Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Lê Đình Cánh - Thấm đẫm hồn quê
Lê Đình Cánh - Thấm đẫm hồn quê

Đọc thơ Lê Đình Cánh chúng ta nhận ra một hồn quê sâu đậm - hồn quê xứ Thanh không lẫn với một ai. Tất cả 4 tập thơ anh để lại, 185 bài, hai phần ba số đó là lục bát, 128 bài. Đó là các tập thơ: Đất lành (NXB Thanh niên, 1986), Người đôn hậu (NXB Hà Nội, 1990), Trời dịu (NXB Quân đội nhân dân, 2001), Sông Cầu Chầy (NXB Hội Nhà văn, 2015). Bốn tập thơ làm hiện lên một quê hương và những vùng miền đất nước thân thương. Những con người giản dị, hiền lành, vất vả hai sương một nắng để tồn tại. Và họ phải hứng chịu nhiều gian khổ, hy sinh qua những thăng trầm lịch sử, làm nên những chiến tích hào hùng. Trong thơ Lê Đình Cánh ở đâu cũng là không gian cổ tích, thời gian dân dã, dù là Trường Sơn máu lửa hay làng chài bến quê, Đồng Văn cực bắc hay Đất Mũi cuối trời… Cảnh và người rất quen thuộc, gần gũi: “Trăm năm cây lúa vẫn gầy”, “Chốn quê bão giật gió lùa”, “Đất gầy không kịp lành da”, “Cảnh nghèo ta lại gặp ta”… Và những chàng trai sau chiến tranh “trở lại nghề nông - Rời cây súng biết tay không có gì”. Cảm động là thân phận những cô gái “Tuổi xanh gửi lại chiến trường” bây giờ “Sốt rừng năm ấy vẫn thường dậy cơn/ Cuộc đời vẫn đắp chăn đơn”. Có người “Về quê chớm tuổi mạ già/ Lỡ dăm vụ cấy em ra ở chùa”.
Ấn tượng nhất ở thơ Lê Đình Cánh là hồn quê xứ Thanh. Ngay từ tập thơ đầu, bài thơ đầu đã rõ. Những địa danh, cảnh quê, người quê, cụ thể như chúng ta đã gặp hàng ngày. Nhưng quan trọng là tâm hồn con người, cảnh vật thiên nhiên cứ thấm đượm và lan tỏa trong nhiều bài thơ, câu thơ: giọng hò Thanh Hóa, đền Lê Đại Hành, đền Bà Triệu, tàu dừng ga Thanh, về Phú Khê, ở Nga Sơn, quê ngoại, về Thanh, lời trai đò sông Mã, Bái Thượng, sông Cầu Chầy… Những cánh đồng, ánh trăng, cánh cò, lũy tre, mái rạ, tơ tằm, trầu cau… Những dòng sông, câu hò, tiếng hát cứ vang vọng giăng mắc khắp nơi, hiền hòa như những làng quê xưa.
Giọng hò Thanh Hóa rất đặc trưng, tưng tửng buôn bắt nhịp nhàng mà thấm thía. “Quê tôi Thanh Hóa/ Có sông Mã sông Chu/ Thơm dịu hoa cau mía ngọt lừ/ Đêm sáng sao câu hò bát ngát”. Câu hò xưa “chung kiếp lênh đênh”,  “giọng hò thành nước mắt”. Kháng chiến chống thực dân Pháp “Về Điện Biên, Thanh Hóa nhận ra nhau/ Qua tiếng hò vang vọng đêm thâu”, đến chống Mỹ cứu nước “Đêm sông Gianh/ Bến phà sặc lửa/ Ngân một giọng hò/ Ôi tiếng quê hương thân thiết quá/ Rộn rã thác ghềnh sông Mã/ Hiền hòa êm ả sông Chu”. Ngày đất nước hòa bình:
Tháng ba đầu đình hoa gạo đỏ
Tiếng hò đập đỗ ran ran
Tháng năm bông nở trắng đồng
Giọng cha giòn trong nắng
Tháng tám vàng hoe trái bưởi
Tiếng mẹ hò mượt đồng
Tháng mười xôn xao liềm hái
Câu hò vàng mênh mông.

Ở vùng Đất thiêng có chuyện về một cô gái “cất giọng hò ai cũng nhận đồng hương”. Nghe kể, nhà thơ đến đó, biết là không gặp được, cô gái đã hy sinh. Nhưng “Cứ đợi ở màu sim tím đỏ/ Từ đấy bước ra một giọng hò Thanh Hóa/ Quàng khăn dù trắng xóa bay lên”. Giọng hò Thanh Hóa đã linh thiêng. Giọng hò thấm vào giọng thơ hòa chung với giọng thơ Hồng Nguyên, Hà Khang, Minh Hiệu… Một giọng thơ chúng ta thường gặp trong thơ của nhiều nhà thơ Thanh Hóa.
Đọc thơ Lê Đình Cánh không ai không nhớ bài “Mẹ ra Hà Nội”. Một bà mẹ nông dân nghèo, âm thầm gánh vác việc nhà, việc nước. Như những bà mẹ Việt Nam khác, bà mẹ xứ Thanh thật thà, chất phác mà chứa đựng cả hồn quê muôn thuở, những gì là tinh hoa của xứ sở. Bà mẹ ra Hà Nội “Áo nâu còn đẫm mưa phùn/ Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non”.
Khoác vai mẹ chiếc đẫy nghèo
Năm xưa thắt lại bao điều đắng cay
Đưa em trốn ngục những ngày
Vài lưng gạo hẫm thăm thầy trong lao.

Mẹ từng đi dân công tiếp vận, lao động ở công trường, đưa con đi đánh Mỹ… Cả một đời cực nhọc mà cứ bình thản như không. Tiếng ru cháu của bà là tấm lòng, là hồn cốt quê hương được giữ gìn và truyền lại cho con cháu.
Để hồn cháu có núi Nưa
Tiếng cồng Bà Triệu ngày xưa vọng về
Lam Sơn rừng núi ba bề
Lũng Nhai vọng mãi lời thề nước non
… Để hồn cháu có dòng sông
Câu hò trên ngã ba Bông sum vầy.

Xứ Thanh là “Một trời xanh thanh thản nụ cười/ Một vùng gió thổi hồn người tươi mát/ Một miền nắng chín ngọt mùa quả chát/ Một đời người ta được hát là ta” (Ở Nga Sơn), là “Thâm nho đất chữ hay đùa/ Mất mùa lúa vẫn được mùa tiếu lâm”, “Trăm năm cây lúa vẫn gầy/ Giếng thơi muôn thuở vẫn đầy ca dao”, “Quê mình dằng dặc chiến tranh/ Đất tan bão lửa. Trời xanh lại về”. Xứ Thanh là thế. Thơ Lê Đình Cánh thấm đẫm hồn quê xứ Thanh, gợi lại nhiều kỷ niệm quê hương, có tự hào, có phần thương cảm, nhắc nhở người xa quê hướng về, trở về cội nguồn.
Tự hào và thương cảm, giọng thơ có lúc trầm xuống nhưng cái chính là giọng vui. Thơ Lê Đình Cánh rất nhiều tiếng hò, tiếng hát, câu ca. Hơn 90 lần tiếng hò, tiếng hát, câu ca vang lên trong mọi môi trường hoàn cảnh. Khi “Cơ cực quá giọng hò thành nước mắt”, có “Câu hò sông Mã nửa đau nửa buồn”. Đi đánh giặc “Cha khênh pháo cất câu hò phía trước”, khi lao động “Đêm đắp mương gió quạt tàu cau/ Câu hò chắp mối cho đôi lứa yêu nhau”. Gái trai ra đi đánh Mỹ “Nhưng tiếng hò khuya vẫn rậm rịch đi về”, “Câu ca dậy sớm tiếng cười thức khuya”. Chiến tranh gái trai hát “Xa nhau thầm hát đã đành/ Gần nhau vẫn hát riêng dành cho nhau”. Tôi hát, người hát, thiên nhiên vạn vật hát. Tất cả cộng hưởng âm vang tiếng hát:
- Tôi hát năm canh thành đêm lục bát.
- Khúc nhổ neo trai đò tôi hát.
- Tiếng Lào người hát tôi nghe.

Chiến tranh bom đạn “Tình yêu vẫn hát hồn nhiên dưới hầm”. Rồi lúa hát, cá hát, suối trong hát, lửa hát, đá hát (Âm âm đá hát quãng đời), gió hát (Thì thầm gió hát được nghe em cười), nhện hát (U mê nhện hát bài ca tò vò), cỏ xanh hát (Cỏ xanh đã hát thành lời), sườn non hát (Bờ cát khóc. Sườn non lại hát), cát hát (Khi buồn cát hát nỗi buồn xa quê), hoa lá hát (Lời hoa lá hát là lời sơn khê)…
Tiếng hát, câu hò là hình thức biểu đạt của con người từ xa xưa để thể hiện những cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn… với thế giới xung quanh. Nhà thơ sử dụng tiếng hát như một thiên chức sáng tạo hình thức kết nối tạo vật, nhưng hình thức đó có thêm ý nghĩa và tác dụng. Tiếng hát, câu hò trong thơ Lê Đình Cánh đã đánh thức tiềm năng con người vượt qua những khó khăn, làm nảy nở những tình cảm tốt đẹp để tồn tại, sum họp và yêu thương.
Tiếng hát, câu hò như một chủ âm thì trăng như một chủ hình xuyên suốt, tỏa sáng trong thơ Lê Đình Cánh. Cũng khoảng chừng 90 lần trăng xuất hiện trong thơ anh với nhiều sắc thái, chứng minh một hồn thơ luôn chan hòa với thiên nhiên cảnh vật. Nhà thơ nhìn trăng từ nhiều tư thế cảm nhận: Trăng đêm, trăng xanh, trăng khuya, trăng suông, trăng ngà, trăng lu, trăng chênh, trăng nghiêng, trăng chìm, trăng tà, trăng tàn, trăng rừng, trăng thượng tuần, trăng rằm… Có trăng địa phương: trăng Sầm Sơn, trăng Bái Thượng, trăng Mũi Né. Lại có trăng đôi lứa, trăng tứ chiếng, trăng đò dọc…
Trăng một thiên thể, tròn khuyết, đầy vơi biểu hiện trạng thái đời sống theo những thời khắc. Ở “Lán nứa Nà Lừa”:
Năm nào Bác ốm nằm đây
Liếp tranh cho ánh trăng gầy qua song

Những ngày chiến tranh:
- Vơi cơm lép mảnh trăng treo cửa rừng
- Vầng trăng thuở ấy hoen nhiều khói cay

Có khi nhà thơ vật hóa ánh trăng:
- Chòng chành giấc ngủ giàn khoan
Gối trăng đệm sóng mơ toàn gặp tiên
- Ngõ quê vẫn lát gạch đầy ánh trăng

Có khi sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa. Ánh trăng là con người trẻ trung, sáng trong, hiểu biết:
- Lên chùa trăng mới mười ba
- Khi trăng tự biết mình là trăng
- Thuyền về trăng cũng về theo
 Khi thời thế thay đổi:
Vầng trăng chết trên mái vòm cao ốc

Và con người đã khác, ánh trăng cũng khác xưa:
- Vung tiền đám vạc chơi đêm
Đèn lơi lả mắt. Trăng mềm mịn da
- Trăng non yếm trễ lưng sàn
Tình suông cõi mộng muôn vàn cũng không

Trăng là biểu tượng của sự luân chuyển chu kỳ theo quy luật tiến triển. Trăng trong thơ Lê Đình Cánh biến hóa, theo tâm trạng nhà thơ. Và bao giờ cũng là những rung động nhẹ nhàng, thanh thoát.
Đến đây tôi muốn khẳng định thêm điều này: Người đọc rất ấn tượng với thơ lục bát của Lê Đình Cánh. Một lục bát dân dã, mềm mại, nhuần thấm, có vui dài dài có đau dai dẳng, lay động, xao xuyến. Nhưng vẫn mới, vẫn hiện đại, tạo ra những câu thơ đặc sắc.
Mẹ ra Hà Nội:
Lên thang chẳng dám bước dài
Vào khu tập thể gặp ai cũng chào

Nói với người yêu sau lần đến thăm nhà:
Thầy em tóc đã còn xanh
Lỡ mồm anh đã gọi anh mấy lần
Mặc quần phăng lại cởi trần
Vê vê mồi thuốc ba lần quẹt diêm
Nói với người từng chông chênh võng Trường Sơn, bây giờ tuổi cao, cùng cảnh cô đơn:
Nhà tôi vách lá trăng lùa
Đợi em bát đũa bốn mùa gọi nhau
Trăng rằm xưa khuyết nỗi đau
Người ơi ta hẹn kiếp sau lại rằm

Nói đến bản tính muôn thuở của con người:
- Đố ai hết nợ đàn bà
Để tôi cắt tóc bỏ nhà đi tu
- Nẻo đường bồ bịch cong cong
Vừa lo thoát khỏi. Vừa mong nhảy vào

Lê Đình Cánh sợ “Dàn loa nhạc Rock át lời chân quê”. Anh níu giữ và giữ được lời chân quê qua những sáng tạo cấu trúc câu thơ. Những hình ảnh chân quê: bến đò, dòng sông, cánh đồng, bờ tre, mái rạ… Những từ ngữ dân gian: còn duyên, hết duyên, yếm thắm khăn xanh, áo tứ thân, cắn chỉ vành môi, giếng thơi, ngõ quê, thân tép phận cua, tuổi mạ già, dăm vụ cấy… Cách sử dụng điệp từ quen thuộc như “Sá gì”, “Cớ sao”, “Cần chi”, “Ở đâu” lặp lại ở đầu nhiều câu thơ: 
- Sá gì bão lớn gió to
- Cớ sao ba sống một mình
Với ngôi mộ má lặng thinh sau nhà 
- Cần chi tát nước đầu đình
Gái trai nay vẫn biết tình tự nhau 
- Ở đâu cây lúa cũng tình
Hoa sim cũng tím mái đình cũng cong.

Nhiều câu thơ sử dụng số từ ước lệ của ca dao, tạo sự nhịp nhàng tương ứng giữa các ý thơ:
- Lỡ đò hết một thời trai
Thương người con gái lỡ hai lần đò
- Uống cho say một tỉnh mười
Cho mắt có lửa cho lời có men
- Thủy chung lúa nặng tình người
Tháng năm oi bức tháng mười giá hanh
- Hội Lim chín đợi mười chờ

Có nhiều câu thơ mở đầu bằng câu ca dân gian, lẫy ca dao làm đà phát triển cảm hứng, ý tứ cho thơ: “Ai lên xứ Lạng cùng anh”; “Làm trai cho đáng nên trai/ Lần theo câu hát Đồng Nai tôi về”… Lại có cách dựa vào ý tứ ca dao sáng tạo ý tứ mới:
Vội vàng cơm chín nước sôi
Đang ngồi dưới bếp. Vợ lôi lên buồng
Quá trưa lợn đói phá chuồng
Ngõ quê ai đó gọi suông phía rào…

                (Vợ tôi)
Một liên văn bản nhắc người đọc nhớ tới những tiếng cười dân dã: “Lấy anh từ thuở mười lăm…”; “Đang khi tắt lửa cơm sôi…”.
Lục bát Lê Đình Cánh đặc sắc, thực sự là đặc sản riêng anh. Nhiều biện pháp nghệ thuật của ca dao được vận dụng, nhiều câu thơ như những câu ca dao xưa vọng về nhưng đã nâng cấp, nâng cao nên thơ lục bát Lê Đình Cánh vừa quen thân, vừa mới lạ. Lục bát và cả những bài thơ tự do của anh đều thấm đẫm hồn quê xứ Thanh. Và rộng ra cũng là hồn quê đất Việt.
                          

 M.G.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 4145
 Tổng số truy cập: 7458376
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa