Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Ngày xuân trẩy hội thi ca
Ngày xuân trẩy hội thi ca

Mùa xuân là mùa của đất trời giao thoa để tạo nên men, nên hương, nên sắc… Vạn vật như được hồi sinh, nảy nở. Con người như được thăng hoa để tạo lập niềm tin và khát vọng. Chính thời khắc này những lời thơ được chắp cánh bay cao, bay xa để tụng ca vẻ non xanh, nước biếc của đất trời. Niềm thi hứng ấy có từ xa xưa, đến thời nay nó trở thành phong trào và khắc thêm nhiều dấu ấn.
Từ năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức lấy ngày Rằm tháng Giêng hàng năm trở thành Ngày thơ Việt Nam, lấy bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ làm khúc ngâm mở đầu cho ngày hội và sáng tạo nên lá cờ thơ giàu sắc thái biểu cảm, hội tụ đầy đủ ý nghĩa của hồn vía, cốt cách thơ. Từ đó đến nay đã trải qua 22 mùa thi ca và đã tạo nên được dòng chảy không ngừng nghỉ. Chỉ có 2 năm (2021, 2022) Ngày thơ Việt Nam tạm lắng xuống vì dịch giã. Nhưng bằng nhiều cách thức, thơ ca vẫn đến với công chúng một cách dạt dào, và công chúng vẫn đón nhận thi ca một cách hồ hởi.
Mỗi năm một chủ đề, song chủ đề nào cũng khơi gợi trong sâu thẳm mỗi con người chúng ta về tình yêu bất tận với thơ ca và cuộc sống. Thật đúng như lời phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI tại Hoàng thành Thăng Long của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Vào thời khắc này, xin các nhà thơ và những người yêu thơ trên xứ sở của chúng ta hãy cùng nhau viết chung một bài thơ - Bài thơ của tình yêu thương con người, của lương tri, của giấc mơ tự do và hy vọng bằng những cách riêng của trái tim mình”. Lời hiệu triệu không phải là mới, nhưng nó được phát biểu trong không gian và thời gian đầy linh thiêng ấy thì nó lại là nguồn cổ vũ, động viên hết sức lớn lao trong mỗi chúng ta (cả người làm thơ và công chúng yêu thơ).
Khi hãy còn bé thơ, mỗi lần nghe câu hát cất lên: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về” của nhạc sĩ Văn Cao thì trong lòng mỗi chúng ta làm sao tả hết được sự náo nức. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi được học những vần thơ xuân thật tươi ngọt, đậm đà hương vị cuộc sống. Ví như bài “Mưa xuân trên biển” của Huy Cận với những câu thơ đầy sức gợi, sức sáng tạo: “Em bé thuyền ai ra giỡn nước/ Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm”. Lớn lên một chút, chúng tôi được học bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, với những câu: “Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây/ Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc/ Nghe ra ý vị và thơ ngây” thì bảo làm sao mà không rung động cho được. Rồi bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên, với những dòng thơ đầy tâm trạng, nỗi niềm: “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay”. Hay những câu thơ trong bài: “Xuân về” của Nguyễn Bính “Từng đàn con trẻ chạy xun xoe/ Mưa tạnh, trời quang, nắng mới hoe/ Lá nõn, nhành non, ai tráng bạc/ Gió về từng trận, gió bay đi” và kết bài: “Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/ Tay lần tràng hạt miệng nam mô”. Hay lên cấp 3 chúng ta lại bắt gặp bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu cùng với những dòng thơ hối hả: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật”. Tựu chung, tất cả những vần thơ xuân đều là của các nhà thơ lãng mạn, các nhà thơ của phong trào thơ mới. Ở đó họ cất lên tiếng xuân nồng nàn, đầy nhựa sống. Ở đó họ cất lên tiếng xuân mang nhịp điệu và hơi thở mới. Và ở đó họ nói lên tột đỉnh lời yêu với đất trời, với thiên nhiên, với niềm mong cầu thao thiết được sống bằng trái tim căng tràn sức trẻ của mình. Quả là những vần thơ hết sức tươi đẹp.
Hàng năm cứ đến ngày hội thi ca, lượng công chúng là những nhà thơ chuyên và không chuyên, những người ái mộ thơ ca đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi tầng lớp đều tề tựu, nô nức về với sân thơ để được chìm đắm trong khung cảnh, trong điệu nhạc du dương và những khúc ngâm bổng trầm đầy lưu luyến. Phải chăng những mệt nhọc, những lo toan, những day dứt vật lộn, những gai góc xù xì, những kèn cựa lợi danh, những phàm trần nặng gánh... tất cả đều được rũ bỏ phía ngoài kia và chỉ mang vào đây một tâm hồn thanh khiết, một tấm lòng sáng trong, một sự nhẹ bẫng phiêu lưu nơi tiên cảnh đầy tao nhã. Hãy ngồi xem, một lão ông 91 tuổi bước lên sân khấu với đôi chân rắn chắc, dõng dạc đọc bài thơ mong được sống khỏe, sống thêm, để được ngắm nhìn non sông ngày một đổi thay, tươi đẹp. Một cụ bà xấp xỉ tuổi 80 lên ngâm bài lục bát mới vừa sáng tác hãy còn nóng hổi của mình; với giọng ngâm bổng trầm, du dương chẳng thua gì các nghệ sĩ gạo cội trên đài, trên tivi chút nào cả. Một bài thơ nhỏ xinh, ngợi ca quê hương gấm vóc, giàu đẹp và có sức mời gọi những du khách muôn phương có dịp ghé thăm. Rồi những người lính biên phòng, những thiếu nữ dân tộc vùng cao chẳng mấy khi họ được đứng trên sân khấu lớn. Vậy mà hôm nay họ như được bung cháy hết mình, được ngân rung với những bài thơ reo vang, cất cao giọng ngâm khiến bao lòng người say đắm. Quả thực, chỉ có một tình yêu chân chính, một tình yêu đích thực mới làm nên dáng vóc, hồn cốt của thi ca trở nên lừng lững và sáng ngời như thế. Qua đó mới thấy rằng, thơ ca luôn là đỉnh cao của văn hóa. Từ muôn đời nay, thơ ca luôn là thứ thanh cao, tao nhã, giúp gột rửa, thanh lọc tâm hồn để đem lại giá trị sống cao đẹp cho mỗi con người.
Từ khi loài người chưa có chữ viết, mới chỉ có tiếng nói thì thơ ca đã như một mạch nguồn chảy bất tận trong lòng công chúng. Ở nước ta là ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hò, vè, câu đối; là mo, là xường, là hát xướng, hát dặm, hát xẩm, ca trù... Có khi nó hết sức duyên dáng, đáng yêu để nên đôi, nên lứa. Có khi là khôi hài, tếu táo để cuộc sống bớt đi những nhọc nhằn, lam lũ, khó khăn. Có khi lại nhẹ nhàng, kín đáo để gửi gắm một thông điệp khó nói trực diện với đối phương. Có khi là phê phán, chê trách, lên án một thói hư tật xấu nào đó để hướng tới việc giáo dục giá trị sống chuẩn mực của con người... Tất cả đều ấm áp, chân tình, nhẹ nhàng mà làm nên dáng vóc, hồn vía của một dân tộc. Lớn lao hơn, không phải như dời non lấp biển, không phải như khám phá, chinh phục một thiên hà. Nhưng sức mạnh của thơ ca được ví như một đoàn quân trùng trùng ra trận. Ví thử trong các cuộc kháng chiến, các cuộc khởi nghĩa tự bao đời nay, bên cạnh súng gươm, bên cạnh cuốc, thuổng, gậy gộc; bên cạnh cung tên, đạn pháo thì thử hỏi nếu không có những bài thơ bừng bừng khí thế, những bài thơ hào sảng hừng hực phất cờ trong tận tim gan thì thử hỏi, những trận đánh ngút trời, những đoàn binh có đến vạn người nhập cùng hàng ngũ, liệu có được những điều đó chăng? Từ đó ta có thể khẳng định rằng, thơ ca là thứ khí giới vô cùng đắc lực, giúp những cuộc chiến chính nghĩa nhanh chóng đi đến thắng lợi. Ngày nay trong hòa bình, thơ ca lại ngân vang những bài ca lao động sản xuất, những bài ca về gấm vóc non sông, những bài ca về phẩm giá lương tri, những bài ca về trách nhiệm và đạo đức làm người... Tất cả như được bật rung trong một không gian rộng lớn. Chỉ tiếc rằng, trong thời đại 4.0, trong thời đại công nghệ số đã hút con người vào cơn bão thị trường, nên thơ ca chưa len lỏi đến được nơi sâu thẳm nhất. Bao quát sân thơ ta thấy thiếu vắng những người trẻ, những em bé thiếu niên tâm hồn còn trong trẻo. Mà chỉ thấy đa phần là các bác hưu trí, các cụ ông, cụ bà thất thập trở lên. Đối tượng này vừa một phần là thời gian cho phép, vừa một phần là dòng máu trong mình vẫn còn tích tụ để chờ dịp là được bung tỏa về một tình yêu thơ ca bỏng cháy. Phải chăng, chính cái thời gian khổ, họ luôn lấy thơ ca làm động lực sống tinh thần cho mình. Cái thời cứ thắc thỏm chờ đợi đến 22 giờ chủ nhật hàng tuần để được nghe chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Và cái thời cứ trông đợi vào những ngày đón tết Nguyên đán để nhà đài mở rộng thời lượng phát sóng chương trình Tiếng thơ, thời khắc ấy được thỏa thuê nghe những giọng ngâm thơ và những bài thơ xuân vô cùng ấm áp. Chao ôi, thời ấy thơ mới thực là tiếng lòng trong sáng biết bao nhiêu. Thơ mới thực là vùng cỏ non trải thảm cho ta nằm để ngắm bầu trời có muôn triệu vì sao. Thơ mới thực là làn gió thanh khiết nâng cánh diều, chao cánh chuồn, rập rờn cánh bướm.., như khảm vào bức tranh sinh động của làng quê. Tất cả đừng làm cho nó chỉ còn là ký ức, ngay bây giờ chúng ta hãy viết tiếp giá trị sống đích thực để hơi thở của thơ mãi trường cửu với thời gian. 
Thơ vẫn mãi là tiếng lòng. Thơ vẫn mãi là bài ca được cất lên từ cuộc sống. Thơ được ví như bậc trí tôn quảng đại, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, tuổi tác, dân tộc, sắc tộc, vùng miền, học thức, quyền lực... Có khi là thứ bình dân trong lễ lạt, hiếu hỉ. Có khi được đặt ở nơi sang trọng là trong các ngày hội, lễ mừng công, ngày chiến thắng của tầm vóc một quốc gia. Ở đâu, ở vị trí nào thơ cũng đều say đắm và hào sảng. Mong rằng, thơ mãi là món ăn tinh thần không thể thiếu để làm giàu, làm đẹp, nâng tầm văn hóa cho mỗi dân tộc, để nối tiếp chiều dài lịch sử mà thi ca vẫn luôn giữ vị thế cao sang.
                                                                                 

  PHẠM VĂN DŨNG


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 255
 Hôm nay: 2070
 Tổng số truy cập: 9244237
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa