Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nhà văn làm báo, nhà báo viết văn
Nhà văn làm báo, nhà báo viết văn

Trong nghề viết lách, văn và báo là láng giềng của nhau, có lúc nhà văn làm báo rồi nhà báo lại viết văn. Sự hoán đổi ngôi vị đã diễn ra một cách tự nhiên từ xưa đem lại sự đa dạng, phong phú trong giới chữ nghĩa. Nhờ vào tài năng của người cầm bút, những con chữ nằm im trở nên có hồn vía, thần thái, có hơi thở phập phồng. Hiện thực cuộc sống bộn bề được nhà văn, nhà báo đưa vào trang viết của mình nhằm đem lại một thông điệp, một trao gửi, một trăn trở nào đó. Đảng và nhân dân đang quyết liệt đấu tranh với các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, với cái ác, cái xấu đang diễn ra hằng ngày, văn và báo đã đồng hành, người viết dùng ngòi bút của mình để vạch trần những âm mưu và thủ đoạn đó. Đồng thời, qua trang văn, trang báo, các tác giả đã bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thương con người; làm cho tiếng nói của dân tộc ngày càng trở nên trong sáng, tinh tế. Trong văn có báo, trong báo có văn, đó là hiện tượng thú vị của cuộc chơi chữ nghĩa. Tính hiện thực của báo hòa quyện với tính biểu cảm của văn chương làm nên sự hấp dẫn của trang báo, trang văn. 
Tuy nhiên, văn và báo vẫn là hai công việc có tính đặc thù riêng biệt. Nghề viết văn thiên về cảm xúc riêng tư, mang dấu ấn sáng tạo cá nhân. Nhà văn thả hồn vào từng con chữ để chiết xuất ra những sợi tơ óng vàng làm đẹp cho đời. Thơ văn muôn đời là tiếng nói của nghệ thuật chữ nghĩa “Con chữ bầu nên nhà thơ” (Lê Đạt). Nghề văn phản ánh hiện thực cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật, bằng tài năng điển hình hóa của nhà văn. Nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) nói đại ý là, xây dựng nhân vật ông lấy cái đầu ở Bắc Kinh, cái thân ở Thượng Hải. Văn chương là nghệ thuật đồng thời cũng là cuộc đời. Tình yêu thương là dòng chủ lưu cũng là phẩm chất cao đẹp nhất của người viết văn. Còn việc làm báo thì sao? Báo chí thường mang tính thời sự nóng hổi, cập nhật thông tin hằng giờ, hằng ngày, bám sát đời sống xã hội. Người làm báo rất cần sự nhanh nhạy nắm bắt những thông tin thời sự. Nghề nào cũng cần lương tâm, nhưng nhà báo rất cần những phẩm chất đạo đức liêm chính, ngay thẳng, công tâm khi đứng trước sự cám dỗ của cái xấu. Không những vậy, họ cần cả sự dũng cảm khi đối mặt với hiểm nguy. Tính thông tấn của báo chí thể hiện rất rõ trong từng trang viết.  
Đời sống văn học nghệ thuật và báo chí của tỉnh Thanh bao năm qua đã có nhiều khởi sắc, đã đạt được những thành công đáng ghi nhận. Bên cạnh những cây bút gạo cội đã thành danh như các nhà văn, nhà thơ Từ Nguyên Tĩnh, Văn Đắc, Vương Anh, Hà Thị Cẩm Anh, Nguyễn Văn Đệ, Huy Trụ, Nguyễn Minh Khiêm, Viên Lan Anh... đến các cây bút trẻ đang lên như Thy Lan, Ngân Hằng, Kiều Huyền, Bùi Hương Thảo... Với ngòi bút tài năng, sắc sảo, các nhà văn, nhà báo đã đưa ra những thẩm định, đánh giá về đời sống hiện thực và đời sống văn nghệ đương đại. Bên cạnh đó, các tác giả còn góp phần giới thiệu, quảng bá những vẻ đẹp của Đất và người xứ Thanh đến với bạn bè bốn phương,…
1. Nhà văn làm báo
Nhà văn làm báo, nghe có vẻ như là nghề "tay ngang" nhưng lại đến một cách tự nhiên. Trước Cách mạng tháng Tám, chúng ta đã nghe danh các nhà văn như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Tô Hoài... viết những trang báo đấu tranh trực diện với chính quyền thực dân phong kiến đòi quyền tự do, dân chủ cho quốc dân đồng bào. Những thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Tam Lang là những trang viết đầy máu và nước mắt về cuộc sống thoi thóp của lớp văn nghệ sỹ thời nô lệ, đời sống cơm áo đã ghì các nhà văn xứ ta tận sát đất, văn chương rẻ mạt, các nhà văn xoay sang làm báo với mục đích để kiếm sống và cao hơn là thể hiện tinh thần đấu tranh. Dù rằng, đồng nhuận bút của báo khi đó rất bọt bèo nhưng cũng co kéo đắp đổi thêm cuộc sống mưu sinh. Chẳng nói đâu xa, lãnh tụ Hồ Chí Minh vừa là nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận và cũng là một nhà báo tài năng khi Người hoạt động ở nước ngoài. Ngay từ những ngày đầu hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã dùng báo chí như một vũ khí hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu cao cả của mình. Sáng lập và làm báo “Người cùng khổ” ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với các đồng chí của mình đã tạo ra “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết đấu tranh giành độc lập, tự do.
Trong đời sống đương đại, các cây bút là nhà văn tham gia viết báo rất hùng hậu. Họ có thể vừa là nhà văn vừa là nhà báo, là cộng tác viên, bổ sung những khoảng trống cho tờ báo mà các phóng viên không kham hết. Họ đóng góp những trang phóng sự, tiểu phẩm, ký, tản văn, truyện ngắn, có khi là thơ, làm phong phú thể tài cho một tờ báo. Bên cạnh những tin bài ngắn gọn có phần khô khan là những trang văn mượt mà, sâu lắng, tránh sự nhàm chán cho bạn đọc. Với cái nhìn trực quan, sinh động, các nhà văn với những trang viết của mình đã làm dày dặn thêm cho tờ báo, góp phần níu chân bạn đọc. Nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường cùng với sự lấn sân của công nghệ số làm cho báo có nguy cơ thu hẹp bạn đọc. 
Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước. Người viết bày tỏ những chính kiến của mình về một vấn đề nào đó, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tiêu chí của báo rất mạch lạc. Người làm báo bằng ngòi bút của mình phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Các nhà văn xứ Thanh đến với báo cũng không nằm ngoài vùng từ trường đó. Bạn đọc xứ Thanh khi cầm tờ báo, mắt dõi theo, lần tìm đọc những trang văn hóa, văn nghệ của các nhà văn trong và ngoài tỉnh. Nhiều bạn đọc đã quen với một Từ Nguyên Tĩnh sâu nặng với Hàm Rồng, núi Ngọc, đồi C4, tình đồng đội gắn bó, những ký ức một thời lửa đạn chiến tranh. Một Huy Trụ cùng những vần lục bát trầm bổng về sông Mã khi nào cũng trăn trở, ngẫm ngợi: “Đừng thấy trăng lên mà lơ đểnh tay chèo” (Sông Mã). Một Trịnh Ngọc Dự mà mỗi con chữ là một sợi tơ óng ả, tuổi càng cao con chữ càng đẹp long lanh. Một Nguyễn Minh Khiêm nghĩa tình, trầm lắng, thơ văn đều để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Một Lâm Bằng phiêu bồng, tìm tòi và sáng tạo vật vã với con chữ... Còn có thể kể ra vài gương mặt sáng giá như: Đinh Ngọc Diệp, Nguyễn Thanh Xuyết, Trịnh Vĩnh Đức, Vũ Tuyết Nhung với những trang viết tài hoa.
Từ văn đến báo, sự kết duyên nồng nàn của văn và báo để nhà văn tha hồ tung hoành ngòi bút của mình. Báo Văn nghệ thường có chuyên mục “Tiếng nói nhà văn”, các nhà văn đăng đàn những vấn đề nóng trong cuộc sống thường nhật. Người đọc thích thú bởi những trang viết hấp dẫn, những biện giải khúc chiết, những lập luận sắc sảo, được soi rọi trên nhiều bình diện, nhất là những vấn đề nóng. Đó là các bài như: “Thử nêu cách chữa chứng lười đọc sách” của Hoài Nam (Báo Văn nghệ số 16, ngày 16-4-2022); “Nơm nớp vì thủy điện” của Văn Công Hùng (Báo Văn nghệ số 20, ngày 14-5-2022). Đây là một trích đoạn: "Và mấy năm nay hàng loạt vụ động đất mà dư chấn của nó kéo dài hàng trăm kilomet ở vùng dày đặc thủy điện Quảng Nam và Kon Tum, với những “phát hiện dè dặt” của các nhà khoa học rằng không loại trừ sự ảnh hưởng của các hồ đập thủy điện, sự hoang mang của nhân dân với việc họ chỉ đích danh thủ phạm là thủy điện, thì rõ ràng những cái hồ trên núi khổng lồ với hàng triệu mét khối nước treo lơ lửng giữa trời như những quả bom thế, đang là sự lo lắng chính đáng của những người dân ở đây". Người đọc cảm nhận hình tượng từ chất thơ mềm mượt trong câu văn của tác giả. 
Xứ Thanh, giang sơn cẩm tú, là hình ảnh thu nhỏ của đất nước, vùng quê sản sinh nhiều nhân tài cho đất nước. Ngoài những phẩm chất chung của giới cầm bút như yêu nước thương nòi, yêu cảnh sắc thiên nhiên..., các nhà văn xứ Thanh còn có những tố chất riêng khu biệt mang “căn tính” hồn cốt của mảnh đất “tam vương, nhị chúa”. Đó là khí chất mạnh mẽ, hào sảng được kết tụ từ mạch nguồn sóng nước sông Mã, hòa nhịp với núi Ngọc, núi Rồng mềm mại, duyên dáng. Họ là những con người “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận). Thời bao cấp những năm 80 của thế kỷ trước bài bút ký “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?” của cố nhà văn Phùng Gia Lộc viết về hiện tượng cường hào mới của một số cán bộ địa phương quê ông đã làm rúng động dư luận nhân dân trong và ngoài tỉnh. Bài bút ký đã nói lên sự thật về phẩm chất đạo đức của người cán bộ trong mối quan hệ với nhân dân. Nhà văn cảnh báo, ở nông thôn đã xuất hiện một bộ phận cường hào kiểu mới mà thực chất họ là cán bộ địa phương. Các nhà văn đương đại xứ Thanh dồi dào nguồn năng lượng viết, có mặt trên mọi nẻo đường, lên rừng xuống biển, bám sát hiện thực cuộc sống để phản ánh, phát hiện, biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt. Nhà văn Viên Lan Anh vừa viết văn vừa làm báo. Những trang báo của chị thật sâu nặng nghĩa tình, thấm đẫm hồn cốt quê hương xứ sở. Nhà văn Hà Cẩm Anh, nhà thơ Phạm Kim Khánh, người con xứ Mường, khi nào cũng đau đáu về những câu Xường, những trang sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”, cùng những nếp nhà sàn ẩn hiện trong sương sớm trên rẻo cao quê hương. Những trang kí của Hoàng Trọng Cường, Nguyễn Minh Khiêm về người chiến sĩ, về cuộc sống hội nhập hết sức sống động, có tính phát hiện. Nhà văn năng nổ đến với dân, bám vào lòng dân để lấy tư liệu viết lên những trang báo tươi rói, giàu tính thời sự. Có thể là một buổi sinh hoạt câu lạc bộ thơ của các bác, các cụ ở quê để khích lệ lối sống lành mạnh “sống vui, sống khỏe” của người cao tuổi. Có khi là một phong trào thi đua “hai tốt” dạy tốt - học tốt của một trường học vùng sâu, vùng xa. Những câu chuyện cảm động về tinh thần vượt khó của thầy trò, nhất là những người thầy “cõng chữ lên non”. Chất thông tấn của báo hòa quyện với chất văn chương làm cho trang viết lấp lánh ánh sáng của trí tuệ và cảm xúc. 
2. Nhà báo viết văn
Nhà báo đôi khi muốn “thể dục” ngòi bút của mình, lại chuyển sang viết văn. Nếu báo nhanh, nhạy bén, nóng hổi thì văn chậm, bền, đi vào chiều sâu suy cảm. Đầu thế kỷ XX, khi nền báo chí còn đang buổi đầu sơ khai, các nhà báo An Nam như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Trương vừa làm báo vừa viết văn. Khi sang Pháp nhà báo Phạm Quỳnh có hẳn một tập du ký ghi chép những điều mắt thấy tai nghe, những cảm nhận về xứ văn minh châu Âu, thương dân mình lầm than lạc hậu. Bàn về truyện Kiều, Phạm Quỳnh viết: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn. Truyện Kiều là quốc hồn, quốc túy của dân tộc”. Lối cách ngôn theo phong cách báo, chặt chẽ mang tính luận lý thuyết phục mà không kém phần mềm mại của văn chương. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động cách mạng ở nước ngoài cũng vừa làm báo vừa viết văn. Văn chính luận của Người giàu tính luận chiến, tính hùng biện, lí lẽ dẫn chứng sắc sảo, thuyết phục người đọc. Các tác phẩm tiêu biểu của Người như: Bản án chế độ Thực dân Pháp, Con rồng tre, Vi hành... Chất báo chí lan tỏa từ văn phong đến nghệ thuật lập luận. Đặc biệt là lối viết dí dỏm, hài hước tạc nên bức chân dung biếm họa các hình tượng, từ đó tác giả tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, bản chất bù nhìn phản dân tộc của bọn vua quan phong kiến. Khi về nước lãnh đạo kháng chiến giải phóng dân tộc, Bác còn làm thơ, những bài thơ giàu xúc cảm về tình yêu thiên nhiên và con người. Thơ của Người hàm súc, giàu hình tượng, lãng mạn, bay bổng.  
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các phóng viên chiến trường của ta vừa làm báo, vừa viết văn. Văn và báo cùng ra trận, đấu tranh trực diện với quân thù. Tiêu biểu như các nhà báo - nhà văn Vũ Hạnh, Anh Đức, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Nguyễn Quang Sáng... Tập ký “Bút máu” của nhà báo Vũ Hạnh đã thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm và sự hi sinh thầm lặng của người viết văn, làm báo trong lòng địch hay ở chiến trường. Bằng ngòi bút sắc, tâm trong, nhà văn đã phản tỉnh mọi người nhất là tầng lớp thanh niên đô thị miền Nam hướng về Tổ quốc, biết sống có lí tưởng, yêu nhân dân, yêu độc lập. Nhà văn Anh Đức với tập ký “Từ tuyến đầu Tổ quốc” đã bày tỏ tấm lòng thủy chung, son sắt của đồng bào và chiến sĩ miền Nam với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Những lá thư của những người mẹ, người vợ, người em từ miền Nam gửi ra miền Bắc là tiếng lòng, là máu và nước mắt của đồng bào miền Nam. Bài ký vừa mang đậm tính thời sự của báo vừa giàu tính biểu cảm làm rung động triệu triệu con tim. 
Thời hậu chiến, có nhiều nhà báo đồng thời cũng là nhà văn như: Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Sương Nguyệt Minh, Lê Ngọc Minh, Lê Minh Quốc, Nguyễn Việt Chiến... Văn của Lê Lựu, Sương Nguyệt Minh có tính phát hiện, tính dự báo, hấp dẫn bạn đọc. Trần Đăng Khoa - thần đồng thơ, từng là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngoài thơ, Trần Đăng Khoa còn viết tiểu luận phê bình. Tiểu luận phê bình của anh có sự kết hợp giữa phong cách sáng tác và đời tư các nhà văn, pha chút dí dỏm, tếu táo của người lính rất sống động. Từ đó chân dung nhà văn hiện lên rất chân thật đời thường như tác phẩm “Chân dung và đối thoại”. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có thời kỳ làm phóng viên báo Tuổi trẻ. Anh xông xáo, xông pha vào chốn hiểm nguy, đưa lên mặt báo, phanh phui những việc làm khuất tất của một số doanh nghiệp là tập đoàn kinh tế nhà nước. 
Đội ngũ làm báo viết văn của xứ Thanh vô cùng hùng hậu, mạnh cả về chất và lượng. Có thể nhắc đến các cây bút sắc sảo như: Thy Lan, Lâm Bằng, Ngân Hằng, Viên Lan Anh, Kiều Huyền, Bùi Hương Thảo... Đây là những cây bút trẻ giàu năng lượng viết và đã gặt hái được những thành công nhất định. Thy Lan - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh cũng là nhà lý luận - phê bình tài năng, sắc sảo, luôn tự làm mới mình trong từng trang viết. Tập tiểu luận, phê bình chị mới ra mắt bạn đọc “Ngôn ngữ đối thoại” bao gồm những bài viết có tính tổng kết về hoạt động văn nghệ của xứ Thanh, chân dung các nhà văn đương đại,… Với lối viết thiên về duy cảm, “lấy hồn ta để hiểu hồn người” giúp cho các bài tiểu luận, phê bình không khô khan, nhàm chán mà giàu suy tư, gợi nghĩ, đậm chất nữ tính. Đọc tiểu luận, phê bình của nhà văn Thy Lan, người đọc đắm mình trong những con chữ thật sự có hồn, có góc cạnh, lẫy ra những điều mà đời sống văn nghệ đang quan tâm. Thy Lan còn là nữ nhà thơ đằm thắm trữ tình, ngôn ngữ thơ của chị góp phần làm đẹp cho quê hương xứ sở. Viên Lan Anh, nhà báo gạo cội của xứ Thanh, ngoài công việc làm báo, chị đam mê với con chữ trong thơ văn. Tập truyện ngắn “Chuột vu quy” của chị được đông đảo bạn đọc đón nhận. Hiện thực cuộc sống đương đại được nhà văn điển hình vào các câu chuyện, nâng lên thành tầm khái quát, có tính chất cảnh tỉnh xã hội.
Mối quan hệ tác động qua lại giữa báo chí và văn học có tính chất song phương, ảnh hưởng đa chiều. Mặc dù không thể phủ nhận vai trò hết sức to lớn của báo chí đối với văn học nhưng là một trong những loại hình nghệ thuật ra đời sớm, sự tác động văn chương với báo chí theo chiều thuận mạnh mẽ và sâu sắc. Việc nhà văn làm báo, nhà báo viết văn là chuyện thường tình trong xã hội. Quá trình làm báo đã giúp người nghệ sĩ kích thích nguồn cảm hứng sáng tạo, còn cái mềm mại, uyển chuyển cùng chiều sâu văn hóa lại giúp họ phản ánh những vấn đề nóng bỏng của hiện thực cuộc sống thông qua cái mỹ của văn chương, nhờ thế mà sức mạnh của mỗi tác phẩm báo chí có thể được nhân lên gấp bội. Dù viết văn hay viết báo thì người viết cũng luôn phải hướng đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
                                    

Ngày 15-5-2022
                                                                                            L.X.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 196
 Hôm nay: 6429
 Tổng số truy cập: 12827422
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa