Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Hà Khang - Thơ như vẽ, những hình thơ dung dị về kháng chiến ở liên khu Bốn
Hà Khang - Thơ như vẽ, những hình thơ dung dị về kháng chiến ở liên khu Bốn

Thi họa là câu chuyện ngàn đời của thơ ca và hội họa, trong thơ có họa, trong hội họa có thơ. Nguyễn Tuân từng nói “Con nghĩa phải chạy theo con chữ”. Nhưng với lối thơ như vẽ và những hình thơ dung dị có thể tạo nên những xúc cảm thơ cũng không kém phần dung dị của bác Hà Khang thì cũng xin được nương theo mà nói thẳng ra rằng “Hình thơ, màu thơ và xúc cảm thơ cũng phải chạy theo con chữ”. Vì dung lượng có hạn nên chỉ dẫn mươi hình thơ dung dị của bác Hà Khang để minh chứng cho điều đã biện dẫn.
Gió lên
Gió uốn ngọn cờ 
Nghìn ngày kháng chiến gặp mùa lúa chiêm.
Kìa đoàn chiến binh đi trong gió thung gió đồng, ngọn cờ uốn theo sóng gió, đi hết nghìn ngày, ba năm kháng chiến, ngỡ ngàng gặp một mùa chiêm, óng vàng sắc lúa lưng trời. Cảnh tượng huy hoàng như trong huyền tích. Chữ “uốn” trong câu cực vi diệu, phải là gió thung gió đồng, phải là “chờ gió lên, cho thuyền về ớ xuôi” thì ngọn cờ mới uốn theo các con sóng của gió. Sóng cờ trên sóng lúa, có lẽ đến tôi cũng phải dùng tới cây cọ panhso mới có thể vẽ nổi ngọn cờ uốn theo gió và những đợt sóng nổi như cồn này của bác.
Người lính Thanh
Áo phanh trước bãi biển
Quỳ chân bên sóng mài đại đao
Biện Sơn bọt trắng cù lao.
Biện Sơn nay là xã đảo Nghi Sơn, trước là cù lao nay thành bán đảo. Hình tượng người lính xứ Thanh ngực phanh trước biển, quỳ trên sóng mài đại đao trên nền trời, nền biển tung trào bọt trắng cù lao; vạm vỡ, ngang tàng, đầy khí phách kiêu hùng trong không gian biển trời kỳ vỹ mà bác đã tạc ra chỉ bằng vài ba nhát công tua. Đến giờ vẫn ớn lạnh sống lưng vì chữ “phanh” của bác, thảng đâu đây hồn thơ Quang Dũng, Hữu Loan một thuở ngang tàng.
Nhìn lên La Hán
Núi cong nắng mường
Ngả mô đậm lá chiều sương
Mấy con lẵng dọc nối đường bến xuôi.
Hình thơ này không chỉ dung dị mà còn cực kỳ bản địa, ban đầu không tài nào hiểu nổi “mấy con lẵng dọc” là cái quái gì mà lại nối đường bến xuôi, tra từ điển Tiếng Việt mòn mắt cũng chẳng ra, đành cậy nhờ mấy ông văn hóa, văn nghệ ở Cành Nàng - Bá Thước mới tạm vỡ ra rằng đấy là những bờ mòn do người đi quanh co men dọc theo suối khe ra bến phà La Hán mà thành. Vì thế nên nhà thơ mới gọi là những con lẵng dọc. Vậy đấy thơ hay họa càng thẫm màu bản địa thì càng dung dị và lung linh. Một cảnh núi rừng trong chiều xanh đậm lá, ngả sương, ráng chiều phủ lên dáng núi, bóng núi bẻ cong nắng mường, mấy con bờ mòn uốn dọc suối khe núi đồi nối về bến xuôi đẹp đến nao lòng. Ghê gớm làm sao cái chữ “cong” trong câu thơ “Núi cong nắng mường” lạ thường và đầy xúc cảm.
À ơi
Lính về ngủ đỗ nhà tui
Sáng trăng hát chuyện trăng soi bóng cờ.
Này xem đêm trăng lính về ngủ đỗ sân nhà, trên sàn dưới chiếu hát hò huyên náo, chuyện trò râm ran, tưng bừng lửa hội, trăng soi bóng cờ. Cảnh tượng sao mà thân thương, lộng lẫy và huy hoàng đến vậy. Giờ thì ít người biết và dùng chữ “đỗ” trong từ ngủ đỗ. Chim về ngủ đỗ cây vườn - Lính về ngủ đỗ nhà tui. Thật ấm nồng tình quân dân xứ này!
Non chằm nắng lúa vương vương
Thấy hề nắng lúa theo đoàn quân đi.
Núi chằm xuống, núi thẫm đi, núi dần khuất nẻo ngàn xa. Lúa đồng, lúa nương vương vương nắng chiều. Ơ kìa nắng, lúa cũng vấn vương, nắng nương sóng lúa theo đoàn quân đi, diết da và nồng thắm đến vậy. Chữ “chằm” thật lạ và đẹp, hỏi giờ còn mấy ai đã biết để dùng và dám dùng không nhỉ, người xưa ơi người xưa.
Bữa cơm vội bên đèn
Ngỡ ăn lầm máu giặc
Nắng đỏ chiều sông Gianh.
Đây là một tứ thơ kỳ dị, khủng khiếp nhất của bác Hà Khang. Ngỡ ăn lầm máu giặc, ghê gớm đến thế là cùng. Nhìn cái ánh đỏ của nắng chiều sông Gianh, phả vào bát cơm ăn vội bên cái đèn dầu mờ ảo, mà ngỡ ăn lầm máu giặc thì kinh hãi biết nhường nào. Cuộc chiến đấu cam go, ác liệt, sinh tử, đã làm lóa mắt người ư. Không, không thể vậy, chỉ có thể là sự hờn căm kẻ ác thù, tàn hại dân lành trong một chiều sông Gianh đỏ nắng, đỏ lửa binh đao, mới có thể có một hình thơ và xúc cảm thơ như thế. Đây cũng chính là một minh chứng điển hình cho việc hình thơ dung dị tạo nên xúc cảm thơ cũng không kém phần dung dị của bác Hà Khang.
Đôi bóng lính thay canh trên ruộng tối
Chân vấp phải đầu lâu bên dứa dại
Giờ thì tôi mới vỡ ra rằng - Bác gái Nguyễn Thị Kim vợ bác Phạm Văn Đôn (Cả hai đều là họa sỹ tài danh) hồi ở Khu Bốn có nói rằng “Ông Hà Khang vẽ thơ kinh sợ vãi cả linh hồn” là có cái lý của nó, bác chẳng có nói chơi đâu. Thử hình dung xem cảnh tượng một đêm không trăng không sao, nhá nhem trên ruộng tối, đôi bóng lính thay canh có người thình lình vấp chân phải cái đầu lâu người trên bờ dứa dại hãi hùng và xót xa, bạt vía kinh hồn, chân thật đến rợn lòng. Ôi giờ thì mấy ai còn biết đến cái thời “Bình Trị Thiên khói lửa” xa xôi ấy. Ở đây cũng xin có đôi nhời về chữ “vấp”. Ca dao Việt ta có câu “Đi đâu mà vội mà vàng/ Mà vấp phải đá mà quàng phải dây”. Chữ “vấp” chỉ là một lời quở trách nhẹ nhàng, nhưng lính thay canh mà chân vấp phải đầu lâu bên dứa dại thì lại khác hẳn, bất thình lình, vô tình mà vấp, lại vấp phải đầu lâu người chết ngóc lên trên bờ dứa dại. Chữ “vấp” dùng ở đây vừa đắc địa vừa kỳ dị tạo xúc cảm thơ khác lạ vô cùng. Thế mới biết các bác ngày xưa dùng chữ hay đến độ nào.
Ngó tề
O tê vác bọc thuốc chè
Chạy đi ủng hộ lính đi giúp Lào.
Ngó tề - O tê - lại có chuyện lạ về việc vẽ thơ của bác rồi đây. Ở hình thơ này họa sỹ thơ lại chuyển sang ký họa bằng than tre, chứ không phải than chì đâu nhé. Màu nước không phải là acoren mà phẩm nghệ, phẩm hoa giành giành đấy, thẫm màu bản địa mà. Hình thơ ở đây cũng cực kỳ giản dị. Đoàn lính liên khu hành quân về phía núi đi giúp bạn Lào đã rời xa lũy tre cuối thôn làng, có người lính ngoái đầu nhìn lại, rồi bỗng hô to ngó tề, ngó tề anh em ơi - ngó tề, o tê. Hình ảnh o thôn nữ vác trên vai bao thuốc lào và mấy đọi chè xanh chạy đuổi theo đoàn quân để ủng hộ thuốc, chè. Áo nâu quần thâm, má đỏ hây hây, lấm tấm những giọt mồ hôi mới đẹp đẽ và dung dị đến tuyệt vời. Thật đúng tình “cá nước” quân dân.
Rằng nghe Bình Trị Thiên
Mùa chiêm toàn lính gặt.
Đây là câu thơ đầu của bài “Có một mùa chiêm” của bác Hà Khang. Thoạt nghe ngỡ bác ở Thanh cảm hứng mà viết bài này. Không phải vậy đâu Bác đăng vệ quốc đoàn từ tháng mười năm bốn sáu, chiến đấu cùng với Nguyễn Bính và Hữu Loan ba năm ở Bình Trị Thiên, đến cuối năm bốn tám mới về Thanh. Vậy chắc chắn bác phải là chứng nhân. Bác vẽ thơ trực họa đấy chứ, hình thơ này có vẻ như là tranh lụa. Này xem vụ chiêm ở Bình Trị Thiên thôn xóm tiêu điều, dân lành tan tác, chạy giặc không còn một ai. Trên cánh đồng lúa chiêm toàn lính gặt. Một gam màu vàng như lụa, cánh đồng mùa chiêm lúa chín óng vàng như tơ, nhấp nhô toàn áo lính sợi đôi ngả màu vàng cỏ úa, nắng chiều vàng nhè nhẹ, phủ khắp không gian mây trời non nước, óng ả một màu vàng huyền ảo. Thế có tài không, chỉ hai câu thơ mà thành một tác phẩm tranh lụa. Bác Hà Khang của tôi ơi, sao mà bác tài tình đến thế.
Sợi đôi áo bợt mầu chưa
Mà nghe hát rộn chiến khu
Nghìn ngày kháng chiến
Gặp mùa lúa chiêm
Áo anh xanh nắng lúa em vàng mùa.
Khổ thơ kết của bài “Nghìn ngày kháng chiến gặp mùa lúa chiêm” chính là bức tranh sơn dầu toàn bích về những ngày kháng chiến ở Liên khu Bốn của bác Hà Khang. Hình thơ này buộc phải vẽ bằng chất liệu sơn dầu mới xứng tầm nghìn ngày, ba năm kháng chiến, gặp mùa lúa chiêm. Múa hát tưng bừng, rộn rã chiến khu, thóc lúa đầy bồ dân về xóm cũ, áo lính bợt mầu, dãi dầu sương gió, quân dân mơ màng, áo anh xanh nắng, lúa em vàng mùa, gió uốn cờ sao, trời thu trong vắt. Thơ mà vẽ được như thế còn gớm ghê hơn cả họa nữa ấy chứ. Sức diễn của con chữ quả vô cùng dung dị, khi nhà thơ đã ngõ hầu chạm tới bờ giác ngộ.
Tôi không hề có ý tôn vinh bác Hà Khang của tôi như một nhà thi họa kỳ tài. Nhưng như bài kệ của Hương Hải thiền sư:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Dịch nghĩa:
Nhạn bay ngang trời
bóng chìm nước lạnh
nhạn không ý lưu dấu
nước cũng không tâm lưu hình
Thế mà nhạn cứ bay thì bóng lại in đáy nước. Bác Hà Khang của tôi chắc cũng vậy thôi. Thơ như vẽ của bác mãi mãi sẽ in sâu, khắc sâu trong tâm thức của những người yêu thơ không riêng ở xứ Thanh.
                                                                           

 Thành phố Thanh Hóa
                                                                                      Nguyên tiêu Giáp Thìn 

                                                                                             NGUYỄN VƯỢNG

Những câu thơ trong bài viết được rút từ hai bài thơ “Có một mùa chiêm” và “Nghìn ngày kháng chiến gặp mùa lúa chiêm” của Hà Khang năm 1946 và 1948.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 119
 Hôm nay: 6366
 Tổng số truy cập: 8941983
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa