Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nét độc đáo trong cách miêu tả nhân vật ở truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh
Nét độc đáo trong cách miêu tả nhân vật ở truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh

1. Hà Thị Cẩm Anh là nhà văn dân tộc Mường sinh ra và lớn lên tại Cẩm Thuỷ, Thanh Hóa. Tuổi thơ của chị gắn liền với các bản của người Mường và làng Chiềng, thung lũng Si Dồ của xứ Thanh nơi có những người dân đang đối diện với bộn bề của cuộc sống mưu sinh. Truyện của chị gợi lên ở người đọc những trăn trở về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên với nhiều lo âu, khắc khoải. Điều này đã được thể hiện trong các truyện tiêu biểu như: Thím Cò Khoai (1964), Người con gái Mường Biện (2002), Những đứa trẻ mồ côi (2003), Bài Xường ru từ trong hang núi (2004), Nước mắt của đá (2005), Lão thần rừng nhỏ bé (2007), Mưa bụi (2008), Một nửa của người đàn bà (2014), Chẫu chàng, Cóc tía và Cư dân xóm Bờ Ao (2014), Bình minh xanh (2017)…
Vốn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền núi, gắn bó với thiên nhiên, không gian sinh sống của đồng bào dân tộc Mường nên trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh những hình ảnh của thiên nhiên gần gũi với đồng bào nơi đây như cây, cỏ, núi, rừng, dòng suối, vạt sông, các loài vật như báo, hổ, gấu,… luôn xuất hiện. Nhà văn đã sử dụng những hình ảnh của tự nhiên để miêu tả ngoại hình, hành động, tâm lí, tính cách của nhân vật. Điều này được thể hiện rất rõ trong các truyện như: Nước mắt của đá, Khá Chồi, Gốc gội xù xì, Mưa đá, Lão thần rừng nhỏ bé, Những đứa trẻ mồ côi…
2. Trong hầu hết các truyện của Hà Thị Cẩm Anh, khi miêu tả nhân vật, nhà văn thường sử dụng các hình ảnh của tự nhiên để miêu tả. Không chỉ nhân vật chính diện mà cả nhân vật phản diện, nhân vật nhiều bi kịch cũng được xây dựng từ những hình ảnh của thiên nhiên qua việc miêu tả ngoại hình và tâm lí nhân vật.
2.1. Sử dụng hình ảnh tự nhiên trong ngôn ngữ miêu tả ngoại hình nhân vật  
Trước hết, đối với những nhân vật phản diện, nhà văn đã khắc họa thành công chân dung và diện mạo hình hài những đối tượng này qua những hình ảnh của thiên nhiên và những loài vật gớm ghiếc. Đó là Ông Gấu Ngựa (trong truyện Lão thần rừng nhỏ bé) với “hình hài của một con cọp dữ” [1; tr.777]. Hắn càng ngày càng lộ nguyên là một kẻ độc ác, khát tiền. Hắn đã tàn phá tự nhiên, khai thác cạn kiệt cát dưới lòng sông, tàn phá tận diệt rừng để lấy những sản vật quý. Những đứa trẻ con nào mà rơi vào tay lão là rơi vào hang hùm, miệng quỷ. Hắn có “đôi tai của loài rắn hổ mang, có mắt của loài mèo rừng” [1; tr.785]. Những đứa trẻ nào đã nằm trong tay lão thì không bao giờ dám trốn, “hắn thò mãi bàn tay có những móng sắc nhọn như móng vuốt của loài gấu ngựa mà nắm lấy cổ người ta” [1; tr.778]. Cái bóng của lão cao lớn như “con gấu ngựa nhòe dần đi trong mưa bụi. Giọng nói của khá lạnh ngắt như vang lên từ một bãi tha ma hoang phế dưới chân Khú Đượi” [1; tr. 801]. Nhà văn đã dụng công miêu tả chân dung của kẻ độc ác, nham hiểm ở thung lũng Si Dồ bằng cách so sánh với những loài vật trong tự nhiên. Từ hình hài giống con cọp dữ đến đôi tai của loài rắn hổ mang, mắt của loài mèo rừng đến bàn tay móng vuốt như gấu ngựa cho đến giọng nói lạnh ngắt của bãi tha ma. Cách so sánh dáng vóc của Ông Gấu Ngựa như con gấu ngựa, con cọp cho thấy lão ta đầy uy lực, uy quyền và cũng rất nguy hiểm, đáng sợ. Vì vậy ông ta thành Lang, thành Tạo, thành ông vua Mường, khắp thung lũng Si Dồ ai ai cũng khiếp sợ.
Trong truyện ngắn Khá Chồi, nhà văn xây dựng nhân vật khá Chồi - một tay thợ săn nhà sàn nổi tiếng. Khá có cái mũi “rất to, thậm chí to quá khuôn khổ bình thường. To bằng quả gang… Đôi tai khá Chồi bé tẹo, vành tai mỏng dính như lá bay báy, nhưng rất thính” [1; tr.211]. Khá dùng tai để thám thính những ngôi nhà sàn ở Mường muốn bán vì thế mà chẳng cần biết chữ nhưng khá giàu nhanh. Khá Chồi là một người đàn ông ranh ma. “Khá ranh ma hơn cả con Cun Seo cái đang mang thai” [1; tr. 212]. Rõ ràng, khi miêu tả hình dáng hay nét mặt của nhân vật, Hà Thị Cẩm Anh đã sử dụng những hình ảnh rất sinh động gắn liền với thế giới tự nhiên và các lòai vật trong rừng, đó là quả gang, là lá cây bay báy, con Cun Seo. Qua đó nhằm làm nổi bật tính cách và bản chất của nhân vật: nhanh nhạy và ranh mãnh. Chúng ta còn bắt gặp cách miêu tả này trong việc khắc họa chân dung nhân vật khác như trong truyện ngắn Gốc gội xù xì. Dưới cái nhìn của nhân vật tôi thì bọn phá rừng, “những thằng lâm tặc có lá gan to bằng trời và phẳng lỳ như hòn đá mài trên hòn Bò Đái nơi tôi vẫn ngồi kỳ cọ hai bàn chân to bè” [1; tr.387]; hay trong truyện Mưa đá, tiếng khóc của lão già câm điếc “mới thật sự khủng khiếp. Nó rùng rợn và thê lương giống như tiếng con chim Cư Rư vo nái kêu trong cái nghĩa địa hoang dưới chân Khú Đượi giữa một đêm mưa thâm gió bấc” [1; tr.641]; hay trong truyện vừa Những đứa trẻ mồ côi, chú Hai Hân là kẻ nghiện rượu, uống rượu thay nước được nhà văn miêu tả qua hình ảnh chú “uống rượu như con trâu bạc uống nước suối Ngang. Uống xong thì đái ngay tại chỗ” [1; tr.742].  Để phản ánh một nhân vật độc ác nhà văn chú ý miêu tả ngoại hình nhân vật, bởi ngoại hình sẽ phản ánh một phần tính cách, tâm hồn nhân vật ấy. Ví dụ khi miêu tả chú Hai Hân, tác giả viết: “chú có cái mũi thính hơn cả mũi con chó Lài của đám thợ săn Mường Rặc” [1; tr.743]. Hay khi miêu tả thằng con trai của chú Hai Hân, chú cò Hoan nhà văn miêu tả ngoại hình của một kẻ độc ác với nghệ thuật so sánh “đúng là một con rắn hổ mang. Gặp bất cứ việc gì trên đường đi cũng đớp cũng mổ, nhưng thằng Hoan còn độc ác hơn cả bố. Thằng Hoan mới mười một tuổi mà đã muốn làm con cọp, con beo ở cái làng Khuyên ấy” [1; tr. 754]. Cách so sánh với con rắn hổ mang, con cọp, con beo đã cho thấy sự độc ác của cả một gia đình.
Khi miêu tả những người phụ nữ có số phận đau buồn, Hà Thị Cẩm Anh cũng sử dụng hình ảnh của tự nhiên để so sánh. Đó là người mẹ của Sun (Gốc gội xù xì), với thân hình “gày gò dài ngoẵng của bà giống như một con rắn hổ mang chúa đang quăng mình đuổi theo một con nhái bén” [1; tr.377]; Nỗi vất vả và sự khổ sở trong mưu sinh hiện hình thành đường, thành nét qua cách so sánh hình dáng của người phụ nữ với con rắn đuổi theo mồi. Hình ảnh người cô gái đẹp nhất Mường Vang một thời - chị Sun, người con gái xinh đẹp nhưng bị chàng kĩ sư Lâm nghiệp vùng biển lừa tình để lại nỗi đau đớn hụt hẫng và cái thai trong bụng. Nỗi đau đó hằn trên khuôn mặt, in sâu trong đôi mắt mà mỗi lần nhìn vào “đôi mắt đẹp của chị tôi rất hay cụp xuống, tối như rừng Chuông Cò đã tắt nắng buổi chiều” [1; tr.372]. Cách so sánh với hình ảnh thiên nhiên “tối như rừng Chuông Cò tắt nắng buổi chiều” càng làm nổi bật nỗi đau dường như âm thầm, hoang vắng của người phụ nữ bị phụ bạc. Nỗi buồn kéo dài triền miên khiến cho người đàn bà ấy nhiều đêm tự nhấn mình vào sự cô đơn bởi cuộc đời người con gái của chị đã đem ra đánh đổi để lấy một lần yêu ngắn ngủi với những ê chề còn lại. Hình ảnh người đàn bà bất hạnh - nạn nhân của đói nghèo, cũng được miêu tả với những hình ảnh của thiên nhiên. Đó là người mẹ Hai của In (trong Lão thần rừng nhỏ bé): “Mặt người đàn bà tím bầm, xám ngoét, chân tay đều bị co rút lại, xương bả vai nhô lên, đôi vú lép kẹp nhăn nhúm dính chặt vào vòm ngực gầy gò khô khan. Hai núm vú đen sì giống như hai quả sau sau bị thối lộ trần ra vì mảng lớn ở trước của chiếc áo màu xanh trứng sáo đã chuyển sang màu đất bị kéo rách toạc xuống tới bụng” [1; tr.795]. Thân hình teo tóp vì cái đói, cái nghèo đeo bám và cuộc ẩu đả của hai vợ chồng càng làm cho người phụ nữ tội nghiệp hơn. Chị đã cùng gia đình trôi nổi trên chiếc bè bằng luồng mục rách để mưu sinh, và “cả gia đình nhỏ nhoi khốn khổ ấy bị lún sâu xuống mặt sông giá buốt” mà chưa tìm thấy tia hi vọng cho ngày mai.  
 Bên cạnh đó, nhà văn Hà Thị Cẩm Anh đã sử dụng nhiều hình ảnh của các con vật, cây cỏ gần gũi thân quen với cuộc sống để so sánh với con người ở vùng núi, chẳng hạn như Sim trong Những đứa trẻ mồ côi, khi bị ốm sốt cao “cả hai mắt con bé đỏ ngầu như mắt cá chày suối Ngang” [1; tr.736]. Hay như cô gái trong Mưa bụi, thiếu nữ xinh đẹp của Mường Dồ được miêu tả qua cái nhìn của Đán lần đầu tiên thấy cô chui từ vườn hoa cải bên sông: “Chiếc khăn đội đầu cũng bằng thổ cẩm của cô gái dính đầy hoa cải vàng nên trông cô ta giống hệt như một con ong” [1; tr.198]. Một vẻ đẹp tự nhiên, mặn mà và ngọt ngào. Khi miêu tả ngoại hình nhân vật, nhà văn dựa vào các hình ảnh tự nhiên gần gũi, quen thuộc với cuộc sống sinh hoạt của người dân miền núi. Điều này góp phần làm nổi bật mối quan hệ giữa con người và từ nhiên trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh.
Hà Thị Cẩm Anh đã sử dụng thành công nghệ thuật so sánh trong miêu tả ngoại hình nhân vật. Phương thức so sánh nổi bật trong sáng tác của nhà văn là sử dụng nhiều hình ảnh tự nhiên, những động vật, cỏ, cây, hoa, lá mang đặc điểm phù hợp với tính cách, tâm hồn và vóc dáng của nhân vật. Qua đó, làm rõ chủ ý miêu tả của tác giả và từ đây người đọc có thể nhận thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa con người và tự nhiên dưới góc nhìn phê bình sinh thái trong truyện của Hà Thị Cẩm Anh.
2.2. Sử dụng hình ảnh tự nhiên trong ngôn ngữ khắc họa tâm lí nhân vật
 Một trong những thành công của nghệ thuật xây dựng nhân vật là nhà văn đã khắc họa được thế giới nội tâm nhân vật, vì thế việc miêu tả tâm lí luôn là một phương diện được các nhà văn quan tâm. Trong truyện của Hà Thị Cẩm Anh, nhà văn đã sử dụng khá nhiều yếu tố tự nhiên để làm nổi bật tâm lí của nhân vật. Có thể nhận thấy điều này qua một số truyện tiêu biểu như: Lão thần rừng nhỏ bé, Chỗ ngoặt con đường, Những đứa trẻ mồ côi, Bài xường ru từ núi…
Khi miêu tả tâm trạng đau đớn của người đàn bà bị chồng phụ bạc, nỗi đau của người vợ trẻ bị chồng hắt hủi (Lão thần rừng nhỏ bé), tác giả so sánh với hình ảnh con suối. Nỗi đau của con người “có khác gì một con suối lớn giữa một khu rừng đã bị tàn phế tan hoang, đất đai chỉ còn trơ lại mỗi đá ong khô cằn và kiệt quệ, mỗi khi có mưa rừng đổ xuống, nước lũ tràn qua là lòng suối lại vật vã. Con suối vật vã cho đến sức tàn lực kiệt trong cô đơn, trong nỗi bất hạnh nhưng đến khi mưa tạnh thì con suối chỉ còn thoi thóp giữa quạnh hưu trống trải” [1; tr.845]. Sử dụng hình ảnh tự nhiên so sánh để làm nổi bật nỗi đau đớn của nhân vật vừa giàu sức gợi hình, gợi cảm và tăng sức thuyết phục trong diễn đạt. Ở đây nỗi lòng đau đớn, tủi hổ của người phụ nữ bị chồng phản bội khác nào như con suối vật vã khi mùa lũ đến và thoi thóp khi mùa mưa tạnh qua đi. 
Đó còn là tâm trạng mất mát, hụt hẫng của cô giáo Hảo khi người yêu thay lòng đổi dạ (Chỗ ngoặt con đường). Nghe tin Lấm cưới cô vợ trẻ đẹp dưới phố huyện làm vợ, Hảo “cảm thấy như cả ngọn núi Pù Quăn đổ xuống, đè chặt lấy ngực mình. Tôi ra vào ngẩn ngẩn, ngơ ngơ. Đêm đêm tôi thường tha thẩn đi lên khu đồi trọc phía sau trường, ngước mắt lên nhìn bầu trời chi chít những ngôi sao… Những kỷ niệm cũ cứ chen chúc hiện về làm tôi đau đớn… nỗi đau cứ cồn lên như con suối sau một đêm mưa rừng dữ dội. Dòng nước cứ vật vã mãi mà không lặn được vào hai bên bờ đá hoang sơ. Tôi lăn ra ốm” [1; tr.167]. Thiên nhiên như chứng kiến, chia sẻ và đồng cảm cùng nỗi đau của con người. Tâm hồn đau khổ của cô gái khi thấy cảnh phụ tình được ví như ngọn núi đè xuống ngực đau đớn và nặng nề. Mượn hình ảnh dòng nước vật vã để so sánh và làm nổi bật tâm trạng nhân vật vừa cô đơn, vừa ê chề gợi cho người đọc sự thấu hiểu và cảm thông cùng nhân vật.
  Sử dụng các yếu tố tự nhiên để làm rõ tâm lí nhân vật được nhà văn Hà Thị Cẩm Anh phát huy trong rất nhiều truyện. Trong Những đứa trẻ mồ côi, tác giả miêu tả nỗi đau xót xen lẫn sự căm giận của người anh trai khi nhìn thấy vết thương trên thân thể em gái bị chú đánh. Thằng Sinh “như có ai đó hắt cả một bếp than nóng vào giữa mặt thằng Sinh khiến nó nhảy dựng lên rồi đổ vật xuống sàn nhà giống như một cái cây bất ngờ bị đốn ngã” [1; tr.737]. Bị chú, dì hành hạ, đánh đập khiến vết thương trên người em gái “chỗ thì tím bầm, chỗ thì đỏ tía, có vết đã mưng mủ và có vết còn đang rớm máu” [1; tr.373] khiến thằng Sinh câm bặt, đôi mắt ráo hoảnh không khóc được nữa. Nỗi đau đó được diễn tả qua hình ảnh so sánh “giống như một cái cây bất ngờ bị đốn ngã” khiến cho người đọc hình dung và cảm nhận được tâm trạng bất ngờ, đau xót, thất vọng, thương em vô bờ cộng thêm nỗi căm giận và bất lực của nhân vật người anh trai trong hoàn cảnh này.
Và đây là tâm lí lo sợ của dì Tâm khi chú Hai Hân nhắc đến dịch sốt xuất huyết làm cả Mường như có ma ám: “dì không dám nghĩ đến nữa, dì ngồi rên ư ử như con lợn bị đau chỗ hoạn” [1; tr.740]. Không chỉ miêu tả tâm trạng qua nghệ thuật so sánh với hình ảnh tự nhiên mà tính cách nhân vật cũng được nhà văn so sánh với những hình ảnh gần gũi, quen thuộc với đồng bào dân tộc miền núi. Tính cách siêng năng và tấm lòng của vạ Cúc (Những đứa trẻ mồ côi) giống như cái cọn nước ở làng Chiềng Va, lúc nào cũng chỉ thấy quay rồi lại quay hết ngày này qua ngày khác. “Vạ siêng làm việc như cái cọn nước ở suối Nghĩa của làng Chiềng Va. Lúc nào cái cọn cũng cần mẫn múc nước lên ruộng. Nếu không làm thế ruộng bậc thang sẽ thiếu nước ngay. Ruộng bậc thang mà thiếu nước thì cây lúa cũng không sống được” [1; tr.772]. Người phụ nữ được so sánh với cái cọn nước đã diễn tả cụ thể và sinh động tính cách, tâm hồn của nhân vật - một vạ Cúc siêng năng, chăm chỉ, tốt bụng và chính vạ đã giúp cho Sinh có thêm nghị lực để sống qua những ngày tối tăm của cuộc đời.
Hoặc khi diễn tả tâm trạng vui sướng, hạnh phúc đón chào đứa cháu trai trong gia đình (Gốc gội xù xì), tác giả viết: “Thằng Hạnh ra đời vào mùa lúa chín, thằng bé ngay lập tức trở thành mặt trời bé con của mẹ tôi. Đứa trẻ đã đem lửa từ Mường Trời về nhóm vào cái bếp khách đã tàn tro ở giữa cái sàn nhỏ, trống trải và siêu vẹo của chúng tôi vào một đêm trời se lạnh” [1; tr.373]. Hình ảnh mặt trời bé con dùng để so sánh đã làm nổi bật tâm trạng vui sướng, hạnh phúc cho ba người phụ nữ bất hạnh trong một gia đình. Một là người bà có chồng đã mất vì bệnh trọng, hai là người mẹ không có may mắn được làm vợ nhưng đã phải làm mẹ bất đắc dĩ, chị bị người tình phụ bạc bỏ rơi khi cái thai còn trong bụng, thứ ba là cô em gái dị dạng, khuyết tật, nạn nhân của chất độc màu da cam. Bởi thế thằng bé sinh ra giống như thiên thần cứu cánh cho ba người phụ nữ cô đơn. Thằng Hạnh giống như mặt trời đem ánh sáng và hơi ấm cho căn nhà tối tăm của gia đình họ. 
Trong truyện Bài xường ru từ núi, người đọc cảm nhận được nỗi đau và sự cô đơn, tủi cực của người mẹ trẻ qua lời ru con: “Ban đêm nằm trong căn lều chiều dài còn ngắn hơn chiều rộng, chị ôm con vào lòng mà hát bài xường ru… Ngoài kia trời vẫn cứ mưa, cứ gió dầm dề. Chị hát bài xường ru thật buồn. Tiếng xường của chị vọng vào vách đá, hòa vào tiếng gió, tiếng mưa rồi tạo thành những âm thanh u buồn nức nở. Núi non như chìm xuống, mưa gió như lặng đi vì tiếng hát ru đẫm nước mắt của người mẹ đơn côi” [1; tr.249]. Khi miêu tả tâm trạng không thể chia sẻ của nhân vật, nhà văn đã khắc họa âm thanh tiếng xường ru của người mẹ cô đơn hòa lẫn với tiếng gió, tiếng mưa để kiếm tìm sự chia sẻ của tự nhiên. So sánh nỗi buồn với những hình ảnh của tự nhiên để từ đó tô đậm thêm niềm khao khát yêu thương gắn bó, khát khao sự đồng cảm của tự nhiên với số phận người phụ nữ bị hắt hủi, phụ bạc. So sánh với các yếu tố tự nhiên để thấy các yếu tố tự nhiên là người bạn đồng hành trong mọi hoàn cảnh của nhân vật, là cần thiết để duy trì sự sống của con người. Nếu thiếu vắng nó, con người bất hạnh sẽ nương dựa vào đâu? Thiên nhiên đã trở thành người mẹ nương tựa cho những tâm hồn bất hạnh tồn tại.
Qua cách xây dựng nhân vật độc đáo của mình, Hà Thị Cẩm Anh đã làm nổi bật ngoại hình, tâm lí, tính cách nhân vật gắn với các yếu tố của tự nhiên bằng nghệ thuật so sánh tương đồng. Đặc biệt các yếu tố tự nhiên được dùng để đối chiếu so sánh với ngoại hình hay nội tâm nhân vật thì đều gắn bó, quen thuộc, gần gũi với đồng bào dân tộc miền núi. Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê hương xứ Mường, gắn bó sâu nặng với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây nên trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh từ ngôn ngữ, hình ảnh đến nhân vật đều mang nét tư duy của con người vùng cao. Vì thế truyện của Hà Thị Cẩm Anh mang đến cho người đọc một nét chung: con người và tự nhiên luôn gắn bó mật thiết với nhau. Đó chính là một đóng góp quan trọng của truyện Hà Thị Cẩm Anh khi nhìn từ góc nhìn phê bình sinh thái.
Trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh, con người và thiên nhiên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Thiên nhiên trở thành nơi trú ẩn, chở che cho con người. Bởi thế nên khi con người lầm đường, lạc lối, khổ đau, thiên nhiên như một người mẹ bao dung giang rộng vòng tay che chở, cưu mang những số phận hẩm hiu, nơi con người tìm về trú ẩn, nương náu cuộc đời mỗi khi cùng đường. Và các nhân vật cũng được xây dựng từ các yếu tố tự nhiên để tô đậm mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Đó cũng là “một mã ngôn ngữ mang màu sắc riêng” [2; tr.170] của Hà Thị Cẩm Anh. Phải chăng đó là một phần của hồn Mường, khi cuộc sống của con người xứ này luôn gắn bó với tự nhiên như cội nguồn tạo sinh sự sống? 
                                

C.T.H - D.T.D

Tài liệu tham khảo:
[1] Trần Thị Việt Trung - Hà Thị Cẩm Anh (2016), Tuyển tập văn xuôi Hà Thị Cẩm Anh, NXB Đại học Thái Nguyên.
[2] Cao Thị Hảo (2020), Giáo trình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, NXB Đại học Thái Nguyên, Thái Nguyên.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 134
 Hôm nay: 7202
 Tổng số truy cập: 7452334
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa