Trong Từ điển Tiếng Việt, động từ Lẩy được giải nghĩa là “tách ra, lấy rời ra từng cái những vật dính liền thành cụm” như việc cầm bắp ngô lẩy ra từng hạt… Với đồng bào miền Trung, bên cạnh ý này, động từ Lẩy còn mang thêm ý nghĩa: Chọn lựa và lấy ra một số cá thể từ một tập hợp đông đúc, nghĩa là những vật đó không phải dính vào nhau, nhưng không phải tất cả đã thỏa mãn yêu cầu, nên người ta chỉ chọn lựa một số phần tử mà thôi.
Quê tôi động từ Lẩy được dùng phổ biến nhất là Lẩy (hoặc Lảy) lúa. Những năm đói, ruộng lúa chưa chín, mới ửng vàng một số bông, nhưng nhà không có gì ăn, người ta phải dùng lưỡi dao nhỏ hoặc lưỡi liềm, xuống ruộng chọn cắt từng bông lúa đã già. Một bụi lúa rất nhiều bông, nhưng có khi chỉ chọn cắt được một, hai bông và có nhiều bụi không chọn cắt được bông nào cả vì lúa còn xanh. Động tác chọn, cắt, lấy ra đó gọi là Lẩy lúa. Lúa Lẩy về được tuốt ra từng hạt, rang, giã cho thành gạo, giống như kiểu làm cốm…
Từ ý nghĩa của chữ Lẩy này, người ta mới dùng chữ Lẩy Kiều. Sự thật những câu Kiều không hề dính vào nhau, mà sự Lẩy ở đây là chọn ra những câu hay, những đoạn phù hợp với yêu cầu để diễn đạt ý của mình. Nhiều bạn đọc chưa phân biệt được sự khác nhau giữa Lẩy Kiều với Tập Kiều hoặc Nhại Kiều. Lẩy Kiều đòi hỏi những câu hoặc những phần của câu được lấy ra phải giữ đúng nguyên văn của Truyện Kiều. Còn Tập Kiều (miền Trung còn gọi là Nhại Kiều) là dùng hơi hướng của câu Kiều, thêm vào những chữ, những ý của mình để diễn tả một ý nào đó của mình. Bác Hồ “Lẩy Kiều” như khi đón Thủ tướng Xu Các Nô năm 1959 tại sân bay Gia Lâm: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”. Nhưng phần lớn, Bác “Tập Kiều” chứ không phải “Lẩy Kiều”, như trường hợp đón Bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc năm 1963: “Quản bao tháng đợi năm chờ/ Chờ người khách quý bao giờ đến thăm”, vì câu thứ hai không phải của Nguyễn Du.
Trong dân gian, Tập Kiều nhiều vô kể, có nhiều câu chỉ để gây cười, như: “Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So với nước mắm thì cà mặn hơn”, nếu trích cả hai câu mà bảo đó là Lẩy Kiều… thì nhầm!
Trong Truyện Kiều, có nhiều cặp lục bát có khả năng thoát ly ra khỏi tác phẩm để tham gia vào đời sống của người đọc, nên người đọc dễ lẩy ra để nói ý mình, như khi tặng quà cho bạn gái thì dùng luôn lời của chàng Kim: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”, hay khi bạn trai ngỏ lời cầu hôn mà mình đã đồng ý rồi thì hãy dùng lời của Thúy Kiều: “Thương sao cho trọn thì thương/ Tính sao cho vẹn mọi đường thì vâng”…
Lẩy Kiều từng cặp lục bát riêng lẻ thì không khó, nhưng làm thành một bài dài thì không dễ chút nào. Tôi đã từng đọc một bài Lẩy Kiều của Nguyễn Bính, ngẫm ra “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Bài Lẩy Kiều ấy với đầu đề “Kính tặng Nguyễn Du và Truyện Kiều”, tác giả viết nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào. Nguyên văn như sau:
Cảo thơm lần giở trước đèn
Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
Trăm năm trong cõi người ta
Một thiên tuyệt bút gọi là để sau
Khen tài nhả ngọc phun châu
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
Mấy lời ký chú đinh ninh
Rằng tài nên trọng mà tình nên thương
Khen rằng giá đáng Thịnh Đường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai
Gẫm câu người ấy báu này
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Nặng vì chút nghĩa xưa sau
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay
Thương vui bởi tại lòng này
Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời
Lòng thơ lai láng bồi hồi
Tưởng người nên lại thấy người về đây.
Cả bài Lẩy Kiều gồm 18 câu lục bát của Truyện Kiều, lẩy từ các đoạn khác nhau, không hề sửa chữa một chữ nào, mà nói được ý ca ngợi, trân trọng của tác giả đối với Nguyễn Du và Truyện Kiều. Trong lịch sử văn học nước ta, những bài Lẩy Kiều như thế này rất hiếm.
Trong đợt lụt khủng khiếp ở miền Trung cách đây vài năm, tôi định làm một bài Lẩy Kiều về đề tài này mà cuối cùng… thất bại!
V.T