Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   BAN LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
BAN LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa ra mắt ngày 27 tháng 6 năm 1974, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập. Tổ chức Hội khi ấy trên cơ sở của 7 ban chuyên môn, trong đó có Ban Lý luận - Phê bình (LLPB). Như vậy, cũng đã tròn 50 năm, Lý luận phê bình đồng hành với đời sống sáng tác ở Hội VHNT Thanh Hóa. Cùng với các ban chuyên ngành khác, Ban LLPB góp phần xác lập vị thế Hội VHNT Thanh Hóa trong Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển VHNT của cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Bột gột nên hồ: Đúng là “có bột mới gột nên hồ”, việc chọn thành lập 7 ban chuyên môn làm nòng cốt cho sự ra đời của Hội VHNT Thanh Hóa có cơ sở tiềm năng của mỗi ban, song, tất cả đều có chung một tiền đề khách quan từ vị trí “Chiến khu văn hóa kháng chiến” mà Thanh Hóa được lựa chọn. 
Kháng chiến chống Pháp nổ ra, từ năm 1946 đến năm 1954 Thanh Hóa là vùng tự do, thành “an toàn khu” và trở thành “trung tâm văn hóa kháng chiến”. Những lớp huấn luyện văn nghệ, trại sáng tác Lam Sơn Liên khu IV liên tiếp mở ra các đợt tập huấn. Tham gia giảng dạy, ngoài các văn nghệ sỹ nổi tiếng lớp trước còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo văn hóa văn nghệ kháng chiến, như: Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng... “Trung tâm văn hóa kháng chiến” xứ Thanh khi ấy đã thu hút và là nơi công tác của nhiều văn nghệ sỹ, từ Hà Nội vào và từ miền Trung ra. Hoàn cảnh trên đã tạo cho xứ Thanh một cơ hội quý hiếm, ngay từ những khóa học đầu tiên của lớp bồi dưỡng viết văn, Thanh Hóa đã có những đại diện tham gia như: Mai Bình, Minh Hiệu, Hà Khang... Quan trọng hơn, hoạt động của “Trường văn hóa kháng chiến” và “Trung tâm văn hóa kháng chiến” đã làm dấy lên phong trào văn hóa văn nghệ rất sôi nổi cho xứ Thanh, các thế hệ tài năng của văn nghệ xứ Thanh được ươm mầm và phát triển trong không gian văn nghệ kháng chiến đặc biệt này. Năm 1955, ngay sau khi hòa bình lập lại, Ty Văn hóa Thanh Hóa thành lập, hoạt động văn hóa văn nghệ ở xứ Thanh nhanh chóng đi vào quy củ, hoạt động sôi nổi, thiết thực phục vụ cho công cuộc kiến thiết tỉnh nhà trong không khí miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những cây bút được đào tạo từ “Lò Cao văn hóa kháng chiến” đã trở thành trụ cột trong xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ xứ Thanh. 
Người bạn văn hóa - tập san của Ty Văn hóa ra đời năm 1963 là dấu mốc bước ngoặt trong tập hợp và quảng bá tác phẩm ở xứ Thanh. Đúng như tên gọi đầy ý nghĩa, tập san chính là “người bạn” tin cậy để các cây bút nhiệt huyết gửi gắm sản phẩm văn chương của mình tới bạn đọc. Cũng từ đây, bạn đọc xứ Thanh được thưởng thức, chia sẻ tình yêu văn chương với các cây bút “xứ mình“. Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ từng bộc bạch: “Phải đến khi Người bạn văn hóa ra đời, một số vấn đề nghiên cứu lý luận phê bình văn học địa phương mới được đặt ra, tất nhiên buổi đầu có phần dè dặt và non yếu”(1). Như vậy, kể từ năm 1963, những cây bút như: Võ Quyết, Nguyễn Huy Sanh, Nguyễn Văn Nhã, Hoàng Tuấn Phổ, Hồ Nguyên Cát, Hoàng Anh Nhân, Minh Hiệu,... đã bắt đầu công bố những bài khảo cứu, phê bình trên tập san Người bạn văn hóa. Dễ hiểu tại sao khi Hội VHNT thành lập, cùng với một số ban sáng tác, Ban LLPB có cơ sở để hiện diện, là một trong 7 ban nòng cốt của Hội VHNT Thanh Hóa. 
Có thể thấy, vai trò của Lý luận phê bình (với nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt đường lối sáng tác) đã được chú trọng, khi Trưởng Ban Lý luận - Phê bình đồng thời là Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa, ông được điều từ Ty Văn hóa sang, đó là nhà LLPB Nguyễn Huy Sanh. Khóa I chỉ có 5 người: Nguyễn Huy Sanh, Nguyễn Văn Nhã, Hồ Nguyên Cát, Lê Xuân Đức, Hoàng Tuấn Phổ. Nếu các cây bút Nguyễn Huy Sanh, Nguyễn Văn Nhã bận rộn nhiều cho công tác quản lý thì ba cây bút: Hồ Nguyên Cát, Lê Xuân Đức, Hoàng Tuấn Phổ là những cây bút chủ lực viết nghiên cứu - phê bình. Năm 1977, Hồ Nguyên Cát đã tập hợp các bài phê bình để ra mắt cuốn “Tình thơ - phê bình tiểu luận”. Lê Xuân Đức là nhà giáo, gắn bó với việc giảng dạy ở trường phổ thông, nên đối tượng nghiên cứu thường là tác giả, tác phẩm trong nhà trường. Ông có nhiều bài nghiên cứu về thơ Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Ở chặng sau, ông chỉ chuyên nghiên cứu, bình giảng các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Hoàng Tuấn Phổ là cây bút đa năng, ông không chỉ viết nghiên cứu - phê bình mà còn khảo cứu và sáng tác. Ông khảo cứu văn hóa ở nhiều lĩnh vực: địa chỉ danh thắng, làng nghề, lịch sử, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Riêng ở lĩnh vực phê bình, ông đã xuất bản cuốn tiểu luận “Trong mắt tôi” tập hợp những bài phê bình của ông từ năm 1960 đến năm 2000.  
Mặc dù chỉ có 5 “biên chế” chính của ban, song, trong thực tiễn, hoạt động phê bình ở Hội VHNT Thanh Hóa thì đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Đó là sự tham gia của các cây bút của các ban khác: Ban Thơ có Văn Đắc, Mạnh Lê; Ban Văn xuôi có Đặng Ái, Hoàng Trọng Cường, Lê Xuân Giang; Ban Văn nghệ dân gian có Vũ Ngọc Khánh, Đỗ Ơm, Hoàng Anh Nhân, Lê Huy Trâm… Những cây bút này đã góp phần tạo nên thực tiễn lý luận - phê bình vô cùng sôi nổi.
Dấu mốc phát triển: Suốt thời gian chục năm, Ban LLPB vẫn chỉ có 5 người. Mới biết, để có một cây bút viết phê bình có chuyên môn và niềm đam mê quả không dễ. Tuy nhiên, kể từ năm 1986, đời sống lý luận - phê bình nói riêng, VHNT nói chung ở cả nước đã có những đột phá đáng kể. Ban LLPB được tăng cường thêm những gương mặt mới: nhà nghiên cứu đồng thời là dịch giả Nguyễn Xuân Dương, các cây bút có nguồn mạch từ nhà giáo: Lưu Đức Hạnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Trịnh Quốc Tuấn, Hỏa Diệu Thúy. Từ đây, lượng các bài nghiên cứu, phê bình đã trở nên phong phú hơn rất nhiều. Các cây bút không chỉ đăng tải tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Thanh Hóa mà còn ở các báo, tạp chí Trung ương, tạp chí khoa học ở các trường đại học và các tỉnh bạn. Việc giới thiệu, quảng bá VHNT xứ Thanh cũng theo đó mà lan tỏa rộng rãi. Bạn đọc cả nước biết đến vùng văn hóa và sức sáng tạo của nhiều cây bút xứ Thanh.
Khi đội ngũ của Ban LLPB đạt đến tổng số 24 thì 6 thành viên trụ cột đã rời cõi tạm, vậy là với nhiều nỗ lực, ban hiện nay vẫn chỉ đạt tới con số 18, trong đó có nhiều thành viên còn rất trẻ. Đây là sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo ban. Việc kết nạp các thành viên trẻ nhưng có niềm đam mê nghiên cứu cũng là cách để các cây viết trẻ có môi trường trải nghiệm và sự khích lệ động viên cần thiết trên hành trình rèn luyện cho ngòi bút nghiên cứu trở nên chuyên nghiệp hơn.   
Tuy nhiên, sự trưởng thành nhất của ban trong những năm qua không chỉ ở sự phát triển đội ngũ mà còn ở tầm hoạt động và chất lượng chuyên môn bài viết. Những cuộc tọa đàm, hội thảo được mở ra với các phạm vi khác nhau: giới thiệu, nhận xét tác phẩm; đánh giá hoạt động của các ban chuyên môn, thậm chí chủ trì trong tổ chức hội thảo đánh giá hoạt động của Hội trong cả giai đoạn dài(2). Các chuyến đi thực tế về các địa phương trong tỉnh vừa mở rộng tri kiến thực tiễn, vừa tăng thêm tình cảm tự hào, tình yêu quê hương xứ sở. Các bài viết, nghiên cứu từng bước cũng hướng tới nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau. Nhiều bài viết tham gia các hội thảo quốc gia, quốc tế, đăng tải trên các tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành. Sách của thành viên Ban LLPB trong các năm qua được xuất bản khá thường xuyên, số lượng sách tham dự giải và đạt giải thưởng chiếm tỉ lệ lớn(3).  
Như vậy, đã có sự thay đổi cả về lượng lẫn về chất ở Ban LLPB trong nhiều năm qua. Để có kết quả đó là nhờ sự quan tâm rất lớn từ các cấp lãnh đạo tỉnh, sự tâm huyết, sát sao của lãnh đạo Hội và niềm say mê, dấn thân của các cây bút. Viết lý luận - phê bình chưa bao giờ dễ, viết cho có “lý luận” tức là nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng về VHNT vừa am hiểu lý thuyết văn chương và viết như thế nào để độc giả thích thú, chia sẻ thật khó lắm thay.
Song, thành công là ở quá trình. Nghị lực và niềm say mê sẽ giúp các cây bút kiên trì trên hành trình sáng tạo, mà những tố chất này thì người xứ Thanh dường như không thiếu.
                          

 Tháng 5-2024
                                                                                  HỎA DIỆU THÚY

(1) Hoàng Tuấn Phổ, bài “50 năm văn học Thanh Hóa - Lý luận phê bình”, Đề tài khoa học cấp tỉnh “Văn học Thanh Hóa nửa sau thế kỷ XX - Bước đầu nghiên cứu”, nghiệm thu 1999 của Hội VHNT Thanh Hóa, tr.123.
(2) Năm 2021, Ban Lý luận - Phê bình đã tổ chức Hội thảo “Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
(3) Chỉ tính trong khóa IX nửa đầu khóa X (7 năm), các thành viên Ban Lý luận - Phê bình xuất bản 14 đầu sách, tính giải thưởng VHNT hàng năm thì có 03 cuốn đạt giải A; 06 cuốn đạt giải B và 01 cuốn đạt giải C; 01 cuốn đạt giải của Hội đồng Lý luận Trung ương; 01 cuốn đạt giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Ấy là chưa tính các giải thưởng khác mà một số cá nhân đạt được khi tham gia sáng tác.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 158
 Hôm nay: 1188
 Tổng số truy cập: 8917290
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa