HỘI VHNT THANH HÓA MÁI NHÀ CHUNG ẤM ÁP, NGHĨA TÌNH
Lời BBT: Là những văn nghệ sỹ tham gia vào Ban Vận động thành lập Hội, đồng thời là hội viên khóa đầu Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa (1974), nhà văn Hà Thị Cẩm Anh và nhạc sỹ Văn Hòe đã miệt mài lao động không mệt mỏi trong hoạt động sáng tác của mình và đạt được những thành tựu được đông đảo bạn đọc và công chúng ghi nhận. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội VHNT Thanh Hóa (27-6-1974 - 27-6-2024), phóng viên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh có bài phỏng vấn đến nhà văn Hà Thị Cẩm Anh và nhạc sỹ Văn Hòe.
Phóng viên (PV): Lấy mốc là năm 1974 khi Hội VHNT Thanh Hóa thành lập, là hội viên khóa đầu chắc hẳn bà có nhiều kỷ niệm gắn bó với Hội lắm phải không ạ?
Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh: Nhớ lại những ngày còn nhỏ, vì nhà nghèo quá, nên khi học xong lớp 5 tôi đã phải bỏ học. Nhưng vì buồn, vì cơ cực quá nên tôi ngồi viết. Viết lúc ấy với tôi là một cách giải tỏa. Đầu năm 1963, nhà văn Nguyễn Thế Phương, nhà văn Lê Sĩ Oanh lên Cẩm Thủy công tác. Tôi thao thức cả đêm, ngay sáng hôm sau tôi đến tìm gặp và đưa truyện ngắn “Thím cò khoai” cho nhà văn Nguyễn Thế Phương xem. Sau đó nhà văn mang theo “Thím cò khoai” của tôi về tỉnh in ở Tạp chí Người bạn văn hóa (nay là Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh).
Năm 1967 tôi được điều động về công tác tại Ty Văn hóa, sau đó được cử đi học Trường bổ túc công nông ở huyện Ngọc Lặc. Sau khi học xong, năm 1972, tôi về làm việc tại Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ tỉnh. Năm 1973 tôi được theo học khóa VI Trường “Bồi dưỡng những người viết văn trẻ” của Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá, Hà Nội. Mừng là được đi học để biết đây biết đó, để mở mang đầu óc nhưng lại gặp toàn những tên tuổi lớn như: Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê,… Cũng may có nhà văn Nguyên Hồng và rất nhiều bạn bè như Đoàn Thị Ký, Phạm Hoa, Văn Đắc,… tôi mới không bỏ cuộc.
Năm 1974 tôi trở về công tác tại Hội Văn nghệ Thanh Hóa, đây cũng là năm thành lập Hội. Tôi được nhận công việc biên tập viên kiêm công tác phát triển hội viên miền núi và dân tộc của Hội. Năm 1975 tôi lập gia đình rồi sau đó gặp chuyện con nhỏ, chồng ốm đau, bệnh tật nằm suốt 6 năm rồi mất. Nếu không có sự giúp đỡ, động viên của các thế hệ lãnh đạo và các bạn đồng nghiệp, anh chị em văn nghệ sỹ thì tôi không thể vượt lên được hoàn cảnh khốn cùng. Tuy nghèo về vật chất, nhưng khi một người nào đó gặp hoạn nạn thì mọi người cùng chung tay giúp đỡ. Anh chị em văn nghệ sỹ thương nhau lắm.
Những kỷ niệm gắn bó cùng Hội, những tình nghĩa ấy tôi làm sao có thể quên được. Với tôi và rất nhiều anh chị em văn nghệ sỹ, Hội VHNT Thanh Hóa thực sự là mái nhà chung ấm áp, nghĩa tình.
PV: Sự nghiệp sáng tác của bà gắn với sự phát triển của Hội VHNT Thanh Hóa 50 năm qua đã đạt được những thành tựu gì? Bà còn những trăn trở gì ạ?
Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh: Con đường mà tôi đi đã phải chia thành hai chặng không mấy đều nhau. Chặng đường thứ nhất là thời gian công tác ở cơ quan Hội VHNT Thanh Hóa. Đây là thời gian lâu dài nhất, hơn ba mươi năm, nhưng tôi không xuất bản được cuốn sách nào cả mặc dù cơ quan luôn tạo ra cho tôi những cơ hội. Những khi có cơ hội là tôi lại ba lô con cóc ngược rừng leo núi. Qua những chuyến đi thực tế tại các huyện miền núi, vùng cao, tôi chỉ viết ký. Tính từ năm 1974 cho đến lúc tôi nghỉ hưu cũng được dăm ba chục cái ký. Chặng đường thứ hai tôi đi có ngắn hơn nhưng đã được trang bị vốn sống thực tế từ những năm lăn lộn đi miền núi. Từ năm 2000 đến nay, tôi đã xuất bản được hơn hai mươi đầu sách, bao gồm: Tám tập truyện ngắn; Sáu cuốn tiểu thuyết; Bốn tập truyện thiếu nhi; Bốn tuyển tập văn xuôi. Ngoài ra tôi cũng có sáng tác kịch bản Sân khấu, kịch bản Điện ảnh. Tôi đã được Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam; Hội VHNT Thanh Hóa và các Bộ, ngành, các báo ở Trung ương và địa phương tặng hơn 30 giải thưởng về Văn học nghệ thuật; được UBND tỉnh Thanh Hóa tặng 14 Bằng khen tính từ năm 2000 đến năm 2022;… Cũng từ năm 2015 đến 2023, đã có 5 giảng viên đại học và giáo viên trung học phổ thông làm luận văn bằng tác phẩm của tôi. Nhưng với tôi, những tác phẩm mà tôi đã viết được các Nhà xuất bản đón nhận và bạn đọc yêu mến, mới chính là nguồn cổ vũ tinh thần, là phần thưởng quý giá nhất.
Tôi biết là tôi chưa đi được đến đích và sẽ không bao giờ đi được đến đích cái nghề mà tôi đã đa mang suốt cả cuộc đời mình. Bởi vì khi còn sức lực, còn đam mê, tôi cũng đã phải lần mò, để tự tìm xem ở đâu là đích đến và làm thế nào để đi được cái đích xa vời vợi ấy. Trăn trở lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của tôi là tôi mong sớm hoàn thành tác phẩm mà tôi đang viết dở được hơn trăm trang. Đó là bộ tiểu thuyết cổ trang “Nàng Nga và Tạo Hai Mối” (gồm 2 tập), dựa theo truyện thơ cổ điển “Nàng Nga và Tạo (Đạo) Hai Mối” của dân tộc Mường chúng tôi. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Mường - Thanh Hóa nên từ lâu văn hóa Mường đã ngấm sâu vào tâm hồn tôi. Mỗi trang viết tôi luôn đau đáu một tình yêu và thái độ trân trọng trước những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.
PV: Bà có đánh giá như thế nào về sự phát triển của Hội VHNT Thanh Hóa, đặc biệt là nền văn học xứ Thanh suốt 50 năm qua và bà gửi gắm những mong muốn gì ạ?
Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh: Nhìn lại chặng đường 50 năm đã đi qua, Hội VHNT Thanh Hóa thực sự đã có một sự lớn mạnh, phát triển vượt bậc. Từ những ngày đầu mới thành lập chỉ chưa đến 100 hội viên, và hầu như rất ít hội viên chuyên ngành Trung ương; đến nay số hội viên của Hội đã không ngừng tăng và lên tới con số gần 500 hội viên ở 11 Ban Chuyên ngành, hơn nửa số hội viên của Hội là hội viên chuyên ngành Trung ương. Số lượng tác phẩm được công bố hàng năm khá dồi dào, đăng tải nhiều nơi từ địa phương đến Trung ương và cả nước ngoài. Nhiều tác giả đã đạt các giải thưởng của Trung ương và địa phương; đặc biệt Hội VHNT Thanh Hóa có 08 hội viên đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Chính vì có một thế hệ lãnh đạo tài năng, tâm huyết, biết phát huy tinh thần đoàn kết, khơi nguồn sáng tạo cho hội viên nên đã có một đội ngũ văn nghệ sỹ hùng hậu như thế.
Nền văn học xứ Thanh nửa thế kỷ qua vô cùng nở rộ, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền văn học nước nhà. Có một lực lượng tác giả văn học Thanh Hóa trưởng thành, được khẳng định, có tên tuổi trên văn đàn. Hằng năm, các tác giả văn học đã cho ra đời nhiều công trình, tác phẩm có giá trị, phản ánh kịp thời, sinh động đời sống văn hóa xã hội; làm nổi bật truyền thống lịch sử văn hóa của đất và người xứ Thanh, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, xây dựng quê hương đất nước. Bên cạnh những cây bút đã hơn nửa thế kỷ miệt mài sáng tác còn có những cây bút trẻ đang tiếp bước các bậc đàn anh, đàn chị, bậc cha chú trên con đường văn nghiệp. Lớp nhà văn thế hệ chúng tôi đang già đi, nền văn học xứ Thanh xin “trông cậy” vào những người viết trẻ.
Nhân đây, tôi cũng xin có một vài đề xuất nhỏ với Thường trực Hội VHNT Thanh Hóa, đó là: Cần quan tâm nhiều hơn nữa đến mảng văn học dân tộc thiểu số và đội ngũ người dân tộc thiểu số; Chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ để làm nòng cốt của văn học xứ Thanh hiện tại và sau này; Nên xây dựng một thư viện sách của Hội để lưu trữ các tác phẩm của văn nghệ sỹ các thời kỳ.
PV: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của nhà văn!
PV: Nhạc sỹ cho biết nguồn cảm hứng đưa nhạc sỹ đến với số lượng những tác phẩm đồ sộ?
Nhạc sỹ Văn Hòe: Tôi sinh ra tại xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Là con trai thứ hai trong gia đình Nho học nghèo. Gia tài của cả nhà tôi lúc bấy giờ có tới 6, 7 bao sách quý. Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã kế thừa truyền thống ham học của cha ông, hằng đêm bố dạy cho đọc sách, dạy cho tiếp cận và được bén duyên với âm nhạc từ bé. Có thể nói rằng, âm nhạc xứ Thanh từ xa xưa có những di sản truyền thống vô cùng quý báu, từ những làn điệu dân ca thắm đượm của vùng quê Đông Anh đến những điệu hò mênh mang sông nước. Đi nhiều nơi là thế nhưng điểm hội tụ quay về nơi gốc rễ sinh ra mình bao giờ cũng chộn rộn, thao thức trong trái tim tôi. Vì tự hào mình là người Thanh Hóa, tôi dành hầu hết 100 ca khúc của mình để viết về quê hương. Xứ Thanh - vùng đất địa linh, nhân kiệt với những giá trị lịch sử, văn hóa trải qua hàng nghìn năm đã góp phần hình thành tạo nên bản lĩnh, khí phách con người Thanh Hóa anh hùng, vượt lên gian khó để chiến thắng thiên tai và các thế lực thù địch nhưng thấm đẫm tính nhân văn và đức hy sinh xả thân vì nghĩa lớn, vì lợi ích và sự trường tồn của non sông, gấm vóc. Chính vì thế mà tôi luôn làm việc mà không màng vật chất. Âm nhạc là nguồn sống, là điệu tâm hồn, khi sáng tác được một câu hát, một điệu nhạc, con người bỗng trẻ trung hơn.
PV: Trong suốt quá trình sáng tác nay đã ở tuổi xưa nay hiếm nhạc sỹ còn điều gì trăn trở hoặc chưa làm được?
Nhạc sỹ Văn Hòe: Sau khi nghỉ hưu, tôi tập trung hiệu đính lại các độc bản và dị bản ký âm vô số những giai điệu cũ, các mô tả sinh hoạt múa hát còn thấp thoáng nơi này nơi kia để biên soạn thành những tổng phổ dày dặn cho thấy các sinh hoạt ấy vốn không giản đơn và quá mộc mạc. Tôi tìm hiểu tư liệu về các hình thức sinh hoạt hát xướng cửa đình, cửa phủ, các vũ điệu nơi đền miếu và ca nhạc sân khấu như hát đúm, hát ca trù, xường… đầy đủ rồi đấy, nhưng tôi chẳng còn sức làm, nhờ người đánh máy thì không biết nhạc, nhờ người có trình độ âm nhạc thì họ bận rộn nhiều thứ... Thôi đành để đó, rồi tính tiếp. Người già đang dần già đi, người trẻ am hiểu hò sông Mã còn quá ít. Tìm người để duy trì và có thể tiếp nối mạch văn hóa, âm nhạc của hò sông Mã không phải điều dễ dàng, đây là những rào cản lớn mà bản thân tôi đang trăn trở. Thêm nữa, hiện nay, chúng ta đang có sự ảnh hưởng bởi quá nhiều luồng âm nhạc hiện đại từ các nước, quá trình thâm nhập đó đang diễn ra từng giờ, từng phút. Do đó, để âm nhạc mang tính dân tộc “sống” được như khi chưa có các luồng âm nhạc hiện đại ấy thì đó là một điều không dễ dàng. Âm nhạc mang tính dân tộc là tiếng nói nghệ thuật của chính nhân dân. Nhân dân đã sáng tạo nó, nuôi dưỡng nó nhưng cũng có quyền loại bỏ nó nếu như việc khôi phục, bảo tồn, phát huy không được làm tốt.
P.V: Nhạc sỹ đánh giá thế nào về sự phát triển của nền âm nhạc xứ Thanh cùng Hội VHNT Thanh Hóa 50 năm qua?
Nhạc sỹ Văn Hòe: Theo tôi âm nhạc xứ Thanh đã có từ rất lâu, ngay từ thuở “bình minh” của loài người, âm nhạc đã xuất hiện. Âm nhạc xứ Thanh đã góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị to lớn của âm nhạc truyền thống đối với đời sống tinh thần tại địa phương cũng như hòa chung trong những chiến công của quê hương, đất nước. Kế thừa và phát huy giá trị di sản âm nhạc dân gian mà cha ông vun đắp, trao truyền, thế hệ cháu con hôm nay đã, đang và sẽ tiếp tục viết tiếp chặng đường phát triển của quê hương, đất nước bằng những lời ca, tiếng hát lay động lòng người, như ca khúc: “Chào sông Mã anh hùng” của nhạc sĩ Xuân Giao; “Thanh Hóa anh hùng” của nhạc sĩ Hoàng Đạm, “Nhịp cầu sông Mã” của nhạc sĩ Lê Xuân Thọ… Suốt chặng đường dài 50 năm qua gắn với sự phát triển của Hội VHNT Thanh Hóa, Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cùng Ban Âm nhạc, dù ở những hoàn cảnh khác nhau cùng với những điều kiện hoạt động khác nhau nhưng có niềm đam mê sáng tạo chung cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Chúng ta hãy đặt niềm tin vào lực lượng âm nhạc xứ Thanh hiện nay, những người trẻ được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp cùng với sự năng động, sáng tạo và nhạy bén họ sẽ đưa âm nhạc xứ Thanh tiếp tục đồng hành cùng với quê hương, đất nước trên chặng đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
Kỷ niệm ngày thành lập Hội VHNT Thanh Hóa sắp tới tôi rất xúc động, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi ngoảnh lại chặng đường 50 năm ấy. Những người gắn bó cùng với tôi từ những ngày đầu thành lập nay nhiều người đã về cõi vĩnh hằng. Sau 50 năm xây dựng và phát triển, từ 92 hội viên ban đầu đến nay Hội VHNT Thanh Hóa đã có gần 500 hội viên, đang sinh hoạt tại 11 Ban Chuyên ngành. Xác định con người là chủ thể sáng tạo, trên tinh thần quán triệt Nghị quyết Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Hội đặc biệt chú trọng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tác. Hội và cơ quan Hội thực sự là mái nhà chung ấm áp, đầy nghĩa tình của văn nghệ sỹ xứ Thanh. Và tôi tin tưởng rằng, với chủ trương đúng đắn của Hội suốt những năm qua thì cùng với thời gian sẽ có được những tác phẩm tốt. Văn nghệ sĩ không quan trọng ở giá trị giải thưởng cao hay thấp mà vấn đề chính là môi trường để tạo điều kiện cho những tác phẩm đó ra đời, hoặc là môi trường để có thể có được sự hưng phấn trong sáng tạo. Đó là công việc đi thực tế, đi tiếp xúc với thực tế lao động sản xuất, với những con người cụ thể, điển hình cụ thể. Và chính sự đãi ngộ, trân trọng đối với văn nghệ sĩ đó mới là chìa khóa để có những tác phẩm tốt.
PV: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của nhạc sỹ.
QUỲNH THƠM - LÊ TRANG