Riêng một Hà Trung trong thơ Vũ Quang Trạch
Tôi đọc Vũ Quang Trạch lần đầu trên một vài tờ báo và tạp chí. Tôi để ý đến câu chữ chứa đầy sức nặng, tư duy khúc triết ở bên trong lớp vỏ thô ráp, âm điệu thơ nằng nặng, khấp khểnh. Bằng một vài cuộc diện kiến ngoài đời, khiến tôi chắc chắn hơn những gì mình định viết. Nhiều khi muốn viết về văn hóa Hà Trung nhưng tôi chưa biết bắt nguồn từ đâu, có lẽ cái tên Vũ Quang Trạch và những tác phẩm của ông đã gieo duyên cho tôi, khiến tôi nhất định phải viết về Hà Trung trong một sự liên hệ rất riêng này.
Nhà thơ Vũ Quang Trạch sinh ra từ làng Đắc Thắng, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Hà Trung vốn là miền đất nhiều ấn tích. Với đặc điểm địa lý rất đặc trưng: những cung đường nhỏ ngoằn ngoèo ven núi đồi, lại thêm nhiều đình chùa tạo nét linh thiêng, kỳ bí về một xứ sở. Con người Hà Trung thường kiệm lời, nói ngắn gọn, đơn giản mà chuẩn chỉnh, trải qua một sự chưng cất từ đáy lòng và trí não sắc bén tạo nên chất trí tuệ nhưng không hề văn hoa, làm màu. Người dân Hà Trung đa phần ham làm lụng, âm thầm cống hiến. Có lẽ những yếu tố phức tạp và bi hùng về lịch sử của cha ông cộng với sự phức tạp về địa hình, gắn với nền sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tạo nên phong thái, vóc dáng Hà Trung bao nhiêu năm qua trầm tĩnh vươn lên. Bỏ qua vẻ ngoài ta sẽ thấy một Hà Trung chất phác, từ tốn, lặng lẽ hy sinh, trọng nghĩa tình và chất trí tuệ sâu sắc.
Tôi đã nghĩ về Hà Trung nhiều hơn khi được đọc những vần thơ của Vũ Quang Trạch. Tập thơ “Đá làng” là tập thơ đầu tiên của ông. Ông bảo: ông không có ý định in ấn dù cũng còn niềm yêu văn chương sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi những nhiệm vụ chính trị của người đương tuổi lao động. Nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội rồi ông mới dành cho mình và cho văn chương chỗ trao gửi chút niềm riêng. Cho nên ông viết như để trả nợ những ngày tất bật đã qua, trả nợ những day dứt về miền đất đã nuôi dưỡng ông mà những ngày mải miết phong trần nơi đất khách chàng thanh niên đất Yến Sơn đã không được phép nghĩ nhiều hơn. Ông hăm hở đi và say sưa viết, say sưa khai thác về Hà Trung. Ở tuổi bảy mươi, có nhiều khi ông chạy xe vòng 70, 80 km trong ngày, sáng lái xe đi rồi trưa quay về thành phố, vì ông muốn giữ, muốn nuôi mạch cảm hứng trào dâng, ông muốn nghe thẳm sâu trong Hà Trung một bức tranh của tự nhiên và tạc nỗi niềm trần gian tại đó.
Hà Trung gần gũi, thân thương như máu thịt. Đối với đa phần đồng bào người Việt đi qua vùng đất này đều thấy bóng dáng quen thuộc của một miền quê Việt Nam. Hà Trung trong sự tái hiện của một người dân quê mình, yêu và gắn bó như máu thịt đương nhiên mảnh đất này càng trở nên đẹp thân thương. Vũ Quang Trạch không chọn lối nói phô trương về quê hương ông như phần đa người dân khi nhắc về quê mình. Miền đất Hà Trung trong thơ ông gần gũi, giản dị, có thô ráp, sần sùi, có cũ kỹ, nghèo túng, có đói rét, quắt queo, có vắng vẻ, đìu hiu, nhưng trong tất thảy điều đó đều thấy ngấm vị nồng đượm, thanh cao, thân ái và thiêng liêng. Ông khai thác nét hồn cốt ở xứ sở ông. Ở đấy có ngọn đá làng Đắc Thắng, thân lúa cong mái đình, con ngõ đá nơi tuổi thơ ông ngồi chờ bóng mẹ, có một cây cau kỷ niệm, tiếng chuông chùa làng, một chiếc cối xay lúa, một ngọn lửa quê và tiếng bìm bịp kêu xa vắng… Bọc trong vẻ sần sùi, bộc tuệch kia là sự chắt chiu, chưng cất những yêu thương gắn bó với nỗi trăn trở, chưng cất bao nhiêu kỷ niệm và nỗi buồn xa ngái, là sự chịu đựng bao nhiêu giông bão của lịch sử và tự nhiên:
Ngõ bỗng không đầu không cuối
Hút mãi gió làng vào giếng đá âm u…
Tôi từng đi qua đất Hà Trung liên tục hơn hai mươi năm qua để về tổ ấm. Có khi men theo đường xuôi Bỉm Sơn qua Hà Long, có khi lại thẳng riết trên tuyến đường Quốc lộ 1 rồi rẽ đường 13 qua nhiều xã của Hà Trung, hoặc qua Lèn, Hà Bình. Những lần đi trong mưa gió, sương sa hay nắng gắt tôi đều hối một chút tâm tư. Nhưng khi đọc những câu thơ của Vũ Quang Trạch viết về quê nhà, tôi mới thấm thía hơn những thân thương với mảnh đất này, thấm thía hơn sự gắn bó máu thịt và mênh mang thương nhớ. Hơn hết, đây là sự gắn bó bằng cả tình máu thịt của một thế hệ những thanh niên Việt Nam thập kỷ năm mươi của thế kỷ trước mới tạc nên một bức tranh đầy tính hình tượng về tâm tư và lịch sử như vậy.
Hà Trung trong tinh thần thơ Vũ Quang Trạch luôn đậm dấu tích lịch sử, đó là vùng đất nhiều mất mát xen lẫn oanh liệt, những xa xót xen lẫn linh thiêng, tổn thương xen lẫn tự hào:
Nơi ngực đất mười ba Vua, chín Chúa
Rồng núi sóng cồn phúc ấm thiên niên.
Nương vào bóng uy nghiêm của đền đài linh thiêng, của bia đá lịch sử tạc từ bao máu xương anh hùng liệt sĩ, thơ Vũ Quang Trạch miết mải về đời sống tinh thần của người làng, gắn bó với lịch sử một vùng đất âm thầm cống hiến. Trong đó ông để tâm và dụng công sâu sắc đến những hình tượng như: xi măng, bia, đá làng để bộc lộ sự chắt chiu thương mến của thế hệ trước lặng lẽ hy sinh cho hòa bình dân tộc, cho hạnh phúc của thế hệ hôm nay. Có một chút gì đó tự hào, một chút cao ngạo khá bất cần ghi nhận, miễn là gắng gỏi hy sinh:
Nhấp nhô cao thấp kệ đời
Đá mềm, đá rắn có trời gọi tên…
… Nứt mình ra nước phun trào
Cõi thiêng long mạch tụ vào giếng xưa…
(Đá làng)
Bất khuất, không bị lệ thuộc bởi phù hoa, danh hão, chấp nhận một thân phận nhỏ bé, “Thì ở vậy” đá èng èng đá thôi và lẳng lặng cống hiến.
Nghĩ về Hà Trung là cả một sức nặng ân tình, luôn ngự trị hình bóng người mẹ, người cha lặng lẽ hy sinh, âm thầm thương nhớ người con đã hy sinh trong khói lửa chiến tranh. Ta chỉ chạm một hình ảnh, một khoảnh khắc thôi nhưng đã mở ra một bầu trời kỷ niệm. Hà Trung nơi lưu giữ yêu thương và những giọt đau lặng lẽ, quên sao được tiếng guốc cha trong đêm vắng thương anh… ám ảnh “Tiếng guốc khuya lộc cộc gõ đêm đen” (Bên mộ anh). Tiếng guốc đơn độc và thô mộc đã vọng vào bầu trời đêm nỗi đau thương nhớ. Tiếng guốc là hoán dụ hình bóng cha đau đáu nhớ con đã hy sinh trong chiến tranh mà âm thầm không thể chia sẻ. Vũ Quang Trạch cho ta về thăm Hà Trung của một thời hậu chiến, đời sống người dân ở nông thôn thời bao cấp. Những câu chữ xâu chuỗi những gì thô ráp, cũ kỹ của cố hương nghèo xác xơ nhưng kiên trung, bất khuất. Ta thấy sự nặng nợ, ám ảnh với mảnh đất Yến Sơn - nơi có bóng người cha dạy con từng chữ cái đầu đời, từng mái đình cong thân lúa. Yêu nước, nhân nghĩa, thủy chung yêu quê dù miền quê nghèo.
Những ai từng đi từ làng, đều không thể không xúc động khi được xem lại thước phim cũ về một ngôi làng trong tim ta, ngôi làng ấy Vũ Quang Trạch tái hiện lại bóng dáng tuổi thơ năm xưa từ ngôi làng nghèo khó, thiếu thốn:
Táp mặt buổi đồng
Dẹo hông giỏ ngỏ
Ướt nhớt tháng ba, sương nhàu lá lúa
Lạt mạ thắt ngang chừng bụng mẹ
Ngõ đá chờ nhúm ốc luộc trừ cơm.
Lũ ngập đường trơn
Bùn bết đuôi trâu dẫn người về ngõ
Bàn chân mẹ nhận mặt từng viên đá
Cọng rơm vàng run rẩy mắt mưa.
(Ngõ đá nhà mình)
Hà Trung là nơi từng mang những ký ức tháng ba rưng rưng buổi chợ phiên mà sương gió không những không đắp được nỗi nghèo, trái lại nó còn làm nổi bật hơn nỗi xác xơ của buổi chợ phiên. Nơi “những tờ bạc lẻ lũm mùi bùn áo chợ”, nhiều tháng ba hoang hoải “dật dờ sào phơi manh chiếu/ tiếng đập đá núi làng/ chí chát chẻ tháng ba…” (Từng có một tháng ba).
Hà Trung dù xưa hay nay đều là miền đất chở đầy sức nặng tâm tình, là sự nặng nợ, xót xa, bất lực của một người em ở tuổi già đến viếng mộ anh: “Rừng thì xanh mà tóc em thì bạc” (Bên mộ anh).
Hà Trung chưa giàu nhưng Hà Trung ngày nay đã hiện đại hơn nhiều. Vũ Quang Trạch đã lưu giữ những nét xưa và nay. Tại các tác phẩm văn xuôi của ông sẽ bộc lộ nhiều hơn về một Hà Trung đa diện. Bởi Hà Trung hiện diện trong chính sách xã hội thời kỳ đổi mới, Hà Trung trong lòng bạn bè các địa phương ngày nay đã phát triển hơn, đa dạng các loại hình sản xuất hơn. Nhưng để có một Hà Trung hôm nay vươn mình là sự góp công của nhiều thế hệ trước với sự hy sinh thầm lặng, rèn giũa miệt mài. Rất nhiều những vần thơ của các nhà thơ, nhà văn đã tái hiện lên một Hà Trung sâu sắc, trọng tình của nhiều thế hệ người dân Hà Trung bồi đắp.
M.T.H.L