Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Lý luận phê bình với tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh
Lý luận phê bình với tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh

Trong đời sống văn học ở thời đại 5G phủ sóng hiện nay, tác phẩm văn chương luôn chuyển động không ngừng nghỉ. Nó kéo theo một không khí sôi động trên văn đàn. Nhất là lực lượng viết và đọc. Trong đó những tác giả đã thành danh và tác giả mới vào nghề đều có một điểm chung là muốn tìm đến ngôi nhà tạp chí văn nghệ hoặc nhiều tờ báo để được đăng tác phẩm yêu thích của mình. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh chính là địa chỉ ngôi nhà ấy.
Trước yêu cầu đổi mới trong cách nghĩ và cách làm, tôi nghĩ Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã đáp ứng tốt những yêu cầu mà Đảng và đất nước đề ra. Đã xác định những trọng điểm mà văn học nghệ thuật hiện nay cần hướng tới. Mục đích đóng góp xây dựng nền văn học nước nhà và văn học địa phương theo xu hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc.
Trước yêu cầu ấy, Ban Lý luận - phê bình trực thuộc Hội VHNT Thanh Hóa đã có nhiều bước chuyển mới về nhận thức, công tác tổ chức và thêm cách làm mới.
Nhìn lại chặng đường mấy chục năm đi qua của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, các nhà nghiên cứu - phê bình và lực lượng sáng tác đã hoạt động liên tục, để lại cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà nhiều tác phẩm có giá trị. Đồng thời góp thêm diện mạo mới cho nền văn học nước nhà, qua những trang viết có hàm lượng tính khoa học cao. 
Có được thành quả hôm nay, có thể nói, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh chính là bà đỡ, là địa chỉ khởi nguồn cho sáng tạo. Đặc biệt là lớp trẻ có điều kiện gửi gắm những tác phẩm yêu thích. Hơn nữa, tạp chí còn là nơi hội tụ giao lưu, đề đạt ý kiến đóng góp cho sự phát triển của văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Tôi xem những bài viết, những tâm sự của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận - phê bình, nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà viết kịch bản sân khấu, biên đạo múa, nhiếp ảnh gia, điện ảnh… trong mỗi lần tổng kết, hội thảo khoa học đã để lại nhiều dấu ấn trên bản đồ VHNT Thanh Hóa. Trong đó, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là một địa chỉ tin cậy, thông tin kịp thời và hiệu quả nhất về các hoạt động VHNT, tương xứng với những gì có được ở một tỉnh lớn trên diễn đàn VHNT cả nước. 
Trên bình diện Lý luận - phê bình văn học là một bộ phận của đời sống văn học rất cần sự đồng hành sáng tạo giữa lực lượng phê bình và lực lượng sáng tác. Đồng thời giúp người đọc nhận diện, phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật các tác phẩm văn học - nghệ thuật. Bên cạnh, còn làm mới điểm nhìn, vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ sĩ, thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo.
Đối với văn học Thanh Hóa, các nhà lý luận - phê bình đã thông qua Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh để gửi gắm tác phẩm của mình, nhằm cung cấp cho độc giả một lượng tri thức được văn bản hóa gắn liền với tiến trình văn học dân tộc. Đây là điểm mà các nhà lý luận - phê bình Thanh Hóa thường quan tâm nhất trong quá trình viết. 
Vậy các nhà lý luận - phê bình Thanh Hóa hiện nay đang đứng ở vị trí nào, với cách nhìn nào để tạo cho mình thế đứng vững chãi trong lòng bạn đọc. Trước hết nhận diện về yếu tố con người, đa số là những người có tuổi đời từ 60 trở lên nhưng sức viết vẫn còn dồi dào. Số còn lại tuy trẻ nhưng đã và đang sáng tạo vươn lên không ngừng, luôn sung sức và đầy nhiệt huyết.
Trong bối cảnh hiện nay, đất nước và tỉnh nhà bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, văn nghệ cũng thay đổi theo bước chuyển ấy. Để kịp thời bám sát sự kiện, nhân vật và đời sống, các nhà lý luận - phê bình đã thổi ngọn lửa đam mê qua nhiều bài viết thể hiện cá tính sáng tạo, đem đến một hiệu ứng mới trên văn đàn.
1. Về mối quan hệ giữa Ban Lý luận - phê bình với Hội VHNT và các tác phẩm VHNT Thanh Hóa hiện nay trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh
Ban Lý luận - phê bình là một ban trực thuộc sự chỉ đạo của Hội VHNT Thanh Hóa. So với trước, hiện nay Ban Lý luận - phê bình đã được Hội VHNT Thanh Hóa quan tâm hơn ở nhiều mặt. Trong đó tập trung chú trọng ở khâu đào tạo bồi dưỡng, tăng cường tham gia ở các hội thảo trong và ngoài tỉnh. Từ đó, tạo thêm cho ban có nhiều động lực phát huy năng lực tổ chức thực hiện. Hiện nay, Thường trực Hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, dưới hình thức Ban Lý luận - phê bình tham gia hoặc chủ trì, định hướng xây dựng nội dung. Đây là những điểm mới đem lại sự hoạt động tích cực cho các thành viên. Từ đó tiếng nói các tác phẩm VHNT Thanh Hóa với hình ảnh đất và người Thanh Hóa được nhiều người biết đến và yêu hơn.                                               Nhất là với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, những bài lý luận - phê bình có chất lượng được đăng tải, nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo bạn đọc trong cả nước.
Là một trong những thành tố quan trọng, Ban Lý luận - phê bình đã không ngừng cải tiến trong cách làm, tích cực tham mưu cho Thường trực Hội những sáng kiến trong thời gian vừa qua. Và hiện nay ban vẫn tiếp tục đổi mới để tìm ra cách làm hiệu quả hơn nữa. Thực tại, các nhà lý luận - phê bình Thanh Hóa đã tiếp cận từng bước theo một số phương pháp phê bình hiện đại. Đã tìm ra cho mỗi người một cách phê bình có hàm lượng chuyên môn rõ rệt. Như bám sát văn bản gốc. Không chủ quan duy ý chí qua đánh giá về hiện tượng văn học, tiến trình văn học. Các hình thức phê bình theo kiểu phong cách học, thi pháp học, tổ chức tiến trình văn học đã hình thành rõ nét hơn trong quá trình nghiên cứu. Mặc dù lối phê bình tri âm hay còn gọi phê bình nghệ sĩ diễn ra khá phổ biến, dẫu số lượng chưa nhiều trong lực lượng phê bình hiện nay, nhưng đã có sự nâng lên về chất lượng ở mức chuyên nghiệp hơn, nhờ có sự tham chiếu từ cơ sở lý thuyết được áp dụng.
Tuy nhiên, đánh giá khách quan ở Thanh Hóa ta hiện nay, lối phê bình theo kiểu phân tâm học, ký hiệu học, sinh thái học, vẫn còn là một vấn đề thách thức đặt ra. Có thể là do ý tưởng của mỗi người. Hiện vẫn tập trung ở kiểu phê bình đại chúng được phổ biến rộng rãi nhiều hơn, mang tính phê bình báo chí truyền thông. Nếu phê bình tri âm lấy việc hiểu, đồng cảm với tác giả làm mục đích xuyên suốt thì “phê bình ký thác chỉ xem tác phẩm là cái cớ để bộc lộ cái nghĩ cái cảm của nhà phê bình về cuộc đời và nghệ thuật”.
Điều đáng mừng, những vấn đề khoa học được các hội viên và những người yêu văn chương luôn đồng hành, đồng cảm kịp thời. Chính vì vậy, trong việc tổ chức các cuộc thi của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, Ban Lý luận - phê bình luôn theo sát, đã có nhiều bài viết phản ánh chất lượng cuộc thi.
Công bằng mà nói, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh những năm vừa qua có nhiều cách làm đổi mới hiệu quả. Đặc biệt, tạp chí đã tổ chức cuộc thi truyện ngắn, bút ký, thơ với nhiều cách làm sáng tạo, gây được tiếng vang lớn, được giới chuyên môn đánh giá cao. Ngoài ra còn có những cuộc thi về ảnh nghệ thuật thu hút lực lượng lớn các tác giả chuyên và không chuyên khắp mọi miền Tổ quốc. Gần đây là cuộc thi thơ về đề tài “Linh thiêng Tổ quốc - Hào khí xứ Thanh” năm 2021, được dư luận đánh giá cao về chất lượng cuộc thi. Để cuộc thi thành công, Ban Tổ chức đã chọn được Ban Giám khảo vòng sơ khảo và chung khảo có uy tín, trách nhiệm và công tâm với các tác phẩm dự thi. Bên cạnh đó là cách thức tổ chức khoa học và hiệu quả, đã tạo nên sự đồng thuận trong giới sáng tác và phê bình hiện nay. Và trong năm 2022 này, cuộc thi truyện ngắn với chủ đề “Tiếng vọng thời đại” trên Tạp chí Văn nghê Xứ Thanh đang diễn ra, chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp. 
2. Những hoạt động nghiên cứu phê bình trong ban đã góp phần thúc đẩy không khí hoạt động văn chương xứ Thanh thêm bước chuyển mới
Thực tế trong Ban Lý luận - phê bình hiện nay số người có độ uyên thâm về nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian thưa dần, vì lý do cao tuổi đã về cõi. Số còn lại ở tầm trung vẫn còn sung sức, song chỉ mươi mười lăm năm nữa chắc chắn sẽ để lại khoảng trống không nhỏ cho công tác nghiên cứu phê bình nếu không có biện pháp tìm kiếm, phát hiện, và bồi dưỡng lực lượng kế cận.
Tuy nhiên trong những năm vừa qua, Hội VHNT Thanh Hóa cũng đã tổ chức được lớp bồi dưỡng bổ sung thêm về kiến thức lý luận - phê bình cho đội ngũ phê bình văn nghệ Thanh Hóa. Hiện tại nhiều cây bút của ban đã có nhiều bài viết trên tạp chí, các tờ báo lớn của cả nước và địa phương, đó là các nhà nghiên cứu phê bình: Lê Xuân Soan, Lưu Đức Hạnh, Nguyễn Thanh Tâm, Lê Quang Sinh, Trần Đàm, Trịnh Vĩnh Đức, Lê Như Bình, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Vạn Quỳnh, Hỏa Diệu Thúy, Thy Lan, Kiều Thu Huyền, Mai Thị Hạnh Lê, Lê Thị Đáng, Nguyễn Thị Quế, Bùi Hương Thảo…
Với Thanh Hóa hiện nay, phần đa số ở dạng phê bình đại chúng. Số phê bình khoa học có rất ít chỉ được một số người nhưng chủ yếu lại công tác ở các tờ tạp chí lớn. Phần đa số còn lại theo cách phê bình ngẫu hứng. Tuy chất lượng không đồng đều và sức thuyết phục cũng rất khác nhau, nhưng có ưu điểm phê bình đại chúng phản ánh đời sống văn học nhanh và kịp thời hơn, được bạn đọc đông đảo đồng cảm hưởng ứng. Mặc dù phê bình khoa học thiên về lý luận tập trung ở các viện nghiên cứu, song cũng không loại trừ cả những người nằm ngoài các không gian học thuật đó, họ đã có khả năng tự học, tự đào tạo để vươn lên tầm chuyên sâu, theo phong cách nghệ sĩ vẫn được chú trọng không nhỏ.
Với đội ngũ hiện tại, bên cạnh phê bình đại chúng, còn một số cá nhân đã thể hiện năng lực viết theo kiểu phê bình nghệ sĩ. Văn viết thể hiện giàu cảm xúc. Yếu tố trực giác, tài hoa trong phong cách viết có dịp phô diễn. 
Tuy nhiên ở Thanh Hóa hiện nay lối phê bình sinh thái chưa được chú trọng. Cần phải khởi nguồn cho sáng tạo ở điểm này. Hơn nữa, phê bình văn hóa, lịch sử và các bộ môn nghệ thuật cần phải đẩy phổ rộng cao hơn. Vấn đề này, rất cần liên kết với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh và các tạp chí lớn trong cả nước, để những bài viết kiểu này nhiều hơn. Mục đích tạo thêm cái phông rộng cho vốn văn hóa, văn học nghệ thuật, phong phú đậm sắc thái hơn.
Có thể nói, Ban Lý luận - phê bình và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã cộng tác cùng nhau trong những năm qua kịp thời, hiệu quả, đem đến cho bạn đọc nhiều tín hiệu thẩm mĩ về con người và cuộc sống mới hiện nay.
Nhìn vào thực tại và tương lai, chắc chắn đội ngũ phê bình và cộng tác viên giàu nhiệt huyết với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh hiện nay, sẽ ngày càng phát huy sức sáng tạo mới trên diễn đàn Văn học nghệ thuật tỉnh nhà và cả nước hôm nay.
                                                                                                 

T.V.Đ


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 126
 Hôm nay: 4142
 Tổng số truy cập: 7449274
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa