Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ xứ Thanh - từ truyền thống đến hiện đại
Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ xứ Thanh - từ truyền thống đến hiện đại

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Có lẽ, đó là danh hiệu cao quý nhất và cũng là niềm tự hào vô tận của phái nữ. Trong niềm tự hào ấy, Thanh Hóa cũng góp vào rất nhiều gương mặt nữ đáng khâm phục và trân trọng. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận điều này như một lẽ tất yếu; không chỉ vậy những con người ấy đã hóa thân vào văn học, nghệ thuật với sự trường tồn vĩnh cửu. Trong vô vàn những cái tên đáng kính ấy, bài viết xin điểm diện bộ ba: Nhụy Kiều tướng quân Triệu Thị Trinh; người mẹ tảo tần nuôi giấu cán bộ cách mạng mẹ Tơm - Nguyễn Thị Quyển và nữ anh hùng gắn với cây cầu Hàm Rồng huyền thoại - Ngô Thị Tuyển. Ba con người ấy với ba hoàn cảnh khác nhau, ba công việc khác nhau, ba số phận khác nhau… nhưng lại chung nhau ở vẻ đẹp: Sự tần tảo, đức hy sinh, vì nước quên mình… Họ là những người phụ nữ góp phần làm rạng danh trang sử hào hùng của xứ Thanh trong pho sử và văn hóa dân tộc. 
1. Thời đại và lai lịch của ba nữ anh hùng xứ Thanh
Mỗi người sinh ra đều có một lai lịch, thân thế, một số phận khác nhau. Ba gương mặt được thể hiện trong bài viết đều là những con người bằng xương, bằng thịt với những hành động, việc làm được người đời lưu lại rất rõ ràng như minh chứng về tấm gương anh hùng vĩ đại trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc.
Nữ tướng Triệu Thị Trinh còn có những tên gọi khác như Triệu Trinh Nương, Nàng Trinh, Bà Triệu, Triệu Ẩu, sinh trưởng tại làng Cẩm Trướng, huyện Quân Yên (huyện Quan Yên), quận Cửu Chân. Ngày nay, làng này thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa - Địa danh giáp ngã ba Bông nơi một con gà gáy 5 huyện cùng nghe. Theo truyền thuyết, Triệu Thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 năm 226 và mất năm 248, khi mới 22 tuổi. Triệu Thị Trinh là em gái của Huyện lệnh Triệu Quốc Đạt, vì cha mẹ chẳng may qua đời sớm nên hai anh em cưu mang lẫn nhau. Tương truyền, Bà Triệu là người con gái có nhan sắc vừa kiêu sa, vừa thánh thiện mà người đời thán phục: Đẹp như thế thì có thể làm vợ các quan để trở thành bà này, bà nọ, ấm thân một đời được chứ. Không chỉ vậy, cô gái Triệu Thị Trinh còn là người can đảm, mưu lược: Thuần phục được voi trắng một ngà hung dữ; thẳng thắn: Giết chị dâu phản trắc để răn lòng quân sĩ… Những phẩm chất ấy có thể tìm thấy ở rất nhiều người phụ nữ Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Đó là vẻ đẹp bình dị toát lên từ phái đẹp mà Bà Triệu được kế thừa như một tài sản chung của dân tộc nhưng cũng mang nét cá tính rất mạnh mẽ của một võ tướng tài ba.
Không diễm lệ, uy nghi, không xung gươm ra trận cưỡi voi đánh cồng như Triệu Trinh Nương nhưng cũng luôn đối mặt với kẻ thù, đối mặt với cái chết trong gang tấc là mẹ Tơm - tên gọi thân thương của bà Nguyễn Thị Quyển. Mẹ Tơm sinh năm 1880, chồng là Vũ Văn Sởn, hai người sinh được 4 người con, trong đó hai người con trai của mẹ đều tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Mẹ là con người bình dị của mảnh đất Hanh Cù, nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cuộc sống nô lệ hai tròng áp bức, mẹ đã bền bỉ, kiên gan và dành trọn niềm tin với Đảng, với cách mạng. Bằng sự ân cần, lam làm, chịu khó của người phụ nữ Việt Nam; mẹ Tơm cùng cả gia đình ngày đêm tham gia hoạt động cách mạng với niềm tin tất thắng. Với mẹ, ngôi nhà bằng rơm trên bãi Hanh Cù hoang vắng là tổ ấm cho bao nhiêu người con của Đảng ẩn mình. Đến nay, ngôi nhà rơm ngày ấy không còn nữa nhưng những kỷ vật in hằn ký ức về mẹ vẫn còn được con cháu đời đời lưu giữ cho đến tận mai sau.
Tấm gương thứ ba: Người phụ nữ xứ Thanh đi vào kỷ lục “khỏe nhất Việt Nam” ở tuổi 19 là người phụ nữ vác đạn nặng nhất trong chiến tranh Việt Nam - nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển. Đến bây giờ, nữ anh hùng ấy vẫn là chứng nhân lịch sử của một thời oanh liệt. Ngô Thị Tuyển sinh năm 1946 tại làng Nam Ngạn (nay là phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa); là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mang quân hàm Trung tá. Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, chị là một nữ dân quân tại khu vực Hàm Rồng. Ngày 4 tháng 4 năm 1965, nữ dân quân ấy đã vác hai hòm đạn nặng 98kg vượt qua bờ đê chuyển ra sông phục vụ chiến đấu tại Hàm Rồng, Thanh Hóa. Chị hai lần được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba, sáu lần được tặng bằng khen, được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Ngô Thị Tuyển được Nhà nước Việt Nam phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, trở về với cuộc sống đời thường nhưng với chị phẩm chất của người cộng sản vẫn là lý tưởng sống...  Hình ảnh người thương binh, người cựu chiến binh phường, đội mưa đi làm từ thiện đã tô thêm vẻ đẹp của người nữ anh hùng. Người dân Thanh Hóa không biết từ bao giờ thường gọi chị với cái tên quen thuộc “người anh hùng của mọi thời đại”. Năm 1999, Jeremiah Denton, một trong những phi công Mỹ bị bắt ở Thanh Hóa đã về thăm lại Hàm Rồng và có cuộc gặp gỡ anh hùng Ngô Thị Tuyển - người đã từng tham gia đội áp giải ông trong những năm chiến tranh. “Ngày ấy, khi bị xa lưới, tôi cảm thấy chị đã biểu lộ lòng thương hại đối với một kẻ thù yếu hơn là ghét bỏ một kẻ thù hùng mạnh. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của chị”, đó là ấn tượng của Denton dành cho chị.
2. “Uy vũ bất năng khuất” người phụ nữ xứ Thanh
Ngược dòng lịch sử của dân tộc, chúng ta tự hào về những con người của miền đất quê Thanh. Bà Triệu đã từng lưu lại với đời câu nói bất hủ, đầy khẩu khí anh hùng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Vì vậy, khi giặc tìm mọi cách đàn áp, cướp bóc, giết hại dân lành, ép bà đầu hàng chúng thì Bà Triệu đã quyết tâm vung gươm ra trận tiễu trừ quân cướp nước. Nghe tin Bà Triệu dựng cờ khởi nghĩa đông đảo nhân dân ở khắp các địa phương mà trước hết là quận Cửu Chân đã nô nức xin theo. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ... sức lực và tài nghệ tuy có cao thấp khác nhau nhưng tất cả đều quyết một lòng đánh giặc cứu nước, một phen sống mái giữ trọn giang san Tiên Rồng. Lực lượng nghĩa quân của Bà Triệu vì thế mà phát triển rất nhanh và nhiều trận chiến thắng giòn giã. Trước tình thế đó, tướng giặc Lục Dận ra sức mua chuộc bà bằng vàng ngọc, bằng tước hiệu: Lệ Hải Bà Vương nếu đầu hàng chúng. Không khuất phục được bà, chúng đã dùng hạ sách, lõa thể khi xung trận. Là người cao khiết, không nhìn cảnh dơ bẩn ấy, bà đã giao quyền cho các tướng và tuẫn tiết trên núi Tùng (Hậu Lộc) để thể hiện khí phách của mình.
Cách Nhụy Kiều tướng quân 16 thế kỷ, xứ Thanh ghi tên thêm người phụ nữ anh hùng mẹ Tơm. Người mẹ tảo tần, gan dạ… lo miếng ăn cho đại gia đình chiến sĩ cách mạng dù chỉ là nồi khoai sớm tối lót thay cơm, dù chỉ là bát canh rau trong sự khó khăn chung của dân tộc và trong sự dòm ngó của kẻ thù. Với những cán bộ cách mạng như Bí thư Tỉnh ủy lâm thời: đồng chí Lê Tất Đắc, sau đó là đồng chí Tố Hữu và cả các đồng chí khác: Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Đặng Hỷ... mẹ Tơm là người có ơn trọng như núi không bao giờ kể xiết. Chính mẹ cùng chồng con của mình đã nuôi dưỡng, che chở cho các đồng chí ấy khi ở trong ngôi nhà rơm của mình tại bãi ngang Hanh Cù. Ngôi nhà ấy đã trở thành cơ quan Tỉnh ủy lâm thời với sự cư trú của các cán bộ cách mạng. Mẹ và chồng của mình đã bị bọn cường hào đánh đập dã man vì chịu tội cho hai người con trai làm mất bò (thực chất là bí mật bán bò lấy tiền nuôi cán bộ) và chưa đóng thuế. Mẹ luôn tảo tần gom góp, dành dụm chăm lo cho các cán bộ cách mạng - một công việc nếu bị phát giác thì cả gia đình sẽ bị giết chết. Không chỉ vậy, những bó truyền đơn cũng từ nhà, từ tay mẹ Tơm được rải ra khắp mọi nơi. Khi căn cứ nhà mẹ bị lộ, hai người con trai ruột của mình bị bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn không khai báo. Sau này được thả vì không có chứng cứ thành tội, mẹ lại cùng các anh hoạt động cách mạng. Với mẹ lợi ích quốc gia, dân tộc đặt trên gia đình mãi mãi khiến chúng ta luôn trân trọng và ghi khắc trong lòng. 
Cách mẹ Tơm không xa, xứ Thanh lại tự hào với tên tuổi của nữ anh hùng lập công khi 19 tuổi - chị Ngô Thị Tuyển (xin gọi là chị để lưu lại khoảnh khắc, chiến công hiển hách ấy). Như tiếp nối mạch ngầm yêu nước, đấu tranh không bao giờ cạn của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thanh Hóa nói riêng, chị Ngô Thị Tuyển cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa, náo nức tham gia vào đội dân quân. Chị tâm sự: “Tuổi thanh niên khi đó vô lo vô nghĩ, nhưng cứ được nghe đến 2 chữ “đánh giặc”, là ai cũng háo hức”. Ngày 3,4 tháng 4 năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng trút đạn xuống “điểm tắc lý tưởng” - cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam của ta. Trên không là máy bay oanh tạc, dưới nước tàu chiến Hải quân mang số hiệu T-120 đang tiến đến, ta đã bắc loa yêu cầu nhân dân giúp đỡ chuyển vỏ đạn, đưa thương binh, liệt sĩ lên bờ và tiếp thêm đạn chuẩn bị cho trận chiến đấu mới. Mặc cho máy bay Mỹ quần đảo trên đầu, chị nhanh chóng bơi ra tàu làm nhiệm vụ tiếp đạn cho các vị trí pháo, băng bó người bị thương. Ngớt đợt chiến đấu, chị theo thuyền vào bờ, rồi xung phong chở đạn và cơm ra tàu… Trong số đó có hai hòm đạn dính vào nhau, mọi người dùng thuổng bật ra nhưng chưa được. Khi đó, đạn pháo 37 li trên tàu gần cạn kiệt, chỉ cần ta ngừng bắn trả một phút là cầu Hàm Rồng có thể bị phá huỷ. Tình thế thật cấp bách, cô gái trẻ Ngô Thị Tuyển (cân nặng chỉ có 42kg) quả quyết, nhờ đồng đội nâng hai hòm đạn lên vai, rồi vác luôn chúng chạy băng qua hào sâu, dưới mưa bom để tiếp đạn cho tàu. Hai hòm đạn ấy nặng 98kg, nặng hơn gấp đôi cơ thể của chị. Sự kỳ diệu đó không chỉ để lại sự khâm phục của triệu triệu người dân Việt Nam mà còn của cả thế giới. 
3. Sự hóa thân vào văn học nghệ thuật của người phụ nữ xứ Thanh
Là người Việt Nam, có lẽ không ai không biết tới câu “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Theo các nhà nghiên cứu, câu này nói về anh em nhà Bà Triệu. Ông Triệu Quốc Đạt dùng lệnh làm tín hiệu điều quân, còn Bà Triệu thì dùng cồng. Khi tiếng cồng của bà vang lên thì quân sĩ tuân thủ hơn là nghe tiếng lệnh của anh trai bà. Chỉ vậy thôi, chúng ta cũng thấy uy tín của Bà Triệu trong lòng người dân. Không chỉ vậy, Bà Triệu đã đi vào văn hóa, văn học nghệ thuật như một lẽ tự nhiên. Ca dao Thanh Hóa lưu truyền: Ru con, con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành con voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng…
Cũng từ đây, người ta có thể hình dung đội quân hùng hậu của Bà Triệu như đội quân tóc dài của hai Bà Trưng vào năm 40 - 43 sau Công nguyên. Với vai trò của người lãnh đạo, nữ tướng đã biết cách phát huy sức mạnh tập thể bằng cách thể hiện được sự mưu trí của mình, chùm Truyền thuyết về Bà Triệu ở vùng Thanh Hóa trong cuốn Đại Nam nhất thống chí (Thanh Hóa tỉnh - tập hạ) thể hiện rõ điều này: Có Bà Triệu tướng/ Vâng mệnh trời ta/ Trị voi một ngà/ Dựng cờ mở nước/ Lệnh truyền sau trước/ Theo gót Bà Vương.
Qua đây, chúng ta thấy, Bà Triệu là người phụ nữ tài thao lược binh cơ, trước sau đều nhất lòng vì đất nước, bà gạt hạnh phúc cá nhân của mình, gạt tình riêng trong họ hàng (giết chị dâu phản nghịch), gạt đi những tiền bạc, danh vọng, dụ dỗ… đương đầu với quân thù đến hơi sức cuối cùng khi tự vẫn trên núi Tùng để giữ gìn danh giá, phẩm chất của mình. Khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc tiếp nối truyền thống bất khuất thuở Bà Trưng và lưu truyền đến thời sau này sẽ không phai mờ trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam.
Ngày 7 tháng 4 năm 2014, Khu di tích Đền Bà Triệu được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Trên núi Tùng hiện có mộ Bà Triệu và dưới chân núi Tùng là đền thờ chính của Bà Triệu. Hội đền hằng năm ngày trước vào ngày 21 tháng hai âm lịch. Mộ của Bà Triệu vẫn được đời nối đời trân trọng gìn giữ, đền thờ Bà Triệu đã gần 17 thế kỷ qua vẫn nghi ngút khói hương. Tên tuổi và sự nghiệp của Bà Triệu đã trở nên bất diệt với vạn cổ thử giang sơn và mãi mãi tỏa sáng trong sử sách cũng như trong ký ức của các thế hệ nhân dân yêu nước: Tùng sơn nắng quyện mây trời/ Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh (Thơ dân gian). Không chỉ vậy, đến thế kỷ XIX, Bà Triệu lại tiếp tục được ngợi ca qua Vịnh miếu Bà Triệu của nhà văn xứ Thanh là Tùng Vân - Nguyễn Đôn Phục: Miếu tạc bia truyền lẫn khói nhang/ Nghìn thu oanh liệt Triệu Kiều quang/ Cờ vàng khởi nghĩa quân Ngô khiếp/ Voi trắng tung hoành giặc Lữ tan…
So với Bà Triệu, mẹ Tơm là con người hết sức đời thường, không gắn với truyền thuyết, tín ngưỡng… Đức hy sinh cao cả của mẹ đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện trong bài thơ Mẹ Tơm (1961), sau 19 năm ông xa “tổ ấm” mà mẹ cưu mang. Bài thơ, phần nào đáp nghĩa của những người cộng sản dành cho mẹ Tơm yêu quý và đó cũng là nén tâm nhang mà ông cùng đồng đội của mình dâng lên mẹ: Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi/ Tròn đôi nắm đất trắng chân đồi/ Sống trong cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời/ Đốt nén hương thơm, mát dạ Người/ Hãy về vui chút mẹ Tơm ơi! Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới/ Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi...
Cuộc đời của mẹ Tơm phần nào được tái hiện qua những câu thơ, qua cảm xúc chân thật mà thấm đượm tình cảm con người. Mẹ tảo tần, trồng được mấy vạt rau trên đất cằn, mẹ lại hái mang ra chợ bán cùng với bó củi phi lao, mớ ốc vừa mò được. Dưới đáy rổ rau bà cất báo và tờ truyền đơn, điều kiện thuận lợi mẹ lại rải khắp nơi để tuyên truyền cách mạng. Số tiền kiếm được từ đan lát của chồng mẹ, từ cắt tóc của con mẹ đều dành dụm nuôi cán bộ: Chợ xa, Mẹ gánh mớ rau xanh/ Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh/ Bãi cát vàng thau in bóng Mẹ/ Chiều về... Hòn Nẹ... Biển reo quanh... 
Mẹ Tơm gợi nhớ đến nhân vật Nilôpna trong tiểu thuyết “Người mẹ” của đại văn hào Nga Macxim Go-rơ-ki. Hai người mẹ đều bắt đầu từ tự phát đến tự giác đấu tranh. Và đều có những hành động anh hùng, bất khuất thật đáng khâm phục. Đồng thời, ta cũng thấy tấm lòng của mẹ Tơm cũng là tấm lòng của các bà mẹ trên khắp dải đất Việt Nam là những bà bủ, bà bầm ở phía Bắc, mẹ Suốt ở khúc ruột miền Trung, của bà má Hậu Giang miền Nam thân yêu… Ngày làm lụng kiếm cơm, đêm canh giấc cho những đứa con của mình và không biết từ khi nào đã trở thành “huyền thoại mẹ”: Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật/ Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con/ Đêm đêm chó sủa... Làng bên động?/ Bóng Mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn... Công ơn của: Người mẹ khổ đã dành cơm/ Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy/ Không sợ tù gông, chấp súng gươm mãi mãi khiến chúng ta không bao giờ quên.
Mẹ Tơm ra đi vào ngày giữa trưa hè nắng rát bàn chân năm 1953 và 8 năm sau khi nhà thơ Tố Hữu về thăm lại mảnh đất Hanh Cù đã thắp nén tâm nhang mẹ Tơm để tưởng nhớ một gia đình hết lòng vì cách mạng. Năm 1966, Chính phủ đã tặng Mẹ Bằng có công với nước và Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công. Ngôi nhà cũ của mẹ được cộng nhận là di tích lịch sử cách mạng. Đây là một nghĩa cử để đáp đền công lao đóng góp của gia đình mẹ Tơm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Đồng thời, đây cũng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước với thế hệ hôm nay và mai sau.
Còn đây, tấm ảnh cô gái mắt sáng long lanh, nụ cười tươi tắn, đầu nghiêng nghiêng trên vai là hai hòm đạn với chú thích: Ta hát mừng dân tộc hùng anh đã có người con gái trung thành về Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển trên trận địa Hàm Rồng năm 1965 đã đăng tải trên các báo trong và ngoài nước. Sự kiện này, tấm ảnh này đã khiến cho các nhà báo Liên Xô trầm trồ thán phục, nức lòng ngợi ca. Nhà văn nữ Karen Tuner (Mỹ) trong cuốn “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đã nói về anh hùng Ngô Thị Tuyển: “… hình ảnh một cô gái đứng cao lồng lộng nhìn chăm chú vào khoảng không, vai khoác súng - một người lính mẫu mực đến từng mi-li-met”. Quả thực, danh tiếng của anh hùng Ngô Thị Tuyển đã vượt qua biên giới quốc gia để đến với bè bạn quốc tế như một tuyên bố hùng hồn cho sức mạnh Việt Nam. 
Nhạc sĩ Phạm Tuyên trong sáng tác “Bài ca tuổi trẻ Nam Ngạn anh hùng” có những câu ngợi ca chiến công của chị Tuyển: Sông Mã cuộn dâng ngàn lời ca/ Đón chiến công người con gái quê ta/ Trong những ngày rực lửa đấu tranh, đã viết nên trang sử liệt oanh/ Tô thắm thêm trang sử liệt oanh… Giai điệu ấy ngân lên mang đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tự hào về người con gái Việt Nam của nhân dân Thanh Hóa anh hùng.
Khép lại những trang sử hào hùng của dân tộc, tâm thức mỗi người dân vẫn còn in đậm hình ảnh các nữ anh hùng: Một nữ tướng anh hùng, một bà mẹ anh hùng, một cô gái anh hùng… Ở ba con người ấy, nổi bật lên phẩm chất trung hậu, đảm đang, mềm mại của bao người phụ nữ nhưng cũng rất cứng rắn, can trường, bất khuất, dám đương đầu với bao khó khăn, gian nguy, và luôn tràn đầy hy vọng vào một ngày mai toàn thắng. Ba con người đại diện cho ba thời đại khác nhau của dân tộc, để lại ba mốc son chói ngời của sự chiến thắng quân xâm lược bạo tàn. Lịch sử, văn học nghệ thuật, lễ hội và cả cuộc sống hiện tại với những công việc âm thầm cao cả đã bao chứa vẻ đẹp tâm hồn của những người phụ nữ kiên cường. Ba tấm gương ấy là biểu hiện cho vẻ đẹp của người phụ nữ trên quê hương Thanh Hóa anh hùng trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước Việt Nam.
                                                                                           

N.T.Q


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 127
 Hôm nay: 5233
 Tổng số truy cập: 7441360
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa