Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Bụi thời gian đọng lại vết chai sần (Đọc tập thơ Trăng đầu hạ, của Lê Lan, Nxb Thanh Niên)
Bụi thời gian đọng lại vết chai sần (Đọc tập thơ Trăng đầu hạ, của Lê Lan, Nxb Thanh Niên)

Là nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, Lê Lan (còn có bút danh Thy Lan) đã có các tập tiểu luận, phê bình văn học Mạch ngầm con chữ - NXB Hội Nhà văn, 2015; Những cánh đồng mang gương mặt người - NXB Hội Nhà văn, 2017; Ngôn ngữ đối thoại - NXB Hội Nhà văn, 2020.
Nhà nghiên cứu văn học Thy Lan dành cho Thơ những cảm xúc riêng bởi chị quan niệm “Thơ góp vần gieo gió thổi qua truông” (Giao mùa). 
Tập thơ Trăng đầu hạ là kết quả của những chuyến đi thực tế ở cơ sở, là quá trình trải nghiệm và cảm nhận về lịch sử dân tộc, về công cuộc đổi mới đang diễn ra trên đất nước ta cùng những cảm xúc về tình yêu. Tập thơ là hành trình khám phá và thể nghiệm của Thy Lan trước hiện thực đời sống phong phú và sinh động, khẳng định bản ngã thơ của mình.
1. Cọ đứng xòe ô cho con cháu tụ về
Trong một lần về với đền Hùng, từ hồi ức về truyền thuyết Trăm trứng, Sơn Tinh, Thủy Tinh và Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong… nhà thơ nghĩ về cội nguồn dân tộc như một cách giải mã lịch sử, giản dị mà đầy đủ:
Từ bọc trứng Âu Cơ - Một dân tộc hình thành
Hai tiếng đồng bào gần gũi thiêng liêng
Cuộc phân ly lên rừng xuống biển
Thành hình hài đất nước buổi bình minh.
        (Về thăm đất Tổ)
Cảm hứng lịch sử trong Trăng đầu hạ của Thy Lan là những bài học trong sách giáo khoa, là những chuyến về nguồn đầy ắp tư liệu để lịch sử dân tộc trong thơ chị không chỉ có cái hào hùng, vĩ đại mà còn chứa đựng một giá trị nhân văn sâu sắc, lãng mạn:
Bao thế kỷ qua, đa vẫn đứng uy nghi
Cây ổi linh thiêng - Cười như huyền thoại
Hồn tiên tổ lẫn vào hồn cây cỏ
Vẫn vui đùa cùng con cháu chúng sinh.
Về Lam Kinh ngày hội chốn anh minh
Trò Xuân Phả thập thình câu chuyện cũ  
Trời Đại Việt vững bền qua bão tố
Cháy bừng lên gương mặt thái bình.
        (Về Lam Kinh ngày hội)
Có dịp lên Điện Biên cùng với câu lạc bộ Nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh thuộc Hội VHNT Thanh Hóa, chị đã có chùm bài thơ về Tây Bắc mến yêu như để tri ân mảnh đất và con người nơi đây: Khát vọng Sơn La, Tháng tư mùa ban trắng, Điện Biên…
Những người tù ở ngục Sơn La
Sống trong quan tài
Chết không quan tài
Quan tài là đất mẹ!
… Cùm kẹp, khảo tra vẫn một lòng cách mạng
Bốn bức tường sâu không vùi ý chí
Tô Hiệu hóa thân trong sắc biếc cành đào
Cây tỏa bóng cho cháu con bước tiếp.
        (Khát vọng Sơn La)
Một Điện Biên “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” với dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô, Mường Phăng, đồi A1, Hồng Cúm… như gợi lại những trận đánh, những chiến công và cả những hy sinh mất mát của quân và dân ta: 
Dốc Pha Đin vọng tiếng hò kéo pháo
… Tiếng bộc phá còn rung đồi A1
Hầm Đờ Cát sáu mươi năm sau vẫn vọng tiếng reo hò
… Nghĩa trang Điện Biên hàng hàng nấm mộ 
Những hàng bia không tuổi không tên… 
        (Điện Biên)
Tây Bắc giờ đã thay da đổi thịt. Sự hy sinh của các anh đã hóa thành bất tử, các anh đã hòa vào trong sắc trắng hoa ban, hòa trong điệu xòe các cô gái Thái, trong men rượu cần, trong đắm đuối lăm vông. Các anh đã hòa trong sắc trời Tây Bắc…
Sức sống, sức bật dậy của Tây Bắc như là cách để tri ân những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống đất này. Tháng tư mùa ban trắng là kết đọng những cảm xúc yêu thương, tự hào về người lính về dân tộc mình. Thy Lan có những câu thơ giàu hình ảnh, giàu sức khái quát, truyền cảm: 
Lúa dồn mật vá lành bao thương tích
Phơi sắc vàng giữa đồng đất Mường Thanh…
... Người lính trẻ trên tay cành ban trắng
Hoa lại từ trong ánh mắt xòe ra…
… Hoa ban trắng cất lời ru Tổ quốc
Một Điện Biên trải nắng với trăm miền.
Tác giả sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa trong những câu thơ trên đã tạo nên một hiệu quả biểu đạt với giá trị nghệ thuật đặc sắc, dư ba… Những câu thơ như tích tụ năng lượng của cảm xúc và trí tuệ, cảm và nghĩ, ngôn từ và biểu tượng, nồng nàn và sâu thẳm trong trái tim thi sĩ Thy Lan.
2. Tôi miên man như một kẻ nợ nần
Có thể nói Thy Lan là một trong những người viết nhiều về quê hương xứ Thanh với sự trân trọng những giá trị lịch sử, tinh thần lao động dựng xây và thành quả của công cuộc đổi mới. Từ đồng bằng, miền núi đến các đô thị, cuộc sống bừng lên sắc màu của ấm no, hạnh phúc:
Ai vẽ bậc thang vàng óng 
Bóng mế cuộn trong mùa màng!
Ai xui điệu khèn xuống núi
Để khói ngỏ lời lang thang!  
        (Ngày mùa)
Chỉ vài nét chấm phá ruộng bậc thang, mế cuộn trong mùa màng, điệu khèn xuống núi, khói lang thang… đủ thấy sự ấm áp no đủ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, điệp từ cùng câu hỏi tu từ “Ai” đã tạo nên hiệu quả thẩm mĩ. Bức tranh vào mùa ở vùng cao thật sinh động, hữu tình, đặc trưng, có cảnh và người, có màu sắc và âm thanh. Người xưa nói “Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc” là đây! 
Một lần đến với bản Năng Cát (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), Thy Lan như ngập tràn cùng thác Ma Hao, với sương giăng bóng suối ngọc ngà, cơn mưa vòng đáy mắt, ánh lửa khuất chìm gương mặt… Cái tình của người Trí Nang thật dạt dào, sâu nặng mà cũng thật tinh tế, chân thành:
Cơn mưa nào gợi nhớ những ngày xa
Trai gái chọc sàn tìm đôi kết lứa
…Nếu quả thật ông giời thương sắp đặt
Anh ở lại cùng em tắm suối thác Ma Hao!
        (Nhà sàn nép bóng đêm trăng)
Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) đã từng làm mê đắm bao du khách, hấp dẫn bao ngòi bút của thi nhân. Với Thy Lan trước “Đàn cá mộng mơ uốn mình như nét vẽ”, thế là đủ để tả về suối cá thần ấy. Nhưng tác giả nghĩ xa hơn, sâu hơn về cách giải mã cho sự bí ẩn của huyền thoại nơi đây: Núi Trường Sinh khép mở chuyện ngày xưa/ Để suối Ngọc suốt một đời ngọt mát…/ Đu nỗi nhớ gỡ rối điều cởi mở.
Thành phố Thanh Hóa ngày càng phát triển và khởi sắc, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Đi giữa thành phố mà bồi hồi xao động:
Mùa thu này thành phố bỗng thu hơn 
Bao sắc lá cùng lòng người rạo rực.
Tôi đi dọc những phố phường sầm uất
Điện sáng bừng lên cùng sắc đỏ sao vàng
Dòng sông Mã thu này về cũng khác
Nước bỗng như người muôn mặt chứa chan.
        (Sắc thu thành phố)
Khi được công nhận là thành phố loại 1, nhà thơ vui niềm vui của người dân thành phố những người lao động chân chính “Người níu người… khoe nụ cười trên khuôn mặt thân thương”. Một Thy Lan luôn thân thiện, hòa đồng với xung quanh:
Em ngợp trong cao ốc rực rỡ sắc màu
Điện tỏa sáng công viên rộn tiếng cười trẻ nhỏ 
Phố vẫn phố mà đẹp hơn sắc phố
Chợ vẫn sớm chiều mà náo nhiệt hơn xưa.
… Đêm thành phố của tôi ngọt hương rừng, hương biển
Tôi thả hồn cùng hương sắc phố ngàn hoa.
        (Đêm thành phố ngàn hoa)
Đã từng yêu lính và bây giờ là vợ lính, Thy Lan có những bài thơ về người lính thật ấn tượng (Chiều giăng lối nhỏ, Lần đầu với đảo, Tết về cùng anh…). Những người lính thời bình vẫn ngày đêm luyện tập, canh giữ đất trời, biển đảo thiêng liêng để người dân được bình yên và Tổ quốc không bị bất ngờ. Thăm đồn biên phòng cảng Nghi Sơn, nhà thơ cảm phục tinh thần yêu nước của các anh càng thấu hiểu nỗi niềm xa nhà, xa người thân của mỗi người lính đảo:
Lính biên phòng chiều nghe sóng hát
Cảng quê mình rộn rã tiếng còi xa…
Bữa cơm trưa câu chuyện cũ làm quà
Người đồn trưởng tiếng cười tan vào nắng
Không giấu được trong ánh nhìn sâu lắng
Nỗi nhớ nhà dằng dặc mắt xa xăm…
        (Chiều giăng lối nhỏ)
Và đây là người lính biên phòng nơi vùng cao biên giới trong cái nhìn đầy tự hào, tin tưởng và yêu thương:
Em đợi anh bằng bếp lửa đang nồng
Bằng ánh mắt đã đong đầy mắt bản
Nơi anh đã thành con, nơi hoa rừng thành bạn
Nơi đèo cao vách núi dựng lưng trời.
        (Tết về cùng anh)
Dẫu là đã mở lòng để đón nhận bao niềm vui trong cuộc sống đáng yêu này, vậy mà đâu đó trong tập thơ Trăng đầu hạ của Thy Lan vẫn còn những vương vất nỗi buồn thế sự (Nét xuân, Thu xưa, Con đường…).
Em đi qua bao sự bất ngờ
… Cơn sốt lợi danh, tiền tài, xu nịnh
Như đám mây nặng nước ập òa.  
        (Nét xuân)
Mượn con đường để nhà thơ nâng lên thành hình ảnh so sánh, triết lý và gửi gắm nỗi niềm:  
Đường vòng mưa nắng liêu xiêu
Đường ngang, lối dọc với nhiều phân vân…
Con người lắm lúc vô tâm
Bon chen hơn thiệt lỗi lầm giăng dây
Lúc vui cạn chén rượu đầy
Khi buồn tan tác đám mây bùng nhùng.
        (Con đường)
Đây là một trong hai bài thơ lục bát hiếm hoi của tập thơ. Thy Lan đã tạo nên nhịp thơ chậm rãi, phần nào mang âm hưởng của ca dao. Các cặp phụ từ cũng - cũng, đã - đã tạo nên sự cân đối và hài hòa cho các vế của câu thơ. Những tiêu cực và tội phạm xã hội vẫn tồn tại trong đời sống hôm nay. Chống tiêu cực và trấn áp tội phạm là cuộc chiến không ngừng nghỉ của chúng ta. Thy Lan cũng như những văn nghệ sĩ chân chính biết sứ mệnh của người cầm bút để lúc nào cũng thấy mình “miên man như một kẻ nợ nần” - nợ với cuộc đời này!
3. Đêm mông lung như cạn lại như đầy  
Sẽ là không trọn vẹn nếu không đề cập tới mảng thơ viết về tình yêu của Thy Lan. Trong Trăng đầu hạ có đến hơn chục bài thơ về tình yêu với góc nhìn của người từng trải. Có hồi hộp đợi chờ, có nồng nàn cháy bỏng và cũng có những giây phút chòng chành, liêng biêng…
Hình như Thy Lan ưa chọn mùa thu để thể hiện tình yêu? Hồi hộp,bâng khuâng đón chờ thu để được đắm say giữa sắc trời tím biếc:
Anh có nghe thu gõ nhịp sang ngày
Em hồi hộp giữa sắc trời tím biếc
Cô đơn, yếu mềm, đắm say, quyết liệt
Em mặn nồng như bông điệp đa đoan…
Anh là hoa lá, em là mùa thu gieo những sợi nắng vàng ươm, ủ ướp lá vườn anh cho “đượm lá thu vàng”:
Em làm thu gieo rắc nắng bồi hồi
Anh hồ hởi hong lá vườn đang chín
Khắc khoải, nhớ nhung, đợi chờ, tan biến
Em mãi tin yêu như đượm lá thu vàng!
        (Với thu)
Mượn biển để nói lời tình yêu là cảm hứng bất tận của thi nhân. Đứng trước biển biết bao tâm trạng và biết bao liên tưởng. Biển muôn đời vẫn là sóng, gió, trời mây, thuyền bè, bến, bờ, bãi cát… Thy Lan thể hiện tình yêu bằng cách riêng của mình:
Em vẫn hiểu thuyền ra khơi, rẽ sóng
Buồm biết gom thao thức gió ven bờ…
Em vẫn hiểu chòng chành nơi bến đỗ
Sợi dây bền neo giữ giấc mơ xưa!
        (Tâm tư)
Đây là những câu thơ hay về tình yêu, vừa gợi tả vừa gợi cảm bằng lối nói ẩn dụ mang nhiều tầng nghĩa. Phải yêu hết mình, Thy Lan mới tinh chiết được những câu thơ chất như thế này “Buồm biết gom thao thức gió ven bờ…”.  
Còn đây là tình yêu của người vợ ở hậu phương có chồng là lính biên phòng nơi “rừng sâu, ngõ hẻm”: 
Khi sống chết chỉ còn gang tấc
Giấc ngủ tỉnh mơ
Cô đơn lạnh cóng mùa đông
Hơi ấm đàn bà cám dỗ…
       
Tình yêu là bến đỗ
Đôi môi mềm nâng đỡ bước chân anh.
        (Giọt sương còn đọng môi mềm)
Hơn ai hết, tác giả là người trong cuộc nên rất hiểu những khó khăn, gian khổ của người lính xa gia đình, vợ con. Núi rừng biên cương hùng vĩ nhưng cũng là địa bàn hoạt động của bọn tội phạm ma túy. Sự hiểm nguy luôn rình rập. Và có thể có những cám dỗ khác nữa… Chúng ta tin ở phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Còn với những người vợ lính (như Thy Lan) có thêm một niềm tin vững chắc nữa: Tình yêu là bến đỗ!
Một thông điệp mà Thy Lan muốn gửi tới độc giả, tới các bạn trẻ đang yêu là chỉ có niềm tin, lòng thủy chung và sự trân trọng mới giữ cho tình yêu bền chặt và đơm hoa kết trái! 
Trăng đầu hạ là tập thơ đầu tay của chị - một cây bút trẻ, bắt đầu cho một thời kỳ sung sức cả về nghiên cứu phê bình và quản lý văn nghệ. Thơ chị bao quát được nhiều vấn đề của đời sống với chiều sâu của tư duy và cảm xúc, ngôn ngữ giàu hình ảnh và có sức khái quát cao. Và hình như Thy Lan đang tiếp cận với xu hướng triết lý trong thơ nhiều hơn! 
                            

Tháng 4 năm 2021
                                     L.X.S
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 123
 Hôm nay: 16636
 Tổng số truy cập: 7189216
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa