Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Bản giao hưởng mùa thu (Cảm nghĩ nhân đọc sách Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời, NXB Hội Nhà văn năm 2021)
Bản giao hưởng mùa thu (Cảm nghĩ nhân đọc sách Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời, NXB Hội Nhà văn năm 2021)

Với độ dài 1.072 trang bao gồm 143 bài viết của 92 tác giả (trong đó có 22 bài của “chủ nhà” Nguyễn Ngọc Thiện) cuốn sách Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành ra mắt bạn đọc tháng 8-2021. Trân trọng và ngưỡng mộ biết bao các tác giả là những bậc thầy ưu tú, lão thành (GS Viện sĩ Hoàng Trinh, GS Hà Minh Đức, GS Trần Đình Sử...); bạn đồng nghiệp tài hoa (GS Hồ Sĩ Vịnh, PGS.TS Vũ Nho, PGS.TS Trần Thị Việt Trung, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng...). Ấy là chưa kể đến quý văn nghệ sĩ, các thế hệ môn sinh của ông. Dù khác nhau độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp nhưng các cây bút đã khắc họa chân dung Nguyễn Ngọc Thiện: nhà phê bình văn học, nhà báo văn nghệ, nhà giáo tài hoa, tâm huyết, nhân cách lớn.
Cùng góp phần thành công vào cuốn sách là 164 bức ảnh được trình bày, chú thích rõ ràng theo dòng thời gian về cột mốc mối quan hệ bạn văn chương, quê hương, gia đình...
Trong bài viết khiêm tốn này tôi xin phép chia sẻ cảm nhận sau khi đọc cuốn sách hội tụ 92 tác giả: Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời.
I. Nguyễn Ngọc Thiện và sự nghiệp văn chương
Là một trí thức đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của dân tộc, Nguyễn Ngọc Thiện sớm đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trưởng thành trong quân ngũ, tu nghiệp tại nước ngoài (Tiến sĩ bằng A Cộng hòa Dân chủ Đức), trở thành PGS.TS Ngữ văn, Nguyễn Ngọc Thiện luôn giữ gìn phát huy tài năng, bản lĩnh của nhà khoa học chân chính, đi đúng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Lý luận phê bình văn học là chuyên ngành gai góc, nhọc nhằn, vất vả, vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật đòi hỏi Nguyễn Ngọc Thiện suốt đời nỗ lực đọc, suy nghĩ và viết. Những bài viết của ông mạnh mẽ, uyển chuyển, hàm súc, chuẩn mực và lan tỏa. Ông đọc kỹ tác phẩm văn học, đồng hành, tri âm với tác giả. Ngòi bút của ông sắc sảo, hóm hỉnh, không đao to búa lớn. Ông không phê bình chung chung hoặc quảng cáo giới thiệu sách mà phân tích, tổng hợp, chỉ ra cái hay, cái đẹp, hạn chế của tác phẩm, hướng người đọc hiểu đúng, hiểu sâu chủ đề mà nhà văn gửi gắm. Là người phu chữ cần mẫn, ông nêu cao tinh thần nói có sách, mách có chứng. Những bài viết lý luận phê bình của ông xác thực, lập luận chặt chẽ, hóm hỉnh, dễ thuyết phục và hấp dẫn người đọc. Dù viết lý luận, phê bình văn học hoặc trả lời phỏng vấn báo chí, Nguyễn Ngọc Thiện nghiêm cẩn sử dụng câu chữ, ngôn từ. Ông như người thợ kim hoàn kiên nhẫn góp nhặt từng hạt bụi vàng, tinh lọc, chế tác thành bông hồng vàng. Trong số các tác giả văn xuôi tài danh “lọt vào mắt xanh” của Nguyễn Ngọc Thiện: Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Hữu Mai, Lê Lựu..., Ma Văn Kháng là “người tình trăm năm”, người bạn vong niên, tri kỷ của ông. Nguyễn Ngọc Thiện ngưỡng mộ Ma Văn Kháng - tác giả văn học lực lưỡng. Ngoài 12 bài viết, ông đã hướng dẫn thành công 20 luận văn thạc sĩ, 03 luận án tiến sĩ về các tác phẩm của Ma Văn Kháng.
Gần năm thập kỷ lao động cần mẫn, Nguyễn Ngọc Thiện như con ong chăm chỉ dâng mật ngọt cho đời. Gia tài văn chương của ông đáng kính nể: in riêng 9 cuốn, chủ biên 21 cuốn, in chung 49 cuốn; tổng cộng tất cả trên 50.000 trang. Sẽ thiếu sót nếu tôi không nhắc tới cuốn sách thứ 9 “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng lý luận, thực tiễn nghệ thuật” ra đời năm 2020 khi ông vào độ tuổi 74. Điều này khẳng định dù tuổi cao, cơ thể lão hóa nhưng sức sáng tạo của ông vẫn trẻ. 
II. Nguyễn Ngọc Thiện và đời
Chiêm ngưỡng ngôi biệt thự sang trọng bao trùm bên trong là Thư viện tổng hợp - Thế Uẩn thư trai mang đậm không gian văn hóa nghệ thuật, tâm linh: hơn 10 ngàn cuốn sách đủ loại và tạp chí chuyên ngành, hàng trăm pho tượng gốm sứ, tranh, ảnh, câu đối... Tôi xúc động nhớ lại những gì ông đã trải qua.
Nguyễn Ngọc Thiện là người con thứ 5 trong gia đình trung lưu tại Bắc Ninh, Kinh Bắc. Mồ côi cha từ lúc 7 tuổi (1954), cậu bé Thế Uẩn (tên chữ của ông) sớm sở hữu năng khiếu văn chương, nghị lực phi thường. Điều đó đã giúp ông từng bước vào ngôi đền thiêng của làng văn. Năm 1967, tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn, Nguyễn Ngọc Thiện công tác tại Viện Văn học. Chưa tròn một năm sau, chàng trai trí thức phơi phới tuổi xuân nhập ngũ. Tháng 12-1973, xuất ngũ với quân hàm Chuẩn úy, Nguyễn Ngọc Thiện trở về cơ quan “buổi đầu lưu luyến ấy” - Viện Văn học. Tháng 4-1975, Nguyễn Ngọc Thiện kết hôn. Chuyện ông lấy vợ thật giản dị, không kém phần hấp dẫn. Nhờ bà mối Kim Dung (chị gái của ông) mát tay, đôi bạn đồng tuế ngày xưa học chung một lớp: Ngọc Thiện - Bình An nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên trong thời gian “thử thách”, mẫu thân của ông trực tiếp tới cơ quan nàng dâu tương lai để gặp mặt “điều tra lý lịch”... Hơn một năm sau ngày cưới, bé gái Vân Trang ra đời (7-1976). Giờ đây, Vân Trang đã có gia đình riêng, trở thành PGS.TS ở độ tuổi 38, thật tự hào; Hậu sinh khả úy.
Giới văn nghệ sĩ, bạn đồng môn ngưỡng mộ Nguyễn Ngọc Thiện - nhà khoa học cơ duyên số 7 và gia đình 5 đời khuyến học, tam đại phu thê đồng tuế nhị quang. Văn nghiệp và đời tư nhiều may mắn: PGS.TS Ngữ văn, gia đình trí thức hạnh phúc viên mãn. Để toàn tâm toàn ý cống hiến cho khoa học, ông bà không sinh con thứ hai.
39 năm gắn bó với Viện Văn học, hơn 20 năm bén duyên tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (trong đó có 15 năm giữ cương vị Tổng Biên tập), Nguyễn Ngọc Thiện luôn giữ gìn phong cách làm việc nghiêm túc, cẩn trọng mẫu mực, hết lòng vì việc chung. Ông sẵn sàng giúp đỡ vô tư những cây bút chập chững địa phương mới vào nghề từ cung cấp sách, tài liệu, trao đổi kiến thức trực tiếp hoặc qua điện thoại... Ông làm việc không nghĩ đến thời gian, không gian. Ông khác với một số viên chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”. Vất vả, cực nhọc biết bao khi ông làm Tổng Biên tập một tạp chí văn nghệ lớn của cả nước phát hành một số mỗi tháng nhưng nhân sự tòa soạn chỉ có năm người. Ngoài chức năng của vị Tổng Biên tập: Ký đăng bài... Nguyễn Ngọc Thiện phải “ôm” việc của biên tập viên, thư ký tòa soạn, phát hành... 
Nhân sự quá ít, kinh phí eo hẹp, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thiện bằng tài năng và tâm huyết đã thu phục nhân tâm các cộng sự trong tòa soạn và các cộng tác viên, từng bước đưa tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam không ngừng phát triển ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, hấp dẫn bạn đọc cả nội dung và hình thức, xứng đáng là lá cờ đầu khối tạp chí văn học nghệ thuật của nước nhà, là hình mẫu tiêu biểu để các tạp chí địa phương noi theo.
Trên vai gánh vác công việc nặng nề văn chương và báo chí, ông vẫn tham gia thỉnh giảng, hướng dẫn nghiên cứu sinh sau đại học. Nhiều thế hệ môn sinh kính trọng, ngưỡng mộ người thầy tận tâm, nghiêm túc, không phân biệt đối xử kể cả những môn sinh “ngoài vùng phủ sóng”. Ông đã hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh viết và bảo vệ thành công các Luận án Tiến sĩ, 70 học viên cao học viết và bảo vệ thành công các Luận văn Thạc sĩ thuộc hai chuyên ngành Lý luận văn học và Văn học Việt Nam hiện đại.
Gần năm thập kỷ trôi qua, gặp gỡ, giao tiếp, hướng dẫn các “đối tác” phần lớn là phái đẹp, Nguyễn Ngọc Thiện luôn nhẹ nhàng, thân thiết, nhiệt tâm nhưng giữ khoảng cách an toàn. Ông là người đa tài, đa tình nhưng không đi quá giới hạn. Suốt cuộc đời sống thanh bạch, nhân ái, bản lĩnh, Nguyễn Ngọc Thiện chưa một lần khuất phục trước sự cám dỗ của tiền tài, danh vọng. Ông kiên quyết từ chối hợp đồng ma quỷ: Thuê viết luận án tiến sĩ...
Ông là người chồng mẫu mực, chung thủy. 46 năm biết bao biến cố, thăng trầm trong cuộc sống, ông bà vẫn “Ta nắm tay em qua đường cho khỏi ngã”. Năm 2019, ông bà tổ chức Lễ cưới vàng tại tư gia ái nữ. Hy vọng và tin rằng ông bà mạnh khỏe, trường thọ sẽ tổ chức Lễ cưới kim cương. Những gì ông gặt hái thành công đến nay, không thể không nhắc tới người bạn đời đồng tuế của mình. Bình An là một phụ nữ trí thức đích thực (Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú). Tôi đã gặp bà tại phòng hồi sức sau phẫu thuật của Bệnh viện Hữu nghị cuối tháng 8-2017. Lúc ấy bà đang chăm sóc ông. Dáng bà nhỏ nhắn, trang phục giản dị, nền nã, giọng nói dịu dàng. Dù làm việc khác ngành nhưng bà thấu hiểu, thông cảm những đam mê của chồng. Bà thông minh, nhân hậu nên không ghen. Ông hoàn toàn tự do làm việc trong căn phòng đa năng. Bà yêu tài năng, nhân cách, tin tưởng ông, chia sẻ với ông những nhọc nhằn, vất vả: thức khuya, đọc viết nhiều, say mê sưu tầm sách báo. Ông như cánh diều bay xa, bay cao mãi. Bà cầm dây diều dài vô tận chạy tiếp sức cho ông.
Xúc động và đáng kính biết bao khi ngôi biệt thự của ông bà 20 năm qua là thư viện gia đình. Nơi đây đã ghi dấu hàng trăm lượt gặp gỡ, giao lưu, học tập của bạn bè, môn sinh. Ngoài tiếp bạn đọc tại Thế Uẩn thư trai, ông bà tặng hàng trăm cuốn sách cho các thư viện, trường học nơi xa và phường sở tại.
Ngoài văn chương, Nguyễn Ngọc Thiện yêu nhạc cổ điển và những ca khúc kinh điển. Tôi từng hân hạnh được hát tặng ông một trong những tác phẩm thanh nhạc nổi tiếng Na Uy Khúc hát nàng Solveig (bản tiếng Na Uy và tiếng Việt) vào cuối tháng 11-2017.
Dù “bóng đã ngả hẳn về Tây”, PGS.TS nhà phê bình văn học đa tài Nguyễn Ngọc Thiện vẫn chưa “rửa tay gác kiếm”. Ngọn bút vẫn say sưa vời vợi/ Trái tim hồng khắc khoải ưu tư. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông như dòng sông chảy vượt qua bao ghềnh thác chở nặng phù sa và nước mát ngọt lành. Dù trải qua lận đận nhưng tài năng, nhân cách, tâm hồn ông mãi tỏa sáng lấp lánh như ngôi sao trong đáy thẳm bầu trời. Ơi số 7 đáng yêu may mắn/ Đã cùng ai đi suốt cuộc đời/ Bảy nổi ba chìm từng nếm trải/ Hạnh phúc nào cũng pha chút đắng cay.
Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời, cuốn sách của nhiều tác giả thể hiện sự quý mến của đồng nghiệp, bạn bè, môn sinh dành cho Nguyễn Ngọc Thiện tài năng đích thực và lao động nghiêm túc. Sách này đưa ra 75+1=76 cách nhìn về tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thiện (in riêng và chủ biên) được thể hiện trong Phần thứ nhất Từ góc nhìn khoa học chuyên ngành. Trong phần thứ hai Trong tình đồng nghiệp liên tài, tri kỷ, sách đưa ra 47 cách nhìn về Nguyễn Ngọc Thiện. Tổng cộng hai phần, sách đưa ra 123 cách nhìn về con người, về tác phẩm Nguyễn Ngọc Thiện.
Trân trọng cám ơn 91 tác giả “khách mời” cùng “chủ nhà” Nguyễn Ngọc Thiện với 143 bài viết cùng 164 bức ảnh đã tạo nên “Bản giao hưởng mùa thu” nồng nàn, đằm thắm, quyến rũ với nhiều cung bậc, không có dấu lặng, chỉ có dấu trường ngân. 
Để hoàn thành cuốn sách này “chủ nhà” Nguyễn Ngọc Thiện đã không quản bao đêm thao thức thực hiện từng công đoạn: tuyển chọn, biên tập bài viết, chọn ảnh...
                                                                                             

H.A                                                                       


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 132
 Hôm nay: 1758
 Tổng số truy cập: 7446890
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa