Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Vẻ đẹp nghệ thuật trong sách ảnh “Xứ Thanh - Vẻ đẹp bất tận” của NSNA Lưu Trọng Thắng
Vẻ đẹp nghệ thuật trong sách ảnh “Xứ Thanh - Vẻ đẹp bất tận” của NSNA Lưu Trọng Thắng

Vào tháng 11-2021, tôi xúc động cầm trên tay bản ma-két tập sách ảnh nghệ thuật “Xứ Thanh - vẻ đẹp bất tận” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Lưu Trọng Thắng (hội viên Hội NSNA Việt Nam, hội viên Hội VHNT Thanh Hóa). Biết rằng, từ nhiều năm nay, một số bạn bè văn nghệ sỹ có nhận xét rất tích cực về những bức ảnh nghệ thuật của anh, nhưng lần đầu xem tôi vẫn có chút gì đó hồi hộp pha lẫn tò mò. Vào một ngày đầu tháng 5, giữa kỳ nghỉ lễ 30-4 - 1-5-2022, tôi nhận được tác phẩm sách hoàn chỉnh do chính tay Lưu Trọng Thắng ký tặng. Vượt qua nỗi e ngại “người ngoại đạo”, tôi  mạnh dạn cảm nhận về tập sách ảnh, như là một sự “tri ân” của một công chúng, hơn nữa lại là đồng hương của anh, cùng là thành viên của Hội VHNT tỉnh nhà.
Trong lúc còn đang “loay hoay” chọn viết gì cho trúng, mà lại gọn gàng, không quá tản mạn nhưng phải đẹp, đẹp như chính cuốn sách và tựa đề của nó, thì vừa hay có nhà thơ Hoàng Thăng Ngói và nhà thơ Nguyễn Ngọc Bỉnh đến chơi, tôi nảy luôn ý tưởng làm cuộc “tọa đàm mini”. Xem qua một lượt “Xứ Thanh - vẻ đẹp bất tận” anh Hoàng Thăng Ngói, giọng ôn tồn “Cuốn này chất lượng đấy, một cuốn sách với hàng trăm tác phẩm ảnh, dù ảnh chụp thiên nhiên, tạo vật hay hoạt động của con người, tất cả đều chứa đựng được cái êm dịu của sắc màu - đậm đặc một “gam” xanh mát dâng tràn, no nê trong mắt người xem; ít thấy Lưu Trọng Thắng chọn những gam màu mạnh, chói gắt...”. Tốt nghiệp cử nhân đại học Tổng hợp - chuyên ngành Sử đồng thời là cử nhân đại học Sân khấu - Điện ảnh, nên những nhận định rất chuyên môn của nhà thơ Hoàng Thăng Ngói đủ thuyết phục và gieo niềm tin cho tôi với nhà thơ Nguyễn Ngọc Bỉnh về chất lượng của cuốn sách ảnh “Xứ Thanh - vẻ đẹp bất tận”. Bao năm sinh hoạt với nhau ở Hội VHNT tỉnh, lại là đồng hương, tôi biết cái “tạng” và cái tài của một nghệ sỹ ham xê dịch, không thích khoa trương, luôn lặng thầm cống hiến, thể hiện cá tính qua các tác phẩm là đặc điểm riêng có của Lưu Trọng Thắng.
“Xứ Thanh - vẻ đẹp bất tận” là tập sách ảnh có góc nhìn đa dạng, phong phú về đất và người xứ Thanh. Tác giả không chỉ chớp được cái lung linh bên ngoài mà còn lột tả được vẻ đẹp bên trong của vùng đất địa linh nhân kiệt này. Từ ảnh đơn đến ảnh chùm, Lưu Trọng Thắng đã khéo léo tạo ra được điểm nhấn hướng người xem về những giá trị nổi bật của xứ Thanh - “một Việt Nam thu nhỏ”. Tác giả cũng dành một phần xứng đáng để xây dựng hình tượng những người lao động đang đổ mồ hôi, trí tuệ để góp thêm giá trị mới vào vẻ đẹp truyền thống của quê hương xứ sở. Xin miễn cho tôi phải liệt kê những đề tài, những vùng đất từ rừng núi đến trung du, từ đồng bằng đến miền biển, phố thị, những khu công nghiệp tiêu biểu, hiện đại... của xứ Thanh được Lưu Trọng Thắng gây thương nhớ vào trong tập sách ảnh này. Những nơi chốn anh đã đi qua, những tháng ngày bền bỉ, miệt mài, mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đưa lại cho “Xứ Thanh - vẻ đẹp bất tận” những khoảnh khắc đắt, tiêu biểu, đáng nể và đáng yêu trong lòng người xem.
Tôi nghĩ “Xứ Thanh - vẻ đẹp bất tận” còn đặc biệt ở chỗ nhất quán một phong cách đó là bám sát hiện thực. Tất nhiên đó là thứ hiện thực không sao chép nguyên xi, nông cạn, mà tác giả đã khéo léo chọn lựa góc độ, bố cục, ánh sáng... để “lôi ra” được nét đặc trưng, cái bản chất riêng có, làm thoát ra được hương sắc thi vị nhất của đối tượng được phản ảnh, từ đó góp phần tăng tính hấp dẫn và chinh phục được người xem, kể cả với những vị khách khó tính như nhà thơ Hoàng Thăng Ngói.
Cả ba đặc điểm trên đã làm nên tính chuyên nghiệp, sáng tạo, mới lạ cho các tác phẩm ảnh của NSNA Lưu Trọng Thắng nói chung cũng như “Xứ Thanh - vẻ đẹp bất tận” nói riêng.
Đơn cử một số tác phẩm như: “Trái tim của biển” - trang 47, với góc máy từ trên cao ghi cảnh vòng lưới rùng của ngư dân vừa khó nhọc kéo lên từ biển, vừa được rải trên bãi cát vàng nhạt, vẽ một vòng cung xanh đen tiếp cận với hàng nón trắng của các bà, các chị quây quần gỡ cá mắc lưới, kết thành hình trái tim. Bức ảnh như một thông điệp về tình yêu lớn lao đối với nghề, với biển, với quê hương xứ sở. 
Tương tự, tác phẩm “Trái tim Pù Luông” - trang 109 - ảnh chụp ở xã vùng cao Pù Luông, huyện Ba Thước, hiện rõ ở trung tâm bức ảnh là một khu ruộng hình trái tim, chuyển từ màu xanh cốm đến vàng chanh của ruộng lúa sắp chín, nhấn thêm vào mô-típ “Trái tim tình yêu” từ biển lên rừng vẫn dằng dặc khôn nguôi...
Ảnh “Mùa mây ở Pù Luông - Bá Thước” - trang 93, trong ảnh là những đám mây trắng xốp, mơ màng “xây thành, quây tròn” như lòng giếng, ôm lấy những thửa ruộng bậc thang màu trắng trên nền xanh nhạt của rừng núi xung quanh, tất cả đều lọt thỏm trong lòng giếng mây! Hiển hiện một thế giới huyền thoại giữa trần gian, hạ giới! “Vẻ đẹp bất tận” lẩn khuất trong một bản làng bình dị của xứ Thanh đã được NSNA phát hiện, bấm máy và trưng ra cho mọi người cùng thưởng thức. 
Tác phẩm “Hồng Hạc tung cánh giữa đại ngàn Pù Luông mùa nước đổ”, cũng với góc nhìn từ trên cao, tác giả đã thu vào ảnh cả một vùng rộng lớn, ước tính cỡ vài trăm ha ruộng bậc thang. Khu ruộng bậc thang trong mùa đổ nước, ánh lên một màu vàng nhạt - hồng sáng, nổi bật và phân định ranh giới sắc nét như tranh vẽ với màu xanh đậm của núi gần, núi xa... Nhìn vào khối vàng - hồng của khu ruộng bậc thang, không khó để nhận ra hình ảnh một con chim hồng hạc đang đập cánh bay lên, với đầu và cổ chim vươn dài hướng lên cao, sắc nét cả mỏ chim và con mắt đen tinh tường, bộ ngực nhô ra rắn chắc, “khoe” cả trái tim bên trong như đang phập phồng đập nhịp...     
Cũng như với các tác phẩm ảnh “Trái tim của biển”, “Trái tim Pù Luông...” nói trên, đều là hình ảnh “có sẵn” của thiên nhiên - cuộc sống, nhưng phải là người luôn hòa nhịp trái tim mình với nhịp đập lớn lao của Trái tim Tổ quốc, và phải đau đáu với sự nghiệp sáng tạo của mình, khát khao thu được những khuôn hình độc, lạ... thì mới “chớp” được khoảnh khắc nghệ thuật làm nên những tác phẩm nghệ thuật, truyền đến người xem những liên tưởng đẹp, bay bổng với cảm xúc dâng trào!
Khác các tác phẩm với góc nhìn từ trên cao, ở bức ảnh “Giếng Ngọc” - trang 24, không dùng đến flycam, càng cho thấy sự tinh tế, tài hoa của tác giả trong việc chọn bố cục, phối màu bằng ánh sáng... để đạt được một tuyệt phẩm. Bức ảnh với tông màu xanh nhạt, điểm những mảng vàng sáng đem đến cho người xem một cảm giác hài hòa, thơ mộng, tôn kính, tĩnh tâm ở Giếng Ngọc, một địa điểm tâm linh ở Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Gốc đa già thả một chùm cành cong ngả bóng xuống lòng giếng. Ánh sáng trời rọi chiếu tạo thành mảng trắng hình tròn, ở dưới cùng góc bên trái của bức ảnh, như một “Mặt Trời” thứ hai hắt ngược ánh sáng lên cao! Thứ ánh sáng “phản quang” hai chiều này, với cường độ vừa đủ (nếu hơi thiếu thì sẽ không hiện lên trong ảnh, mà nếu mạnh thêm một chút, sẽ “phá” mất cảm giác thơ mộng, thiêng liêng của khung cảnh nơi đây). Luồng ánh sáng diệu kỳ cùng với các yếu tố nghệ thuật khác đã mang lại giá trị riêng có cho tác phẩm, bên cạnh nhiều tấm ảnh đẹp của các tác giả - nghệ sỹ khác “Giếng ngọc” của Lưu Trọng Thắng đã tôn vinh giá trị của Giếng Ngọc - Lam Kinh, nơi lưu dấu công tích của Đức vua Lê Thái tổ đối với con dân nước Việt còn muôn đời lưu dấu sử xanh!
Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, không thể nào điểm hết các tác phẩm hay và đẹp trong tập sách ảnh của NSNA Lưu Trọng Thắng do sức cảm thụ có giới hạn của người viết. Nhưng chắc chắn một điều tập sách ảnh nghệ thuật “Xứ Thanh - vẻ đẹp bất tận” đã giúp người xem có thêm một cách tiếp cận mới, gieo lên yêu thương và mong muốn khám phá “vẻ đẹp” bất tận của xứ Thanh - xứ anh hùng.
                                

Đ.N.D


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 4691
 Tổng số truy cập: 7426990
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa