Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Một cách tiếp cận khá toàn diện thể loại ký từ 1975 đến nay (Đọc chuyên khảo Ký Việt Nam đương đại, Nxb Đại học Vinh, 2020, PGS.TS. Đinh Trí Dũng chủ biên)
Một cách tiếp cận khá toàn diện thể loại ký từ 1975 đến nay (Đọc chuyên khảo Ký Việt Nam đương đại, Nxb Đại học Vinh, 2020, PGS.TS. Đinh Trí Dũng chủ biên)

Ký là một loại hình văn học trung gian, nằm giữa báo chí và văn học. Trong sự phát triển chung của các thể loại văn xuôi Việt Nam đương đại (từ 1975 đến nay), ký là một thể loại gặt hái được nhiều thành tựu. Ký bao gồm nhiều thể/ tiểu loại như: ký sự, phóng sự, nhật ký, hồi ký, bút ký, tùy bút, du ký, tản văn, tạp văn, chân dung văn học. Với đặc trưng thể loại, ký luôn đi tiên phong trong việc tiếp cận các hiện tượng nóng hổi của đời sống xã hội, có tính thời sự cao, đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận hiện thực và nhiều phương diện trong cảm xúc thẩm mỹ của người đọc. Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu văn học cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ký, với nhiều công trình, bài viết đánh giá về thành tựu, đặc điểm, sự vận động của thể loại này. Ký Việt Nam đương đại do PGS.TS. Đinh Trí Dũng chủ biên cùng các cộng sự là một công trình khoa học, công phu, đề cập một cách toàn diện, hệ thống về ký Việt Nam đương đại (từ 1975 đến 2020), đặc biệt chú ý khảo sát sự vận động, tương tác, giao thoa thể loại giữa ký và các thể loại văn học khác, cũng như giao thoa giữa các thể/ tiểu loại của ký.
Cuốn chuyên khảo dày 418 trang (khổ 14x20,5 cm), bao quát một phạm vi tư liệu lớn, gồm 158 tập sách ký, xuất bản từ năm 1975 đến khoảng năm 2020. Các tác giả được khảo sát gồm nhiều thế hệ, có những người thuộc lớp đàn anh, gắn bó nhiều năm với ký như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Huy Quang...; có những người thuộc thế hệ 5x, 6x, viết thành công trên nhiều thể loại, trong đó có ký như Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Quang Lập…; có người thuộc thế hệ 7x, 8x đầy tài năng như Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Bích Thúy…; có những tác giả trẻ vừa xuất hiện đã gây ồn ào dư luận như Huyền Chíp (Nguyễn Thị Khánh Huyền), Phương Mai, Ngô Thị Giáng Uyên, Trần Hùng John… Bố cục sách chia làm 6 chương: 2 chương đầu mang tính khái quát, khảo sát bức tranh chung, thành tựu và sự vận động của ký Việt Nam đương đại, đi sâu vào sự giao thoa, tương tác thể loại của ký; 4 chương sau, mỗi chương đề cập đến một thể/ tiểu loại của ký. Các thể ký được quan tâm là hồi ký, tản văn, du ký, chân dung văn học. 
Về mặt lý luận, các tác giả không có ý đồ mở rộng hay xác lập một quan niệm mới về ký. Quan niệm về ký cũng như các thể/ tiểu loại ký của các tác giả vẫn nhìn chung kế thừa các ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước như Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Hà Minh Đức, Phương Lựu, Lê Ngọc Trà… “dù đứng ở góc độ nào các nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến đặc trưng của ký là một loại văn tự sự, có mục đích “trần thuật người thật, việc thật”, tôn trọng “thông tin sự thật”. Trong ký cũng có hư cấu nhưng thường ở mức độ nhất định và cũng nhằm góp phần tái hiện lại một cách xác thực người thật, việc thật (trang 11). “Ký khác với truyện dài, truyện ngắn, tiểu thuyết ở chỗ trong tác phẩm ký, không có con người được thể hiện như những số phận trong mối quan hệ với hoàn cảnh. Ký chủ yếu là trần thuật, miêu tả sự kiện, nhân vật, các vấn đề về trạng thái nhân thế, phong hóa, đạo đức đang được xã hội quan tâm” (trang 11). Phần đóng góp đầu tiên của cuốn sách theo tôi là sự khảo sát, phân tích sâu sắc sự vận động, đặc điểm của ký trên 3 chặng đường: từ năm 1975 đến 1985, từ 1986-2000 và từ 2000 đến nay. Dường như ở mỗi chặng, một thể nào đó của ký lại nổi lên, tạo được ấn tượng. Những năm sau Đổi mới 1986 là sự lên ngôi của phóng sự, với các tác phẩm gây tiếng vang của Phùng Gia Lộc, Hoàng Hữu Các, Trần Huy Quang, Minh Chuyên…, với sự đi sâu phân tích sự bất cập của cơ chế, chính sách, đặc biệt là xoáy sâu vào bi kịch của con người do hậu quả của lối quản lý quan liêu, mất dân chủ. Khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước là sự bùng nổ các thể hồi ký, bút ký, chân dung văn học. Từ sau năm 2000 đến nay là sự bứt phá của bút ký, tản văn, tạp văn, du ký. Ngoài những đặc điểm về nội dung, các tác giả còn minh chứng một cách sinh động sự biến đổi của ký về hình thức nghệ thuật trên các phương diện bút pháp, kết cấu, giọng điệu, ngôn từ nghệ thuật…, tạo nên bước đổi mới quan trọng của thể ký từ sau năm 1975.
Một đóng góp thú vị của cuốn sách là dành hẳn một chương (chương 2) để khảo sát sự giao thoa, tương tác thể loại của ký với các thể loại khác như truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ. Ngoài việc mở rộng đường biên thể loại, tạo ra các hình thức thể loại độc đáo như tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết tự truyện, truyện ngắn giàu chất ký, tản văn đan xen thơ…, cuốn sách còn đi sâu phân tích sự giao thoa ấy trên góc độ cấu tứ, sự sử dụng chất liệu ký, sự vận dụng ngôn từ… Đúng như các tác giả khẳng định: “Chính sự tương tác, giao thoa ấy đã góp phần mở rộng phạm vi phản ánh, gia tăng các chiều kích tiếp cận hiện thực, mở ra những hình thức thể hiện mới, góp phần tạo ra sức hấp dẫn độc đáo của thể loại ký trong bức tranh đa dạng, phong phú của văn xuôi Việt Nam đương đại” (trang 153-154).
Khác với nhiều công trình nghiên cứu khác, cuốn chuyên khảo này dành khá nhiều trang đi sâu vào các thể/ tiểu loại của ký sau năm1975 (mỗi tiểu loại được dành một chương nghiên cứu). 4 thể/ tiểu loại được quan tâm là hồi ký, tản văn, du ký, chân dung văn học. Có thể có người sẽ đặt câu hỏi: tại sao không có phóng sự, bút ký. Nhưng như các tác giả đã giải thích ở lời nói đầu, đây là các thể/ tiểu loại “đã có những thành tựu vượt trội, thể hiện những biến đổi, giao thoa thể loại độc đáo” (tr. 7). Bạn đọc sẽ thấy ở đây sự khảo sát công phu, cập nhật các tác phẩm, sự phân tích sâu sắc đặc điểm nội dung và nghệ thuật, thế mạnh của từng tiểu loại ký, các cây bút tiêu biểu, đặt trong sự vận động của ký Việt Nam đương đại nói chung. 
Cuốn sách thuộc loại hình nghiên cứu, phê bình văn học nhưng đọc khá hấp dẫn, kết hợp các kiến thức lý luận với các dẫn chứng sinh động, với cách viết mạch lạc, sáng rõ. Người đọc vừa thấy được bức tranh chung của thể ký sau năm 1975, vừa thấy nét riêng độc đáo của từng cây bút. Đó là sự sâu sắc, đào sâu vào bản chất vấn đề trong các phóng sự của Trần Huy Quang, bút ký của Nguyên Ngọc, Hà Minh Đức, Nguyễn Bắc Sơn… Đó là chất thơ đằm thắm, ngọt ngào trong tản văn của Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Lê Minh Quốc… Đó là chất hoài niệm sâu lắng, đầy suy tư, trầm buồn trong chân dung văn học của Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn,…
Có thể nói chuyên khảo Ký Việt Nam đương đại của Đinh Trí Dũng cùng các cộng sự là một công trình nhiều ý nghĩa, là tài liệu bổ ích cho những bạn đọc quan tâm đến thể loại ký, các nhà giáo, các em học sinh để hiểu hơn về một thể loại văn học được xem là năng động, luôn đi tiên phong trong việc bám sát hiện thực đời sống và cũng là thể loại góp phần không nhỏ trong sự nghiệp đổi mới văn xuôi Việt Nam sau năm 1975. 
                                                                                             

N.H.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 191
 Tổng số truy cập: 7436318
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa