Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nguyên Như và hành trình “đứng trên mũi tự do tìm cội rễ mặt trời”
Nguyên Như và hành trình “đứng trên mũi tự do tìm cội rễ mặt trời”

BÙI HƯƠNG THẢO

Ai đã từng đọc thơ Lê Ngọc Dũng (bút danh Nguyên Như) dễ gợi lên hình dung về một hồn thơ đã ở ngưỡng trung niên hoặc hơn thế. Và rồi sẽ lại thật bất ngờ khi biết rằng, tác giả của những câu thơ phá cách, trũng sâu trong trải nghiệm - chiêm nghiệm - khắc khoải - trở trăn là chàng trai trẻ chưa chạm ngưỡng 30 đã và đang nỗ lực không ngừng trên hành trình khai phá bản thân, khẳng định cá tính sáng tạo: “Và chuyến thuyền cho những ngày sau/ mỗi lần căng buồm đều khác/ không còn ngồi trong khoang phòng lom lom cửa sổ/ anh đứng trên mũi tự do tìm cội rễ mặt trời”… 
Kết nối xứ Thanh
Nguyên Như sinh ra ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió; hiện đang theo học tại khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Vậy xứ Thanh ở đâu trong lý lịch ấy? Kết nối thế nào với người thơ? Nguyên Như chia sẻ: “Lương Sơn, Thường Xuân, Thanh Hóa là quê nội của tôi; mộ phần ông bà nội tôi vẫn ở đó. Thanh Hóa cũng chính là một phần cội nguồn, gốc gác, quê hương tôi”. Có lẽ, vì sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, cách xa nghìn cây số, cả thời thơ bé chẳng biết đến quê nội nên trên hành trình trưởng thành, bước chân đi về muôn lối, Nguyên Như vẫn luôn trăn trở, tò mò về nơi ấy. 
Xứ Thanh càng thêm đặc biệt với Nguyên Như khi trên hành trình thơ, anh cùng nhà thơ Cao Nguyên Quyền trên mạn núi rừng Cẩm Thủy có duyên gặp gỡ, kết tình cha con. Thời gian theo học ở Hà Nội, Nguyên Như vẫn thường xuyên về với gia đình bố Quyền. Ngôi làng bình yên neo trên doi đất bên bờ sông Mã đã thân thuộc, gắn bó tự lúc nào. “Dường như, mảnh đất này đã cho tôi cảm giác được trở về nhà, cái cảm giác mà nhiều vùng đất đã đặt chân qua chưa hề có. Khi về Cẩm Thủy, về với làng Gầm, với gia đình cha tôi, tôi cảm nhận được sự chào đón ân tình, cởi mở từ con người, từ ngọn núi, dòng sông, văn hóa tộc người. Mọi thứ thật tốt đẹp biết bao. Tôi biết ăn canh lá đắng, lấp lửng hiểu tiếng Mường, biết gói bánh, đồ xôi,… Những điều này tự thấm vào hồn tôi, trong những ngày sống chân tình ở đó. Tôi luôn tự hào và hãnh diện là người con của xứ Thanh” - nhà thơ trẻ Nguyên Như bộc bạch. Đọc thơ Nguyên Như viết về đất và người xứ Thanh sẽ hiểu hơn những gắn bó, ân tình ấy. 
Lời thơ viết về quê hương, xứ sở, sao thiếu được bóng dáng người thân yêu. Từ mảnh đất xứ Thanh, qua thơ, Nguyên Như giãi bày nhiều điều với người “cha nuôi” hết mực kính trọng, yêu thương. Và cũng chính tại nơi này, anh viết những vần thơ gửi người thân yêu đã khuất nẻo. Dẫu rằng những người thân yêu ấy nay đã “trở về với cát bụi”, chỉ còn đối diện với anh là ngôi mộ lặng im - gạch nối âm/dương sưởi ấm lòng con cháu. Ngày “giỗ đầu bà nội”, Nguyên Như thấy bóng dáng bà hiển hiện trên những tầng văn hóa Thái, trong sinh hoạt đời thường xiết bao gần gũi: “… Con thấy bà vừa hát Khắp vừa đãi hến khom lưng/ ngày qua ngày nắng lặn trên áo/ mời rượu chiếc bóng thân quen/ Bà váy đen/ khăn Piêu cầu vồng lấp lóa/ tiếng cười bà vang xa/ hòa tiếng con trai khóc/ con nghe bố con nấc/ tận chóp đồi.../ Một đốm sáng lay bay/ Bà lội sông đủ mười hai tháng/ cả đời buộc hai lá khoắn/ Mẹ bảo bà về dưới bụi trầu ông trồng/ giấu bao nút thắt sau bức tường/ Bà đi...”. Mảnh đất Lương Sơn, Thường Xuân neo hồn thơ Nguyên Như trong những nức nở, nghẹn ngào khói hương: “Ba lõi khói xoăn trời/ quẩn quanh gương mộ/ thêu nụ cười hiền hậu/ con xin cầm tay ông giây phút/ nhỏ nhoi.../ Cây tre già vuốt lưng nhè nhẹ/ Ông đấy à…/ Ông ơi!” (Bên mộ ông nội). 
Đọc thơ viết về xứ Thanh của Nguyên Như, bạn đọc rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh con sông Mã như biểu tượng trở đi trở lại. “Trầm” là một bài thơ độc đáo, “đậm chất Nguyên Như”. Con sông Mã được khắc họa trên những lấp lánh văn hóa, nhịp sống đời thường được cảm nhận tinh tế, sâu sắc: “Trên lưng sông Mã/ sông đội tôi qua làng Khuyên, làng Gầm/ quê cha gai cỏ/ mỗi sớm mai phà phà khói nâu miệng núi/ Mập mờ trong tưởng tượng/ thân thuộc dấu chân bầm hồn đá ngàn năm/ mẹ nâng mặt trời đỉnh đầu/ giắt túi áo dòng sông.../ được lưng rá cá tôm/ khi đi trăng trắng tay mẹ hoa lau/ khi về đỏ au nắng nhuộm.../ Chiều ngồi cùng thuyền sắt/ thẳng xiên bóng quê/ từng bình thường mọc xanh tươi kí ức/ từng yêu thương nép gió bờ xa/ Hai mấy năm/ môi chạm nhiều nỗi buồn thiên cổ/ lấp lánh chiều sông Mã/ tôi bình thản... trầm hoang”. Nét đẹp, sức hấp dẫn của dòng sông Mã trong các sáng tác văn học - nghệ thuật nói chung là thế. Mỗi tác giả, bằng tài năng và cảm nhận của riêng mình đã thỏa sức đắm chìm, sáng tạo cho dòng sông một hình hài, nội tâm, khoác lên muôn hình vạn trạng xiêm áo ngôn từ để mạch nguồn mãi chảy… 
So với Tây Nguyên, dường như những sáng tác về xứ Thanh trong thơ Nguyên Như chưa nhiều. Phải chăng là do chất liệu, gắn kết chưa đủ? Nguyên Như cho biết: “Làm thơ đối với tôi giống như bị cuốn theo một nguồn năng lượng nào đó, bí ẩn, không biết đó là gì… Những cảm nhận về một vùng đất, con người, nó đã có sẵn. Tôi chờ và chờ nguồn năng lượng ấy đến đẩy những suy nghĩ, hơi thở, hình ảnh của tôi đến nơi sáng nhất”. 
Từ “lưng lửng hồn” đến Chư B’luk Clu Clâm (Chư B’luk - Ánh lửa còn mờ) -  Những “câu thơ rượi buồn”
Ba tập thơ lần lượt được cho ra mắt bạn đọc qua các năm: “Lưng lửng hồn” (Năm 2021, NXB Hội Nhà văn), “Ngược tìm phía trước” (Năm 2022, NXB Hội Nhà văn); “Chư B’luk Clu Clâm” (Năm 2023, NXB Hội Nhà văn) đánh dấu bước trưởng thành của Nguyên Như trên hành trình sáng tạo, ghi dấu ấn cá nhân, dần khẳng định cá tính sáng tạo. 
Xuyên suốt những tập thơ, người đọc dễ dàng nhận thấy và bị hút sâu vào những khoảng trống tâm hồn. Chính tác giả từng tâm sự: “Tôi đến với văn chương chẳng có điều gì được suy tính trước, đơn giản chỉ là cái phận người, kiếp người trôi nổi bám riết và thôi thúc rất nhiều đến mình. Tôi đến với thơ như một sự thử thách ngẫu nhiên, hầu như không một yếu tố nào tác động đến cả. Trong quá trình sáng tác, tôi viết về cái đẹp của quê hương, đất nước, con người, nhất là những uất nghẹn, đắng cay của những phận người. Khi tôi nhìn thấy cảm giác, tâm trạng của mình hay của một người khác thì đó là thứ chính yếu bật lên cái bản thể riêng khác của mình”…
Từ “những trang giấy trắng lặng thinh”, “những đêm trắng đêm”, tác giả trải muôn vàn nỗi suy tư, trống vắng trong lòng mình ra “những phía không tên hoang hoải”, trong “ngàn vô vọng”, những nỗi đau âm ỉ… Ở vùng trắng mênh mông ấy, đối diện với những khoảng trống vô hình ấy, Nguyên Như luôn cảm nhận được sự bé nhỏ, vô định của mình và người: “Lặng trong vũng đơn độc/ mơ mộng, khát khao trở nên bé nhỏ/ Nhiều hố buồn nơi biển chữ”.  
“Đêm 20” là lời tự sự buồn: “Đi lặn lội/ tận đâu chẳng gợn bóng nhà/ lạ quá giữa lòng rừng/ như thể đã 10 năm nỗi buồn trằn bạc/ ẩm ê/ Trăng nay không tròn/ hai dắt vầy trũng mắt/ bằn bặt thân thương/ lời mẹ nhập nhòe…/ Lặn lội đi/ những luồng dài kí ức/ tận ngày/ tận đêm/ suối tuột sống lưng mỏi mòn cuộc chơi”.
“Tôi là người lạ” như đang thổ lộ nỗi lòng về một đoạn đường đời khấp khểnh, phiêu dạt. Nếu không phải là thơ, biết lời nào giãi bày cho thân xác: “Đêm tuột đầy thung lũng rộng thênh/ mỗi ánh đèn nhấp nhói/ nhà ta thủng dột/ vẫn cơm bằng thau/ chậu nước tắm đi tắm lại/ ngủ cùng chuột/ những con chuột lắc lư cần sa/…/ Quăng những bước chân đầu tiên/ khát mơ với đồng tiền lạ lẫm/ đất nước Triệu Voi cuộn trùm tuổi mười chín/ gió nắng rượt tôi về”. 
Chỉ ngần ấy con chữ cũng đủ thấy một cuộc đời phiêu bạt, những mảnh vụn kí ức lênh đênh. Ít ai biết rằng, Nguyên Như từ năm 19 tuổi, ngay khi vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông đã quyết định phiêu bạt sang Lào hơn nửa năm làm anh công nhân nhiệt điện. Dòng đời đưa đẩy, cuộn xoáy mưu sinh, Nguyên Như trải qua đủ nghề, trải đời công nhân công trình ở Sài Gòn rồi khăn gói xuống Bình Dương, sang Biên Hòa… Điều đó phần nào lí giải được về khoảng trống vô định, cô đơn, từng trải, chiêm nghiệm trong thơ Nguyên Như; cắt nghĩa được sự “trưởng thành” của cây viết trẻ. Ở cái tuổi 28, Nguyên Như viết những câu thơ như đã ở tuổi “bóng ngả về chiều”, đã đi qua mọi thăng trầm cuộc đời, đã nhìn đời/ nhìn người bằng “cặp kính lão”. 
Nếu “độ chín” của những trải nghiệm là chất liệu quý giá thì chính ý thức, nỗ lực, khao khát tìm tòi, khám phá cái tôi, khẳng định cá tính sáng tạo mới thực là ngọn lửa mãnh liệt thôi thúc hồn thơ Nguyên Như trên hành trình thơ, đúng như tác giả từng bộc bạch: “Khi làm thơ tôi luôn nghĩ đến sự tìm mới, ít nhất là một chữ mới, một câu thơ mới, hoặc càng tốt hơn nếu có thi ảnh, một tứ thơ mới. Để làm được việc này, tôi hoàn toàn sử dụng nhịp hơi thở của bản thân chuyển hóa thành ngôn ngữ. Một điều nữa luôn nhắc tôi khi sáng tác, đó là làm lạ, phá vỡ những cấu trúc ngôn ngữ đã hiện diện để hướng đến những cấu trúc ngôn ngữ mới. Những điều này cộng hưởng lại, cộng thêm một số yếu tố khác sẽ cấu nên một hình thái khác biệt của một tác giả”. 
Mỗi câu thơ là một nỗ lực cách tân, liên tưởng táo bạo. Ấy là khi “vầng trăng chảy máu lên đêm”, “những sợi mây co thắt khi hương hoa mộc lan giãy giụa”, “em cố khâu đường rách phận buồn đông/ đêm đêm từng giấc một/ nửa cơn đau mỗi lần linh giác”; ... Bài thơ “Vòng nến” khiến độc giả run lạnh trước không gian, cảm giác ma mị bao trùm: “Căn phòng bạc lạnh tiếng mõ là nơi cô đến/ cô đến mượn gốc cây chôn hàng nước mắt ráo hoảnh/ cô đến đặt kỉ niệm thuận chiều ngọn lửa nhỏ nhoi/ Đêm hoài mang những ngày uẩn uất ra phơi/ chờ trăng chảy xuống ngực vài lần khiết trắng/ đã bao năm sóng đôi cùng ba bức tượng đá/ màn trời trụi đầy sáng tối/ chiếu đất hiện ẩn âm dương”… Rồi ta bắt gặp “trụi trần những vọng âm”, “linh giác”, “những ảo vọng thổi phồng”, “những hoài nhớ linh thiêng, “những đứt đoạn sương trăng”… 
Càng về sau này, trên hành trình thơ, Nguyên Như càng tiến sâu hơn vào vùng khuất bên trong của con người. Nó liên quan đến vô thức, không thể nhìn bằng mắt thường mà luôn khiến tác giả phải đi tìm, dò dẫm về phần linh… Điều đó có nghĩa, Nguyên Như không chững lại, anh vẫn đang hào hứng, mê say trên con đường khai phá bản thân, khẳng định mình. Đây chính là tín hiệu tốt cho những cây viết trẻ!
                                                                                         B.H.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 88
 Hôm nay: 230
 Tổng số truy cập: 9242397
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa