Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Như con tằm nhả tơ, ướp kén dâng đời (Đọc tập truyện ngắn của Trần Đàm, NXB Hội Nhà văn, 2022)
Như con tằm nhả tơ, ướp kén dâng đời (Đọc tập truyện ngắn của Trần Đàm, NXB Hội Nhà văn, 2022)

Tôi thật không ngờ Trần Đàm lại sung sức, dẻo dai, trường vốn, đa tài đến vậy. Ở tuổi bát tuần ông đã có 15 tập sách ảnh, trong đó có 5 cuốn được giải thưởng xuất sắc của Hội Chuyên ngành Trung ương. Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Đàm đã gặt hái được nhiều thành công bởi chất lượng nghệ thuật của những bức ảnh, bởi mỗi tập ảnh của ông đều mang tính chuyên đề sâu sắc và ấn tượng.
Hành trình “săn lùng cái đẹp” cũng là dịp để ông cảm nhận cuộc sống, tích lũy vốn sống và nuôi dưỡng cảm xúc nghệ thuật. Những năm gần đây, ông luôn tạo ra những bất ngờ cho làng văn nghệ xứ Thanh bằng những ấn phẩm: Rượt theo con chữ mà yêu, tập nghiên cứu lý luận phê bình văn học, NXB Hội Nhà văn, 2019; Lời yêu, tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2020; Hoài niệm, tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2021; Tập Truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2022. Từ cầm bút sang cầm máy, rồi lại tay máy tay bút, NSNA Trần Đàm đã chứng tỏ một năng lượng sáng tạo nghệ thuật dồi dào đã được kích hoạt.
Lần này, Trần Đàm xuất bản tập Truyện ngắn nhưng đầy ắp những tư liệu và sự kiện, tình tiết và số phận nhân vật của quá khứ và hiện tại. Mỗi truyện của ông là một đề tài, một chủ đề, một mốc thời gian, một góc nhìn cuộc sống và một cách giải quyết.
1. Người đọc được cảm nhận, được sống lại cái không khí nặng nề và sự nghiệt ngã đến quặn thắt bởi những sai lầm của cải cách ruộng đất (CCRĐ) qua truyện ngắn Nước mắt của Huệ. Bảy mươi năm rồi mà những bi kịch như hằn sâu trong số phận người trong cuộc. Trần Hân và Huệ cùng sinh ra ở làng Chùy Giang, nơi có con sông Cầu Chày “chó lội đứt đuôi”. Họ lớn lên và yêu nhau từ làng quê ấy. Rồi CCRĐ ập đến, bố Huệ bị tử hình, bố Hân bị đi tù và mẹ phải ở trong cái chuồng trâu, ê chề, đau đớn. Gia đình tan tác, li tán… Huệ được ông cậu xin cho vào làm ở Nhà máy Dệt Nam Định. Hân xin vào làm ở Trạm than Hàm Rồng. Vậy mà có yên thân đâu! Lãnh đạo xã đã ra tận Nam Định để can thiệp không cho Huệ làm công nhân nữa. Trần Hân cũng không được phê duyệt lý lịch để đi học trung cấp… Đêm ấy Huệ đã trốn đi Hải Hậu, theo đoàn người xuống tàu biển vào Hố Nai, Biên Hòa, làm con nuôi của một gia đình hiếm muộn và được ăn học chu đáo. Còn Trần Hân may mắn được Trưởng ty Cam bảo lãnh cho đi học kế toán, vừa học vừa làm, sau được cử đi học ở Liên Xô năm năm. Huệ khóc nhiều, nước mắt cô thấm đẫm trong sáu trăm trang nhật kí. Rồi cô đã được đi du học ở Ý, ở Pháp, làm cho một tạp chí về môi trường ở Úc. Sau bao năm biền biệt, khắc khoải, Huệ và Hân gặp nhau tại một hội thảo quốc tế với tư cách những nhà khoa học. Huệ trình bày xong bản tham luận, được khán phòng vỗ tay nồng nhiệt. Hân ôm bó hoa tặng Huệ “hai người ôm chặt nhau trong tiếng vỗ tay không ngớt. Huệ cứ dụi đầu vào Hân nức nở”. Và câu kết của truyện ngắn vừa trữ tình, vừa triết lý: “Đối với Huệ, nước mắt đã là dòng suối của thời gian, nước mắt của Huệ là dòng sông chở con thuyền hai mươi năm mới đến bến bờ hạnh phúc”.
Truyện Nước mắt của Huệ đơn giản về nhân vật, cốt truyện nhưng gợi bao điều sâu xa về biến động của thế cuộc, về ý chí và nghị lực của con người, về niềm tin và tình yêu. Giọng văn kể chuyện của Trần Đàm trong truyện ngắn này thật giản dị, trong sáng, tạo sự hấp dẫn với người đọc.
Bão làng cũng là chuyện làng quê sau CCRĐ, thời hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp. Cũng là chuyện của hai ông bố, hai Bí thư chi bộ làng Thượng và làng Hạ. Vì tranh nhau lấy nước mùa khô hạn trên cánh đồng Lĩnh Nam mà xảy ra xô xát, thương vong, thù hằn. Cái nguyên nhân sâu xa là làng Hạ dân ít nhưng nhiều đảng viên hơn làng Thượng, nên mọi cuộc bầu bán cán bộ chủ chốt của xã đều do người làng Hạ nắm giữ. Thì ra, câu chuyện “đảng viên họ tôi, đảng viên làng tôi” luôn hiện hữu trong đời sống tinh thần của làng quê. Kết cục, ông Khánh làng Thượng phải đi tù, còn ông Bài làng Hạ bị khai trừ Đảng. Mối thâm thù cứ ngấm vào máu thịt những người dân quê một thời như thế, để rồi thế hệ con cháu phải gánh chịu những hệ lụy. Mạnh (con ông Khánh) yêu Hiền (con ông Bài) khi cả hai đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định. Vậy mà ông Khánh kiên quyết không chấp nhận Hiền là con dâu chỉ vì Hiền là con gái ông Bài. Mạnh và Hiền phải xin phép hai gia đình tổ chức lễ cưới ở cơ quan. Kết thúc truyện ngắn là cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ chan hòa trong không khí hòa thuận của hai gia đình, hai ông sui gia đã một thời là kình địch!
Có hai truyện Trần Đàm viết về đề tài chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đó là truyện Người thợ mài và Trái mít trổ hoa. Chiến tranh - cái phần vinh quang của chiến thắng được tôn vinh, được ghi nhận. Nhưng cái phần bi kịch, mất mát của chiến tranh thường rơi vào từng số phận, từng mảnh đời. Anh Xoan trong truyện Người thợ mài học xong trường bảy nghề của tỉnh, được bổ sung vào nhà máy Z Quốc phòng. Anh trở thành công nhân Quốc phòng. Vốn vui tính và siêng năng, anh được cô giáo Nam đón nhận tình cảm, họ thành vợ chồng và đã sinh được một bé gái năm tuổi. Một trận bom của Mỹ dội xuống khu vực xung quanh nhà máy Z, vợ và con gái của Xoan đã ra đi mãi mãi. Cô đơn nối tiếp cô đơn, bố đẻ chết, mẹ vợ đột quỵ rồi cũng không qua khỏi. Anh đau đớn, hoảng loạn. Một người bạn (từng được anh cứu khỏi đuối nước) nghe tin, đã vào đón anh ra Hòa Bình để chăm sóc…
Nếu như chiến tranh đã cướp đi những người thân yêu của Xoan trong Người thợ mài thì trong truyện ngắn Trái mít trổ hoa lại có một diễn biến khá bất ngờ, chua chát nhưng cũng ngập tràn hạnh phúc. Đặng và Hương ở làng Lâm Thanh, yêu nhau bởi trai tài gái sắc, chị xinh đẹp lại hát hay, anh đệm đàn như nâng bổng lời ca của chị, tạo nên một cặp đẹp đôi nhất làng. Cưới nhau được một tuần, Đặng lên đường nhập ngũ, Hương ở lại hậu phương. Chiến tranh kết thúc, chờ đợi mãi rồi Đặng cũng về, trên mình anh đầy thương tích. Nhưng đáng buồn nhất là Đặng mang trong mình căn bệnh chất độc màu da cam. Hương có thai, khi sinh ra một bé gái dị dạng hình thù như quả mít nên mọi người thường gọi Phương là Mít. Trưởng họ và trưởng thôn bắt mẹ con Hương phải ra khỏi làng vì phong tục. Rồi Đặng chết. Mít cũng lớn dần theo năm tháng. Trong vùng, có thằng Dúi suốt ngày say rượu, ất ơ, dặt dẹo, ăn nằm với Mít. Rồi Mít có thai, sinh được một bé trai khỏe mạnh và kháu khỉnh. Kết thúc tác phẩm là lời bình của tác giả: “Bà Hương đã vượt qua những cơn bão tố của cuộc đời. Trời không lấy hết của bà những thứ quý giá mà còn cho bà niềm hạnh phúc cuối đời. Đêm đêm bà ôm thằng cháu ngoại vào lòng vỗ về, hà hít. Bà cháu là một câu chuyện cổ tích có thật trong dương gian. Câu chuyện của cuộc chiến tranh đi qua đã nửa thế kỉ để có một phép màu xảy ra, một trái mít trổ hoa vàng”. 
Đòi quyền làm mẹ viết về Lâm trường Mường Hum với bốn mươi ba cô gái trồng rừng, nguy cơ hết việc làm và thất nghiệp đã hiện hữu. Bị giảm biên chế, đã cao tuổi thì về quê là điều khó khăn đối với các chị. Chị Thắm bàn với chị em tìm đất lập làng mới “Chúng ta phải tự cứu lấy mình”. Làng được thành lập giống như một “làng không chồng” vậy? Nỗi thèm khát được làm mẹ của các chị được Trần Đàm chọn lọc những chi tiết, tình huống phù hợp với hoàn cảnh các chị. Gặp Thanh lái xe, Xuân dẫn đi thăm rừng và thật lòng xin Thanh cho một đứa con. Hoàng - một doanh nhân lên làm việc với Ban Giám đốc để mua cánh kiến và gặp Liên: “5 ngày 5 đêm được sống bên Liên, được nghe Liên giãi bày nỗi niềm cô quạnh, khát khao làm mẹ của chị em công nhân lâm trường vì công việc, vì địa hình xa xôi, hẻo lánh mà lỡ lứa, không ai có cơ hội lên xe hoa, không ai nghĩ mình sẽ có một cuộc hôn nhân…”. Còn chuyện cô Bưởi gặp anh bán muối ở dưới xuôi lên có tên là Muôn, chuyện Thắm và Huỳnh… Tất cả như một nhu cầu sinh tồn, một khát khao làm mẹ, nhưng qua ngòi bút Trần Đàm những tình huống của những cặp đôi giữa đường vừa chân thực, có cái suồng sả nhưng không thiếu phần ý nhị. Các chị thương mình, thương nhau nên những riêng tư của nhau được trân trọng và bảo vệ. Làng không chồng đã trở thành làng hạnh phúc! Truyện ngắn đầy bi hài nhưng cũng thấm đẫm nhân văn.
2. Sau hơn ba mươi năm đổi mới, cuộc sống có nhiều thay đổi và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Một số truyện ngắn của Trần Đàm đã kịp thời phản ánh những vấn đề đó bằng sự từng trải, bằng tấm lòng của người nghệ sĩ luôn trân trọng những giá trị riêng của con người.
Trưởng tàu vượt cạn là câu chuyện nhà anh Khát, quê vùng biển Hải Hà. Học xong lớp Bảy, anh đi biển và sau đó Khát được cử đi học lớp trưởng tàu. Khi có dự án công nghiệp, gia đình anh trong diện phải di dời và được đền bù mười tỷ đồng với một trăm mét vuông đất tái định cư. Có tiền, Khát không đi biển nữa. Anh sa vào những cuộc rượu, cờ bạc, đỏ đen… Dần dần tiền hết, anh vay nợ và không còn sức để trả. Bố chết, Khát bị chủ nợ, bị bọn xã hội đen đánh phải nhập viện… Mây, một cô gái làng, đã thầm yêu anh từ trước, đến bây giờ cô càng không thể bỏ anh lúc này. Mây đã vực Khát dậy, Mây là điểm tựa tinh thần của anh lúc này để Khát không thể gục ngã. Ánh sáng cuối đường hầm đã lóe lên với Khát khi anh trai của Mây về quê, dự kiến sẽ đưa hai người vào Vũng Tàu. Vào đó, Khát sẽ lái tàu cho công ty của anh. Tên truyện ngắn Trưởng tàu vượt cạn đã mang một hàm ẩn: giữa muôn trùng sóng gió ngoài biển khơi, người trưởng tàu đã không gục ngã, nhưng anh đã phải trả giá cho sự “vượt cạn” bởi không làm chủ được mình trước đồng tiền và trước bao nhiêu cạm bẫy… Chuyện của Khát là điển hình cho bao nhiêu số phận vùng dự án sau đền bù, là lời cảnh tỉnh cho bao người trước thực trạng nhức nhối này.
Có một dòng sông Măng chảy qua vùng núi thấp đã chứng kiến bao buồn vui của con người nơi đây được Trần Đàm đặt tên là Dòng sông thăm thẳm. Dòng sông ấy đã tắm mát cuộc đời của Quang, và cũng chính nó đã cuốn Quang đi mãi mãi sau khi cứu được ba cô gái có tên là Thu, Ngọc, Trang thoát khỏi đuối nước. Phong - người bạn thân của Quang, mở chi nhánh ngân hàng tại căn nhà ba tầng của mẹ Quang - bà Loan, để bà lấy việc làm cho đỡ buồn. Mấy năm sau, Phong chuyển đến làm ở chi nhánh khác thì Mại về thay Phong. Mại cùng Kim, Bài bày mưu tính kế làm giấy tờ giả để lừa bà Loan thế chấp căn nhà cho ngân hàng. Phát hiện ra sự việc này, Phong và ba cô gái (giờ là con nuôi của bà Loan) đã góp tiền, báo cáo cơ quan chức năng truy tìm thủ phạm đang trốn bên Lào. 
Mở đầu truyện ngắn là những lời bình về dòng sông Măng “dòng sông ấy như một con thuồng luồng”, “dòng sông ấy như một dải lụa xanh”, “đó là dòng sông hát”… Kết thúc truyện là hình ảnh về bà Loan trước dòng sông Măng: “Buổi chiều bà lại ra sông Măng. Bà đắm mình trong dòng nước mát. Dòng sông hôm nay đúng như người kia nói, đó là dòng sông hát. Nó hát mãi về khúc tình ca về con người, về lòng người”. Những đoạn văn trữ tình càng làm cho câu chuyện thêm ấm áp tình người, tình đời dẫu có mất mát, dẫu còn tội phạm lẩn khuất đâu đây!
Trong tập truyện này, nóng hổi nhất là truyện Cánh diều đứt dây, bởi truyện viết về công cuộc phòng chống Covid - câu chuyện không riêng của quốc gia nào mà là câu chuyện của toàn cầu. 
Cậu bé Hùng có bố là bộ đội ở biên giới. Ở nhà có mẹ và bà nội. Mẹ nghề y, mặc blu trắng nên Hùng luôn tưởng tượng mẹ mình là cô Tiên. Dạo này dịch Covid hoành hành, đội phòng chống dịch đi tuyên truyền và khoanh vùng, dập dịch. Mẹ Hùng cũng được điều động đi chống dịch dài ngày. Hùng được nghỉ học, chiều đi thả diều cùng bạn bè, tối đến Hùng nằm trong lòng bà nghe bà kể chuyện cổ tích… Chiều hôm ấy, diều của Hùng bị đứt dây, mấy đứa bạn cuốn hộ dây đem về. Cũng tối hôm đó mẹ gọi điện về, nhưng mẹ không mặc blu trắng mà mẹ nằm trên giường trắng muốt… Rồi người ta đem đến nhà Hùng một bình sứ, một bó hoa, một bức ảnh mẹ và một bát hương. Mẹ Hùng đã vĩnh viễn ra đi.
Cốt truyện đơn giản vậy thôi. Nhưng tác giả đã khéo léo vận dụng yếu tố tâm linh để câu chuyện thêm hấp dẫn. Diều của Hùng đứt dây cũng là lúc mẹ Hùng đang nguy kịch “Chuyện diều đứt dây thì tụi nhỏ gặp thường xuyên… Nhưng lạ thay, cánh diều của Hùng chiều nay nó bay cao lắm, xa lắm, cứ mờ dần trên không trung rồi khuất theo dãy núi phía Tây”.
Có thể thấy, điểm nổi bật của tập truyện ngắn của Trần Đàm là cách kể chuyện. Cách ông kể chuyện vừa giản dị vừa có duyên bởi ngôn ngữ đời thường diễn đạt được các tình tiết, lớp lang của truyện. Đó là sự kết hợp giữa kể, tả và bình để chi tiết, sự kiện không bị rời rạc, nhưng cũng không sa vào trữ tình ngoại đề, vụn vặt. Muốn thế, đòi hỏi tác giả phải luôn bám sát cốt truyện để mọi chi tiết, mọi đối thoại giữa các nhân vật đều hướng vào chủ đề của truyện (Đòi quyền làm mẹ, Nước mắt của Huệ, Sóng đời vần vũ).
Truyện ngắn Trần Đàm đơn giản về cốt truyện, ít nhân vật, tình tiết cũng không nhiều, nhưng tác giả không bị rơi vào sơ lược, giản đơn. Những vấn đề đặt ra trong mỗi truyện là những vấn đề lớn của đời sống nhưng lại được thể hiện trong những hình ảnh, tình tiết có ý nghĩa khái quát (Nước mắt của Huệ, Cánh diều đứt dây). Cho nên, nhiều truyện của ông nếu có thể sẽ phát triển, chuyển thể thành những kịch bản phim (Nước mắt của Huệ, Trưởng tàu vượt cạn, Dòng sông thăm thẳm).
Cũng cần nói đến cách giải quyết vấn đề từng truyện của tác giả để có một cách kết thúc phù hợp, thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ truyền thống của bạn đọc. Phần lớn truyện của Trần Đàm đều có một kết thúc có hậu. Ngay cả những truyện như Anh thợ mài, Dòng sông thăm thẳm, Trưởng tàu vượt cạn, Trái mít nở hoa, Đòi quyền làm mẹ, Bão làng thì tác giả cũng tìm ra một cách kết thúc hợp với quy luật của cuộc sống, để không phải là những kết thúc gán ghép, gượng gạo.
Trân trọng chúc mừng nghệ sĩ tài hoa Trần Đàm - như con tằm nhả tơ, ướp kén dâng đời!
                                                                                 

Tháng Tám năm 2022   
                                                                                            L.X.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 130
 Hôm nay: 1486
 Tổng số truy cập: 7455717
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa