, lôi cuốn. “Sóng” là một cuộc chơi, một thử nghiệm khác của anh, sau những thành công về truyện ngắn và tiểu thuyết. Nhưng đó là cuộc chơi đầy ý thức, trách nhiệm, không đơn thuần ghi chép, lưu dấu cảm xúc mà đã có sự hòa quyện giữa nội dung và hình thức, giữa cảm hứng dân tộc và cảm hứng nhân loại, tạo nên tác phẩm văn học đích thực, được bạn đọc quan tâm, ghi nhận. 
 “Biển” và “Sóng” đều viết về đời sống của thủy thủ, đều chọn người kể chuyện ở ngôi thứ ba, kiểu người kể chuyện hàm ẩn, biết ít hơn nhân vật, quan sát, kể lại một cách khách quan, không nhảy vào nhân vật mà phán xét, luôn có một khoảng cách nhất định với nhân vật và người đọc. Người đọc không lệ thuộc, không bị dẫn dắt bởi người kể chuyện mà người đọc như đồng hành cùng nhân vật, tham gia vào câu chuyện của nhân vật, cùng đối thoại, cùng trải nghiệm với nhân vật một cách hứng thú, háo hức. Những mảnh ghép, xung đột của nhân vật này đến nhân vật khác theo trật tự tuyến tính, theo điểm nhìn của nhân vật In, hình thành nên cốt truyện của “Biển”, thì “Sóng” là kiểu cốt truyện đa tuyến, truyện lồng truyện, theo điểm nhìn của “nó” và Anh Thụy. Kết hợp chất du ký và loại hình điện thoại, thư từ (thư điện tử và thư tay), nên “Sóng” không phải dạng nhật ký hành trình, ghi chép lại những gì đã đến, đã xảy ra. Yếu tố cấu thành truyện kể, cốt truyện đảm bảo cho “Sóng” sự hài hòa giữa tính nghệ thuật và tính du ký. Trương Anh Quốc không gò bó người đọc trong cốt truyện có sẵn, vì những khám phá, trải nghiệm của các nhân vật thường không lặp lại. “Sóng” được mở rộng biên độ, không còn giới hạn trên tàu và một vài bến cảng như trong “Biển”, các thủy thủ được ghé nhiều điểm hơn như sân bay Kansai của Nhật Bản, cảng Qinhuangdao của Trung Quốc, bán đảo Cape York, cảng Port Land của Australia, đảo Mangkai của Indonesia, eo biển Singapore, eo biển Malacca, cảng miền Tây Ấn Độ, cảng Paradip ở Đông Bắc Ấn Độ, cảng Cape Town của Nam Phi, vịnh Paria của Venezuela, cảng Coatzacoalcos của Mexico, cảng Gioia Tauro của Ý, đảo Santa Cruz của Tây Ban Nha, cảng Damietta của Ai Cập, cảng Ulsan của Hàn Quốc,… Từ những lời tâm sự của Anh Thụy qua thư, qua điện thoại, người đọc theo chân nhân vật đi một hành trình song song khám phá những danh lam thắng cảnh trên nước Mỹ, được đến Florida, San Antonio của Texas, thành phố Cali ở Tây Colombia, công viên vườn quốc gia Yosemite của California, rồi Atlanta, Georgia, Chicago, New York,… Từ điểm nhìn của “nó”, các thủy thủ, người đọc được bồi đắp và am hiểu hơn về lịch sử Vạn Lý Trường Thành, sông Dương Tử, Kim Tự Tháp, sông Hằng, kênh đào Panama,…; được chiêm ngưỡng những kỳ quan thiên nhiên của thế giới như núi Phú Sĩ, đảo ngọc Tenerife, rừng nhiệt đới vùng Trung Mỹ,…; nhận thức về sự khác biệt văn hóa, tôn giáo, kinh tế, pháp luật, phong tục tập quán, đời sống tình dục, tiền tệ, ẩm thực… ở các nước. Nhân vật trong truyện của anh được thay đổi, thêm, bớt, người xuống người lên, người đi người đến, góp phần tạo sự hứng thú, bất ngờ. Các câu chuyện được kể đi từ biển vào bờ và từ bờ ra biển, từ cảng này đến cảng khác, do vậy, không gian, thời gian, lớp lang của truyện được mở rộng, đồng nghĩa, những trải nghiệm của người đọc được cơi nới. Tình tiết, sự kiện thường được cắt đuôi hẳn, chứ không nối tiếp sang các phần khác. Có thể phần này có yếu tố cốt truyện nhưng phần sau lại không có, bị bỏ ngỏ, chỉ điểm xuyết vài sự kiện, tùy thuộc vào quá trình nhân vật tiếp xúc, chứng kiến hoặc nghe kể lại. Hành trình viễn du của anh có điểm tưởng chừng là khởi đầu, ở Kansai, nhưng hơn một năm sau đó, khi nhân vật quay về, mới biết rằng điểm bắt đầu hành trình không phải ở Nhật, mà ở Incheon Hàn Quốc. Và có điểm dừng cuối cùng ở Việt Nam, nhưng điểm dừng này không phải là điểm kết thúc, chi tiết không gặp gỡ giữa “nó” và Anh Thụy lại tiếp tục mở ra một hành trình khác. Nên, hành trình du ký như một vòng trái đất tròn ấy không ảnh hưởng đến hành trình nhân vật truyện, điểm nào cũng có thể là điểm xuất phát.
Tự sự theo điểm nhìn bên ngoài, không khai quật thế giới nội tâm, nên tính cách, đời sống của thủy thủ hầu hết biểu hiện thông qua lời nói và việc làm. Anh trao quyền đánh giá cho người đọc, người đọc tự liên kết, tự đánh giá, tự thể hiện nghĩ suy, thái độ, cảm xúc của mình trước các thủy thủ. “Sóng” được anh xử lý khá sạch sẽ vai người kể chuyện đứng bên ngoài, các nhân vật được miêu tả hết sức chân thực, sinh động, tự nhiên. Nhưng lời kể của người kể chuyện đôi khi vẫn có những nhận xét, bình luận mang yếu tố chủ quan như so sánh việc thuận tay trái giữa người châu Âu và châu Á: “Con nít ở mình nếu cầm muỗng xúc cơm bằng tay trái, cầm bút tập viết bằng tay trái sẽ bị người lớn cấm” [2; tr.147]. Lời của nhân vật đôi khi cũng ẩn chứa thái độ, quan niệm của người kể chuyện: “Tôi yêu con sông, người dân Ấn Độ cũng rất yêu sông. Không có con sông dân nghèo sẽ chết. Hình như dân nghèo khắp nơi trên thế giới này đều yêu sông”. Có đoạn anh để người kể chuyện đảm đương hai vai, điểm nhìn của nhân vật và điểm nhìn của chính mình: “Đúng rồi, không có gì cao quý và thiêng liêng bằng Tổ quốc, không tổ chức xã hội nào có thể đứng trên Tổ quốc”. Điểm nhìn phức hợp, hoán chuyển giữa người kể chuyện và nhân vật, di chuyển lúc bên trong, lúc bên ngoài như thế này giúp Trương Anh Quốc bộc lộ nội tâm, cảm xúc, chính kiến của nhân vật một cách tự nhiên nhất trước những vấn đề mang tính thời sự, toàn cầu như ma túy, tình dục, bắt cóc buôn người, hủy hoại thiên nhiên,... 
Giọng điệu hài hước, giễu nhại là chất liệu quan trọng trong tiểu thuyết du ký của Trương Anh Quốc. Liên quan đến người kể chuyện hàm ẩn ngôi thứ ba nên sự giễu của anh không hướng vào bản thân mà hướng vào tập thể, cộng đồng. Anh không cố ý vạch trần, thủy thủ này tự bộc lộ với thủy thủ khác thông qua việc làm, lời nói. Không gian trên tàu như một xã hội thu nhỏ, với đầy đủ hạng người: người nịnh hót, a dua, bợ đít người khác, người thẳng thắn, người cam chịu, người đa nghi, người ưa thể hiện, người thích chỉ tay năm ngón, người thích nói xấu nhau,… Trong quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa, anh nhại những yếu tố đã ổn định, chuẩn mực, khả kính, không phải loại trừ, chỉ để xác tín lại mọi thang bậc giá trị. Ví như đoạn thấy bác tài vừa lái xe vừa xúc cơm, lời của người kể chuyện đã bộc lộ giọng bỡn cợt: “Người Nhật làm việc ngay trong lúc ăn, người mình trời đánh cũng tránh bữa ăn, cứ xong xuôi đâu đó rồi tính tiếp. Ăn no sinh lười biếng, hiệu quả công việc thấp”. Ở “Biển”, anh bàn về tôn giáo ở dạng chung chung, niềm tin về tôn giáo, thì ở “Sóng” anh lại có sự phản bác, giải thiêng tôn giáo. Anh hoài nghi, đặt lại vấn đề với tôn giáo, khi một cô gái có thể bỏ chồng, bỏ con chứ không bao giờ từ bỏ tôn giáo; tín ngưỡng hôn lên mũi giày của vị thần biển khi đoàn qua xích đạo, uống nước sông Hooghly để được cứu rỗi, thủy thủ trên khắp thế giới này đến được dòng sông Thames như người mộ đạo được về với dòng sông thiêng Ấn, Hằng,… Tôn giáo nào cũng tốt đẹp, hướng thiện, chỉ có con người hậu sinh mới hành xử lệch lạc. Con người sống phải có đức tin, nhưng đức tin thực ra không nằm ở đâu ngoài tâm niệm và lòng thành. Biển còn là không gian trải ra những mặt ưu và nhược, những vấn đề mang tính thời sự của người Việt. Trong cái nhìn so sánh, Trương Anh Quốc đưa mọi thứ lên bàn cân, sòng phẳng và công bằng. Tự hào dân tộc không có nghĩa phủ nhận những giá trị bên ngoài, mà đôi khi mượn cái bên ngoài đánh giá lại những yếu tố đã ổn định, cũng là một thái độ cầu thị, hơn nữa sự thay đổi, loại trừ, bổ sung cũng là cách tạo thái độ tích cực và phát triển theo hướng đi lên. Ngày rằm trung thu, với người Hàn là lễ tạ ơn, nhưng với người Việt, để biếu các sếp và là cái cớ để biếu các thứ khác có giá trị hơn. Người Ý làm nhà trên núi, nhường chỗ bằng phẳng phục vụ trồng trọt, ở ta, ngược lại, san lấp ruộng làm nhà, phá núi, phá rừng nguyên sinh trồng cây ngắn ngày. Người Trung Quốc đoàn kết, làm ăn theo hội, theo phường và luôn ý thức giữ gìn tiếng nói bản quán. Người Việt, cửa hàng Việt ngay trên nước mình toàn tiếng nước ngoài cho oai. Người châu Âu dễ dàng bỏ qua mọi chuyện, người châu Á thường nhớ dai, thù lâu. Nhưng, trong hành trình viễn du, dù có đi vùng này đến vùng khác thì ý thức dân tộc trong tác phẩm của anh luôn tỏa sáng. Đi nơi xa là để đo độ nhớ quê hương - chôn rau cắt rốn. Không ít người Việt định cư ở nước ngoài vẫn nói tiếng mẹ đẻ lưu loát, vẫn thực hiện nghi lễ đám cưới truyền thống Việt Nam. Theo anh, cọ sát, va chạm với nền văn hóa khác, cảm thức nguồn cội sẽ được đánh giá sâu sắc, cặn kẽ hơn. Để người chỉ huy một trạm xem hộ chiếu ở Ai Cập bật lên câu nói “Việt Nam pằng pằng America, Việt Nam số một!” [tr.173], anh đã truyền tải, biểu thị được nhiều thông tin: nhận thức, thái độ, cảm xúc của người nước ngoài và ẩn đằng sau đó là niềm vui, niềm tự hào của anh về đất nước mình. Khát khao đẹp nhất mà anh gửi gắm trong “Biển”, khát khao “trái đất này là của chúng mình”, không có một sự phân chia nào, nơi đâu cũng là nhà, biển cả sẽ nối bờ bến, nối vòng tay lớn, nối tình yêu thương cũng là thanh âm, bè trầm của “Sóng”. Vì vậy, xu hướng đi để nhìn nhận khách quan và hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc, đi để xác lập sự trở về, là một thế mạnh trong tiểu thuyết du ký của anh. 
Ngôn ngữ du ký của Trương Anh Quốc dân dã, gần gũi, đậm chất đời thường. Anh sử dụng nhiều từ địa phương, khẩu ngữ như “…cái con khỉ”, “xí”, “kẹt”, “nhức dách”, “dòm”…; từ tục như mồ tổ, đ.m, mẹ,… và lối nói ngược, bằng cách đảo từ như “cố quá thành quá cố” nhưng không gây phản cảm, khó chịu. Bởi, những ngày tháng dằng dặc trên con tàu, bão giông luôn rình rập, thiếu thốn đủ thứ, nhất là tình cảm, đến nỗi thủy thủ Tình phải tự gửi thư cho chính mình,… thì các kiểu giao tiếp đó cũng là giải pháp xả strees hợp lý và người đọc thấy được tính cách vui nhộn, tếu táo, bông phèng, suồng sã nhưng tình cảm thân mật giữa các thủy thủ. Các thành ngữ, tục ngữ dạng như “dạ trước mặt trỗ sau lưng”, “một miếng khi đói bằng gói khi no”, “có qua có lại”, “trời đánh cũng tránh bữa ăn”,… được anh đưa vào câu chuyện một cách khéo léo, xuất ra nhiều suy tưởng. Do đó, ngôn ngữ du ký của anh mang tính chất đa thanh, biểu lộ cảm xúc, biểu lộ sự giễu, biểu lộ tính cách, biểu lộ thái độ,… có khả năng tác động và gợi mở tính liên tưởng của người đọc. Bên cạnh đó, những phát ngôn chứa đựng tính triết lý, hàm ý sâu sắc cũng được anh lồng vào suy nghĩ, lời nói của nhân vật và người kể chuyện: tiền kiếm được thời gian thì không, con tàu to lớn bao nhiêu cũng nhỏ nhoi trước biển cả, có những thứ càng cấm giới trẻ càng tò mò tìm mọi cách xé rào vượt qua, trên đời này làm gì có ai cho không ta một thứ gì,… Những ngôn từ kiểu này buộc người đọc phải nhường khoái cảm chu du sang một bên, dừng lại, ngẫm nghĩ điều mà nhà văn muốn biểu đạt. Đó là kỹ thuật tạo điểm nhấn và sức nặng cho “Sóng”. Sau nụ cười hóm hỉnh, dí dỏm bao giờ cũng đọng lại những dư âm, chừa ra những khoảng lặng để người đọc ngẫm ngợi, nhận biết và gọi tên giá trị. Du ký không chỉ là trần thuật, miêu tả, khảo cứu, đối thoại mà cần phải mang đến những thông điệp nhân văn, giá trị thẩm mỹ về con người và cuộc sống.
Những trang viết đậm đặc, tường tận không gian biển, từ biển nối bờ, nối các bến cảng trên thế giới bằng tàu thủy trong “Sóng”, tính đến hiện tại, có lẽ, chỉ riêng Trương Anh Quốc, tung hoành một bờ một cõi. Sự xê dịch của “Sóng” không làm người đọc lãng quên cảm hứng về “Biển” mà làm cho hành trình vượt đại dương thêm phần hào hứng. Nhưng tôi vẫn thích “Biển” song song với “Sóng”, bởi điểm nhìn đa chiều, đa diện về con người và cuộc sống, bởi những trăn trở, ngẫm suy nhân văn, bởi nghệ thuật kể chuyện, thủ pháp nghệ thuật linh hoạt của Trương Anh Quốc luôn hôn phối, móc xích với nhau, tạo nên giọng văn: thẳng thắn mà công tâm, lạnh lùng mà tình cảm, giễu nhại mà triết lý, dân dã mà xót đắng. Những vấn nạn nhiễm chất độc vũ khí hóa học, nhiễm độc dầu thô, chuyện đóng thuế thu nhập cá nhân, chuyện bằng cấp, chứng chỉ giả, chạy chọt, buôn lậu, ma túy, ô nhiễm môi trường,… trong tác phẩm của anh vẫn luôn thách thức con người, đòi hỏi con người những thay đổi về mặt nhận thức, qua đó, khơi dậy tình yêu và lòng tự hào đối với quê hương, đất nước. 
Hành trình kiếm tìm, khám phá biển, khám phá những vùng đất mới và khám phá nhân loại cũng là hành trình kiếm tìm, khám phá chính mình. Đó là điều mà anh đã làm được khi viết “Sóng” dưới dạng thể tài văn học du ký.
                                

H.T.A


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 91
 Hôm nay: 1959
 Tổng số truy cập: 7549780
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa