Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Sợi nắng một tập thơ giàu gợi nghĩ
Sợi nắng một tập thơ giàu gợi nghĩ

“Sợi nắng” là tập thơ thứ năm của nhà thơ Bùi Khắc Viên (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa). Bùi Khắc Viên là người con của đất Trạng Quỳnh, Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, vùng quê giàu truyền thống hiếu học và khoa bảng. Anh đến với thơ bằng niềm đam mê như một sự trả nợ với cuộc đời, với đồng đội. Anh xuất thân từ người lính đã từng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng nơi thành cổ Quảng Trị. Khi đất nước thống nhất, trở về với đời thường, cựu chiến binh Bùi Khắc Viên nhớ về đồng đội, người còn, người mất, họ đã hiện diện trong thơ anh bằng hình ảnh thật đẹp, thật cảm động. Con tim nghệ sĩ trong anh rạo rực nhịp đập, đắm say trước tình đời, tình người. Cái đẹp của thiên nhiên, tạo vật đã mê hoặc tiếng lòng trong thơ anh. Trước hết, qua tập thơ, ta thấy ngôn ngữ hình tượng trong thơ Bùi Khắc Viên thật đa thanh, phức điệu. Một hồn thơ neo đậu và cắm sâu trong lòng bạn đọc.
Trong tiến trình đổi mới, hòa vào dòng chảy nghệ thuật thơ cả nước, các nhà thơ xứ Thanh cũng không ngừng tìm tòi, sáng tạo để tự làm mới thơ mình từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Là cựu chiến binh thời kì chống Mỹ, đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, thơ của Bùi Khắc Viên những năm gần đây được giới chuyên môn đánh giá có nhiều đổi mới. Thơ anh mới ở ngôn từ, cách diễn đạt ý tưởng và lập tứ. Sự nghiệt ngã của nghệ thuật ngôn từ đặt ra thử thách cho thơ nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung, đổi mới hay là chết. Anh đến với thơ trước hết là để giãi bày, giải tỏa những ẩn ức, những nghiệm suy về con người và cuộc sống. Dù nói đến điều gì, thơ anh cũng trở về với mái nhà của đồng đội, những tháng năm cầm súng đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Qua các tập thơ trước, cũng như tập thơ này, người đọc dễ nhận ra giọng điệu riêng xác lập nên phong cách thơ của anh. Ngôn từ trong thơ không ưa làm duyên làm đẹp, không giũa gọt chữ nghĩa mang tính khuôn sáo. Thơ anh tránh cách diễn đạt rườm rà, mà hàm ngôn, đa nghĩa, thơ của người lính. Nhà thơ Lê Đạt nói: “Thứ vân tay của nhà thơ, không lẫn vào số đông. Khuôn mặt thứ hai của thơ mang đậm tính nhân bản”. 
Vâng, chỉ là “Sợi nắng” thanh nhã, tưởng như rất mong manh vậy mà bền chặt bởi cảm xúc chủ đạo về con người, cuộc đời, tiếng nói về quyền con người. Sợi nắng của thời đạn bom, vượt qua cái chết vẫn lãng mạn, bay bổng. Thơ đạn bom và thơ hòa bình, máu và hoa, sống và chết, đan cài dằng níu trong thơ. Nhà thơ lấy bài thơ “Sợi nắng” đặt tên cho cả tập thơ.
Cái đẹp của nghệ thuật thơ trước hết thuộc về ngôn từ. Ngôn từ bồi đắp nên thi ảnh đem lại nhã thú cho người đọc, Bùi Khắc Viên đã làm được điều đó. Trong bài “Sợi nắng”, anh viết: “Đêm hành quân viết trên nắp ba lô/ Câu thơ gửi em treo lên nòng súng/ Viên đạn nằm yên, bom pháo lặng yên/ Chỉ có tiếng em chiều đồi hoang sim tím/ Anh dấu em vào sợi nắng hoàng hôn”. Thơ thời chiến được phủ lên xúc cảm lãng mạn, bay bổng. Chiến tranh dường như lùi xa nhường chỗ cho tình yêu, lời hò hẹn gái trai. Trước cái đẹp, bộ mặt gớm ghiếc của chiến tranh phải im lặng. Máu phải nhường cho hoa, tình yêu lên ngôi làm dịu mát tâm hồn. Khát vọng lứa đôi sẽ giúp cho người lính vững vàng đôi chân trên con đường trận mạc đầy vất vả, hy sinh. 
Những câu thơ giàu chất lính nhưng cũng được mềm hóa trở nên rất đỗi đời thường: “Gác cây súng/ Đời áo nâu chân đất/ Điểm rơi ta trồng lúa ươm hoa/ Nơi tiếng xung phong dựng những ngôi nhà/ Đêm đêm trăng treo đầu võng/ Câu Kiều bà nựng ầu ơ” (Chất lính). Đất nước có giặc, người trai ấy mặc áo lính, cầm súng bảo vệ non sông; hòa bình, bàn tay ấy lại cầm cày cầm cuốc làm lụng kiếm sống. Vầng trăng, câu Kiều bà ru cháu ầu ơ là biểu tượng của khát vọng hòa bình muôn đời. Chiến tranh rồi sẽ qua đi, xoa lành vết thương là vầng trăng dịu hiền, câu Kiều ru hồn dân tộc. Người lính ở hai thời điểm: Chiến tranh và hòa bình. Chiến tranh đồng nghĩa với cái chết lạnh lùng, hòa bình của hoa lá, mùa xuân cây trái. Người lính đã đi qua chiến tranh, từng đối mặt với cái chết, hẳn là nhà thơ thấm thía điều đó. Yêu hòa bình, căm ghét chiến tranh làm nên giá trị nhân bản cho thơ. Giáo điều và hình thức vô tình giết chết hình tượng thơ, cũng như dẫm lên bước chân của người đi trước hoặc lặp lại chính mình, người thơ rất kị điều đó. Con chữ trong thơ Bùi Khắc Viên lấp lánh hình tượng, giàu thi ảnh, vừa truyền thống vừa hiện đại: “Hạnh phúc trong câu thơ trở về quá khứ/ Giếng đêm trăng người tắm áo chưa cài/ Có bóng ai đậu vào trong ánh mắt/ Gió bay bay mái tóc một dòng trôi/ Hạnh phúc trong câu thơ rất đỗi nhỏ nhoi/ Cho đôi chim sẻ tối gọi nhau về tổ/ Cho ai chờ ai con đường nho nhỏ/ Hương lúa đồng còn vương cọng rơm phơi” (Hạnh phúc đi tìm). Hạnh phúc thật giản dị. Trái tim tuổi trẻ ngập tràn trong tình yêu thương, đắm say hò hẹn. Cuộc đời đẹp nhất khi ta còn trẻ, được dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, sống với người mình yêu, hít thở hương đồng gió nội. Nhỏ nhoi nhưng đó là hạnh phúc. Thơ còn chạm đến thiên chức của người cầm bút, chữ nghĩa trong thơ phải mang hồn cốt quê hương, phập phồng hơi thở của sự sống. Bước chân người nghệ sĩ in dấu trên những nẻo đường, nơi đạn bom khói lửa, nơi bão tố dập vùi, đến với ruộng đồng lấm láp. Thơ lắng dịu những khát khao riêng tư rất con người. Người thơ suốt một đời đi tìm cái đẹp để dâng hiến cho đời và đó chính là hạnh phúc của người cầm bút. 
Trong cái khốc liệt của cuộc chiến, không thiếu những hình ảnh mềm mại, duyên dáng. Lãng mạn hóa đau thương là phong cách phổ biến trong thơ viết về người lính, Bùi Khắc Viên không phải là ngoại lệ. Ảnh hình người con gái bên suối đã làm dịu mát tâm hồn người lính, khát vọng đời thường, chính đáng của con người. Nhà thơ thấu cảm, người lính không phải là khối sắt thép chỉ biết cầm súng, mà người lính cũng giàu trái tim yêu thương, khát khao rất bản năng của tuổi trẻ: “Qua con suối mơ bóng hồng đứng tắm/ Nụ cười ai xao động cả rừng xanh/ Cành lá chua chia đều cho cơn khát/ Đêm trở mình trăng đậu giữa lòng thung” (Đêm hoài niệm). Cảm xúc này chợt nhớ câu thơ trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Hai dòng thơ cùng đan cài: thơ lửa cháy và thơ tươi xanh, chiến công và đời thường, riêng tư làm cho thơ đẹp đẽ và sang trọng hẳn lên. Người lính vào mặt trận đối mặt với cái chết và trái tim rung động trước cái đẹp. Trái tim yêu đời, ham sống và rất con người. Nhà thơ nghĩ suy về chiến tranh bằng cái nhìn biện chứng, với những gì thuộc về hoàn cảnh lịch sử. Những mất mát hi sinh đã lùi xa, vết thương lòng được thời gian xoa dịu, giờ đây là gắn kết lòng người, hòa hợp nhân dân, kiến tạo và dựng xây: “Dưới chúng ta tất cả đậm yêu thương/ Hai sắc lính hòa chung dân tộc/ Không giới tuyến hết rồi thù hận/ Vị vua Hùng bắt nhịp khúc dân ca” (Gửi về quê cũ). Một dân tộc chuộng yêu hòa bình, mong mỏi chấm dứt chiến tranh, yêu ruộng đồng, cần cù lao động. Hai chữ “đồng bào” thiêng liêng và âm vang. Anh nhìn xa hơn, đất nước thời hậu chiến còn nhiều gian nan. Đất nước giàu truyền thống nhân văn, thiên nhiên tươi đẹp, con người cần cù, yêu thương. Song, vẫn còn đó những bất công ngang trái, nạn tham nhũng hoành hành. Bằng nhãn quan tích cực, nhà thơ nhìn sâu hơn, tin tưởng vào tương lai tươi sáng: “Mong bốn mùa lúa tốt thơm hoa/ Chiều lam khói tỏa nếp nhà lời ru”. 
Thi ảnh đẹp thúc đẩy, gia tăng hàm lượng thơ. Đó cũng là thế mạnh của thơ Bùi Khắc Viên. Anh biết chớp lấy những thi ảnh gợi ám để giãi bày, đồng cảm: “Anh lính biên phòng gùi trăng về bản/ Trăng soi chín bậc cầu thang/ Đêm bản nhỏ bập bùng lửa trại/ Em gái Lăm-tơi ánh mắt chung chiêng/…/ Đêm đêm núi vọng “khó khăn khắc phục”/ Em bảo chim rừng hát “bắt cột trói cô”/ Con suối nhỏ chiều nay bến tắm/ Có người nhìn trộm một đường cong” (Chín bậc tình yêu). Tình quân dân nồng thắm, người lính biên phòng với bản làng như người một nhà. Và riêng tư hơn là tình trai gái mà tuổi trẻ thời nào cũng có. Người lính trên đường biên, ngày đêm không rời tay súng, sáng mắt, sáng lòng bảo vệ biên cương, khúc ruột Tổ quốc, vẫn gửi thương trao nhớ nồng nàn về các cô gái bản. Không gian bản mường thoáng đãng, thơ mộng gợi cảm giác lãng mạn, các cô gái bản làng dịu dàng tình tứ trong điệu khèn, tiếng hát làm cho người lính mê đắm. Đồn biên phòng cheo leo nơi đỉnh trời biên giới, địa bàn dài rộng, lực lượng mỏng, nếu không có tai mắt của dân bản thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ, “thế trận lòng dân” là vậy. Viết về người lính, thơ cựu chiến binh Bùi Khắc Viên tung tẩy hơn, khoáng hoạt hơn. Những tháng năm trận mạc đã hun đúc trong anh niềm xúc cảm về đồng đội, chất lính trong anh trỗi dậy: “Thơ của lính/ Lính làm thơ/ Là tiếng gọi mẹ ơi!/ Khi dính đạn trận tiền/ Là tiếng gọi em/ Khi qua đồi hái sim tím/ Khi cánh phong lan ngắt cài nắp ba lô/…/ Phía bên nào cũng lính phải không em” (Thơ của lính). Người lính cầm súng và cũng rất lãng mạn yêu đời, làm thơ, hái hoa. Trước cái chết cũng rất con người, gọi từ biệt mẹ, người yêu. Thương đồng đội hi sinh, thương cả người lính phía bên kia chiến tuyến, cảm xúc thật nhân văn, cao cả. Họ cũng là con người, sau lũy tre, có mẹ già, có người bạn gái quê nhà đang ngóng đợi. Nhà thơ nhìn thẳng vào sự thật trần trụi của chiến tranh, những mất mát, thương đau dành cho cả hai bên. Những người lính không trở về, thân xác họ đã bị vùi lấp nơi chiến hào, để lại quê nhà mẹ già, vợ trẻ góa bụa: “Lính ngã xuống mẹ thắp nhang cháy ngược/ Em bên sông hoa cải trổ ngồng/ Núi lại dựng chồng lên dáng núi/ Đâu đây thêm dáng núi Vọng Phu”. 
Biên cương hay hải đảo, đều là ngôi nhà thứ hai của người lính. Trong giờ phút giao thừa thiêng liêng, đón xuân mới, người vợ hậu phương ngóng ra đảo xa, nơi có người thương đang đêm ngày bảo vệ biển đảo, núm ruột thiêng liêng của Tổ quốc. Những câu thơ mượt mà, mềm mại: “Đông sắp qua/ Em ngồi trông ra đảo/ Xuân đang về/ Anh đứng nhớ miền quê/ Đồng sắc nắng/ Lúa xanh mùa con gái/ Biển đêm trăng/ Đảo khát tuổi trai yêu” (Sóng giao thừa). Cả nước hướng về biển đảo, trong đó có em. Con sóng trườn qua mọi bờ bãi, vầng trăng dịu hiền chung miền thương nhớ. Hậu phương sau lưng anh là bệ đỡ giúp người chiến sĩ vững tay súng nơi biên viễn xa xôi. Kẻ thù ngày đêm rình rập xâm chiếm, biển đảo không giây phút nào bình yên, từng giây từng giờ bỏng rát. Nơi tiền tiêu Tổ quốc, người lính được cả nước tin yêu và những người vợ hiền chốn quê nhà gửi tới trăm nghìn yêu thương: “Anh nơi phía biển Đông/ Canh từng con sóng lạ/ Đêm em trang giáo án/ Gửi tới vầng trăng xa” (Cô giáo nhỏ).
Trong khi không ít nhà thơ loay hoay cách tân thơ bằng những thủ pháp thay đổi hình thức thơ hoặc diễn ngôn một cách xa lạ với sự hiểu và cảm của bạn đọc. Thơ trở nên khó đọc, lạ hóa, xa rời truyền thống dân tộc. Nhà thơ Bùi Khắc Viên vẫn thủy chung đi về với thơ truyền thống, với điệu hồn dân tộc. Anh quan niệm, văn chương nói chung và thơ nói riêng phải đậm đà tính dân tộc, nói lên tâm hồn, điệu sống của đại bộ phận nhân dân. Thơ anh có độ nén cao, thường không dài, những bài ngắn đẹp như bức họa bằng ngôn từ, các bài: Tuổi thơ, Bóng dừa, Giậu mồng tơi, Tìm lại ngày xưa, Mênh mông, Cái dải yếm mềm… viết về thời trai trẻ, những hẹn hò, giận hờn vu vơ: quê nghèo rơm rạ, ngõ quê dăng mắc kỉ niệm, hàng dừa soi bóng chải tóc xuống ao quê. Tình quê ân nghĩa đậm sâu, nhớ những đêm trăng cùng chú dế mèn tuổi thơ. Cảnh quê, hồn làng, cây đa bến nước, sân đình, nghĩa mẹ tình cha nặng sâu. Những câu thơ mênh mang âm điệu của ca dao, dân ca: “Đêm qua anh nợ nần em/ Cái dải yếm mềm trăng vắt sang vai/ Vội chi lệch áo anh cài/ Sáng con chim khách mách ai thẹn thùng” (Cái dải yếm mềm). Thơ có tính phát hiện thú vị: “Em đánh rơi mắt xanh soi đáy giếng/ Anh thả gầu vớt được cả trời thu” (Giếng quê). Từ quê ra đi, rời quân ngũ, định cư ở thành phố, Bùi Khắc Viên khi nào cũng đau đáu về quê: “Tôi có miền quê bát ngát cánh đồng/ Đêm trăng nghe bà ru cháu/ Mẹ đội nón mê che trời nắng hạ/ Áo tơi cha ấm đủ hết mùa đông/ Tôi có lời yêu em hẹn đợi tôi về/ Có lũy tre làng nghe bầy chim hót/ Bà giã cơi trầu bóng diều tiếng sáo/ Ông ới chiều vui đọi nác chè xanh” (Quê choa). Hồn vía quê hiện về dịu êm trong tâm hồn. Cánh đồng làng mênh mông nuôi những cánh diều no gió, lúa khoai no đủ xóm làng. Cái tiếng quê chẳng lẫn vào đâu, dòng sông mềm như dải lụa ôm ấp xóm làng, tiếng bổng trầm bà ru cháu, lũy tre làng mát rượi rủ bóng giữa trưa hè, cổng làng xưa hò hẹn đêm trăng… Phải là người yêu quê, thao thiết với quê mới viết về quê sâu nặng đến thế. Anh có cách ấp ủ quê vào trong ngăn kí ức ăm ắp nghĩa tình. Hình tượng mẹ lồng lộng, mẹ tóc pha sương ngồi ngóng chờ những đứa con xa, mẹ đẹp như cánh đồng lúa chín, lòng mẹ đầy như khúc sông quê. Mẹ khắc tạc vào thơ anh, mẹ của riêng anh, mẹ của quê hương đất Việt, rưng rưng, thiêng liêng. 
“Sợi nắng”, tập thơ mỏng chưa đầy một trăm trang nhưng lại rất dày dặn về chất lượng nghệ thuật. Người lính đi qua trận mạc, bây giờ là nhà thơ quê hương giàu chiêm nghiệm, đến cái tuổi thấu hiểu lẽ đời. Câu chuyện chữ nghĩa là cả một con đường dài đầy gian nan, khổ ải, mong nhà thơ vẫn giữ được chất men say, lòng đam mê với thơ. Thơ anh giàu cảm xúc và thi ảnh, ẩn dụ, liên tưởng thú vị, tư tưởng tình cảm sáng và đẹp, khơi gợi lòng lạc quan, yêu quý cuộc đời. Có thể khẳng định, nhà thơ Bùi Khắc Viên đã có những đóng góp không nhỏ giúp cho thơ xứ Thanh ngày càng đa dạng và giàu có hơn.
                                                                                 

        3-5-2024
                                                                                           LÊ XUÂN TOÀN


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 83
 Hôm nay: 7
 Tổng số truy cập: 8942243
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa