Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   BIÊN CƯƠNG MỘT DẢI VỮNG BỀN MỘT CUỘC THI KÝ VĂN HỌC HỘI TỤ VÀ LAN TỎA
BIÊN CƯƠNG MỘT DẢI VỮNG BỀN MỘT CUỘC THI KÝ VĂN HỌC HỘI TỤ VÀ LAN TỎA

Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh vừa tròn 30 tuổi. Hành trình ba thập kỷ ấy, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh luôn gắn liền với các cuộc thi về văn học nghệ thuật. Đặc biệt có tròn một thập kỷ kể từ cuộc thi đầu tiên gắn liền với đề tài người lính Biên phòng, biên cương xứ Thanh được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Tạp chí tổ chức thành công. Sự kết nối đó mang dấu ấn của nhiều thế hệ lãnh đạo của hai đơn vị. Tiêu biểu như cuộc thi ký về đề tài Biên phòng năm 2014, gây được tiếng vang lớn, cuộc thi còn để lại cuốn sách ký văn học “Vùng biên ải xứ Thanh”, đến hôm nay cuốn sách vẫn được nhiều bạn đọc quan tâm khi tìm hiểu về bộ đội Biên phòng. Tiếp đó là cuộc thi thơ về đề tài “Biên giới và biển, đảo” năm 2017. Số lượng thơ để lại đồ sộ. Có nhiều bài thơ cảm động thật sự, nhắc đến ai cũng nhớ, đó là bài viết về Thiếu tá Vi Văn Nhất hy sinh, thời điểm đó và cho đến nay đọc lên vẫn thấy vẻ đẹp kiên trung, bất khuất, dấn thân vì nhiệm vụ thiêng liêng được tổ chức giao phó của các anh, đồng thời trong đó cũng hiện lên tình cảm quân dân, thân nhân của người lính. Có những khoảng trống nín lặng nhưng vô cùng chan chứa, thiết tha. 
Trên đà thành công đó, cuộc thi viết ký “Biên cương một dải vững bền” năm 2023 là chương trình phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh nhằm tiếp tục tuyên truyền, khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, những nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX. Thông qua cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với công tác biên giới, biển đảo. Trong đó, nội dung của cuộc thi tập trung vào giới thiệu vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người ở vùng biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh; ca ngợi phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, những người lính mang quân hàm xanh xứ Thanh; tôn vinh những tổ chức, cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, trong bảo vệ chủ quyền biên giới xứ Thanh; viết về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ an ninh biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Để gia tăng sức hút, giúp các cây viết thâm nhập, trải nghiệm thực tế, tìm kiếm chất liệu đắt giá, ngay từ khi ký kết phối hợp và phát động cuộc thi, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện, kịp thời đáp ứng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhận thức sâu sắc thực tế là “chất liệu” cho hành trình sáng tạo tác phẩm, nhất là với thể loại ký, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã tổ chức 2 chuyến đi thực tế tại các đồn Biên phòng ở khu vực miền Tây xứ Thanh vào dịp tháng 5 và tháng 10-2023. Đó là các đồn Biên phòng Quang Chiểu, Tén Tằn, Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý (Mường Lát), Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, Mường Mìn, Tam Thanh (Quan Sơn) và Đồn Biên phòng Yên Khương (Lang Chánh). Mỗi chuyến đi thực tế có khoảng 20 người. Như vậy có 40 lượt người tham gia đi thực tế vùng biên, tất cả đều có tác phẩm dự thi.
Vùng biên ải xứ Thanh đầy hấp dẫn là thế. Mỗi một vùng đất đã đi qua, con người đã gặp gỡ, câu chuyện được lắng nghe, tìm hiểu đã khơi lên trong lòng mỗi người nguồn cảm hứng, chất liệu khác nhau để viết nên tác phẩm. Mặc dù thời gian lưu trú không nhiều nhưng những người tham gia chuyến đi thực tế đều cảm nhận được nét đẹp của đất và người vùng biên, phần nào biết thêm về phong tục tập quán của đồng bào, thuận lợi cũng như khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Đặc biệt, hình tượng người lính Biên phòng được khắc họa qua các chi tiết chân thực, gần gũi, sinh động, từng chia sẻ, bộc bạch chân thành, đóng góp thiết thực mà chẳng cần phải màu mè, tô vẽ hay tưởng tượng. 
Những dấu chân không mỏi trên dọc dài đường biên; tình cảm quân dân thủy chung; tình đồng chí, đồng đội gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau; hy sinh, mất mát của người lính giữa thời bình; sự kiên trì, quyết tâm trong vận động người dân xóa bỏ hủ tục, phát triển mô hình kinh tế; tấm lòng của người lính Cụ Hồ trong công tác vận động quần chúng, các hoạt động an sinh xã hội; những tâm tư khó giãi bày… được khắc họa trên trang viết đong đầy niềm yêu mến, trân trọng, cảm phục.
Với mục đích, ý nghĩa thiết thực; nội dung khai thác đa dạng các góc cạnh; cách thức tổ chức chuyên nghiệp, sau gần một năm kể từ ngày phát động, cuộc thi viết ký “Biên cương một dải vững bền” năm 2023 đã tạo được dấu ấn của sự hội tụ nhiều tác phẩm về chủ đề lực lượng Biên phòng và bảo vệ biên cương nhưng đồng thời cũng thể hiện sức lan tỏa, thu hút đông đảo các cây viết khắp mọi miền đất nước tham dự. 
Kết thúc thời hạn nhận tác phẩm, Ban Tổ chức đã nhận được 123 tác phẩm, trong đó có 40 tác phẩm được in trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh và đưa vào chấm Sơ khảo. Ban Sơ khảo đã chọn ra 23 tác phẩm của 20 tác giả vào Chung khảo. Ban Chung khảo là những người vừa là nhà văn, vừa là nhà báo, nhưng đồng thời cũng là cán bộ quân đội nhân dân Việt Nam như Đại tá, nhà văn Nguyễn Đình Tú, Đại tá, nhà văn Đỗ Tiến Thụy, còn có một giám khảo thuộc báo Biên phòng là Đại tá, nhà văn Hoàng Tuấn Long. Ban Giám khảo cả hai vòng Sơ khảo và Chung khảo đã làm việc công tâm, minh bạch, kỹ lưỡng và trách nhiệm. Vòng Chung khảo gay cấn khi các giám khảo tranh luận, phân tích, so sánh từng tác phẩm ở nhiều khía cạnh để cân nhắc xếp giải. Hội đồng Chung khảo đã chọn ra 10 tác phẩm để trao giải gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 4 giải Tư. Đây là những tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi, đại diện ở các mảng đề tài khác nhau về người lính Biên phòng và biên cương của xứ Thanh. Cuộc thi đã lan tỏa ra khỏi biên giới xứ Thanh đến với mọi miền Tổ quốc, thu hút các tác giả dự thi đến từ các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang… Các tác giả trong đó có một số được đi thực tế do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức. Cuộc thi ngoài các tác phẩm ký văn học dự thi gửi về và đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh còn lan tỏa sang các thể loại khác về cùng chủ đề: Thơ, nhạc, truyện ngắn, ảnh, tranh, phóng sự tài liệu, phóng sự ảnh… Các bài viết, các tác phẩm trên hầu hết đều nảy mầm trong các chuyến đi thực tế do hai đơn vị phối hợp tổ chức, sau đó đã được đăng tải trên: Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, Báo Quân đội nhân dân điện tử, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội điện tử, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Biên phòng... Bên cạnh chuyến đi thực tế Ban Tổ chức còn thiết kế chương trình nói chuyện của Diễn giả, Đại tá Nguyễn Đình Tú với học sinh trường PT Dân tộc nội trú THCS Mường Lát. Từ cuộc nói chuyện trên, không khí sôi nổi, hình ảnh người lính Tây Tiến xưa và bộ đội ngày nay được nhắc nhớ, tái hiện sinh động khiến cho các em học sinh ấn tượng, đồng bào các dân tộc trong tỉnh thêm yêu hơn về truyền thống cách mạng, truyền thống văn chương của quê hương, đất nước.
Là những người con sinh ra và lớn lên trên quê hương Thanh Hóa anh hùng, cán bộ, chiến sỹ bộ đội Biên phòng xứ Thanh hiểu sâu sắc rằng, để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là một tỉnh kiểu mẫu, phải không ngừng nâng cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các lực lượng và nhân dân các địa phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vùng biển - đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong số 123 tác phẩm gửi đến cuộc thi, có 50 tác phẩm là “tiếng nói của người trong cuộc”. Trong đó có 2 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo, và 1 tác phẩm đạt giải Nhì trong cuộc thi này. Đây là sự cố gắng rất lớn khi các tác giả không chuyên thử sức cùng nhiều tác giả chuyên nghiệp của mọi miền đất nước, họ cố gắng gia tăng chất văn chương để làm giàu thêm chất hiện thực. Đối với các tác giả là hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, của Hội Trung ương hoặc địa phương các tỉnh bạn khi tham gia đều cố gắng khai thác những vấn đề của bộ đội Biên phòng tỉnh dưới góc nhìn thực tiễn mang chất văn chương, sâu sắc và lý thú.
Cuộc thi ký “Biên cương một dải vững bền” có nội dung phong phú và đề tài đa dạng, ngoài một số ít đề tài nhỏ lẻ thì tựu chung lại nổi lên 4 cụm đề tài chính đó là: Người dân chăm lo bảo vệ mốc giới; Thầy giáo biên phòng dạy học vùng cao; Con nuôi biên phòng; Tăng cường đảng viên cho cấp uỷ Đảng cơ sở. Nhìn chung các bài viết khá đồng đều, đề tài nào cũng có bài viết khá và ấn tượng. Có tác giả “lặn ngụp” với cuộc sống của những người lính biên phòng xứ Thanh, viết cả chùm bài dày dặn và chất lượng. Đề tài bài trừ hủ tục tang ma không nhiều, có 1 bài vào Chung khảo nhưng khá ấn tượng, lột tả lại “cuộc chiến đưa người chết vào trong quan tài” trong cộng đồng người Mông ở vùng cao xứ Thanh. Đề tài phên dậu lòng dân nơi biên giới không nhiều, có một bài vào Chung khảo (Giống lúa “chú Nguyện”) có cách khai thác câu chuyện độc đáo, cán bộ biên phòng đưa giống lúa mới lên cho bà con, đưa cả vợ con lên hướng dẫn bà con cách làm lúa nước đó là sự hy sinh vô cùng cao cả đáng biểu dương, khích lệ. Các tác phẩm không chỉ đưa hình ảnh người lính Biên phòng lên trang viết một cách sinh động, hấp dẫn, thú vị, mà còn đưa rất nhiều cảnh sắc, con người vùng cao xứ Thanh vào tác phẩm, giúp lan tỏa tới bạn đọc những hình ảnh độc đáo, kiêu dũng, thấm đẫm tình yêu nước, ấm áp tình quân dân, như những minh chứng sống động nhất về một dải biên cương vững bền nơi phên dậu tỉnh Thanh. 
Dù đã rất cố gắng cuộc thi vẫn còn có những mặt hạn chế cần được rút kinh nghiệm. Vẫn còn ít những tác phẩm khai thác hậu phương quân đội, chủ yếu hướng ngòi bút ra tiền tuyến, thiếu vắng hình tượng người mẹ, người vợ, con cái, hậu phương của cán bộ chiến sĩ Biên phòng xứ Thanh. Chưa nhiều tác phẩm khai thác tình đoàn kết Việt - Lào, qua hình ảnh những người lính biên phòng hai nước trong thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ nhau bảo vệ biên cương mốc giới. Tỉ lệ các bài viết về Biên phòng biển còn ít và chưa thực sự để lại ấn tượng. Một số tác giả đi chưa kỹ, gặp chưa nhiều, chất liệu chưa đủ, chưa thực sự đắm chìm vào tác phẩm nên có những bài ký có được sự khởi đầu tốt, phát hiện ra vấn đề, nhân vật hay nhưng đáng tiếc càng về cuối càng hụt hơi. Giọng văn đa số chủ yếu thiên về tự sự, tự sự báo chí, ít dừng lại đầu tư cho chi tiết, cho nhân vật, cho thân phận con người, vì thế còn chưa dày những trang văn hào hoa, bay bổng, thiếu chất trữ tình. 
Bộ giải 10 tác phẩm được Ban Giám khảo lựa chọn tiêu biểu là tác phẩm giải Nhất với chùm bài “Những ngôi sao” Mường Lát với cụm 3 bài của nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Thủy: “Binh pháp” vùng biên là chân dung ba chiến sĩ biên phòng trong công tác. Dù nhận những nhiệm vụ khó khăn nhưng bằng trí tuệ và tình cảm, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Giọng văn linh hoạt, hóm. Những người cha: Một bút ký cảm động về ba cán bộ biên phòng làm cha nuôi của các cháu mồ côi nơi biên giới. Cách thâm nhập kĩ lưỡng, cảm nhận tinh tế, phản ánh chân thực, có sức lay động. Nơi góc trời biên giới: Những suy tư của người lính biên phòng về cuộc sống, nhiệm vụ nơi địa bàn công tác. Thế giới nội tâm của các nhân vật được miêu tả rất đời với những buồn vui cuộc sống. Tác phẩm giải Nhì: Những đôi chân không mỏi của nhà báo, nhà văn Nguyễn Hải, viết về nhân vật Lang Thanh Chuẩn tham gia cùng bộ đội Biên phòng trông coi, chăm sóc, giữ gìn cột mốc với những miêu tả hóm hỉnh, phản ánh sinh động mối quan hệ quân dân khăng khít máu thịt, cùng chung ý chí, tình cảm trong nhiệm vụ giữ gìn biên giới quốc gia. Tác phẩm giải Nhì Ngược dòng suối Tút của tác giả Hải Chuyền: Tác phẩm tập trung vào chủ đề các thế hệ trong gia đình ông, cha và con Phan Văn Xiết, Phan Văn Cấu, Phan Văn San thay nhau chăm sóc cột mốc biên cương. Chi tiết dày dặn, sinh động. Các tác phẩm giải Ba (Giống lúa “chú Nguyện” của tác giả Nguyễn Huy Miên; Về lại Hải Hòa, một miền ký ức của tác giả Trần Đoan Trang; Điểm tựa biên cương của tác giả Đình Giang) chọn được những vấn đề hay nhưng giải quyết vấn đề chưa đủ thuyết phục. Các phẩm giải Tư, văn chương sạch sẽ, có tính vấn đề nhưng còn nặng tính báo chí, ôm về sự kiện mà thiếu đi sự nhuyễn trong cấu trúc bài, cũng như chất trữ tình trong phản ánh. 
Phẩm chất cao đẹp cùng những cống hiến, hy sinh lớn lao của lực lượng bộ đội Biên phòng trên hai tuyến biên giới của Tổ quốc luôn là mạch nguồn cảm hứng cho các sáng tác văn học nghệ thuật. Không nằm ngoài mạch nguồn chảy mãi ấy, thông qua các tác phẩm, văn nghệ sĩ, nhân dân cả nước đã gửi gắm tình cảm trân trọng, yêu mến của mình tới người cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh của Thanh Hóa đang ngày đêm không quản khó khăn, thử thách vững vàng tay súng, đều nhịp bước quân hành, tuần tra biên giới để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, bình yên cho cuộc sống của người dân. 
“Biên cương một dải vững bền” khép lại với tiếng vang ngân rộng dài, cuộc thi đã hội tụ được những người chung ý chí, chung cảm xúc, cả sự trân trọng người lính Biên phòng và đồng bào miền biên viễn. Từ sự hội tụ đó tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ để người đọc, người xem hiểu hơn, yêu hơn, cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với những khó khăn, nhọc nhằn mà người lính Biên phòng, đồng bào vùng cao đang từng ngày đối diện. Cuộc thi cũng đã góp phần đưa hình ảnh đất và người xứ Thanh đến với bạn bè cả nước, đó là một miền Tây sương khói mơ mộng, hùng vĩ, là một phía Đông đẹp nên thơ và mặn mòi biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Từ cuộc thi ký về đề tài Biên phòng năm 2014 đến “Biên cương một dải vững bền” năm 2023 đánh dấu gần mười năm phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền hình ảnh người lính Biên phòng qua các tác phẩm văn học nghệ thuật giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh. Thêm một lần thành công nghĩa là thêm một lần khẳng định, khẳng định cho mối lương duyên giữa các văn nghệ sĩ với những người lính mang quân hàm xanh vẫn luôn bền chặt, khẳng định sự trân quý dành cho nhau vẫn luôn mặn mà, sâu sắc, nghĩa tình. Cuộc thi đã phần nào gói lại tất cả những cống hiến, sự hy sinh thầm lặng, những vẻ đẹp rực rỡ ấy… đồng thời cũng mở ra nhiều vấn đề còn để ngỏ cho những cuộc thi sau, những chương trình phối kết hợp giữa hai đơn vị trong những năm tiếp theo. 
                                                                                                 

Thy Lan


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 118
 Hôm nay: 4850
 Tổng số truy cập: 7552671
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa