Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Mấy cảm nghĩ nhân đọc Giao hưởng Điện Biên - trường ca của Hữu Thỉnh
Mấy cảm nghĩ nhân đọc Giao hưởng Điện Biên - trường ca của Hữu Thỉnh

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà thơ Hữu Thỉnh kịp cho ra mắt tập trường ca mới “Giao hưởng Điện Biên”, dày dặn 332 trang, XXI chương, được viết từ ngày 7-5-2023 đến 20-3-2024.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, vốn là đề tài không xa lạ với văn học nghệ thuật, báo chí trong và ngoài nước. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng biết rõ điều này: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được các nhà quân sự, các sử gia, các nhà văn, nhà báo và nhất là những người trong cuộc nói tới rất nhiều rồi, khai thác dưới mọi khía cạnh rồi, đến lượt mình, liệu tôi còn có thể đem đến một cái gì mới?” (Lời tác giả). Như vậy, tác giả đã lường được những khó khăn sẽ phải đối diện. Chưa biết trường ca “Giao hưởng Điện Biên” thành công đến đâu, nhưng có thể hiểu những khó khăn kia rất có thể làm bất cứ ai cũng phải chùn bước. Làm sao thoát được sự ám ảnh với những thành công của người đi trước, làm sao để không vơi cạn cảm xúc suốt trên 332 trang viết. Điều này cho thấy bản lĩnh, sự dũng cảm của tác giả “Giao hưởng Điện Biên”.
Lối thoát của Hữu Thỉnh cũng đã được ông hé lộ: “Muốn đặt “Chiến thắng Điện Biên Phủ” đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm” (Lời tác giả).
Lựa chọn như vậy là hợp lý, và chắc chắn tác giả sẽ phải bám sát các sự kiện, nhân vật, đồng thời sẽ có dịp đưa vào tác phẩm “cái tôi” trữ tình của một nhà thơ. Sự kiện đã đi qua 70 năm sẽ được làm “sống lại” bởi suy cảm của người đương thời. 
Hiện thực hóa ý định đó, “Giao hưởng Điện Biên” lựa chọn phương thức tự sự, bên cạnh các yếu tố chính luận, trữ tình. Chủ đề tư tưởng của tác phẩm hiện lên qua một “tổng phổ” từ khái quát đến cụ thể, từ vĩ mô đến đặc tả, “cận cảnh” hình ảnh một tập thể những con người tại “điểm hẹn lịch sử”, kể từ vị Chủ tịch nước, “người ra trận đầu tiên”, đến Đại tướng Tổng Tư lệnh, từ Sở Chỉ huy đến các chiến sỹ trên “từng thước đất” chiến hào, đến các văn nghệ sỹ, đến những dân công hỏa tuyến, đến những con người bình thường có số phận cá nhân đặc biệt trong chiến tranh, đến các tướng lĩnh và lính tráng quân đội Pháp, Mỹ đang lâm trận tại Điện Biên Phủ. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, tác giả mới 12 tuổi. Những tư liệu tác giả đưa vào trường ca, đã được dày công nghiên cứu, tham khảo từ các tài liệu quen thuộc đã có, không còn xa lạ với người đọc. Phương thức tự sự cũng không có gì mới mẻ, nhưng từ 332 trang sách, một không khí chiến tranh được làm “sống lại” qua các câu thơ mang tính “biên niên” lịch sử trong cái “hơi thở” khi khoan thai trong tác phong, suy nghĩ của Lãnh tụ, khi sục sôi, khi gấp gáp hiểm nguy của chiến trận, khi hào sảng trước những chiến công, trong mạch đi khỏe khoắn, trong cái uyển chuyển của thể thức câu chữ của trường ca. Bởi vậy, với vai trò một nghệ nhân đang “kể chuyện Điện Biên”, sự lựa chọn cảm thức tự sự không những đạt được tính giản dị, gần gũi, khỏe khoắn của câu chữ, mà còn làm tăng thêm tính chân thực nghệ thuật của tác phẩm. Có gì đó phảng phất âm hưởng của các Khan, các trường ca cổ Ê đê về những chiến công anh hùng mà các nghệ nhân dân gian vẫn kể cho con cháu bên bếp lửa đại ngàn Tây Nguyên.
Yếu tố chính luận cũng được tác giả sử dụng như một biện pháp cần thiết phù hợp với chủ đề của tác phẩm. Một sự kiện “chấn động địa cầu” như Điện Biên Phủ càng tạo cảm hứng chính luận cho ngòi bút. Trong trường ca “Giao hưởng Điện Biên” có 5 khúc “Bình luận”. Tại đây, yếu tố miêu tả tự sự lùi xuống nhường chỗ cho chính luận như một nơi dừng nghỉ, gói lại để kết thúc một chương, nơi tác giả bày tỏ trực tiếp ý thức của mình, cũng là nơi gợi mở liên tưởng, nâng tầm khái quát của chủ đề. Chẳng hạn “Bình luận 2”: Sau khi miêu tả những chiến công của lực lượng pháo binh Việt Nam tại mặt trận Địên Biên Phủ, tác giả nồng nhiệt bộc lộ xúc cảm tự hào, vui mừng và liên tưởng đến những sự kiện lịch sử từ Nguyễn Tri Phương đến Hoàng Diệu đã để mất thành Hà Nội chỉ vì vài viên đạn pháo giặc bắn vào Cửa Bắc. Lúc này, tại Điện Biên Phủ, pháo binh Việt Nam liên tục dội lửa xuống đầu giặc, làm câm họng các loại vũ khí của chúng, dập tắt mọi ý định kiêu căng của chúng. Bình luận về điều này, có thể thấy âm hưởng tự hào, sảng khoái hiện lên trong từng câu chữ: Hồng Cúm, Mường Thanh đều câm bặt/ những tiếng gầm rửa hận trăm năm/ … ta đợi mãi từ buổi đầu đánh Pháp/ “đến bây giờ mới thấy đây” (Bình luận 2).
Hoặc “Bình luận 5”: Là khúc Khải hoàn, khúc tưởng niệm, ý nghĩa to lớn của chiến thắng lịch sử đối với Độc lập - Tự do của dân tộc, cũng như lòng biết ơn của hậu thế 70 năm sau chiến thắng. Tác giả dùng những ngôn từ gợi lên sự khoáng đạt, nêu bật ý nghĩa to lớn, bất tử của sự kiện lịch sử, mang đến sự hân hoan, xúc động sâu xa trong tâm thức của người đọc, như một lần nữa khẳng định ước mơ ngàn đời của dân tộc đã trở thành hiện thực: Cả đất trời đang cất tiếng nói/ ý nghĩa thiêng liêng của một kiếp người/ hãy nhẹ bước lắng nghe từng viên sỏi/ nói với ta lời của muôn đời/ Điện Biên Phủ từng giờ từng phút/ đang gửi đi thông điệp khắp hành tinh/ những lời hịch của Tự Do, Độc Lập/ những khát khao cháy bỏng hòa bình.
Yếu tố trữ tình tuy không phải là lựa chọn ưu tiên của tập trường ca “Giao hưởng Điên Biên”, nhưng sự điểm xuyết cần thiết trong từng chương đoạn cũng phát huy tác dụng của nó. Trong những trường ca quen thuộc trước đây như “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh, “Khúc hát người anh hùng” của Trần Đăng Khoa… yếu tố trữ tình đặc biệt là sau mỗi chương đoạn, như những “chiếu nghỉ” cần thiết, như những “khúc hát ru”, như những nơi “lấy đà” chuẩn bị cho một cao trào khác… có vai trò quan trọng trong sự thiết lập tình cảm, tư tưởng của người đọc. Ở trường ca “Giao hưởng Điện Biên”, bên cạnh yếu tố tự sự, “mật độ” trữ tình tuy được “tiết chế”, nhưng cũng có vai trò nhất định. Tại những nơi này, Hữu Thỉnh có dịp bộc lộ “chủ thể trữ tình” trực tiếp, vốn rất phong phú ở ông. Chẳng hạn, ở “Chương III: Đâu có giặc là ta cứ đi”. Một thoáng nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ hậu phương của người chiến sỹ, như một năng lượng tích cực của họ trong đêm hành quân chiếm lĩnh trận địa: Ta bước vào Thu Đông năm thứ tám/ lá rụng dày thêm nỗi nhớ nhà/ heo may se sẽ luồn trong gối/ ta nhìn Việt Bắc ngắm mây xa/ sông Lô thương lính thu bờ hẹp/ ta đỡ cùng em mấy mái chèo/ ta nhờ nước xuôi về nhắn hộ/ bóng mẹ cùng ta vượt núi đèo... (Tr 56, 57).
Hoặc một giây phút lắng lại nghe bốn phía âm vang tiếng cuốc đào công sự, nghe cả tiếng cha mẹ, quê hương trong đêm vây lấn. Đó là ý chí quyết tâm, là tâm trạng của người chiến sỹ Điện Biên trong đêm vây lấn: Điện Biên Phủ/ chìm trong cơn động đất/ những chiến hào/ gan góc xuyên đêm/ ta rút ngắn thời gian/ bằng tiếng cuốc/ đất mở ra/ sức mạnh khôn lường/…tiếng cuốc/ hòa vào đêm/ thành giao hưởng Điện Biên/ tiếng cuốc/ vọng về quê/ xa lắc/ cha ta đang chờ/ mẹ đang mong… (Tr. 33, 34, 35)
Trở lên là cảm nghĩ bước đầu của một người đọc “Giao hưởng Điện Biên”. Hữu Thỉnh đã có trên 60 năm cầm bút, đã có nhiều kinh nghiệm và thành công trong thơ trữ tình, cũng như trong thể loại trường ca. Đến tác phẩm này, có thể thấy sự điềm tĩnh của ngòi bút, sự liền mạch (Cả trường ca với những câu thơ qua hàng tác giả không viết hoa chữ đầu của câu như muốn người đọc cảm nhận được sự liền mạch) của giọng kể, sự kỹ lưỡng trong quan sát và miêu tả, sự liên tưởng phong phú trong tư duy sáng tạo… “Giao hưởng Điện Biên” ra mắt là thêm một đóng góp mới vào dòng văn học về đề tài Điện Biên Phủ nói riêng và đề tài chiến tranh Cách mạng nói chung.
                          

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2024
                              LÊ THÀNH NGHỊ


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 132
 Hôm nay: 8222
 Tổng số truy cập: 8399824
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa