Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Khúc hoan ca non ngàn
Khúc hoan ca non ngàn

Công chúng yêu nghệ thuật biết đến Trần Đàm là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa. Hơn hai thập kỷ qua ông đã cho xuất bản 15 tập ảnh nghệ thuật, nhiều cuộc triển lãm cá nhân, được trao giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế. Đó là thành quả xứng đáng cho những chuyến đi tìm vẻ đẹp thiên nhiên, con người trên khắp đất nước Việt Nam. Suốt chặng đường ấy ông đã lao động với tinh thần say mê, cống hiến cho công chúng những khoảnh khắc bất ngờ của tạo hóa, qua từng tác phẩm có bố cục chắc, góc độ, ánh sáng uyển chuyển, hài hòa. Khơi dậy trong lòng người xem những liên tưởng vượt khỏi khung hình, thấy như được hòa vào tác phẩm. Để từ đó thỏa lòng hoài niệm, thương nhớ, càng thấy yêu quý hơn mỗi khắc giây được sống trên thế gian; biết chia sẻ, cảm thông với cuộc đời, con người, từ đó sống có trách nhiệm hơn, tử tế hơn với thế giới ta đối diện.
Có phải vì tâm đắc những tác phẩm ảnh nghệ thuật của ông mà tôi điểm lại thành tựu? Không hẳn, những điều vừa nhắc tôi thấy có mối quan hệ đến thơ Trần Đàm. Có thể nói Trần Đàm là nghệ sĩ đa tài. Tôi biết ông những năm đầu thế kỷ XXI, từng đi dự trại sáng tác với nhau vài ba lần. Ấn tượng về ông buổi đầu mới quen, một người lịch lãm, quảng giao, chân thành, hào phóng và cởi mở, hiền, đẹp lão, có duyên nữa. Đậm chất nghệ sĩ từ đầu đến chân! Tôi nể phục sức làm việc bền bỉ của ông. Hôm nào cũng thế, buổi sáng khi mặt trời còn ngủ sau núi, ông đã ra khỏi phòng, trên cổ, trên lưng lỉnh kỉnh máy ảnh, ba lô thoắt cái đã mất hút sau những đèo vắng, bản xa tận tầm trưa mới về. Có bữa tối mịt mới thấy xuất hiện trở lại. Rừng núi hiểm trở, tuổi cũng đã hơi cứng, liệu kham được mấy bữa? “Đói đâu ăn đấy, không cầu kỳ, quan trọng là kiếm được tấm ảnh ưng ý, đang nắng đẹp thế này, cơ hội lắm. Cái nghề tôi nó thế! Cứ như trò chơi ấy, nhọc phết, cơ mà vui ông ạ…” - Ông thong thả từng lời như muốn gạt đi ái ngại trong tôi, rồi hì hì cười, hồn nhiên lắm. 
Nhiều lần được chiêm ngưỡng tác phẩm ảnh nghệ thuật của Trần Đàm, biết ông yêu và say nghề thế nào. Cứ nghĩ nhiếp ảnh nghệ thuật sẽ là chuyên ngành ông gắn bó không gì có thể thay thế. Bởi, chưa một lần thấy ông đọc, hay cho xem tác phẩm văn chương nào của ông sáng tác. Những buổi giao lưu thơ, nhạc do trại tổ chức, ông chỉ lặng lẽ chăm chú nghe các nhà thơ, nhạc sĩ trình bày tác phẩm, với vẻ nghiêm túc, hào hứng lắm! Dĩ nhiên, toàn những văn nghệ sĩ lừng danh kia mà. 
Trại sáng tác mở ở Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, hay các tỉnh khu Việt Bắc, Tây Bắc cũng vậy, với tôi ông luôn là nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa đáng kính. Sau này trong một lần gặp lại nhau, tôi bất ngờ, khi nghe ông tâm sự: “… Mấy năm qua ngoài 15 tập ảnh nghệ thuật, mình đã cho xuất bản được 2 tập lý luận phê bình và 4 tập thơ rồi ông ạ, đó là những: “Dâng mẹ”, “Xuân lòng”, “Lời yêu”, “Hoài niệm”. Trước khi cho xuất bản tập thứ 5 “Tiếng khèn” này, tôi muốn ông đọc giúp. Bởi đây là tập thơ dành tặng tuổi 85 của tôi, với 85 bài thơ đa phần viết về miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi muốn có sự đồng cảm, hoặc ý kiến thẳng thắn của ông để hoàn thiện…”. Thoạt đầu tôi ái ngại khi nghe đặt vấn đề, nhưng nhìn vẻ chân thành trong mắt ông tôi đã nhận lời. Cũng bởi tính tò mò nữa, một thói quen khó bỏ của bản thân. 
Viết về miền núi dân tộc sao? Thử xem nào. 85 bài thơ trong tập “Tiếng khèn” tôi đọc liền mạch trong 2 ngày. Bỗng nhận ra, có gì đó ngờ ngợ trước đây khi được xem những tác phẩm nhiếp ảnh của ông trong 2 tập “Hương rừng”, “Hoa trăm miền” được trao giải thưởng của Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam nay được hóa giải. Dù cảm nhận chủ quan nhưng sẽ nói. Không chỉ đề tài Dân tộc thiểu số, miền núi, mọi hình ảnh được Trần Đàm thu vào trong ống kính trên khắp đất nước đều mang phẩm chất thi ca. Đó là cảm nhận, đọc thấy trong những bức ảnh ông chụp. Mỗi tác phẩm đều như mang trong mình những vần thơ trữ tình đằm thắm, gợi mở. Ngược lại những tác phẩm thơ của ông cũng thế, đều mang dấu ấn chuyển động của ánh sáng, tiếng mở cổng sương mây của bình minh ló rạng trên đỉnh non trong các tác phẩm ảnh. Lời đẹp một cách sâu lắng, thao thiết, rung động lòng người. Những bài thơ đậm dấu ấn của những chuyến điền dã của một kẻ sĩ dấn thân nghệ thuật. Đi để thêm năng lượng, bồi đắp nguồn sống, sự hiểu biết, cảm xúc để tư duy sáng tạo luôn mới.
 Mới hay ở sự này Trần Đàm lãi thế nào. Hai chuyên ngành nghệ thuật tưởng không liên quan, hóa tương tác, bổ trợ, nâng đỡ nhau. Nâng cánh cho nhau cùng bay cao như duyên tình cá nước, như rừng cây với đất, như cánh chim với trời mây vậy. Rõ lãi gấp bội phần đồng nghiệp còn gì. Thứ lãi thu được từ tài năng và đam mê nào dễ có mấy ai.
 Hãy nghe “Tiếng khèn” mở đầu tập mà xem: “… Tiếng khèn trèo lên sàn nhà/ Rót vào tai mẹ/ Rót vào tai cha/ Rót đầy chum rượu/ Rót đầy ngực em/ Cả bản vít cần/ Uống say tiếng khèn/ Ngất ngây bờ trúc/ Tiếng khèn vọng núi ngân nga…”. Những câu thơ thấm đẫm hình ảnh của một nghệ sĩ luôn kiếm tìm vẻ đẹp con người là đây. Đọc xong bạn sẽ hỏi, khi đó thi sĩ ở đâu? Hay đang ngất ngây tình trong âm thanh khèn bè tấu vọng từ ngàn đời…
Ta cùng thi sĩ trở về “Bản Lát”, một bản Thái xa xôi, với biết bao bâng khuâng tiếc nuối về một thời đã qua: “… Bản Lát yên lành câu thơ cũ/ Mái tranh rêu rũ xuống sàn nhà/ Cửa voóng mế ngồi nhìn mây lạc/ Đường trơn em liêu xiêu vác nước/ Bom Buôi bản chiều chìm trong khói/ Tiếng hoẵng kêu vang mé núi/ Bếp lửa đỏ, cha ngồi huơ tuổi tác/ Tiếng khèn xa vọng bồn chồn…/ Ngày trở về cầu đã bắc qua sông/ Luồng thành rừng, nhà cao lồng lộng/ Gốc lim già chỉ mình anh lẻ bóng/ Sông Mã lắng chìm bản Lát mờ sương”. 
Chỉ riêng “Cửa voóng mế ngồi nhìn mây lạc”, “bếp lửa đỏ cha ngồi huơ tuổi tác”… đã gợi hình ảnh cũ kỹ mà sống động, đã là thơ rồi! “Cha ngồi huơ tuổi tác”, “Mế ngồi nhìn mây lạc”. Cái sự không thể đó hóa lại là thơ, ghim sâu cảm xúc bạn đọc. Người làm thơ ai cũng mơ có phút xuất thần như vậy. Nào có dễ, khoảnh khắc xuất hiện chỉ như một chớp lóe khi cảm xúc được đẩy lên đỉnh điểm mà thôi. Từ đó ý, tứ, từ ngữ cùng lúc hòa hợp tạo thành chỉnh thể tác phẩm. Một câu thơ hay làm sáng cả bài. Vần điệu “Tiếng khèn” dẫu có lúc khấp khểnh, nhưng gợi hình ảnh bước chân leo núi, cho liên tưởng về đời sống, cảnh vật vùng đất, ý nghĩ con người. Mênh mang niềm bồi hồi của kẻ từng gắn bó kỷ niệm với đất và người nơi đây từ thuở thú hoang còn tìm về ngủ dưới cầu thang nhà người.
Hay như “Thiên Thần của núi” cũng vậy. Có những câu thật ấn tượng. Gợi người đọc đồng cảm, rộng lượng, thân ái hơn cuộc sống đồng bào: “Đoạn đường ấy/ Cùng ta chiều nắng, đêm mưa/ Khúc khuỷu sương khuya/ Đôi chân gầy, khuôn mặt em nắng lửa/ Em nhặt về vạt rẫy, vạt nương/ Mồ hôi khét váy mùi chuột chũi/ Khói bếp gầy không đủ hong khô/ Khúc suối cạn, con cá bằng lạt má/ Ngọn rau rừng đủ ngọt bếp nhà/ Em như con chim chọn hạt/ tự ru mình, tự dệt váy, tự em/ Rồi vụt lớn thành thiên thần của núi…”. Nếu không gắn bó, máu thịt với đồng bào sao có được những vần thơ thắm thiết như vậy! Đâu chỉ hiện hữu núi rừng, sông suối, mái nhà sàn buông khói lam chiều, câu thơ còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp tâm hồn người miền núi. Đó là sự nhập thân tự nguyện, mình là một phần máu thịt đồng bào khi đó mới có thể cất lên những lời thơ sâu lắng đến vậy. Để bạn đọc chấp nhận, người viết cần có sự hiểu biết tính cách người dân tộc nơi mình đến và gắn bó. Phản ánh đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào trong một không gian văn hóa tiêu biểu là một phần không thể thiếu trong sáng tạo nghệ thuật về đề tài dân tộc. Thi ca có phản ánh, đặt văn hóa dân tộc thiểu số bình đẳng với các dân tộc khác trong cả nước một cách khách quan, đậm bản sắc mới mong được bạn đọc đón nhận, đồng cảm và trân trọng. Trong tập thơ này Trần Đàm đã xây dựng được vị trí đáng trân trọng trong lòng người yêu thơ.
Trong “Tiếng khèn” ta còn được đón nhận một số bài như lời tâm tình cho riêng mình vậy, như: “Lục bát hoài niệm”: “… Kiếp người chẳng phút thảnh thơi/ Chẳng ai bắt, chẳng ai đòi dấn thân/ Mấy câu lục bát lỗi vần/ Ứa ra từ những nợ nần mộng mơ…/ Giờ còn tóc trắng mây bay/ Chỉ còn hoài niệm những ngày xa xưa/ Gói đời vào những vần thơ/ Vịn tay vào những vu vơ mà cười...”. Còn gì nữa, muộn mất rồi chăng, kiếp ngắn ngủi chẳng kịp làm gì cho ra đầu ra đũa? Có nên giữ, hay buông tay? Là nhà thơ tự hỏi, hay trách mình? Không! Ông khiêm nhường đấy. Ông đã làm được rất nhiều, đóng góp cho đời không ít tác phẩm văn học và nghệ thuật. Chỉ e thời gian, ông còn muốn thêm nữa. Mọi thứ vẫn bề bộn giục dã ông hoàn thành kia. Có lúc ông ngậm ngùi giữa một “Chiều quê”: “Chiều đông về thăm quê nhà/ Mẹ cha xa vắng, ông bà cõi tiên/ Bàn thờ mạng nhện giăng phên/ Bát hương lạnh lẽo phủ lên bụi mờ/ Vườn xưa cỏ mọc lơ thơ/ Mấy cây chanh, bưởi vật vờ ngả nghiêng/ Lặng người đứng giữa thanh thiên/ Nghe gió hú, lắng tiếng chim lạc đàn/ Vó trâu khấp khểnh đường làng/ Nhà im ỉm đứng giữa hàng tre gai/ Trai tráng chả thấy một ai/ Chỉ mấy bà lão với vài trẻ thơ…/ Quê nghèo đất mặn mấy đời/ Người chưa lớn đã phải rời xa quê/ Gồng mình bạc tóc làm thuê/ Cuối đời về lại nhìn quê mà buồn”. Chỉ vài câu mà nghe như tiếng khóc thầm của một người tuổi xế bóng đang trở về quê nhặt nhạnh kỷ niệm. Viết về làng, người quê mình mà như có cả phận người thơ trong đó. Thời gian đã lấy đi tuổi trẻ, lấy đi dấu tích một thời, nhưng nghèo khó đìu hiu như muôn thuở vậy. Buồn thay!
Có lẽ để lại ấn tượng phải kể đến “Vu Lan nhớ mẹ”, một bài thơ được viết từ thẳm sâu trái tim yêu thương của đứa con với người mẹ đã khuất núi. Lòng biết ơn vô hạn, mà chan chứa bao hoài niệm về thuở khói bụi mịt mù: “… Một đời gồng gánh đa đoan/ Mẹ như cánh vạc muộn màng về khuya/… Một đời áo vải mong manh/ Mẹ quên mẹ, tất cả dành cho con/ Ra đi phận bạc, lòng son/ Mẹ để phúc đức cho con cháu nhờ/ Lời mẹ ghi tạc vào thơ/ Bông hoa trước ngực con mơ mẹ về”. Đọc tới đây ai mà có thể cầm được nước mắt.
Ở mảng đề tài dân tộc thiểu số, miền núi hầu hết các tác phẩm đều có lối triển khai khá nhuyễn. Đó là kết quả của những chuyến xê dịch khắp đất nước đã để lại trong ông cảm xúc sâu lắng, thấm dần qua thời gian. Lúc nào đó bỗng dội lại tâm hồn của một nghệ sĩ đa tình làm vang lên những vần thơ khắc khoải, đằm thắm và nhung nhớ. Nỗi nhớ về vệt nắng loang chân núi, một nụ cười sơn cước e lệ dưới thung mây, một ánh lửa le lói nếp nhà sàn, một điệu khèn, nhịp chuông ngân trong đêm đón bạn… Tất cả đều trở thành tài sản, cả tập “Tiếng khèn” là đặc sản núi rừng ông dâng tặng bạn yêu thơ, dâng tặng tuổi 85 của ông với cuộc đời. Một cuộc đời lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ đã kết thành quả. Thành quả tinh túy, chọn lọc với biết bao cảm xúc chân thành như tính cách đồng bào, pha nét tài hoa, lịch lãm của kẻ sĩ xứ Thanh đã mang đến cho chúng ta một tập thơ đáng đọc, một tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa. Tựa khúc hoan ca giữa non ngàn.
                             

CAO DUY SƠN


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 33
 Hôm nay: 641
 Tổng số truy cập: 9047712
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa