Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   “Đi tìm một vì sao” Dấu ấn đậm sâu trong lòng người đọc
“Đi tìm một vì sao” Dấu ấn đậm sâu trong lòng người đọc

Phạm Quang Nghị sinh năm 1949 tại Định Tân, Yên Định, Thanh Hóa. Ông là sinh viên khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông từng đi B, là Cán bộ Ban Tuyên truyền Trung ương Cục miền Nam. Ông từng là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tử tưởng - Văn hóa Trung ương; Bộ Trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin; Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Uỷ viên Bộ Chính trị các khóa X, XI, đại biểu Quốc hội các khóa XI, XIII, v.v… 
“Đi tìm một vì sao” là một cuốn tự truyện đậm chất văn chương. Như phụ đề của tên sách: Tự kể chuyện mình, tác giả Phạm Quang Nghị đã kể lại cuộc đời mình một cách trung thực với một tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn; sự bùng cháy của cảm xúc mà tác giả đã khai triển thành văn, qua hình ảnh ngôn ngữ chọn lọc, tinh tế nhất, sâu sắc nhất. Mỗi câu chuyện thường ngày được ông kể lại đều chứa đựng trong đó những tầng sâu suy tưởng và những thông điệp giàu tính nhân văn. Với lối kể chuyện dung dị, tâm tình, Phạm Quang Nghị đã hình dung về lịch sử, qua ngôn ngữ, lịch sử được tái hiện gắn với những trạng thái đời sống nên vô cùng cuốn hút, hấp dẫn. Đọc “lịch sử” thông qua Tự truyện, phải chăng là cách hữu hiệu để lịch sử đến với người đọc không chỉ bằng lý trí mà còn bằng cảm xúc. 
Vẫn biết, Tự kể chuyện mình của tác giả Phạm Quang Nghị, là bộ hồ sơ lịch sử của một con người nhưng cuốn sách mang lại cho chúng ta một niềm tin; giúp ta thấy được giá trị của cuộc sống. Từ đó người đọc nhìn thấy những thời khắc lịch sử của một dân tộc. Nó kéo dĩ vãng về hiện tại; những con người lam lũ, chịu thương, chịu khó dưới ngòi bút của Phạm Quang Nghị hiện lên thật sống động, bám riết lấy tâm trí người đọc với biết bao thương cảm. Thời gian bỗng nhiên trở lại hiện ra như tấm gương lưu giữ bóng dáng lũ trẻ nhà quê, trong đó có chính tác giả.
Trong “Đi tìm một vì sao”, ta thấy tuổi thơ của ông không được hưởng sự nuôi dưỡng, chăm sóc gì đặc biệt, thậm chí có phần còn cơ cực, vất vả hơn nhiều đứa trẻ khác trong làng. Giữa những vô tư của con cái, hình ảnh người mẹ, chỉ mẹ thôi đã nói đủ một thời “gạo châu củi quế”. Bóng mẹ tảo tần, từ việc làm ruộng, chạy chợ, tích cóp nuôi dạy các con ăn học, v.v… Cái đói nghèo không chỉ hiện hữu trong nhà, trong bếp mà nó thường trực từng giây, từng phút ngay trong mỗi bước chân của mẹ. Ai ở vào những năm tháng ấy mới thấm nỗi cơ cực của cảnh nghèo. Câu chuyện “Xe đạp sinh viên thời bao cấp” thêm một dẫn chứng cụ thể: “Chiếc xe đạp của tôi chưa hẳn đã là điển hình cho chiếc xe của sinh viên thời chiến tranh, bao cấp. Thời mà dường như đất nước cũng như mỗi người không thể nghèo hơn được nữa… Tôi thề, nói không ngoa, chiếc xe của tôi bị hỏng không trừ một bộ phận nào…”.
 Tôi đã đọc tác phẩm dày hơn 600 trang này một mạch. Những câu văn súc tích, những “đối thoại” sinh động đã ám ảnh tôi, đưa tôi đến gần hơn với sự thật của thời bao cấp và chiến tranh chống Mỹ. Lòng yêu thương, sự chở che, đùm bọc nhau của đồng chí, đồng bào lại sống lên làm ta cảm động, làm ta tin vào sức mạnh của Đảng và dân tộc Việt Nam. Ông dành gần một nửa số trang sách để viết về nông thôn, đặc biệt là vùng quê của ông. Đó là một vùng quê nằm bên bờ sông Mã. Dòng sông ấy, quê hương ấy đã đi vào trang viết với biết bao kỷ niệm thời thơ ấu trong sáng và đẹp đẽ. Tình yêu quê hương là một tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người. Cái làng Hoành, xã Định Tân, huyện Yên Định chiếm một vị trí quan trọng, luôn thường trực trong tâm thức của ông; là nỗi nhớ, là sự háo hức được ông “ghi lại” trung thực qua cuốn Tự truyện này. Nói như Ê-ren-bua: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Đúng vậy, từ ngày xưa, tình yêu quê hương, đất nước luôn là nguồn mạch quán thông kim cổ, đông tây. Là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn trí óc chúng ta gắn với truyền thống tự hào, tinh thần tự tôn của dân tộc. Tình cảm ấy đã có từ thuở ấu thơ qua những lời hát ru của mẹ, qua câu chuyện cổ tích bà thường hay kể vào những đêm hè đầy trăng sao. Trước đó là tình cảm đối với xóm làng, đồng ruộng, những gì thân thuộc, gần gũi quanh ta:
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa Phủ bay ra cánh đồng.
Từ lời ru ngọt ngào của mẹ, cánh cò trắng theo ta suốt cuộc đời, bồi dưỡng cho ta tình cảm đối với quê hương, đất nước. Phải chăng, tình cảm yêu quê hương, đất nước của Phạm Quang Nghị có lẽ cũng được khơi nguồn phát sáng từ đây?
Hình ảnh những đứa trẻ, trong đó có ông, đêm đêm nhìn lên bầu trời bao la và đếm những vì sao lấp lánh. Ngay từ lúc đó, cậu bé Phạm Quang Nghị đã ước mong được biết đâu là ngôi sao của đời mình. Đó cũng chính là giấc mơ đẹp đẽ, có thật của một con người luôn mong hướng về những điều tốt đẹp để sống, suy ngẫm và hành động. Đó cũng là khởi nguồn cho con đường đi tìm ngôi sao lý tưởng sống của ông!
Trong tác phẩm “Đi tìm một ngôi sao” có rất nhiều trang gây xúc động lòng người, bởi cách viết, cách kể mộc mạc, chân thật, sống động của một thứ văn chương không cần đến sự tưởng tượng và hư cấu. Từ ngôn từ đến sự kiện, không gian, thời gian, địa danh, tên người và những nghĩ suy, cảm xúc của tác giả. Tất cả đều chân thật và có thật. Ngay trang đầu với tiêu đề “Một bầu trời đầy sao”, văn phong nhẹ nhàng mà sâu lắng: “Thuở nhỏ, giống bao đứa trẻ, vào những đêm trăng sáng tôi thường ngửa mặt lên trời đếm sao: Một ông sao sáng/ Hai ông sáng sao/ Ba ông sao sáng/ Bốn ông sáng sao”… “Tôi và bọn trẻ còn thi nhau đếm một hơi xem đứa nào đếm được nhiều ông sao nhất. Một bầu trời với muôn ngàn vì sao lấp lánh, cao xa và huyền diệu. Mỗi khi nhìn chăm chú vào một khoảng không bao la, tôi lại phát hiện thêm những vì sao mới, với ánh sáng li ti, lấp lánh, ẩn sâu trên bầu trời”. 
Đối lại vẻ đẹp kì vĩ, quyến rũ của thiên nhiên là vẻ đẹp quyến rũ của tâm hồn lũ trẻ thơ. Một bầu trời đầy sao, chỉ hơn một trang viết ngắn gọn nhưng rất gợi và có sức ám ảnh. Bầu trời đó không chỉ đẹp mà còn là bầu trời bồi đắp ước mơ và lẽ sống một thời của tuổi thơ. “Cho dù mỗi vì sao có nhỏ bé li ti đến mấy, mỗi vì sao cũng đều tỏa ánh sáng lấp lánh, xa gần khác nhau. Giống như sự muôn vẻ của con người sống trên thế gian, ai cũng đã góp phần làm nên vẻ đẹp, sự hấp dẫn và phong phú đến lạ thường của cuộc sống”.
Con đường đi tìm ngôi sao cũng chính là con đường của niềm cảm hứng được tác giả chắt lọc, kể lại sinh động trong cuốn sách này. Tôi tự hỏi, cái gì đã làm nên sức cuốn hút của tác phẩm này đến thế? Đó là những khám phá đầy xúc động về thân phận con người, là ơn cha, nghĩa mẹ, là tình làng nghĩa xóm… phát lộ từ những con người bình thường nhất.
Thông thường, những điều quan trọng nhất mang đến cho một con người để người ấy biết sống, biết ước mơ và biết hành động là những giấc mơ đẹp, là nền tảng gia đình, là quê hương, là tổ tiên, ông bà cha mẹ, là lý tưởng sống và lòng quả cảm dấn thân cho khát vọng cống hiến của mình. Tác giả Phạm Quang Nghị đã có tất cả những điều quan trọng ấy, hay nói cách khác là cuộc đời đã chuẩn bị cho ông những hành trang quan trọng ấy, dẫn dắt ông từ khi còn là một cậu bé tới lúc trưởng thành và trải qua nhiều công việc, nhiều vị trí quan trọng.
Tình yêu quê hương, đất nước nói cách khác chính là lòng căm thù giặc khi đất nước bị xâm lăng, khi tổ quốc gặp gian nguy, Phạm Quang Nghị thuộc lớp thanh niên sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Học xong đại học, ông đã viết đơn tình nguyện đi B; vào tận B2 Nam Bộ - làm việc ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam… vào thời điểm chiến trường cực kỳ ác liệt. Ai đã trải qua một thời đạn lửa có dịp nhớ lại những kỷ niệm của những năm tháng chiến tranh cực kỳ cam go, khốc liệt này.
“Đi tìm một vì sao”, tác giả đã đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến thú vị khác. Với cách kể nhẹ nhàng, dung dị, chân thật cũng là cách tác giả thể hiện được nhiều thế mạnh của ngòi bút: sức hồi tưởng mãnh liệt, kiến văn phong phú và khả năng tổ chức, kết nối cốt truyện hợp lý. Không gian trong “Đi tìm một vì sao” của Phạm Quang Nghị gắn với nhiều địa danh, nhiều vùng miền. Hơn nữa, tác giả đã “dựng” lại lịch sử ở tính quá trình gắn với không gian thời đại, lịch sử không bị thoát ly khỏi đời sống, ở trong đời sống, thể hiện logic đời sống, điều này đã tạo nên sức lôi cuốn của tác phẩm: những bữa cơm trưa, những cốc bia hơi thời bao cấp, những khi trong cơ quan chộn rộn, rầm rập lên xuống cầu thang, í ới gọi chia nhau mấy con cá đồng tiền… và những công việc trang nghiêm, nghiêm túc: các buổi họp giao ban, sinh hoạt trong Hội đồng Lý luận, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, văn hóa, văn nghệ… được tác giả kể, diễn giải nhẹ nhàng, chân thật và tinh tế. Qua chuyện nhỏ Phạm Quang Nghị nói được việc lớn. Kể về mình, viết về những câu chuyện của mình đã trải qua hoặc chứng kiến, nhưng tác giả luôn chọn một chỗ đứng cùng hàng, cùng phía với mọi người để quan sát, lắng nghe, nghĩ suy và kể lại.
Điều thú vị hơn, “Đi tìm một vì sao” tác giả không chỉ viết về làng quê mình, về những năm tháng tuổi thơ, từ đó mở rộng tầm nhìn để tiếp cận với hiện thực lớn lao của đất nước, rồi thời gian tham gia chiến tranh. Phạm Quang Nghị tỏ ra cảm thông sâu sắc với những người mẹ, người cha, người vợ mất con, mất chồng phải chịu đựng những năm tháng cơ cực, trải qua những nghịch cảnh, những thử thách nghiệt ngã đầy thương cảm. Dù là những mẩu chuyện ăn ở, sinh hoạt đời thường hay chuyện họp hành kiểm điểm căng thẳng do nội bộ mất đoàn kết, người đọc đều có những chia sẻ hết sức thú vị và bổ ích qua những trang viết đầy suy tư và trách nhiệm của một người sau khi rời khỏi vị trí công tác. Với cách nhìn, cách cảm với hiện thực, với vị trí công tác của mình, Phạm Quang Nghị biết tựa vào cảm xúc, từ cảm xúc và trách nhiệm công dân nên hành văn tự kể chuyện mình đã biến hóa vô thường, cách viết trở nên mới mẻ, nhiều tầng vỉa, để lại cho người đọc những hiệu ứng bất ngờ. Nói cách khác, nó biến hóa giữa tình và cảnh, giữa vốn sống và trải nghiệm, tạo ra sự bịn rịn chan chứa tình người của ông. Người đọc bị lôi cuốn ngay từ trang viết đầu tiên cho đến những trang cuối, bởi cách nói, cách viết như neo từng con chữ vào lòng người đọc; nó làm mềm hóa chất liệu của đời sống để chỉ còn bền chặt là tình người. Có lúc những trang viết và lập luận của ông thu về một cách sống. Đó là sự thấu hiểu, dâng hiến. Đem cho là hành động cao cả nhất. Đó là thái độ vị tha, là quên mình vì người khác. Câu chuyện về “ca sĩ Ái Vân - Những giọt nước mắt ngày trở về” là một minh chứng. Điều gây khó cho ông là trong tập giấy tờ, hồ sơ kia được các cấp các ngành từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chuyển tới, ông cố tìm mà không hề thấy mấy từ “đồng ý” hay “không đồng ý” cho nghệ sĩ Ái Vân trở về. Vượt qua tất cả những trở ngại trên, và lý trí và con tim đã mách bảo ông: “Đồng ý cho nghệ sĩ Ái Vân về nước biểu diễn, tạo điều kiện để nghệ sĩ Ái Vân được thăm gia đình, quê hương và gặp gỡ, giao lưu cùng công chúng”.
Dĩ nhiên, Quyết định của Bộ Văn hóa - Thông tin đồng ý cho nghệ sĩ Ái Vân về nước biểu diễn nhận được sự đồng tình của đa số công chúng, nhưng không phải không gặp phải những ý kiến trái chiều? Đọc đến đây tôi lấy làm cảm động và cảm phục về bản lĩnh trí tuệ và nhân cách của vị Bộ trưởng. Người biết đem cho là người giàu có nhất. Phạm Quang Nghị có một thái độ dứt khoát về lối sống trách nhiệm và nhân nghĩa. Đó là mạch cảm hứng xuyên suốt trong toàn bộ cuốn tự truyện này. 
“Đi tìm một ngôi sao” - tự kể chuyện mình của Phạm Quang Nghị với cách viết vừa quen vừa lạ. Cảm xúc trữ tình trong cách kể chuyện của ông thật đa dạng và nhiều biến hóa. Ông rất có ý thức đi tìm cách nói mới, tiếp theo cuốn “Nơi ấy là chiến trường” mà ông đã thành công, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Cái mới trong Tự truyện của ông trước hết là cái mới trong tâm hồn, yêu quê hương đất nước, trong mạch cảm nghĩ trữ tình mang đậm vẻ đẹp truyền thống. Đồng thời, qua các trang sách người đọc thấy hiện lên rất nhiều chân dung những con người. Thấy tác giả và bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp đã cùng đồng hành. Viết về công việc, viết về mọi người, người đọc lại hiểu thêm về tác giả - một con người luôn sống, làm việc hết sức nhiệt tình, chân tình, trách nhiệm, bản lĩnh và đáng mến biết bao.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn lời của nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tử tưởng - Văn hóa Trung ương, viết: “Đọc Đi tìm một vì sao người đọc có dịp hiểu một con người đầy suy tư và nghị lực, được sống trong môi trường rèn luyện, thử thách từ những năm tháng khói lửa chiến tranh tới khi đất nước hòa bình. Một cán bộ nhiệt huyết và đầy trách nhiệm, thầm lặng, kiên trì phấn đấu, luôn có niềm tin và hướng tới những điều cao cả, một lòng phục vụ nhân dân và đất nước. Trên suốt chặng đường ấy, lúc thuận lợi hay trong lúc rất khó khăn, Phạm Quang Nghị cảm thấy mình luôn được bạn bè, đồng chí, người thân ủng hộ, đồng hành, tiếp sức. Luôn cảm nhận có được một ngôi sao dẫn đường. Ngôi sao ấy là lý tưởng, là niềm tin vào sự nghiệp vinh quang của Đảng, của nhân dân, là con đường mà anh đang đi. Bởi thế khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó nhiệm vụ, trên mọi cương vị, mọi chặng đường, Phạm Quang Nghị đều nỗ lực hoàn thành và hoàn thành tốt”.
Gấp sách lại, tôi thấy Phạm Quang Nghị giàu vốn sống và giàu trải nghiệm. Thành công của Phạm Quang Nghị là thông qua những con người bình thường tác giả làm sáng lên biết bao vẻ đẹp về đạo lý, về nghĩa tình. Đây là tác phẩm đẫm tình yêu con người. Đó là một tác phẩm giản dị, tự nhiên và chân thực. Ngôn ngữ được vận dụng rất chân thực, đem lại hiệu quả nghệ thuật cao. Tất cả tạo nên giá trị và vẻ đẹp của “Đi tìm một vì sao” - Một tác phẩm văn học đích thực, cảm động và khó quên.
                                      

T.N


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 145
 Hôm nay: 6609
 Tổng số truy cập: 9252520
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa