Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THANH HÓA NƠI ƯƠM MẦM, VUN ĐẮP TÀI NĂNG
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THANH HÓA NƠI ƯƠM MẦM, VUN ĐẮP TÀI NĂNG

Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) của Đảng ta đã nêu lên mục tiêu và những nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, văn học, nghệ thuật là một bộ phận rất quan trọng. Hội VHNT Thanh Hóa trong suốt 50 năm qua, thường xuyên được Tỉnh ủy Thanh Hóa, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam quan tâm. Tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ lãnh đạo Hội VHNT Thanh Hóa có tâm, có tầm và nhiệt huyết trong công việc phát triển Hội VHNT. Đồng thời Thường trực, Ban Chấp hành Hội VHNT Thanh Hóa cũng xây dựng được đội ngũ lãnh đạo 11 Ban Chuyên ngành là những hạt nhân có năng lực lãnh đạo, giỏi về chuyên môn, tâm huyết và yêu văn học nghệ thuật. Chính đây là nơi ươm mầm, vun đắp tài năng để hàng năm, danh sách các hội viên được kết nạp Hội VHNT được nối tiếp, nhiều tài năng chuyên ngành văn học, nghệ thuật được xưng tên, góp phần tích cực xây dựng mảnh đất Thanh Hóa ngày càng phát triển trên các lĩnh vực kinh tế và văn hóa. 
Hơn ba mươi năm trước, nhờ môi trường công tác ở báo Thanh Hóa, tôi được tiếp xúc và sau này học hỏi các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và nhà lý luận - phê bình thuộc đội ngũ hội viên Hội VHNT Thanh Hóa như: Hoàng Tuấn Phổ, Văn Đắc, Vương Anh, Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh, Cao Sơn Hải, Hoàng Anh Nhân, Đào Phụng, Đào Hữu Phương, Lưu Đức Hạnh, Huy Trụ, Đặng Ái, Mạnh Lê, Trịnh Ngọc Dự, Phạm Phú Thang, Trần Thị Liên, Nguyễn Văn Đệ, Lâm Bằng, Lê Xuân Giang, Lê Hai, Vũ Thị Khương, Hà Cẩm Anh, Cẩm Hương. Các tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ kể trên đều có điểm chung thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc, thủy chung; ý chí căm thù giặc ngoại xâm với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất. Đồng thời thể hiện tình thương yêu số phận con người sâu đậm, được trình bày, diễn đạt ở nhiều phong cách nghệ thuật và không gian, thời gian khác nhau với các tầng lớp ngôn ngữ phong phú, đa dạng, hấp dẫn, đưa con người đi về con đường Chân - Thiện - Mỹ. Tôi đã say mê những tác phẩm văn học của họ, các tác phẩm văn học trong và ngoài nước. Cũng từ đây tôi chẳng những ngưỡng mộ các nhà văn, nhà thơ các thế hệ, mà tôi còn mơ ước sẽ nỗ lực phấn đấu để có những tác phẩm văn học được bạn đọc gần xa biết đến, và tôi mong sẽ là thành viên trong ngôi nhà Hội VHNT Thanh Hóa.    
Trước khi là hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, tôi chỉ có điều kiện tiếp cận các tác phẩm VHNT trong và ngoài nước theo cảm hứng và yêu cầu thi cử đặt ra tại trường đại học, cho tới khi trong môi trường là hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, nhờ có kho sách của anh chị em đồng nghiệp, tôi mới có đường hướng, kế hoạch, sự đầu tư thời gian nghiên cứu sâu những tác phẩm văn học tiêu biểu của các nhà văn, nhà thơ. Để thực hiện ước mơ của mình, tôi đã nỗ lực học và đọc những tác phẩm văn học trong nước thời kỳ 1945-1946 (Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Ngọn quốc kì của Xuân Diệu, Vui bất tuyệt của Tố Hữu…); Từ cuối năm 1946 với thể loại truyện, tiểu thuyết và ký (Một lần tới Thủ đô, Trận phố Ràng của Trần Đăng, các truyện ngắn Đôi mắt, Nhật kí ở rừng của Nam Cao, truyện ngắn Làng của Kim Lân, tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, tiểu thuyết Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, truyện Tây Bắc của Tô Hoài,…). Đặc biệt ở thể loại thơ mang nhiều cảm xúc (Cảnh khuya, Rằm tháng Giêng của Hồ Chí Minh, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Tây Tiến của Quang Dũng,...). Ở thể loại kịch (Bắc Sơn, Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng,…); Giai đoạn 1955-1964 thể loại văn xuôi: Đề tài kháng chiến chống Pháp (Sống mãi với thủ đô, Cao điểm cuối cùng, Trước giờ nổ súng,…). Đề tài hiện thực đời sống trước cách mạng tháng Tám (Vợ nhặt, Mười năm, Vỡ bờ,…). Đề tài công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với sự đổi đời của con người (Sông Đà, Mùa lạc, Cái sân gạch,...); Giai đoạn từ 1965-1975 với chủ đề về tinh thần yêu nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng thể văn xuôi (Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Hòn đất của Anh Đức,…). Thể loại thơ có các tài năng như: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Bằng Việt… và hàng loạt các tác phẩm gây tiếng vang (Ra trận, Máu và hoa của Tố Hữu, Hoa ngày thường - Chim báo bão của Chế Lan Viên; Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm…). Thể loại trường ca như: Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu…; Thể loại văn xuôi của Lê Minh Khuê với tập Một chiều xa thành phố, Trần Đăng Khoa với bài thơ Thơ tình của người lính biển, trường ca Khúc hát người anh hùng; Thế hệ các nhà văn, nhà thơ viết tác phẩm sau chiến thắng 1975, kịch nói Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, Mùa hè ở biển của Xuân Trình,… Thơ tình của Xuân Quỳnh, và Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa, Những người đàn bà gánh nước sông… Cùng với nhiều tác phẩm văn học nước ngoài của Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Colombia,... Việc bổ sung kiến thức bằng tiếp cận nghiên cứu tác phẩm văn học tôi cho là phần cứng, nhưng việc thường xuyên tiếp cận với anh chị em văn nghệ sỹ đó là phần mềm rất quan trọng để tôi được học ở mỗi người bài học về tinh thần cần cù lao động sáng tác, nhân cách sống làm người trung thực và chí khí của một người cầm bút trung với Đảng, hiếu với dân, đặc biệt là rèn luyện cách viết, cách sống Chân - Thiện  - Mỹ.  
Nhờ may mắn, tôi đã đạt giải Ba cuộc thi không có giải Nhất của báo Văn nghệ tổ chức năm 1997 với truyện ngắn Mầm sống; giải Nhì cuộc thi thơ cuối thế kỷ do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức năm 1999 với hai bài thơ Tình mẹ và Trở về. Đây là tiền đề để tôi được kết nạp hội viên Hội VHNT Thanh Hóa năm 2000. Và sau nhiều cố gắng đạt các giải thưởng văn học của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông của Thanh Hóa, tới năm 2011 tôi được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. 
Trong nhiều năm qua, việc phát hiện, chăm lo, ươm mầm, vun đắp cho những tài năng văn học nghệ thuật luôn được Tỉnh ủy, Hội VHNT Thanh Hóa quan tâm thông qua việc Hội VHNT triển khai nhiều chuyến đi thực tế sáng tác văn học nghệ thuật tại các vùng miền trong và ngoài tỉnh, mở các cuộc thi sáng tác văn học trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, tổ chức các Giải thưởng VHNT hàng năm, Giải thưởng VHNT năm năm Lê Thánh Tông. Hội có nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh, họa sỹ đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi ảnh, mỹ thuật trong nước và quốc tế, nhiều nghệ sỹ đạt huy chương Vàng, Bạc tại các cuộc liên hoan nghệ thuật toàn quốc… Nhiều tài năng VHNT của Hội đã đạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT như: Nhà nghiên cứu Minh Hiệu, nhà văn Kiều Vượng, nhà thơ Vương Anh, nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, NSND - nhạc sỹ Hoàng Hải, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ.
Các hội viên Hội VHNT Thanh Hóa luôn có một khát vọng mãnh liệt là làm sao để có tác phẩm VHNT đỉnh cao, xứng tầm với mảnh đất địa linh nhân kiệt, với lịch sử hào hùng của cha ông trong quá khứ, sức vươn mình mạnh mẽ phát triển của tỉnh lên top đầu cả nước trong tương lai. Để có những tác phẩm đỉnh cao phải chăng tác phẩm đó phải chứa đựng hơi thở thời đại?! Văn chương, nghệ thuật có sự khác lạ là tài năng phải làm nên những dòng văn chương chấn động trái tim bạn đọc. Có những nhà thơ tài năng chỉ có một bài thơ hay một truyện ngắn cũng làm nên cái tên và tác phẩm đi cùng năm tháng, ví như bài thơ Khắc đá của tác giả Lê Bá Dương ở bờ Nam sông Thạch Hãn, ngay thành phố Đông Hà chỉ bốn câu:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
Chỉ có bốn câu thơ mà có sức lay động tâm can, thức tỉnh lương tri con người phải biết thương con người kể cả khi họ đã chết, với vô vàn những cái chết cho người còn sống để người đang sống “Sống sao cho khỏi sống hoài, sống phí” (ý của nhân vật Paven Coocsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Ostrovski).
                                                                                            

VIÊN LAN ANH


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 264
 Hôm nay: 1994
 Tổng số truy cập: 9244161
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa