Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nữ nghệ sỹ Đỗ Thị Minh Côi đã “Hát lời lửa cháy”
Nữ nghệ sỹ Đỗ Thị Minh Côi đã “Hát lời lửa cháy”

Nữ nghệ sỹ Đỗ Thị Minh Côi sinh năm 1940, quê Xuân Thiên, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Từ khi mới 5 tuổi, chị đã được cán bộ văn hóa xã tuyển chọn đi sinh hoạt văn nghệ phong trào tại xã và sau đó chị là nhân tố xuất sắc được thường xuyên tham gia tuyên truyền các sự kiện văn hóa ở huyện. Năm 1960, với những thành tích nổi trội trong các chương trình nghệ thuật phong trào, chị được tuyển thẳng vào Đoàn Chèo Thanh Hóa. Năm 1967, chị được đi học bổ túc chuyên nghiệp 9 tháng tại Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam tại Hà Nội. Năm 1975, chị tiếp tục được cử đi học tại Trường Sân khấu Việt Nam, đến năm 1978 trở về tiếp tục công tác tại Đoàn Chèo Thanh Hóa cho đến khi nghỉ chế độ. Trong giai đoạn từ năm 1966-1992, chị luôn được Trường Đại học Văn hóa Thanh Hóa (tiền thân là Trường Trung cấp Văn hóa du lịch Thanh Hóa) mời làm giáo viên thỉnh giảng bộ môn hát chèo truyền thống. Là vợ liệt sỹ, chị luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật. Ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong quá trình hoạt động là những tháng ngày không quản hiểm nguy, chị đã đem lời ca, tiếng hát phục vụ các chiến sỹ, thương binh trên mặt trận khốc liệt Hàm Rồng đêm ngày khói lửa.
Nghệ sỹ Đỗ Thị Minh Côi có chồng là chiến sỹ cách mạng Mai Văn Nhứ, quê Hà Ngọc, Hà Trung. Thời gian hai người được ở bên nhau vỏn vẹn cả lần anh được nghỉ phép chỉ khoảng ba mươi ngày. Anh chị có với nhau 2 người con. Con trai đầu tên là Mai Xuân Ngọc, con thứ tên là Mai Ngọc Sơn. Với nhiệm vụ đặc biệt của người chiến sỹ Công an nhân dân, chồng chị đã tham gia chiến trường Buôn Mê Thuột từ năm 1967. Trong bối cảnh đất nước chiến tranh, quê hương bị đạn bom quân thù tàn phá. Tình yêu quê hương, yêu chồng và thương yêu những chiến sỹ ngày đêm đang đối mặt với cái chết, chiến đấu bảo vệ vùng trời Thanh Hóa luôn thôi thúc chị ra chiến trường. Ra chiến trường để sẻ chia những gian nan, không nề đạn bom. Ra chiến trường để thể hiện bản lĩnh của người con gái xứ Thanh, hậu duệ cháu con Bà Triệu đem tiếng hát cất lên giúp chiến sỹ hăng hái chiến đấu. Đem tiếng hát át tiếng bom với hy vọng tiếng hát sẽ như ngọn lửa bay lên bầu trời thiêu đốt máy bay giặc Mỹ và tiếng hát có thể thay cho tình yêu chung thủy của chị gửi tới chiến trường miền Nam thân yêu, nơi chồng chị đang ngày đêm giáp mặt với kẻ thù để động viên người bạn đời yên tâm chiến đấu. Với khát vọng lớn lao đó, nữ nghệ sỹ Đỗ Thị Minh Côi gửi hai con còn rất nhỏ cho gia đình và xung phong lên chiến địa Hàm Rồng, đem lời ca tiếng hát cổ vũ, động viên các chiến sỹ Hàm Rồng - Nam Ngạn. Năm 1967, trước nhiệt huyết của lớp trẻ ngày ấy, chị cũng muốn vào miền Nam chiến đấu bên người chồng yêu dấu, muốn cống hiến một phần sức lực cho kháng chiến nhưng đơn tình nguyện của chị không được phê duyệt vì chị có con còn nhỏ. Thay vào đó, chị liên tiếp tham gia biểu diễn tại các tiểu đoàn, đại đội, trên chiến địa Hàm Rồng. Chị biểu diễn cho những người chiến sĩ còn lành lặn trước khi bước vào trận mạc, chị biểu diễn cho những người thương binh với nỗi đau vết thương trên cơ thể bị bom đạn cướp đi hình hài lành lặn, chị biểu diễn, tặng cho những người chiến sĩ trong những giây phút ngắn ngủi cuối cùng của cuộc đời… Trong nhiều đêm cất tiếng hát trên chiến trường Hàm Rồng, có một câu chuyện mà luôn ám ảnh, gây đau xót trong tâm khảm chị và có lẽ trong suốt sự nghiệp ca hát của mình không bao giờ chị quên được.
Chuyện đó xảy ra ngày 26-03-1968, nữ nghệ sỹ Đỗ Thị Minh Côi được phân công lên chiến trường Hàm Rồng trong tốp 4 người để biểu diễn cho các thương binh nặng nghe. Đoàn 4 người gồm chị Tình, bác Tí, ông Tính và chị. Đêm hôm ấy, mặc dù đường lên nơi tập kết thương binh khá khó khăn, phải đi qua những đoạn rừng đầy gai cùng nhiều hố bom lớn nhỏ, mảnh bom còn găm chi chít trên mặt đất. Để đảm bảo tránh tầm quan sát của máy bay, đoàn bốn người cứ âm thầm nối chân nhau, leo mãi lên đỉnh núi trong đêm tối. Vì không bật đèn pin sợ lộ mục tiêu và cũng không thông thuộc địa hình nên đoàn đi lạc vào nghĩa địa, khi nhìn ra xung quanh thì la liệt những người thương binh đầu, tay, chân băng trắng muốt, được kê ván nằm khắp nơi cạnh những chiếc mộ chẳng thấy rõ hình hài và không đoán định được bao nhiêu người... Chị Côi cùng đoàn điềm tĩnh đi lại gần, cất tiếng chào các chiến sỹ thật khẽ. Sau khi được lãnh đạo công bố mục đích, ý nghĩa của đêm biểu diễn đặc biệt này như món quà tinh thần gửi đến các thương binh nặng nhằm xoa dịu vết thương mà các anh đang phải chịu đựng. Xoa dịu nỗi nhớ nhà, gia đình, cha mẹ, vợ con của các chiến sỹ thương binh từ những miền quê xa xôi như Sơn La, Hà Bắc, Nam Định, Thái Bình,… đã về bảo vệ cầu Hàm Rồng - cây cầu nối liền huyết mạch giao thông Nam - Bắc mà giặc Mỹ hòng cắt đứt bằng hàng ngàn tấn bom đạn. Thay vì tiếng vỗ tay chào đón các nghệ sỹ, là những tiếng khóc nức nở vô cùng cảm động từ các thương binh. Khoảnh khắc ấy khiến trái tim nữ nghệ sỹ Minh Côi như thắt lại vì hình ảnh chồng chị lại hiện lên rõ mồn một. “Biết đâu… Vâng, biết đâu…, ở một nơi xa xôi nào đó trên chiến trường miền Nam, chồng chị cũng đang bị thương nặng như các thương binh này đây…”. Chị nghĩ vậy và bỗng một ngọn lửa căm thù giặc ngoại xâm trào lên trong huyết quản chị và rồi tiếng hát như lửa cháy cất lên. Tiếng ca chèo lúc nghẹn ngào, khi thanh thoát được ngân lên giữa núi rừng thanh vắng. Những ca từ bay lên bầu trời đêm, bay qua những ngọn núi thăm thẳm mờ xa, như ngọn lửa cháy bùng giữa đêm trên chiến địa Hàm Rồng. Tiếng hát của chị và các nghệ sỹ lúc bấy giờ là sự động viên to lớn và cũng là tiếng lòng thương cảm gửi đến các chiến sỹ thương binh đang chiến đấu với nỗi đau thể xác. Đêm hôm ấy người ta nghe thấy trong tiếng hát của chị cả những khát khao, mong ước; gió, mây có thể mang theo lời ca tiếng hát được cất lên từ trái tim bay đi thật xa, đến nơi có chồng chị và các chiến sỹ miền Nam vẫn ngày đêm cầm chắc tay súng, vững lòng chiến đấu. Nhưng, chị đâu ngờ,… chị đâu hay,… những chiến sỹ đang được nghe giọng ca chèo của các chị vút lên như ngọn lửa cháy đêm hôm ấy, có những người chỉ ít giây phút sau đó thôi, sẽ mãi mãi khép lại bờ mi, gửi lại mảnh đất Hàm Rồng Thanh Hóa tuổi đôi mươi hừng hực sức trai vì vết thương quá nặng.
Khi những tiết mục biểu diễn kết thúc, chị và đoàn nghệ sỹ vội vã chào các thương binh rồi nhanh chóng rời trận địa để đảm bảo an toàn. Khi vừa đi được hai, ba bước chân thì chị được cô y tá gọi lại nói rằng cô y tá muốn nhờ chị một việc. Cô y tá dẫn chị lại gần một thương binh nằm cạnh ngôi mộ lớn. Dưới ánh sáng lờ mờ của ánh đèn pin nhỏ xíu từ tay cô y tá, chị Côi thấy một người thương binh trẻ, toàn thân đã băng bó kín mít, chỉ còn lộ ra hai hốc mắt đen thăm thẳm ngấn lệ. Cô y tá ra hiệu cho chị cúi sát xuống để nghe tiếng thì thào của anh thương binh. Chị không ngần ngại, cúi sát xuống khuôn mặt đang bị băng kín và nói: “Em hãy nói đi”. Anh thương binh cố thều thào nhưng mãi không cất rõ tiếng, chị lại phải ghé tai gần hơn tới khuôn mặt giá lạnh mới nghe rõ từng tiếng đứt quãng nhưng vô cùng xúc động: “Em xin phép chị,… mong chị hãy thay mẹ và em gái em,... Em chưa có người yêu, quê em ở Hà Bắc… Chị có thể thay họ thơm vào trán em một cái, và cho phép em thơm vào má chị lần cuối… Em cảm ơn chị!”… Nghệ sỹ Minh Côi khẽ gật đầu, nước mắt bỗng ngập tràn đôi mi rồi chị khẽ ghé sát mặt, khẽ thơm lên trán người chiến sỹ, chị lại ghé má mình để người chiến sĩ chạm được đôi môi giá lạnh của anh vào má chị. Ngay sau đó, người chiến sĩ được các quân y đặt lên cáng khênh đi, bất giác, một tiếng hét từ chiếc cáng vang lên “Mẹ ơiiiiiii…” rồi tắt lịm. Tiếng gọi mẹ của anh thương binh nặng phút cuối cuộc đời trên chiến trận Hàm Rồng dội thẳng vào tim chị, cả bốn người trong đoàn nghệ thuật bỗng nắm chặt tay nhau, trong lồng ngực họ đang có những cơn bão rung lên bần bật… Giây phút đó, câu chuyện đó đã ám ảnh chị suốt cuộc đời. Sau này, khi đón nhận tin chồng hy sinh từ chiến trường phía Nam - Tây Nguyên, chị càng thấu rõ giá trị của hòa bình và độc lập dân tộc, chị càng dành tất cả lời ca tiếng hát của mình phục vụ chiến trường.
Tiếp tục trong chuyến hành trình ấy, sang đêm ngày 27-3-1968 chị và đoàn biểu diễn lại leo lên đồi tiếp tục làm nhiệm vụ. Trời rất tối, nên chị không thể biết mình ở đồi nào nhưng chỉ biết rằng ở đó có 4 cái ụ pháo và ngay dưới là có 4 cái hầm nơi bộ đội luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Khi chị và đoàn vừa hát xong thì kèn báo động vang lên phải xuống hầm trú ẩn. Máy bay giặc Mỹ tràn đến, bộ đội ta trên trận địa cứ lớp này ngã xuống lại lớp khác trèo lên bệ pháo. Chị cùng mọi người trong đoàn thấy vậy cũng xin phép được lên cùng chung tay đưa thương binh ra tuyến ngoài sơ cứu nhưng binh đoàn nhất quyết không cho phép, anh đại đội trưởng nói rằng: “Ai cứu thương, ai chiến đấu đã được phân công”. Đến tối ngày 27-3-1968 tiếp đó, dưới chân cầu ở phía nhà máy điện Hàm Rồng nơi có 3 ụ pháo. Chị và đoàn biểu diễn tiếp tục hát cho các chiến sỹ và bộ đội hành quân dừng lại nghe. Nhưng khi tiết mục vừa bắt đầu thì ta lại tiếp tục bị địch tấn công. Mưa hỏa mù kéo đến, tiếng bom dội, bom rơi vô cùng thảm khốc. Đến tối 28-3-1968 đoàn biểu diễn tiếp tục đi lên trận địa, đến nơi, chị và đoàn chưa kịp hát câu nào, thì một trận mưa bom dội xuống chỉ nghe thấy tiếng ù ù và tiếng nổ chát chúa bên tai. Vậy là, trong 3 đêm liên tiếp, 3 đêm thương đau, nghệ sỹ Minh Côi và đoàn đã chứng kiến sự sinh tử của rất nhiều chiến sĩ trên mặt trận Hàm Rồng. Ngoài những đêm biểu diễn tại mặt trận Hàm Rồng, nghệ sỹ Minh Côi còn đi biểu diễn cho những đoàn bộ đội hành quân vào Nam, dừng chân tại các địa điểm trong tỉnh. Đến năm 1970 thì chồng chị hy sinh. Người phụ nữ khi nhận giấy báo tử chồng hy sinh tại mặt trận Buôn Mê Thuột mới tròn ba mươi tuổi trong hoàn cảnh một nách hai con nhỏ. Kinh tế miền Bắc bị bom đạn Mỹ tàn phá, cuộc sống của chị và mọi người dân Việt Nam vô cùng khó khăn. Trên đầu là đạn bom, trước mặt là hố bom, trái tim thì rỉ máu bởi nỗi đau tình phu thê chia cắt. Chị nói rằng mình chưa bao giờ nghĩ chồng mình sẽ hy sinh. Cho đến khi nhận được tin báo tử và lá thư cuối cùng mà chiến sỹ Lê Văn Nhứ gửi cho người cháu, dặn dò người cháu giúp đỡ vợ con ông. Trước trận chiến giáp mặt kẻ thù, người chiến sỹ sẵn sàng lao vào cuộc chiến để chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì hòa bình và độc lập dân tộc. Người chiến sỹ ấy biết rằng, nếu trực tiếp viết thư về cho vợ con nói về dự cảm trong chiến tranh chuyện mất còn chỉ là gang tấc sẽ khiến vợ con lo lắng. Thay vì làm vậy, ông đã viết lá thư cuối cùng cho một người cháu để người cháu đó thông tin đến vợ con ông. (Lá thư đó sau 52 năm bây giờ chị Đỗ Thị Minh Côi vẫn còn cất giữ như một tài sản vô giá. Lá thư đó chính là hình ảnh, hơi thở, trái tim, huyết mạch, tình yêu bất diệt của người chiến sỹ cách mạng gửi lại cho hậu phương).
Trong suốt thời gian làm nghệ thuật và sau này khi đất nước hòa bình, nghệ sỹ Đỗ Thị Minh Côi đã có công đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ thành đạt và bây giờ,  tuy tuổi đã cao, chị vẫn nuôi ngọn lửa đam mê với nghề. Câu lạc bộ nữ văn nghệ sỹ xứ Thanh là mái ấm mà chị gắn bó từ những ngày đầu. Như một người chị cả của chúng tôi, chị luôn muốn đem nguồn năng lượng tích cực lan tỏa tới đội ngũ nữ văn nghệ sỹ để góp phần vun đắp cho Hội VHNT Thanh Hóa ngày càng lớn mạnh.
                                

V.L.A


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 30
 Hôm nay: 8689
 Tổng số truy cập: 7394894
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa