Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Cảm nhận bài thơ “Sông Mã” của Huy Trụ
Cảm nhận bài thơ “Sông Mã” của Huy Trụ

Sông Mã

Em có về quê anh
Vượt ghềnh thác một lần trên sông Mã
Không phải ông cha xưa đặt tên sông cho lạ
Bao cuộc đời từng ngẫm nghĩ trước mênh mông
Một tiếng gà giữa ngã Ba Bông
Dân sáu huyện cùng nghe, người sáu làng cùng thức
Một tiếng “huầy dô” xô con đò dọc
Người trên bờ áo cũng đẫm mồ hôi
Chả bao giờ sông bình lặng em ơi!
Cả những lúc lòng sông phơi trắng cát
Không sóng chồm bờ thì sóng ngầm xoáy đất
Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào...
Sống đất này, dám chấp nhận cùng nhau
Một câu nói nửa rừng nửa biển
Đi hết lòng nhau để cùng đến bến
Khúc nông sâu bồi lở thường tình...
Bao cuộc đời ngụp lặn với dòng xanh
Giờ ngoái lại tóc còn dựng ngược
Xin tìm đến ngọn nguồn tiếng nấc
Của ai kia một thuở thác ghềnh...
Riêng một điều em nhận ở đất Thanh
Cái giàu có ẩn trong từng con sóng
Nên dòng sông trước khi ra biển rộng
Hắt lên tay người bão lũ với phù sa!
            (Huy Trụ)
Tôi nhớ bài thơ “Sông Mã” của Huy Trụ đã nhận được giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi sáng tác chào mừng Đại hội Đảng bộ Thanh Hóa năm 1986, sau đó được giới thiệu trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng với chùm thơ của ông. Riêng ở Thanh Hóa, “Sông Mã” là bài thơ đã găm vào lòng nhiều thế hệ bạn đọc (nhất là các thế hệ đã từng cầm cân, nảy mực trên đất xứ Thanh). Bài thơ đã được một số nhạc sĩ phổ nhạc và phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ đã được bạn bè nhắc tới trong một số buổi giao lưu, tọa đàm về thơ, nhất là mỗi khi Thanh Hóa có sự kiện buồn, vui... Hiện tượng tác giả có một bài thơ hay không phải là hiếm nhưng cũng không là nhiều. Đời một người làm thơ được đôi câu thơ hay đã là hạnh phúc, Huy Trụ có cả một bài thơ hay, ít ra là đã hơn ba mươi năm cho tới lúc này và còn gắn bó với Thanh Hóa nhiều năm sau nữa, chắc chắn là thế...
Ở quê hương nào cũng vậy, dòng sông vẫn là nguồn cảm hứng muôn đời cho thi ca, nhạc họa... Ở đâu có sông ở đấy có nguồn sống. Con người sinh ra bên dòng sông hình như cũng mạnh mẽ, khao khát, phóng túng hơn. “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông” (Bế Kiến Quốc). Dòng sông tấp lên hai bên “bờ xôi ruộng mật”, nuôi lớn tâm hồn con người, hoài bão về một cuộc sống bình yên, tươi đẹp. Sông Mã - con sông lớn nhất xứ Thanh, khởi nguồn từ vùng Tây Bắc Việt Nam qua nước bạn Lào chảy vào lòng Thanh Hóa. Chiều dài sông từ biên giới Việt Lào, gần cửa khẩu Tén Tằn huyện Mường Lát đến cửa Lạch Trào dài 200 km. Sông từ vùng núi cao, qua trung du đến đồng bằng qua bao ghềnh thác, vực sâu, qua Hàm Rồng tới vùng Bến Than, Lễ Môn mới hiền hòa, thảnh thơi ra biển. Sông đã nối rừng với biển, hiểu được non cao, biển sâu... Phải chăng sông Mã mang đặc tính của người Thanh Hóa, đời sông như đời người! Không chọn cái khúc trữ tình như thi sĩ Anh Chi trong “Thuyền than lại đậu bến than”: Một triền sông Mã một tôi lúc này, với chàng trai chống sào ngược dòng và một người con gái ngóng trông trên bờ. Trong “Sông Mã” Huy Trụ khắc họa một sông Mã gân guốc, tiềm ẩn và độ lượng. Bài thơ cô đọng với 6 khổ, mỗi khổ 4 câu. Đây là bài thơ ít có câu “độn”, trừ khổ thơ đầu - miếng trầu đầu câu chuyện: “Em có về quê anh/ Vượt ghềnh thác một lần trên sông Mã/ Không phải ông cha xưa đặt tên sông cho lạ/ Bao cuộc đời từng ngẫm nghĩ trước mênh mông”... Từ đấy đến hết bài là một mạch thơ như một dòng chảy không ngừng. Huy Trụ đã nói những điều trong thông điệp gửi tới con người và vùng đất nơi đây. Bằng phương pháp cường điệu, dùng nhiều từ tượng thanh, tượng hình, gây ấn tượng mạnh trong lòng người đọc: “Một tiếng gà giữa ngã Ba Bông/ Dân sáu huyện cùng nghe, người sáu làng cùng thức/ Một tiếng “huầy dô” xô con đò dọc/ Người trên bờ áo cũng đẫm mồ hôi”, hoặc: “Không sóng chồm bờ, thì sóng ngầm xoáy đất”, hay: “Giờ ngoái lại tóc còn dựng ngược”... Hình ảnh đặc trưng ấy hiển hiện một sông Mã hung dữ, bạo liệt: “Sóng xô bạc mặt, thác vênh lòng thuyền (Miền riêng tôi - Huy Trụ). Nhưng nói về sông Mã để nói về con người sông Mã - con người trên vùng đất ấy. Những nỗ lực chống chọi trước khắc nghiệt của thiên nhiên và kẻ thù xâm lược. Trước những thế lực hung bạo, con người phải gồng mình lên để “cùng đến bến”, nên những vất vả, gian lao, khúc nông sâu bồi lở cũng là chuyện “thường tình”. Điều nhà thơ cảnh báo: trong môi trường như vậy, con người luôn phải cảnh giác: “Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào!”. Đọc bài thơ “Sông Mã” của Huy Trụ, đến hai câu được coi là ấn tượng nhất trong bài thơ được nhiều người thuộc: “Sống đất này, dám chấp nhận cùng nhau/ Một câu nói nửa rừng, nửa biển” tôi cứ phân vân hiểu thế nào cho đúng ý nhà thơ. Đọc một hai lần cứ thấy suôn tuột, có gì như an ủi người ta! Nhưng vì sao lại không phải chấp nhận mà là “dám chấp nhận”. Dám tức là phải mạo hiểm, phải có gan trước những rủi ro có thể xảy ra không lường trước được. Phải chịu mất mát thua thiệt, hay nhẫn chịu trước những thử thách, những nghiệt ngã, tai ương của vùng đất. Mới sực nhớ đến điều nhà thơ từng cảnh báo: “Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào”. Đến đây thì câu thơ tiếp theo: “Một câu nói nửa rừng, nửa biển” không thể hiểu theo nghĩa đen của nó được! Bão lũ và phù sa là hai thái cực con sông mang lại. Để có được chút hạnh phúc con người phải đổ biết bao mồ hôi, công sức mới có được.
Huy Trụ đã góp một tiếng nói có giá trị trong nền thơ xứ Thanh. Hy vọng công cuộc đổi mới, bạn thơ xứ Thanh sẽ có nhiều bài thơ hay xứng đáng với vùng đất có những nhà thơ nổi tiếng như Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Hồng Nguyên, Thôi Hữu, Minh Hiệu,...
                                

T.N.D


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 127
 Hôm nay: 7639
 Tổng số truy cập: 7393844
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa