Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Văn học và đội ngũ tác giả văn học dân tộc miền núi Thanh Hóa
Văn học và đội ngũ tác giả văn học dân tộc miền núi Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hóa có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có 6 dân tộc ít người, sống chủ yếu ở vùng miền núi phía Tây của tỉnh. Đó là các dân tộc:  Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú. Với một vùng đất rộng lớn, sáu dân tộc anh em với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc đã hình thành một đội ngũ tác giả văn học miền núi xứ Thanh đầy tự hào; đóng góp quan trọng cho nền văn học hiện đại Thanh Hóa và cả nước.
Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam;… Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số”.
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, cũng nhấn mạnh “Xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền; có chính sách đặc biệt hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, chữ viết và văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số”.
Quán triệt tinh thần đó, trong nhiều năm qua, việc quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện công bố, phổ biến tác phẩm của các tác giả văn học dân tộc, miền núi... được tỉnh chú trọng đặc biệt. Thường xuyên hàng năm Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa tổ chức các lớp bồi dưỡng cho lực lượng sáng tác trẻ miền núi và dân tộc. Tổ chức cho hội viên thâm nhập thực tế sáng tác tại miền núi, đặc biệt là các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh. Chính phủ, thông qua Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số và Hội Văn nghệ dân gian đã triển khai dự án bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa các dân tộc. Trong đó có việc đầu tư xuất bản, phổ biến tác phẩm của các tác giả miền núi và dân tộc. Các hội viên dân tộc và miền núi thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, nhiều người cũng đã được in và công bố tác phẩm thông qua dự án này. 
Vài nét về đội ngũ tác giả văn học dân tộc miền núi Thanh Hóa
Ngược dòng thời gian, khi cả dân tộc dồn hết sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lúc này, cùng với văn học cả nước, văn học Thanh Hóa làm nhiệm vụ hết sức quan trọng: Bám sát đời sống chính trị; Phản ánh chân thực và sinh động cuộc kháng chiến khốc liệt, hào hùng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và xây dựng CNXH. Các tác phẩm văn học thời kỳ này mang đậm hơi thở cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta cũng như công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc; góp phần động viên tinh thần cả nước ra trận, vì miền Nam ruột thịt và đi đến thắng lợi huy hoàng của dân tộc. Trong bối cảnh đó, một đội ngũ tác giả văn học xứ Thanh hình thành, trong đó có không ít tác giả thuộc các dân tộc ít người. Tiêu biểu là các tác giả: Phạm Vương Túc (Vương Anh), Bùi Nam Châm (Bùi Nhị Lê), Hà Thị Ngọ (Hà Thị Cẩm Anh), Vân Du, Phạm Văn Công, Phạm Văn Du, Hà Minh Du, Quách Lục Kinh, Phạm Ngọc Khoa (Mường), Bùi Tiên, Vi Lập Công, Vi Văn Chênh, Hà Văn Ban, Phạm Quang Đăng, Cao Ngọc Bích, Cao Văn Anh, (Thái)…, Về sau có thêm Cầm Bá Lai (Thái), Vi Xuân Hương (Tày)… Nếu trước kia, văn học miền núi chủ yếu là văn học dân gian, truyền miệng, thì đến đây, đội ngũ tác giả miền núi, dân tộc đã xuất hiện, dần tạo nên dòng văn học thành văn. Vương Anh với những vần thơ tình tứ, nồng nàn, thật thà mà bình dị (Hoa trong mường, Tình còn tình chiêng). Hà Thị Cẩm Anh với những trang ký và truyện ngắn hồn nhiên, mộc mạc, khỏe khoắn và không kém phần duyên dáng (Trên công trường Gò Lý, Thím cò khoai), v.v… Nhà thơ Vương Anh đã giành giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969 với chùm thơ Hoa trong mường, Tình còn tình chiêng. Năm 2017, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho công trình nghiên cứu VHDG. Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2002 với truyện ngắn Như gốc gội xù xì. Bùi Tiên, Bùi Nhị Lê xuất bản tập thơ Gương suối từ những năm tuổi đời còn rất trẻ. Cầm Bá Lai (Thái), Vi Xuân Hương (Tày)… xuất hiện muộn hơn một chút rồi dừng lại giữa chừng, nhưng cũng đã kịp để lại tập thơ Hoa và nắng hơn 400 bài thơ và tập bản thảo sưu tầm dân ca Thái dày hơn 600 trang.
Vương Anh, Hà Thị Cẩm Anh, Bùi Nhị Lê… đã ghi được tên tuổi mình trên văn đàn cả nước. Thành công của Vương Anh, Hà Thị Cẩm Anh, Bùi Nhị Lê… là đã sớm xác lập được một giọng điệu, một thi điệu rõ nét, không mờ nhạt, không dễ trộn lẫn. Đó là cẩm nang hết sức quan trọng để mỗi tác giả bước vào trường văn học hiện đại, găm được tên tuổi mình trên diễn đàn văn học quốc gia; trở thành những tên tuổi đầy tự hào của văn học xứ Thanh. Có được thành công đó, trước hết các tác giả đã bám vào mạch nguồn văn hóa của dân tộc mình. Các tác giả cũng đã biết khai thác và khai thác có hiệu quả, có sáng tạo suối nguồn, tinh hoa văn hóa của người Mường bản địa, cái nôi đã nuôi dưỡng cả thể chất lẫn tâm hồn mỗi người. Thung lũng Si Dồ của vùng Cửa Hà hùng vĩ là nguồn sữa mát lành đã nuôi dưỡng tâm hồn cô gái Mường Dồ để hôm nay chúng ta có một nhà văn người Mường Hà Thị Cẩm Anh.
Nói về tác giả miền núi và dân tộc Thanh Hóa ở thế hệ này, chúng ta có thể tự hào thêm với Hoàng Triều Ân và Cầm Giang. Hoàng Triều Ân quê gốc là Hà Long, Hà Trung, định cư và sinh sống tại Cao Bằng. Bài thơ Quê ta anh biết chăng của Triều Ân đã đoạt giải Nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ năm 1960, đánh dấu một bước trưởng thành thơ dân tộc thiểu số. Ông còn có bài Nhớ mưa quê hương; đồng giải Nhì với bài Quê hương của tác giả Giang Nam. Nhà thơ Hoàng Triều Ân đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Còn nhà thơ Cầm Giang nổi tiếng với các bài thơ: Em tắm, Nhớ vợ, Núi Mường Hung dòng sông Mã, Rừng trắng hoa ban... Cầm Giang tên thật là Lê Gia Hợp, quê làng Nguyệt Viên. Tuổi trẻ ông lưu lạc và làm con nuôi một gia đình dân tộc ít người ở Vĩnh Phúc. Các bài thơ nói trên được ông ký dưới các bút danh Bạc Văn Ùi, Cầm Vĩnh Ui. Nhà thơ Cầm Giang là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2018, ông được Hội Nhà văn trao tặng Giải thưởng Cống hiến đợt I.
Hiện nay, ở Thanh Hóa, lực lượng sáng tác văn học là người dân tộc thiểu số đã phát triển khá hùng hậu. Trong đó, ngoài các tác giả Vương Anh, Hà Thị Cẩm Anh, Bùi Nhị Lê… thì có một đội ngũ sung sức, đó là Bùi Kim Quy, Cao Sơn Hải, Bùi Chí Hăng, Trương Thị Mầu, Phạm Thị Kim Khánh, Sao Chi, Sao Mai, Phạm Huy Thông, Phạm Tiến Triều, Phạm Tú Anh, Lê Anh Thơ, Phạm Xuân Sinh, Bùi Xuân Tứ, Cao Nguyên Quyền, (Mường), Hà Văn Thương, Quách Lan Anh, Phạm Xuân Cừ, Phạm Hà May, Cao Hồng Minh, Hà Nam Ninh, Cao Bằng Nghĩa, Lương Xuân, Lò Thị Tú Oanh, (Thái), Lê Anh Hồng (Thổ), Lâu Văn Mua (Mông),... Trong số này, hầu hết đều bền bỉ với thơ, đều đã đi với thơ một chặng đường. Nhưng cũng có tác giả vụt hiện rồi ngừng nghỉ. Có tác giả nghỉ hơi lâu. Ở đội hình thứ hai này, Cao Sơn Hải, Bùi Kim Quy xuất hiện sớm hơn cả. Anh thương binh dân tộc Mường Bùi Kim Quy làm thơ từ khi anh mới ở chiến trường chuyển về công tác ở xí nghiệp thương binh Thiệu Yên. Thơ anh thật thà, chất phác như con người anh. Anh không cầu kỳ, tỉa tót, không chau chuốt, thậm chí còn vụng về khi để lẫn cả những câu thơ Kinh hóa. Âu cũng là một nét vụng đáng yêu. Cao Sơn Hải, Hà Văn Thương… là những người giàu vốn sống, được trang bị kiến thức bài bản, thậm chí có cả Tây học. Nhưng đáng quý thay, kiến thức bác học không làm lu mờ, hay nói cách khác, không làm nhịu đi giọng điệu đầy bản sắc dân tộc trong thơ các ông. Phải chăng, hàm lượng văn hóa căn bản trong các ông quá lớn… Thơ Hà Văn Thương mộc mạc, chân chất như lời ăn tiếng nói của ông vậy. Cả hai tác giả Cao Sơn Hải, Hà Văn Thương đều vung bút bằng cả hai tay, làm thơ và sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, và đều đã có thành tựu. Nhà thơ Cao Sơn Hải đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022 cho công trình nghiên cứu VNDG. Nhà thơ Hà Văn Thương đã bỏ ra hơn ba mươi năm ròng để sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn. Vừa rồi cùng lúc ông cho ra đời bộ sách đồ sộ gần 2.000 trang gồm 3 cuốn: Từ điển Thái - Việt Thanh Hóa, Trường ca đại sự, Bài ca mừng xuân.
Cùng sê ri này, có thể kể thêm Trương Thị Mầu. Trường lực văn hóa căn bản của chị cũng khá thâm sâu bền bỉ, đến nỗi, thơ của chị khó bị Kinh hóa. Một hiện trạng mà ta thấy nhan nhản trong thơ các tác giả miền núi, dân tộc. Có khác chăng là Trương Thị Mầu nhẩn nha hơn, lặng lẽ hơn. Chị chỉ làm thơ khi thật sự có cảm xúc, thật sự có tâm trạng, có tâm sự. Hình như đời thường chị có quá nhiều việc, nên góc thời gian dành cho thơ quá nhỏ. Khác với Trương Thị Mầu, Phạm Thị Kim Khánh có khát vọng, sôi nổi và quyết liệt. Khánh đăng đàn, đọc thơ, hát thơ và quyết liệt tìm đường đi cho thơ mình, quyết liệt xác lập giọng điệu cho thơ mình. Bạn đọc không khó để nhận ra, thơ của Kim Khánh tồn tại cả hai xu hướng, hướng Mường và thoát Mường. Và cả hai xu hướng đều đã tạo được dấu ấn cho riêng chị. Một điều tưởng như nghịch lý, ấy là cứ tưởng xu hướng thoát Mường thuộc hữu thức chủ quan. Nhưng không, hoàn toàn tự nhiên nhi nhiên, rất khách quan. Trong khi xu hướng hướng Mường lại nằm trong chủ thức của chủ thể. Âu cũng là những thể nghiệm cần thiết trên con đường đến với thành công. 
Phạm Tiến Triều, Phạm Tú Anh, Lê Anh Thơ, Quách Lan Anh, Bùi Xuân Tứ, Lâu Văn Mua,… những tác giả trẻ, lực lượng được chờ đợi, được đặt lên vai nhiều kỳ vọng… Đặc điểm chung của các bạn là trẻ trung, tươi mới, hăm hở khám phá. Người thì nồng nhiệt, người nhẩn nha. Có khát khao, có đam mê… Phạm Tú Anh tung tăng, tuy có chút điệu đàng mà đậm sắc thái xứ sở, mà hồn nhiên chất Mường. Âm hưởng quê hương, hình bóng người thân luôn sâu đậm, luôn thường trực trong thơ Tú Anh. Tuy vậy, có lẽ thơ chị cũng nên có một sự sâu lắng hơn, chín đằm hơn. Đọc thơ Tú Anh, người đọc cảm giác, hình như có một sự khát khao chực bung ra, mà cơ hồ đang bị nén lại. Phạm Tiến Triều hăm hở, tự tin, nhiều ước vọng, có chút hướng ngoại. Lâu Văn Mua hồn nhiên một cách đáng yêu, có ý tìm tòi cách diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ của riêng mình, có chút mới và lạ. Nếu làm được điều này, Mua sẽ đi xa hơn nhiều. Lâu Văn Mua là tác giả văn học hiếm hoi của người Mông, của cả nước chứ không riêng gì Thanh Hóa chúng ta.
Những đóng góp của các tác giả văn học dân tộc, miền núi Thanh Hóa
Nhiều năm qua, các tác giả miền núi và dân tộc đã miệt mài lao động sáng tạo, đóng góp quan trọng vào nền văn học xứ Thanh và cả nước, một cách đầy tự hào. 
Xin được điểm qua: 
Vương Anh với các tập thơ: Trăng mắc võng, 1973; Hoa Li Pa-yêu, 1989; Hoa ban tím, 1994; Lá đắng, 1996; Tình Viêng Chăn, 2000; Chợ tình đứt quai trăng, 2003; Hồn chiêng gánh núi, 2008; Vượn tía lạc vào cổ tích, (Truyện đồng thoại),1982; Ngồng Ngoàng hóa đá, (truyện),1997; Lên trời lấy lửa (truyện), 1997; Chuyện lạ ở xóm Gà Lôi, (truyện), 2002.
Bùi Tiên với các tác phẩm: Nàng Son (kịch thơ), Gương suối, 1976, Mỗi dốc một yêu (thơ).
Bùi Nhị Lê, ngoài tập thơ Gương suối, in chung với Bùi Tiên, 1976; ông có Truyện cổ tích Mường, 1986; Hát quanh bếp lửa, 1996; Truyện cười dân gian Mường, 1996; Mo, sử thi, thần thoại Mường, 1998; Kể chuyện trò cười, 1999;  Ô dô ô dốc; Con rắn thần, 1998; Chuyện Thung Pưa Rum, 1997; Sự tích màu lông cọp, 1996; Tổng tập Văn học thiếu nhi, 2020; Ru bước chân mình, 2021.
Hà Thị Cẩm Anh với các tác phẩm: Người con gái mường Biện, 2002; Những đứa trẻ mồ côi, 2003; Bài xường ru từ núi, 2004; Nước mắt của đá, 2006; Lão thần rừng nhỏ bé, 2007; Mưa bụi, 2008; Một nửa của người đàn bà, 2013; Chẫu chàng và cóc tía, 2014; Bình minh xanh, 2017; Văn xuôi Hà Thị Cẩm Anh, 2018; Lính nghĩa vụ, 2019; Đồng đội, 2020; Tuyển tập truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh; Lửa đỏ, 2020; Văn học thiếu nhi, 2020; Huyền thoại Hàm Rồng, 2021; Con ma đen, 2022; Những nẻo đường đời…
Cao Văn Anh với Vui trồng cây (Thơ).
Cao Sơn Hải với các tập thơ: Trái tim vẫn thức, 1992; Lặng lẽ suối xa, 1994; Tháng năm dịu ngọt, 1996; Hoa bông trăng, 1999; Trên cánh nương xa, 2005; Thương nhớ tiếng chim, 2012; Thơ chọn lọc, 2015; Giọt nắng chiều, 2021. Các tác phẩm biên khảo về thơ: Tuyển thơ các DTTS Thanh Hóa “Chùm quả ngọt đầu mùa”; “Những chiếc lá chu đồng”; “Chọn lọc và khảo cứu thơ Mường hiện đại”, 2007; “Thơ Hán - Nôm Trương Công Bích” - dịch và khảo cứu, 2009.
Hà Văn Thương với các tác phẩm: Từ điển Thái - Việt Thanh Hóa; Trường ca đại sự; Bài ca mừng xuân.
Cầm Bá Lai với các tác phẩm: Hoa và nắng, (tập thơ); Dân ca Thái (Sưu tầm).
Bùi Kim Quy với trường ca Rẻo đất đen, 1995; tập thơ Vòng tay núi, 1997; Trường ca sông Bưởi, 2003; Truyện thơ Tiếng súng Ngọc Trạo, 2006; Tập thơ Trăng biên cương, 2022; Em là chồi biếc Trường Sơn, 2023.
Lê Anh Hồng với các tác phẩm: Hương sắc Thấng Sơn, 2014; Bầu trời riêng, 2018; Người thầm lặng, 2021.
Phạm Thị Kim Khánh với các tập thơ: Vườn tháng giêng, 2014; Hai ngọn gió, 2016; Cõi vọng, 2018; Mùa lá, 2021.
Trương Thị Mầu với các tập thơ: Nghiêng; Bóng núi; Mùa dậy sấm; Người dưng.
Lâu Văn Mua với tập thơ Tôi bay vào mắt em, 2017.
Phạm Xuân Sinh với tập thơ Trăng Mường Rặk, 2014.
Bùi Xuân Tứ với tập thơ Lời ru đá, Tiếng đàn núi (in chung).
Phạm Tiến Triều với các tập thơ Thơ tình gửi mùa đông, 2002; Ta là người của núi, 2014; Mùa bông trăng, 2016; Người mường Trại, 2019; Bùa lá, 2020.
Quách Lan Anh có các tập thơ Khúc tình ru, 2013; Đêm đàn bà, 2015; Hò hẹn với cô đơn, 2017; Đến với bài thơ hay (phê bình, 2019).
v.v…
Một sự thống kê chưa thật đầy đủ, nhưng với chừng ấy thôi, cũng đủ thấy được sự lao động miệt mài, một thành quả sáng tạo đáng ngưỡng mộ, đáng tự hào cho đội ngũ tác giả miền núi, dân tộc ít người xứ Thanh hơn nửa thế kỷ qua.  
Thực trạng và một vài trao đổi
Người sáng tác, nghiên cứu nào cũng có một môi trường, một không gian văn hóa của mình, đó chính là quê hương mình. Yếu tố đó quyết định sắc thái văn hóa của tác phẩm. Tác giả văn học các dân tộc ít người và miền núi Thanh Hóa, đối tượng mà chúng ta đang nói đến vốn dĩ có một môi trường rộng lớn, cả về không gian vật chất và không gian văn hóa. Một môi trường hết sức phong phú, vừa có nét tương đồng, lại vừa có sắc thái rõ nét, riêng biệt, đặc trưng của mỗi dân tộc. Môi trường đã sản sinh ra các áng sử thi bất hủ: Đẻ đất đẻ nước, Khăm panh, Ú Thêm, Nàng Ờm - Chàng Bông Hương, Nàng Nga - Hai Mối, Út Lót - Hồ Liêu, Chàng Lú - Nàng Ủa, v.v… Tác giả văn học đương đại, chủ nhân của dòng văn học thành văn, vốn dĩ cũng được sản sinh từ dòng suối ấy, hun đúc trong môi trường ấy. Và một thời gian khá dài, sống và lao động sáng tạo trong không gian ấy.
Môi trường ấy có còn không?
Xin khẳng định ngay rằng: Còn, và rất phong phú nữa. 
Nhưng cũng cần mạnh dạn nhận ra rằng, điều kiện sống được đổi thay, được nâng cao, sự đan xen chúng cư, sự xê dịch của mỗi cá thể đã dẫn đến tất yếu sự giao thoa văn hóa. Quy luật tiếp biến đã điều chỉnh môi trường văn hóa, không gian văn hóa nơi đây. Điều đó tác động rất lớn đến chất lượng của hoạt động sáng tạo và chất lượng tác phẩm. Bản sắc văn hóa được hun đúc cả ngàn năm, bị thách thức. Sắc thái văn hóa trong từng tác phẩm, bị thách thức. Giờ đây, số tác giả viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình, bằng chữ của dân tộc mình, ở Thanh Hóa có lẽ không còn đủ đếm trên đầu ngón tay. Những bài thơ viết theo tiếng Thái của tác giả PhNô Hoa Hà Văn Thương, trở thành của hiếm. (Trước đây còn có các tác giả Hà Văn Ban, Phạm Văn Công, Vi Văn Chênh, Hà Minh Du, Vân Du… thường viết bằng tiếng/ chữ viết của dân tộc mình, nay đều đã qua đời). Nhìn sang tỉnh bạn, nhà thơ Hoàng Choóng, người Tày tỉnh Lạng Sơn; nhà thơ Hùng Đình Quý, người Mông tỉnh Hà Giang… thường xuyên làm thơ bằng tiếng/ chữ viết của dân tộc mình, rồi tự dịch sang tiếng Kinh. Ở Thanh Hóa ta, ngoài nhà thơ Hà Văn Thương, liệu có còn ai. Gần đây, tác giả Hà Văn Thương đã dày công nghiên cứu và khôi phục bộ chữ viết Thái, và xuất bản công trình Từ điển Thái - Việt Thanh Hóa. Đây là việc làm vô cùng cần thiết, rất có ý nghĩa và rất kịp thời, góp phần rất lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa của người Thái đang có nguy cơ mai một.   
Do điều kiện sống, rất nhiều tác giả đã không còn sinh sống, lao động trong môi trường, trong không gian cả vật chất và văn hóa của dân tộc mình. Tình trạng đó là phổ biến. Nhiều tác giả sống và làm việc ở các đô thị, thị trấn, thị tứ, ở miền xuôi, ở vùng người Kinh… nhưng vẫn cho ra đời những tác phẩm văn học mang nguyên vẹn âm hưởng của dân tộc mình, đậm nét văn hóa dân tộc mình. Đó là điều đáng quý, chứng tỏ tác giả có bản lĩnh, có nội lực văn hóa mạnh và hàm lượng văn hóa rất lớn. Vương Anh, Hà Thị Cẩm Anh, Bùi Nhị Lê, Cao Sơn Hải, Hà Văn Thương… là những điển hình. Đó là hiện tượng “ly hương bất ly văn”. Nhưng số đó không nhiều. Trong khi số còn lại cũng khá đông, thậm chí hầu như phổ biến. Hiện tượng Kinh hóa, xuôi hóa đã không còn xa lạ trong các sáng tác của nhiều người. Có một dạo, có hiện tượng tác giả muốn thoát Mường trong sáng tác của mình, chỉ thử thôi. Nhưng chỉ “đi” được vài bước, thấy không ổn, đành phải quay lại. Thử nghiệm không thành công. Một số bạn trẻ, mới cầm bút hôm nay cũng đang trong tâm lý đó. Đem vàng chực đổi lấy thau. Bài học rút ra, không làm cái gì không phải của mình. Như con tằm rút ruột, đan kén bằng tơ trong lòng mình, rút ruột mà xây. Kén ấy vàng óng, rất quý.        
Muốn đem ống mà đong, một lời đã nói
Đem cân mà đo câu hát đã bày
Lời đau ấy, còn tạc ở vách núi
Tiếng buồn kia, còn tạc vào không gian.
        (Nghĩ về câu hát - Bùi Tiên)
Cây sả sẵn lòng đón luồng ở
Cỏ dại nhường sẵn chỗ luồng mọc
Mọc đầy thung tám góc
Nở đầy núi chín phương
Trống mái gà lôi cặp kè đi nửa ngày không thấu
Chim cẩu cớ bay nửa buổi vẫn rừng luồng
Ý lòng thung muốn thế.
        (Lòng thung - Bùi Tiên)     
Những câu thơ trên đây, mặc dù tác giả viết bằng tiếng phổ thông, nhưng tính dân tộc của riêng tác giả vẫn hiện lên rõ nét. Không phải chỉ ở những từ, những chữ, mà còn do cách cảm, cách rung và cách diễn đạt của người Thái vùng cao. 
Vấn đề đang đặt ra, bảo tồn, khai thác và di dưỡng tính dân tộc trong sáng tác văn học. Từ ví dụ trên, chúng ta thấy rõ, vấn đề tính dân tộc trong sáng tác văn học không chỉ ở hình thức, về thủ pháp nghệ thuật, mà còn là vấn đề tinh chất, tinh chất dân tộc trong văn học. Nó phải bắt nguồn từ cái vốn văn hóa, từ cái gốc của nhận thức, từ nhân sinh quan, thế giới quan. Cần phải thừa nhận rằng, tác giả người dân tộc thiểu số Thanh Hóa có khả năng tư duy tốt, tinh tế và có vốn ngôn ngữ phong phú, sử dụng nhuần nhị, uyển chuyển. Luôn kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống và hiện đại trong sáng tác.
Xòe hai bàn tay
Mẹ xếp vào mỗi đốt 
- Bông con ở đốt ngoài
Trái lúa ở đốt trong.
Hoa trong mường
Của Lùng, của Chu của bản
Gọi cánh cò dọn mây dọn gió
Dặn con suối ngừng thở vài hơi…
    (Hoa trong Mường - Vương Anh)
Ở đây, Tinh chất dân tộc được khai thác, vận dụng, phát triển rất tinh tế, uyển chuyển. Những khả năng này chỉ có ở những năng lực thật sự, những tài năng thật sự, cộng với vốn sống, vốn văn hóa nguồn cội đậm đà, phong phú.
Anh yêu em có cơm mường Vó
Em thương anh, có lúa mường Vang
Chẳng đợi con chim cánh lửa cánh vàng
Chim dẫn đường làm chi cho mệt
Cây lúa mường Vang bằng que đũa bếp
Nếp mường Vó, hạt bằng đốt tay…
Đất của thương, của yêu ta đây
Đến mùa cưới, tắt đồng về chim nhé…
    (Cơm mường Vó lúa mường Vang - Vương Anh)
Những câu thơ có nét đẹp riêng, mang phong vị miền núi, gây được xúc cảm thẩm mỹ cho người đọc. Chỉ vậy thôi mà ít người có được, ít người làm được. Thế mới biết, sáng tạo trên cơ sở khai thác được mạch nguồn, di dưỡng mạch nguồn… không dễ gì. Thành công chỉ ở những người có văn hóa căn bản bền chặt.
Thơ nói riêng và tác phẩm văn học nói chung của tác giả miền núi và dân tộc ở thời kỳ nào cũng định vị được giá trị trong nền văn học nước nhà. Đội ngũ tác giả miền núi và dân tộc tỉnh Thanh Hóa cũng vậy. Có thể nói, bằng nội lực tiềm tàng, bằng vốn văn hóa bản địa phong phú và được trang bị thêm kiến thức, giờ đây, trong mỗi tác giả văn học, tư duy nghệ thuật, năng lực khái quát, cũng như khả năng tư duy hình tượng đã được nâng cao, tinh tế và sâu sắc. Tuy nhiên, không phải lúc nào, với ai… cũng có được phẩm chất đó. Với nguồn vốn ngôn ngữ dân tộc như những hạt ngọc quý, như vỉa quặng quý, nhưng phải biết khai thác, phát huy bằng một năng lực sáng tạo và tìm tòi, trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc khắt khe… thì mới hy vọng thành công. Những cách xây dựng nhân vật, đối tượng rung cảm như theo bản năng pha chút hoang dã, với ngôn ngữ thô sượng, tự nhiên chủ nghĩa… vô hình chung đã hạ thấp người dân tộc, người vùng cao. Lối viết hời hợt, cẩu thả, thiếu chắt lọc, như còn lạm dụng những từ ngữ ê a, ề à, vớ, lố, cái bụng, cái mình, v.v…, cốt tạo cho ra vẻ mường mán, ngồ ngộ, ngờ nghệch… thì sẽ bộc lộ ngay cái giả, cái nhái. Hồn cốt của dân tộc không nằm ở đó. Tinh túy của một dân tộc không nằm ở đó.
Thành tựu của văn học miền núi Thanh Hóa là rất lớn, không thể phủ nhận. Đóng góp của văn học miền núi Thanh Hóa với văn học cả nước là không thể phủ nhận. Đội ngũ tác giả văn học miền núi xứ Thanh đông đảo, hùng hậu, đầy tiềm năng là niềm tự hào, là kỳ vọng, là niềm tin, là hứa hẹn... Hy vọng rằng, với sự chăm lo, tạo điều kiện của nhà nước, của các hội và của toàn xã hội, tác giả văn học dân tộc và miền núi xứ Thanh sẽ làm tốt sứ mệnh, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, làm giàu thêm kho tàng văn học và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.
                                                                                         

11-2023
                                                                                            LÂM BẰNG


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 285
 Hôm nay: 655
 Tổng số truy cập: 9246566
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa