Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Gian nguy lòng không nhạt
Gian nguy lòng không nhạt

Phải vào chặng cuối của nghề cầm phấn tôi mới có dịp về thăm quê Hữu Loan. Trước đó, những người thuộc thế hệ chúng tôi ở quê chỉ biết tên nhà thơ qua thi phẩm Màu tím hoa sim. Thời chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt trên toàn miền Bắc, bài thơ Màu tím hoa sim không được phổ biến rộng rãi nhưng đã được lũ học trò chuyền tay đọc. Những câu thơ: 
Em ơi!
giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau
một lần
Ngày xưa
nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng
màu tím hoa sim...
Luôn mang một ám ảnh lạ kỳ sau mỗi lần đọc lại.
Thăm quê Hữu Loan lần đầu, tôi đi cùng đoàn các thầy cô giáo. Lối vào nhà ông là một con ngõ nhỏ khá sâu. Nhà có ao vườn, cây cối tự phát mọc lên nương tựa dằng dịt như người dân xóm quê. Nhưng ấn tượng phải kể là cây dừa thân dưới già nửa vòng tay ôm, da mốc trắng dáng thẳng cao ngất phía trước sân. Lần chúng tôi đến có gặp người hàng xóm của ông Tú Loan, người ấy bảo lúc vào tuổi tám mươi Cụ vẫn khỏe, trèo dừa hái quả, con cái phải lạy xin Cụ mới xuống; Cụ là người văn nhưng tướng võ, thời làm thuê cho một nhà giàu trên tỉnh, anh trai quê học giỏi này đã có lần bị mất việc bởi dám xô ngã lão chủ nhà khi nhìn thấy cảnh lão ta đánh đuổi định nuốt tiền công của một bé làm thuê. 
Nhà thơ Hữu Loan nghe nói đoàn tới thăm gồm những người yêu văn chương nên ông ra đón tận ngõ. Ông không có thói quen trả lời phỏng vấn, và đặc biệt ngại chụp ảnh chung; một số ảnh chụp còn đến bây giờ trong đó ông đứng cạnh nhiều người, rất có thể ảnh này đã được người khác gia công cài ghép. 
Lần ấy gặp nhà thơ Hữu Loan còn khỏe, ông người gầy dáng cao, tóc bạc như tiên ông, đôi mắt với ánh nhìn như thiêu cháy. Thấy người đông, chỗ ngồi ít, tôi nhanh tay lấy chiếc chiếu nơi đầu giường trải xuống nền nhà; ông mời mọi người ngồi còn ông là người vào chỗ sau cùng. Cũng không ai ngờ đó lại là lần cuối chúng tôi được gặp ông, gần bốn năm sau - ngày 18 tháng 3 năm 2010 - Nhà thơ Hữu Loan đã rời cõi tạm để về với cõi người hiền. Mộ phần của ông được con cháu xây cất, lưng tựa vào núi Vân Hoàn hướng nhìn phía sông Hoạt đang xiết dòng về phía biển, không có hoa sim - những đồi hoa sim tím - mà chỉ có hoa mua tím ngắt phủ dọc triền đồi. 
Nhà thơ Hữu Loan họ Nguyễn, sinh ngày 02 tháng 04 năm 1916 trong một gia đình nông dân tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, nay là xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hồi nhỏ Hữu Loan học ở trường huyện, mãi đến niên khóa 1937-1938 mới vào học Collège Thanh Hóa, sau đấy ít năm ông ra Hà Nội thi đậu tú tài phần thứ nhất, từ đó dân làng thường gọi là ông Tú Loan. Ông theo cách mạng từ năm 1936 trong phong trào Mặt trận Bình dân, tham gia Việt Minh ở thị xã Thanh Hóa rồi về quê vận động khởi nghĩa giành chính quyền, là Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Nga Sơn, sau được điều lên làm ủy viên Ủy ban kháng chiến lâm thời tỉnh Thanh Hóa kiêm phụ trách bốn ty: Giáo dục, Thông tin, Công chính và Thương chính. Do sự phân công của tổ chức, ông thôi làm ở chính quyền tỉnh và tham gia Vệ quốc quân thuộc đại đoàn 304 phụ trách báo, chiến sỹ của Quân khu 4. Từ sau năm 1954, ông ra Hà Nội làm báo ở Hội Văn nghệ Việt Nam, tham gia phong trào Nhân văn giai phẩm và viết bài trên một vài tập Giai phẩm. Không hợp với cách làm văn nghệ thời bấy giờ, năm 1958 Hữu Loan về quê. Lúc đầu, ông chọn sinh kế bằng nghề kéo te, cất vó bên bờ sông Hoạt thuộc xứ đạo Điền Hộ, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, một vùng công giáo toàn tòng liền kề sáu xã mà bắt đầu bằng chữ Nga gắn với Liên, Thanh, Thuỷ, Điền, Phú, Thái có nhà thờ Tam Tổng (Liên Sơn - Nam Sơn - Yên Sơn) khá gần với khu Bùi Chu, Phát Diệm - Thủ đô công giáo của vùng đồng bằng Bắc bộ. Cũng cần nói thêm giai đoạn này, xứ đạo Điền Hộ sản sinh khá nhiều nhân vật cự phách ở bên kia chiến tuyến. Đầu tiên phải kể đến là bác sỹ Trần Kim Tuyến quyền bính chỉ xếp sau Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa; thêm nữa là nhạc sỹ Anh Bằng vua của dòng nhạc vàng, ông di cư vào Nam năm 1954 và mới đây tạ thế tại Hoa Kỳ. Với bối cảnh như vậy, một Hữu Loan cá tính, một Hữu Loan mạnh bạo quyết liệt không thể và cũng không nên mãi tá túc nơi đây. Sau thời gian vật vã kiếm sống tại vùng đất nhạy cảm này, ông chuyển chỗ về quê - làng Vân Hoàn - bắt đầu cuộc trường chinh cày ruộng, thồ đá, chân tay đầy sẹo, da đen như sừng; một xà beng, một cuốc chim, một đôi quang sắt, ông vật lộn giữa cõi nhân gian của một thi nhân hóa phăm phăm ngựa thồ. 
   Năm 1986 đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện trong đó có văn hóa, văn nghệ; nhà thơ Trần Nhuận Minh cho rằng đó là cuộc Cách mạng tháng Tám lần hai trong đời, theo đó nhiều vấn đề văn học cùng giá trị của nó được công nhận. Và nhà thơ Hữu Loan cũng có được cái may mắn đó. Nhờ sự quan tâm dồn sức của Hội Nhà văn, dù 35 năm không một ngày làm việc cho cơ quan nhà nước nhưng năm 1989 ông vẫn được chính quyền cấp sổ lương hưu(*); rồi tới 2012 hai năm sau ngày mất, Chủ tịch nước truy tặng ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật để ghi nhận những đóng góp của ông cho quê hương và văn học nước nhà.
Hữu Loan cưới vợ - cô Lê Thị Đỗ Ninh - người học trò một thời được chàng trai quê học trường tỉnh làm gia sư, bố vợ là ông Lê Đỗ Kỳ, Tổng thanh tra Nông Lâm Đông Dương, sau này là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đám cưới tổ chức đầu năm 1948, cuối tháng 5 năm đó, giữa lúc Hữu Loan đang làm nhiệm vụ trong quân ngũ thì được báo tin vợ chết, ông vội về nhưng không kịp đưa tang. Cái chết bất ngờ của người vợ trẻ đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời ông. Năm 1949, bài thơ Màu tím hoa sim được ông viết ra thật xúc động: 
Tôi ở đơn vị về
cưới nhau xong
là đi
...
Từ chiến khu xa
nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến chinh
mấy người đi trở lại
...
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh... 
Đời thơ Hữu Loan chỉ chưa đầy 30 thi phẩm, nổi trội trong đó là Đèo Cả, Thánh Mẫu hài đồng, Hoa lúa... riêng Màu tím hoa sim có vị thế đặc biệt, nhiều người yêu thơ tôn vinh đây là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX, nó được một doanh nhân bỏ ra cả 100 triệu mua bản quyền. Tác phẩm và cuộc đời ông như chúng ta đã biết ánh lên một màu sáng khác thường. Những câu thơ Hát trong màu hoa; Gió sớm thu về dờn dợn nước sông; Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt, là những câu chữ ma mị đầy ám ảnh. Sau một thời gian khá dài ngừng viết thì cuối những năm 80 thế kỷ trước Hữu Loan thi thoảng cầm bút trở lại. Bài thơ Thánh Mẫu hài đồng ông không ghi ngày tháng nhưng có lẽ ra đời trong khoảng thời gian đó; ta vẫn còn bắt gặp sự cuống quýt, ngẩn ngơ của tác giả - người đang được tận hưởng lạc thú trong vườn tình của sự trinh nguyên và tột cùng thánh thiện:
Ta lo lắng
Tay nàng như một nhánh huệ
trong bình
anh nương nhẹ đầu anh
cho khỏi đau nhánh huệ...
Dưới tựa đề bài thơ có ghi “Tục màu tím hoa sim”, thì có thể hiểu Màu tím hoa sim là bài thơ khóc vợ lần thứ nhất còn lần này là lần sau trong niềm hoan lạc với một nàng xuân của thực tại hay trong cõi mộng? 
*
Lần sau về thăm quê nhà thơ, tâm trạng tôi khác lần trước, không còn sự bỡ ngỡ nhưng thêm nỗi bâng khuâng trước cái được cái còn của một kiếp người. Bạn tôi, Mai Thế Dương là tay lái cứng, anh là con cô con cậu với Hữu Loan, Dương gọi ông theo cách của người nhà là bác Tú. Anh quen thạo thông thổ nên lên xe là cùng tôi thong dong trò chuyện. 
Mới độ hơn nửa giờ, xe chúng tôi đã về tới đình làng Hậu Trạch thuộc xã Nga Thạch, nơi cậu học trò Nguyễn Hữu Loan học Pháp ngữ tại nhà với thầy Đề Chương, dân làng gọi vậy vì có thời thầy làm Đề Lại cho tri huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ Đề rất quý sự học của Hữu Loan, hồi đó các thầy dạy không thu tiền học trò như cung cách bây giờ; những gia đình có con theo học, lễ tết thầy bằng lúa gạo. Do có vốn liếng tiếng Pháp khá đầy đặn nên khi lên học Collège Thanh Hóa, Hữu Loan nhanh chóng phát huy. Thầy Nguyễn Xuân Dương, bạn học của Hữu Loan thời Collège Thanh Hóa, đã kể lại trong một bài viết về tài ứng biến trong dịch thuật của người bạn mình. Đấy là chuyện Giáo sư Hoàng Khôi ra đề bài cho Hữu Loan và các trò cùng lớp dịch bài La fuite de la jeunesse của nhà thơ Ronsard nổi tiếng thế kỉ XVI trong văn học Pháp. Bài này Giáo sư đã dịch thành thơ với tựa đề Ngày tháng thoi đưa và cho đăng ở Văn học tạp chí vào đầu những năm 30 thế kỷ trước. Ở lớp học khi được gọi dịch lại bài thơ, không suy nghĩ lâu, Hữu Loan dịch ngay và đặt lại đầu đề là Ngày xuân thấm thoát. Từ bản dịch ngoài việc làm rõ ý của nhà thơ Pháp, Hữu Loan còn nhấn thêm được cái hồn của thời thanh xuân mau chóng trôi qua. Giáo sư Hoàng Khôi khen ngợi tài dịch thơ của trò Hữu Loan và sau đó còn đưa ra nhận xét: “Hữu Loan có năng khiếu về thơ, nếu chịu khó trau dồi sau này có thể tiến xa”.
Biết tôi muốn tìm hiểu kỹ về gia cảnh bác Tú, Mai Thế Dương đưa tôi tới thăm nhà anh Mỵ Duy Soạn con rể của bác. Chị Hương vợ anh hiện dạy môn Ngữ văn trường THCS Nga Thạch. Anh Soạn xưa học giỏi được nhà nước cử đi du học ở Ba Lan, sau chỉ vì chuyện tình cảm không xin phép Đại sứ quán nên anh phải về nước làm dân tự do. Anh Soạn có thể dạy luyện thi cả bốn môn văn, toán, lý, hóa, lũ trẻ xóm quê cũng như một vài nơi ở Hà Nội rất mê lối giảng bài của anh. Vợ chồng anh hiện sống trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng. Tôi đang băn khoăn không hiểu sao người danh tiếng như ông lại có chàng rể một thời sống cù bơ cù bất luôn bị chính quyền thôn cử đi be bờ đắp đập mà tính khí lại còn kiêu bạc lất ngất, thì cũng vừa lúc chị Hương ở trường về. Thấy chúng tôi, chị vội xuống xe vào nhà tìm ấm đun nước, anh Soạn phải tạm cho học trò nghỉ giải lao để sắp lại bàn trà tiếp khách. Tôi hỏi chị Hương, chắc chị được người cha hướng cho nghiệp dạy văn, chị lắc đầu nói, cha phải vất vả nuôi mười người con, không có thì giờ rỗi rãi để răn dạy sự đời cho từng đứa, cha là người không ưa sự sắp đặt, ông thích sự phát triển tự nhiên. Thấy như tôi còn có vẻ ngạc nhiên băn khoăn về gia cảnh, chị nói thêm, anh Soạn đến với chị không việc làm, không bằng cấp, nhưng cha mẹ lại thương anh nên thuận ý cho thành vợ chồng. Trách nào những người bạn tôi quen và biết ông cứ thường nhắc lại lời ông: “Đứa nào bị xã hội ruồng bỏ thì tao thương”. Nhưng tôi lại thấy hình như chàng rể được Hữu Loan chấp thuận cũng tài tử, cũng kiêu bạc, không ưa vào quy chuẩn như bố vợ của anh?
Trước lúc chia tay, Dương còn rủ rỉ dốc bầu tâm sự, bác Tú học giỏi tài hoa lại điển trai, gái trong làng khối em mê. Sau khi người vợ đầu bị đuối nước, bác lấy người vợ sau là bác Phạm Thị Nhu con ông Ký Thành từ Thái Bình vào Thanh Hóa ngụ cư; tính khí ông Ký điềm đạm, không làm điều ác bá, quanh năm chỉ một việc bán rượu cho người Pháp nên được gọi là ông Ký rượu. Ông Ký có điều kiện giao du với tầng lớp quan lại của chính quyền cũ nên được bầu làm Tỉnh hạt hội viên huyện Nga Sơn, và từ đó mới có chuyện ông Ký Thành được người dân gọi là cụ Hội Thành.  
Chuyện của Mai Thế Dương về gia cảnh nhà thơ Hữu Loan giúp tôi nhiều điều ngẫm ngợi về bác Tú của anh: Hai người vợ của Hữu Loan đều xuất phát từ thành phần thuộc tầng lớp “trên” trong xã hội cũ, vợ đầu con nhà gia thế, thuộc dòng quan chức cao cấp của chính quyền thực dân; vợ sau xuất thân từ gia đình có máu mặt nhất nhì hàng tổng. Rõ ràng cái sự “ngông” mà người đời gắn mác cho ông đã ẩn tàng ngay cả trong việc chọn vợ cho mình cũng như sự chấp thuận tình duyên của con cái. Hữu Loan dùng thơ tự họa mình là cây gỗ vuông chành chạnh, lăn lóc và không thể bị gọt đẽo thành tròn nên ông rất khinh ghét những kẻ xu thời bon chen lợi lộc. Phải chăng trong chuyện này ông luôn ưa sự ngược dòng, thích làm điều mà người ưa sự xu thời không thích, và ngược lại?
Một lần có đoàn công tác của Hội Nhà văn về Nga Sơn gặp con cháu Hữu Loan mong tìm lại những kỷ vật về đời, về thơ ông cho Bảo tàng Văn học, thì được biết sau khi mai táng, gia đình tìm người nhờ đốt các vật dụng như quần áo, giường ghế, chiếc xe bánh đặc bằng gỗ dùng để thồ đá rồi cái vó cái te cất cá,... làm phương tiện kiếm sống lúc sinh thời của nhà thơ, nhờ đến bốn năm người không ai dám nhận. Người nhà đành gói ghém cất kỹ những thứ đó trong ngôi nhà ông đã từng ở nay thành nơi thờ tự. Có người bảo anh linh ông không cho đốt, và cũng thật may mắn cho hậu thế yêu văn học, bên cạnh Hữu Loan thi phẩm, những kỷ vật trân quý về nghiệp, về đời của ông do vậy mà vẫn còn, nó đã góp phần phản ánh đời sống của văn nghệ sỹ một thời.
Suy ngẫm về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Màu tím hoa sim ta thấy hiện lên thật sáng rõ một Hữu Loan khí chất mạnh mẽ, sẵn sàng ghét bỏ nhưng dễ gần, dễ cảm thương; một Hữu Loan tài hoa và tiết tháo, không chấp nhận sự bày đặt cũng như điều giả dối. Gian nguy lòng không nhạt(**) câu thơ trong thi phẩm Đèo Cả được người chiến sỹ vệ quốc sáng tác năm 1946 và đăng báo Chiến Sỹ năm 1947 mở đầu cho nghiệp làm thơ khi tác giả còn khá trẻ. Nhưng thật không ngờ tứ thơ hàm súc mà đầy quật khởi này lại dự báo và khái quát cuộc đời nhiều phân khúc trong gần trọn thế kỷ của Hữu Loan. Thuở thiếu thời học hành sôi nổi; tham gia cách mạng khi độ tuổi tim đang dào dạt máu; đứng ở tuyến đầu chiến cuộc lúc đất nước mới giành độc lập rồi tiếp liền là chín năm kháng chiến; còn việc ông bỏ đất Hà Thành tạm thôi nghiệp viết, về quê cày ruộng thồ đá như lời ông tếu táo, là để lo chuyện làm người! Một cuộc đời khi gập ghềnh giông bão, lúc lặng lẽ đằm say như dòng Hoạt Giang mải miết qua làng. Tất cả đã xây đắp và hun đúc nên sừng sững giữa đời một Hữu Loan gian nguy lòng không nhạt. 
                                

LÊ VẠN QUỲNH

(*) Nguyễn Việt Chiến: Nhà thơ Hữu Loan - sừng sững một cốt cách thi nhân - Nghệ thuật Mới, số 11-2014.
(**) Ý thơ in trong Hữu Loan - Tác phẩm văn học được Giải thưởng Nhà nước, nxb Hội Nhà văn - 2015, một số bản cũ in “Gian nguy lòng không nhợt”.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 133
 Hôm nay: 682
 Tổng số truy cập: 7539231
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa