Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Chu Văn Sơn Riêng một lối viết tài hoa (Nhân đọc Đa mang một cõi lòng không yên định, cuốn phê bình - tiểu luận - chân dung của tác giả Chu Văn Sơn)
Chu Văn Sơn Riêng một lối viết tài hoa (Nhân đọc Đa mang một cõi lòng không yên định, cuốn phê bình - tiểu luận - chân dung của tác giả Chu Văn Sơn)

“Đa mang một cõi lòng không yên định” là cuốn sách thứ 5 của Chu Văn Sơn (1962-2019), một trong những nhà phê bình hàng đầu của nền văn học Việt Nam đương đại. Cuốn phê bình, tiểu luận, chân dung của anh có độ dày 416 trang, là tập hợp 43 bài viết, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2021. Đây là một tác phẩm lý luận - phê bình hấp dẫn, khoa học mà rất có văn, lý tính cao mà cảm tính lại sắc bén.
Bằng một lối viết tài hoa, tác giả đã giải quyết thấu đáo tường minh nhiều vấn đề lý luận căn cốt của nền văn học dân tộc và không ít vấn đề bức thiết đang đặt ra trước đời sống văn học hôm nay. Chẳng hạn: “Sức sống mãnh liệt của lục bát”, “Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?”, “Giao thoa thể loại, trường hợp thơ văn xuôi”, “Phê bình là một nghề… gay lắm”, “Tác phẩm lớn, tại sao không?”, “Cách tân: đi tìm cái mới hay cái tôi?”…
Cập nhật và nhạy bén trước những vấn đề thời sự văn học, nhà phê bình họ Chu đã tập trung nghiên cứu nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu, đại diện của nền văn học hôm nay. Đó là các tài hoa trẻ: Trần Hòa Bình, Vi Thùy Linh, Thúy Quỳnh, Nguyễn Thế Hoàng Linh; những cây bút có nhiều dấu hiệu đổi mới nền thi ca dân tộc: Dương Thuấn, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Lê Đạt, Lưu Quang Vũ, Dư Thị Hoàn…
Không ít tác giả, tác phẩm vừa nổi lên trên văn đàn đã may mắn lọt vào mắt xanh của nhà phê bình, nhanh chóng được anh viết bài giới thiệu: Ý Nhi (Thơ của tâm hồn “xao xác giữa ngày yên” - 1987), Y Phương (Y Phương trong tiếng hát tháng Giêng - 1987), Vương Trí Nhàn (Đọc “Những kiếp hoa dại” - 1994), Nguyễn Thế Hoàng Linh (“Ra vườn nhặt nắng và giọt sương thơ” - 2016)… Bằng lời mở đầu ngắn gọn đầy ấn tượng, Chu Văn Sơn đã khẳng định giá trị độc đáo của tập thơ và báo hiệu với bạn đọc một tài năng văn học thiếu nhi vừa hé lộ: “Ra vườn nhặt nắng” của Nguyễn Thế Hoàng Linh đang làm sững sờ thi đàn hôm nay (tr.396).
Những bài viết chân dung của Chu Văn Sơn trong cuốn sách là những bài viết chân dung đích thực. Kết hợp nhuần nhụy, tinh tế giữa cuộc đời và nghệ thuật, anh đã làm cho vẻ đẹp của các tinh hoa đất Việt: Nguyễn Đình Thi, Xuân Quỳnh, Nguyễn Minh Châu, Huy Cận, Nguyên Hồng, Hoàng Cầm, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy…, các học giả mà anh có dịp gần gũi, thấu cảm và ngưỡng mộ: Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Hoàng Ngọc Hiến, Lưu Đức Trung, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi… càng thêm lấp lánh.
Suốt đời đi tìm cái độc sáng điều đó đã tạo nên ở anh một phong cách nghệ thuật đa dạng mà thống nhất, một giọng điệu riêng, một bút hồn độc đáo, hấp dẫn mà sâu sắc, có khả năng “thuyết phục trái tim người đọc” (Ý của Đào Tuấn Ảnh, Lê Hoài Nam, báo Văn nghệ số 47 ra ngày 20-11-2021).
Theo cô học trò mê văn chương Nguyên Linh (trong bài viết “Người thầy trong trái tim tôi”, Facebook nguyenlinh đăng 20-11-2021): “Những cuốn sách của thầy như cánh cửa thần kỳ mở ra cả một thế giới văn chương rộng lớn đầy hấp dẫn, thú vị. Tôi say mê đọc với tất cả niềm hân hoan, náo nức… Tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hết đắm đuối này sang đắm đuối khác”. Vốn là người duy mỹ, đam mê sự thanh cao, nên cả đời anh là những cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, cái tinh diệu của tạo hóa và nghệ thuật. Với nhà nghệ sỹ họ Chu: “Đẹp như là một phẩm chất, một giá trị. Đẹp như một cách sống. Đẹp như một nghệ thuật. Đẹp như một lối viết” (Phạm Xuân Nguyên). Cái đẹp luôn được anh truy đuổi đến tận cùng, nên chúng thường hiện lên trong bài giảng, trang viết một cách: “Tinh tế và đủ đầy, diệu hoạt mà khúc chiết, bay bổng mà đằm thắm, nhu yên mà kiêu sa, tung tẩy nhưng đầy sắc sảo” (Nguyễn Thanh Tâm). 
Anh quan niệm rằng, cái đẹp bao giờ cũng là sự gặp gỡ giữa hai đối cực và giống như một sinh thể, nó không ngừng vận động. Người nghệ sỹ phải có nhiệm vụ phát hiện, bất tử hóa cái đẹp, lan tỏa cái đẹp đến với cộng đồng. Những người yêu cái đẹp (mà tác giả là một minh chứng), luôn biết sống tốt, sống tử tế, lương thiện. Tư duy mỹ học đó đã hình thành ở Chu Văn Sơn riêng một lối văn tài hoa, thiên bẩm, chỉ có ở những người anh hoa sớm phát tiết. Nhờ linh giác đặc biệt, anh có khả năng phát hiện những điều vi diệu, luôn tìm thấy những cái đẹp mong manh: cái “đa diện phức điệu” trong thơ Ý Nhi, cái “đa mang một cõi lòng không yên định” của Xuân Quỳnh, cái “nhịp rung mới của tâm hồn trẻ thơ hôm nay” trong thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh; cái vẻ diệu kỳ của khoảnh khắc đóa quỳnh - một kỳ hoa dị thảo bừng nở để mang hết thảy “thân trinh, tâm trinh, hương trinh, tiết trinh” (tr. 362) trao và dâng hiến; cái khoảnh khắc thiêng để một bài thơ Haiku đích thực ra đời: “Thơ Haiku là cái khoảnh khắc những viên sỏi chạm vào mặt nước, xô dậy những vòng sóng làm lan xa những viền sóng. Ấy là khoảnh khắc ánh trăng chạm vào lòng nước, nước lưu vào lòng cái bóng trăng in. Cái khoảnh khắc chỉ những ai có tâm hồn nghệ sĩ Thiền giả mới có thể đón nhận và thấu cảm. Cho nên chỉ đôi lời thôi mà thơ (của Lưu Đức Trung) đã ôm trọn số kiếp bạc mệnh của loài quỳnh: Chiều hé nở/ Khuya rạng rỡ/ Sáng rã rời - Quỳnh ơi! (tr. 365)”.
Gắn nghiên cứu - phê bình, với nhà trường và đời sống văn học, những bài viết của Chu Văn Sơn bao giờ cũng có tính phát hiện, vừa hàn lâm vừa cập nhật, bay bổng mà vẫn chừng mực. 
Kết hợp thi pháp học và phong cách học với những lý thuyết mới, kết hợp giữa mỹ học và triết học, văn của Chu Văn Sơn trở nên mềm mại, tinh và sáng, mới mẻ nhưng tuyệt nhiên không thấy hằn lên dấu vết của những lý thuyết vay mượn của nước ngoài. Trong anh có 4 nhà: nhà phê bình, nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn (sáng tác), nhà giáo. Sự kết hợp 4 trong một ấy làm cho phê bình của Sơn sinh động, có hồn, sâu sắc, thăng hoa mà vẫn chừng mực, đa dạng mà nhất quán. Đặt trên một nền tảng nghiên cứu vững chắc nên những bài viết của anh rất giàu chất lý luận với “không ít tiếng nói đầu tiên có chất lượng học thuật” (Văn Giá), nhiều ý tưởng mang ý nghĩa khai mở. Tác giả thường cố gắng truy tìm, đi tới tận cùng để phát hiện ra điều cốt tủy của từng áng văn, từng cây bút.
Bằng cách phê bình trực giác, anh đã nhanh chóng nắm bắt được toàn bộ hồn vía của tác giả, tác phẩm. Cộng với trữ lượng văn hóa lớn và bài bản, Chu Văn Sơn đã có được những công trình chuyên sâu (Ba đỉnh cao thơ mới, Thơ mới - điệu hồn và cấu trúc, Hàn Mạc Tử - một hành trình sáng tạo). 
Nhiều khi chỉ cần vài từ anh đã định danh chính xác thần thái của từng chân dung nghệ sỹ: Hoàng Cầm - gã phù du Kinh Bắc, Xuân Quỳnh - cánh chuồn trong giông bão, Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân, Trần Hòa Bình gã lãng tử xứ Đoài, Vi Thùy Linh - thi sỹ Ái quyền, Văn Giá tung tẩy với phê bình… Câu văn (Nguyễn Đăng Mạnh) không chỉ sáng trí mà còn nồng tình (tr.180)...
Với sự cảm nhận tinh tế và một kiến văn sâu rộng, trong mỗi bài viết, anh thường có được những nhận xét chí lý và đáng giá. Có khi rất cô đọng hàm súc và minh triết: “Bản chất nghệ sĩ bao giờ cũng là những kẻ khát” (tr.16);  “Mỗi thi sĩ đích thực bao giờ cũng có một điệu hồn riêng” (tr.69); “Hành trình của nhà văn chân chính bao giờ cũng là hành trình đi tìm chính mình” (tr.72); “Điểm tựa của muôn đời có thể là gì khác Nhân dân, dù có lúc người bị bỏ quên ngoài sử sách” (tr.155); “Yêu thuộc tâm hồn, thương thuộc về lòng trắc ẩn” (tr.399); “Này nhé, yêu cái đáng yêu, chỉ cần lòng yêu cũ. Còn yêu được cái khó yêu thì cần phải có khoan dung” (tr.401)…
Khi lại là những nhận xét có ý nghĩa khái quát sâu sắc mà cụ thể. Anh là người có biệt tài cảm tính hóa những cái lý tính cao siêu, những gì phức tạp đều được trình bày giản dị, khúc chiết bằng những luận điểm, luận chứng rõ ràng. 
Chẳng hạn bàn về mối quan hệ giữa thơ văn xuôi và thơ tự do, tác giả viết: “quan hệ của chúng không phải là phụ tử mà chỉ là huynh đệ”.
… “Cả hai đều là con đẻ của một cuộc nổi loạn về hình thức trong thơ; nổi dậy ly khai với cách luật, chống lại sự áp chế chuyên quyền của khuôn sáo. Nhưng mỗi đằng lại chọn một lối đi khác cho con đường cách mệnh của mình” (tr.49).
Xuất phát từ thực tại, anh đặc biệt quan tâm tháo gỡ những nút thắt trong nghiên cứu - phê bình: “Phê bình được phân làm 3 dạng chính: phê bình nhà giáo, phê bình nhà khoa học, phê bình nhà văn… Hai lối trước thường lấy mổ xẻ làm thao tác độc tôn, phần nào nghiêng về tiêu thụ. Còn lối sau là câu chuyện của người sản xuất” (tr.79).
“Phê bình hiện nay tẻ nhạt. Đây là điều đệ nhất buồn của phê bình. Vì sao ư? Nhiều lý do lắm. Thứ nhất, không chịu đọc nhau cho kỹ. Thứ hai, chỉ nói đi không có nói lại… Thứ ba, những ý kiến hăng hái thường cũ nông cạn, hời hợt… Thứ tư, sự khen vẫn còn nghiêng về lăng xê nhau, sự chê thì vẫn nhiều né tránh nể nang, ấp úng… Thứ năm, có hiện tượng gây được ồn ào, nhìn kỹ lại là gây nhiễu… Thứ sáu, phê bình muốn có sức sống phải vừa đúng vừa hay, vừa phải có văn vừa phải khoa học ít có những tác phẩm vừa đúng vừa hay, thế nhưng nhiều phê bình cho đến hôm nay vẫn hoặc thừa văn chương thiếu khoa học, hoặc thừa khoa học thiếu văn chương thường chỉ được một” (tr.103) .
“Có 2 quy luật chính chi phối những hiện tượng nghệ sĩ đa tài. Thứ nhất vừa phân tán vừa tập trung - hoạt động sáng tạo của họ mở ra nhiều lĩnh vực nhưng thường nổi trội về một lĩnh vực nào đó, thứ hai vừa phân liệt lại vừa liên thông là một nghệ sĩ đa tài - các lĩnh vực ấy có sự độc lập riêng nhưng giữa chúng vẫn có một mối dây liên hệ nào đó. Điều này làm nên tính đa dạng mà thống nhất của hiện tượng (tr.120).
“Có 4 khuynh hướng nghiên cứu lịch sử văn học: hình dung qua đội ngũ, khuynh hướng, trào lưu, vận động của thể loại, lịch sử của ý thức tư tưởng” (tr.173).
Theo anh, thực tế đang tồn tại 3 dạng phê bình: trên giấy, trên bục giảng, trên mạng. Chúng được chia thành phê bình báo chí và phê bình hàn lâm. Trong ba loại phê bình trên thì phê bình ở nhà trường là có sự lan tỏa lớn nhất, có công lớn nhất trong định hướng thẩm mỹ. Nó khác hai loại phê bình trên ở số lượng người đọc, người học và cách đọc. Do đã bớt kinh viện, đã bám sát đời sống văn học và ứng dụng được những lý thuyết mới lại được quản lý một cách chặt chẽ, nên những công trình lý luận - phê bình ở nhà trường thường có hàm lượng khoa học cao. 
Càng thú vị hơn khi cái đẹp lại được người văn thể hiện bằng thứ ngôn ngữ tuyệt đẹp, một thứ văn óng ả gấm thêu. Đó là sự gặp gỡ giữa ngôn ngữ thi ca, nhạc - họa, điện ảnh, vừa ngồn ngộn hơi thở đời sống vừa hàm ngậm những tư tưởng Triết - Mỹ sâu sắc, làm nên “những cơn mưa hoa chữ... Những bản hòa ca của Cái đẹp song trùng: Cái đẹp thực tại và Cái đẹp ngôn từ” (Văn Giá).
Vì thế đọc những bài nghiên cứu - phê bình của Chu Văn Sơn rất thú vị, hấp dẫn. Những câu văn đẹp và có hồn bởi sự thẩm định tinh tế của người viết: “Hồn là cánh cửa mở vào nội giới của “Thi nhân Việt Nam”. Nghe không phải là thính giác. Nghe bằng hồn, nó là siêu thính giác” (tr.60). 
“Chừng nào tre còn xanh, sen còn ngát, chừng nào tà áo dài còn tha thướt, tiếng đàn bầu còn ngân nga, chừng ấy những điệu lục bát còn tiếp tục sinh sôi trên xứ sở này” (tr.253).
… “Đêm ấy, theo nhịp trăng lên, quỳnh cứ nở dần từng lớp cánh trắng mê muốt. Hương cứ tỏa ra từng làn ngan ngát. Mật cứ ứa ra trên đài nhụy từng giọt tinh trong. Phấn vàng cứ từng hạt li ti thầm rắc xuống vương cả vào li rượu gần. Không dừng, không nghỉ. Đến tàn canh thì kiệt sức. Nó từ từ rũ xuống, kết thúc cái đời hoa quá ư là bạc phận của loài quỳnh” (tr.361).
Theo Văn Giá: Văn của Chu Văn Sơn rất giàu chữ. Một khái niệm bao giờ cũng được anh lật đi lật lại đi sâu tìm hiểu. Chẳng hạn trong bài viết “Chân đế ngàn đời và chân khí hôm nay” anh đã bàn rất kỹ về chữ khí trong thơ Thanh Thảo, bằng cách đưa ra một loạt từ có cùng nguồn gốc: nghĩa khí, chí khí, hào khí, nhã khí, thanh khí, bình khí… (tr.133). Để làm rõ khái niệm chân đế, anh lại đặt nó trong trường ngữ nghĩa gồm hàng loạt từ gần nghĩa và khác nghĩa: chân cẳng, chân đế, chân móng, chân chất, chân thực, chân chính…
Từ chối vốn từ vựng thuật ngữ, Chu Văn Sơn có nhiều đóng góp trong việc làm giàu có thêm vốn từ tiếng Việt. Anh đã sáng tạo được không ít thuật ngữ và từ ngữ mới: mỹ học ấu nhi, thi sĩ thảo dân, triết mỹ, độc sáng, khoái thú, sất bất sang bang…
Quả thật, đến với “Đa mang một cõi lòng không yên định” của Chu Văn Sơn ta được thưởng thức một tác phẩm lý luận phê bình có hàm lượng lý luận cao, được viết bằng riêng một lối văn rất đỗi tài hoa. 
Sự ra đi của tác giả vào lúc tài năng đang độ chín đã để lại trên văn đàn một khoảng trống lớn thật khó lấp đầy. Có lẽ phải rất lâu lịch sử văn chương mới có được một cây bút phê bình quý hiếm như vậy.
                                

T.T.T
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 142
 Hôm nay: 8428
 Tổng số truy cập: 7453560
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa