Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nghệ sĩ Uyên Phi Người giữ mãi giọng ca không tuổi
Nghệ sĩ Uyên Phi Người giữ mãi giọng ca không tuổi

Tôi được sinh hoạt trong Câu lạc bộ nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh, ngay từ khi trở thành hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Đầu tiên là những buổi gặp mặt đều đặn sinh hoạt vào các ngày lễ 20-10, 8-3. Thật hiếm hội nào có hẳn một câu lạc bộ dành cho nữ, vừa sinh hoạt chuyên môn, vừa chia sẻ đời sống mà sinh động và hấp dẫn đến thế. Ngoài vai trò thủ lĩnh là nhà văn Viên Lan Anh, Chủ nhiệm câu lạc bộ, thì nhóm Hoàng hôn, sau đó đổi tên Chiều tím, hiện nay là Cúc họa mi là linh hồn của câu lạc bộ.
Có lẽ ấn tượng hơn cả là những chuyến đi thực tế do Thường trực Hội tổ chức cho câu lạc bộ. Nhớ nhất chuyến đi Điện Biên năm 2014, chúng tôi đi trên xe mấy trăm cây số mà đến Khu di tích Điện Biên Phủ lúc nào không hay. Con đường về nguồn di tích kháng chiến được phủ đầy những thanh âm, lời ca, tiếng hát, tiếng đàn violon một thời hoa lửa của các chị: Cô gái vót chông, Bài ca năm tấn, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Câu hò bên bờ Hiền Lương,... Chúng tôi mỗi người trong đoàn là một nốt nhạc làm nên bản nhạc riêng trên chiếc ô tô như ngôi nhà di động. Chúng tôi hòa vào các ca khúc cùng hoài niệm chiến trường của các chị và hình dung theo lời ca để cảm nhận gian khổ chiến tranh, tự hào dân tộc. Họ thật sự làm tôi kính nể, gương mặt họ sáng trong, hồn nhiên như chưa từng bị chiến tranh thử thách, hóa ra họ sáng trong vì họ là những viên ngọc “Ngọc càng mài càng sáng”, họ gột hết tham sân si vì hiểu giá trị cuộc sống là mang lại cho nhau tiếng cười. Các chị, các mẹ qua chiến tranh ác liệt, mang tuổi trẻ, nhiệt huyết đi cống hiến, là lớp đi sau tôi rất tự hào và ngưỡng mộ. Nhân Kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất non sông, với một thời hạn nhất định, lần này tôi xin được tìm hiểu kỹ hơn về chị Uyên Phi - một trong những giọng hát “viên ngọc quý” đã được rèn mài, thử lửa qua đường đời và chiến tranh mà tồn tại và tỏa sáng. 
1. Em đã chọn lối này  
Chạm ngưỡng tuổi 80 nhưng ở chị vẫn giữ được trên khuôn mặt, dáng hình phúc hậu, thanh xuân. Ngày ấy, ở cái tuổi 18, 19 sau khi tốt nghiệp ở Nhà hát giao hưởng hợp xướng quốc gia, chị hoàn toàn có thể ở lại thủ đô hoặc trở về phục vụ quê hương Hưng Yên của mình bằng tài năng đã qua đào tạo bài bản. Nhưng không, chị đăng ký thực tập ở xứ Thanh, khi ấy vùng đất này là một trong những chảo lửa chiến tranh. Lúc đầu cả gia đình cấm cản, phản đối duy có bố chị, ông là người tiên phong trong trào cách mạng, ông là Trưởng Ty Văn hóa tỉnh Hưng Yên, đã ủng hộ chị. Vậy là vào xứ Thanh, chuyến đi ấy còn có 3 sinh viên mới ra trường, các chị nhập vào Đoàn Ca múa đi biểu diễn khắp các mặt trận từ rừng xuống biển, rồi khắp nẻo Trường Sơn. Chấp nhận cảnh khó khăn, đi biểu diễn mà tẩy trang không có, phải dùng dầu hỏa… Chị đi khắp miền núi, miền biển, đi khắp các chiến trường, vừa hát vừa chạy bom chận lên đầu nhau, nhưng vẫn kiên định lập trường mang lời ca tiếng hát đi khắp hang cùng ngõ hẻm phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân. Chị còn tham gia Đoàn Ca múa đi phục vụ cho nước bạn Lào 4 lần trong đó có 1 lần đi tận 3 tháng vào năm 1965. Nơi nước bạn, chị cùng đoàn văn nghệ sĩ của ta vừa hát, vừa xây dựng phong trào ca múa kháng chiến. Năm 1966 chị bén duyên và kết hôn với nghệ sĩ - biên đạo múa khi đó và giờ là NSND Hoàng Hải. Vợ chồng đồng nghiệp thì không hiếm nhưng đây là gia đình hiếm có với sự cộng hưởng hiếm gặp: chồng biên đạo - vợ múa; chồng sáng tác nhạc - vợ ca. Chị đã chọn được chốn an cư và có được người đồng hành. Khi chia sẻ cùng tôi, chị đá mắt sang nhìn chồng với nụ cười hiền, tươi rói: “Nếu được chọn lại, em vẫn chọn lối này!”. 
2. Người giữ lửa đam mê trong một gia đình nghệ thuật
Gia đình chị ngoài vợ chồng làm nghệ thuật, chị có 3 người con thì 2 người con gái đều học Đại học ngành Âm nhạc, một chị là Tiến sĩ âm nhạc dạy bên Tiệp và một con trai làm báo Thông tấn xã Việt Nam. Cả gia đình chị đều theo nghiệp văn hóa. Chị chính là người giữ lửa đam mê nghệ thuật cho cả gia đình và truyền ngọn lửa ấy cho các thế hệ con cháu và học trò của mình. Hơn hai mươi năm hoạt động miệt mài không ngơi nghỉ như con thoi hết lên rừng lại xuống biển cùng anh chị em nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa kịch Lam Sơn, năm 1985 về nghỉ chế độ, nhưng còn khỏe, còn đam mê thì còn cống hiến, chị tiếp tục tham gia giảng dạy cho Nhà Văn hóa thiếu nhi - Thành phố Thanh Hóa 14 năm nữa. Sức cống hiến dẻo dai, bền bỉ của chị khiến tôi nể phục. Từ một thiếu nữ chưa qua gian khổ, chịu ở lại đất gió Lào rát bỏng. Chị đã “nhập tịch” xứ Thanh êm ru, chứng tỏ tình yêu mãnh liệt và bản lĩnh thép tồn tại trong con người nhỏ nhắn đó mà làm nên “cách mạng” thay đổi cả cuộc đời. Đi gây dựng phong trào dạy ca múa từ phố đến làng, đến bản, đến đảo, chị còn ăn ở, cõng các cháu đi học, giặt quần áo, đưa đi tham quan… Lòng nhân hậu và nhiệt thành đã giúp chị gần gũi với mọi người. Tiếng hát và lòng nhân ái của chị đã có được chỗ đứng trong lòng công chúng xứ Thanh. Chị nói: “Không phải chỉ tình yêu lứa đôi, mà với xứ Thanh, tôi yêu lắm con người nơi đây, tựa như cơ duyên từ kiếp nào. Xứ sở giàu truyền thống văn hóa, con người gian khổ, có gằn đục chút nhưng thẳng thắn, đáng yêu. Xứ sở của địa linh nhân kiệt, vua chúa, anh hùng đời nào cũng có, vì sao có Bà Triệu, chị Tuyển…, mình cũng tự hào thành phụ nữ xứ Bà Trưng, Bà Triệu”. Tôi ngẫm hành trình đời chị cũng thấy vui lây vì người con dâu sông Mã đã yêu nơi đây như đất mẹ thứ hai của mình. 
3. Tổ quốc gọi là đi
Đời người ca sĩ, cứ nơi nào cần là tới. Chị không ngoại lệ. Bất cứ nơi đâu, mặt trận xứ Thanh: Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép, các huyện miền núi, hải đảo. Bước chân chị đã thân thuộc, tiếng hát chị đã nằm lòng. Tôi nghe giọng chị trầm ấm được thoát ra trên khuôn mặt phúc hậu và thần thái. Cử chỉ rất đoan trang, gợi cảm. Sự chỉn chu trong trang phục, những yếu tố cần của người ca sĩ đã hội tụ nơi chị. Nhưng quan trọng hơn cả là nhiệt huyết. Chị đi làm không nghỉ một ngày, trừ nghỉ thai sản. Âu là trời phú cho sức khỏe, giao cho sứ mệnh phục vụ nhân dân. Nhất là thời kỳ “tiếng hát át tiếng bom”, các chị đã thực sự góp công cho phong trào. Lời ca tiếng hát là nguồn cổ vũ vô giá để nhân dân đánh giặc giành chiến thắng. Chị đã không ngại đối diện với hiểm nguy, khi con ba tháng trong bụng, lúc nào cũng có thể khó lường, ấy thế mà vẫn vững chãi những bước chân không mỏi, tư tưởng của người lính văn nghệ luôn hướng về nhiệm vụ phục vụ tiền tuyến, phục vụ nhân dân. Có những chuyến đi găm vào tư tưởng mang theo suốt cả một đời. Đó là chuyến đi ra đảo Mê, con tàu gặp sự cố trong đêm tối mịt mù, đi mãi không rời được bờ ra đảo Mê. Giữa gió rét bủa vây, thức ăn đồ uống không có, vậy mà sáng hôm sau tới đảo gặp bộ đội thì bao mệt mỏi tan biến hết, lại hết mình cho màn biểu diễn, khích lệ tinh thần anh em cán bộ chiến sĩ nơi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Đó là khi ôm con theo mỗi chuyến lưu diễn hành quân đường dài, vừa biểu diễn vừa chăm lo, có nhiều khi vừa trú bom vừa hát, nhiều lần thoát chết, nhiều lần giữ được sự an toàn cho con, hẳn đến giờ các chị còn thấy may mắn đến lạ. Rồi những chuyến đi Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, có lúc chị có bầu 7 tháng vẫn lên đường. Chị kể khi lên sân khấu còn phải dặn người phục vụ khi nào ra đứng trên sân khấu thì mới kéo phông để nom đỡ nặng nề. Rất may tiếng hát thánh thót chim oanh đã làm chị đẹp, khỏe theo cách người phụ nữ Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Đó là chuyến đi Lào ba tháng, chị đã cùng anh em văn công nước bạn, và công nhân làm đường cổ vũ phong trào cách mạng hai nước. “Mình hiểu rằng mình sang nước bạn là đại diện cho văn hóa, ý chí con người Việt Nam, không được phép buồn chán, Tổ quốc gọi là ta cứ đi” - chị nói không cần phải nghĩ ngợi. Các con chị, vừa mang dòng máu ba mẹ, vừa được nghe đàn hát từ trong bụng mẹ đã sớm hình thành những tố chất như chúng ta được thấy sau này. Cái lãi lời của người phụ nữ, là trải qua gian khổ mới có một gia đình hạnh phúc. Nhìn chị tôi thấy sự mãn nguyện. Tổ quốc đã đền đáp cho chị bằng những vinh danh tinh thần vô giá: Huy chương vì sự nghiệp văn hóa, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì. Bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” các chị hay hát là “kim chỉ nam” cho các chị đi qua làn tên mũi đạn. Hạnh phúc với nghề, vì nghề và được trở về trong hòa bình, an ấm. Chị nói: “Vậy là mình may mắn hơn đồng nghiệp, chiến sĩ, đồng bào”.
4. Trở về giữa yêu thương
Chị Uyên Phi không giấu nổi lòng mình mỗi khi nói về bạn bè đồng nghiệp và các chị em ở Hội và nhất là nhóm Cúc họa mi: “Chúng tôi giống như phải lòng nhau”. Hội thì mỗi năm 2 lần sinh hoạt chung, nhóm thì cứ thứ 5 hàng tuần gặp nhau. Tôi được biết các chị rất được tín nhiệm ở tỉnh, ở phố. Các doanh nghiệp mời các chị biểu diễn cho các hoạt động chính trị, văn hóa, đời sống… Nghĩa là tài năng, đam mê và tình yêu cho nghiệp diễn vẫn còn nơi để cống hiến, còn nhiều nơi mong muốn được thưởng thức. Tiếng hát của các chị phân vai nhịp nhàng, hòa hợp cao thấp, trầm bổng (nữ trung, nữ cao, nữ trầm, hát bè) và hãy còn rất nhuyễn, rất vừa với tiếng đàn. Nhạc sĩ Thanh Nhung - chồng chị Tuyết Chinh và nhạc sĩ Hoàng Hải - chồng chị Uyên Phi, nhà thơ Đăng Sương tham gia trong nhóm đã hết mình hỗ trợ về chuyên môn và các lĩnh vực khác. Tính chuyên nghiệp vì thế tăng cao. Ý nghĩa cuộc đời cũng vì thế nhân lên. Niềm vui của những người nghệ sĩ, những chiến sĩ văn hóa năm nào cũng vì thế mà mỗi ngày thêm tròn đầy hơn.
Đã bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi tiếng đàn, tiếng nhạc vang lên, giữa vòng tay yêu mến của chị em trong Hội cũng như những người yêu quý chị, ánh mắt ấy, đôi tay ấy, gương mặt hồng hào ấy và cả dáng vóc một thời kiều diễm ấy lại như được hồi xuân. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, đi qua bao mưa bom bão đạn, có mặt ở hầu khắp các chiến trường ác liệt suốt dọc dài xứ Thanh, rồi từ Đông Trường Sơn nối sang Tây Trường Sơn, tuổi xuân và tài năng của chị và thế hệ các chị đã góp phần làm nên dáng vóc xứ sở, non sông trở về liền một dải, Bắc Nam lại sum họp một nhà. Bao cột mốc oanh liệt, hào hùng của dân tộc đã là những trang sử vàng lung linh sắc màu của máu và hoa, hôm nay các thế hệ con, cháu, học trò của các chị lại thổi tiếp lên ngọn lửa tình yêu, đam mê với nghiệp diễn bằng cả trái tim, trách nhiệm và vô vàn những bài học kinh nghiệm được thế hệ đi trước truyền dạy. Tấm gương về sức sống mãnh liệt vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đau khổ và hy sinh, quyết tâm “lấy tiếng hát át tiếng bom”, gần gũi với nhân dân, trải nghiệm cùng công nhân làm đường, san lấp hố bom, hát trên ụ pháo..., các chị thành cô giáo, anh nuôi... khi cần, cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Mọi thứ đều có thể làm được, chỉ cần nơi trái tim của mỗi nghệ sĩ chứa một tình yêu đủ lớn.
                                    

T.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 130
 Hôm nay: 5321
 Tổng số truy cập: 7450453
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa