Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Một vài cảm nhận về tác phẩm kịch bản sân khấu “Trống trận Ba Đình” của nhà viết kịch Mai Bình
Một vài cảm nhận về tác phẩm kịch bản sân khấu “Trống trận Ba Đình” của nhà viết kịch Mai Bình

PHẠM VĂN TUẤN

1. Nhà viết kịch Mai Bình sinh ra và lớn lên tại làng Đông Kinh - đây là một làng Việt cổ, còn có tên nôm là làng Viềng (hay Kẻ Viềng) nay thuộc xã Nga Trường, huyện Nga Sơn - một vùng đất nằm về phía Tây Bắc của huyện, được xác định là nơi có lịch sử hình thành và phát triển sớm nhất trong vùng, mà những dấu tích nổi bật về lịch sử và văn hóa ở đây được ghi chép trong các bộ Quốc sử của triều Lê và triều Nguyễn. Sử cũ chép: Xưa kia từ Bắc vào Nam có hai tuyến đường cần có cửa quan: 1. Đường “Thượng đạo” từ Nho Quan (Ninh Bình) - Phố Cát (Thanh Hóa) vào Thanh Hóa. 2. Tuyến đường từ cửa biển Thần Phù vào: bắt đầu từ làng Trị Nội (Nga Giáp) - Chiêm Ba - Tam Linh - Vân Hoàn (Nga Sơn) đến Bạch Đầu - Hoành Trung (Hậu Lộc) mà dân gian thường gọi là con đường Mã Viện, rồi tiếp nối với đường đi Do Trường - Nghĩa Trang - Trinh Sơn (Hoằng Hóa) và qua sông Mã sang làng Ràng (tỉnh lỵ Thanh Hóa xưa). Từ vùng Trị Nội, đường này thông sang Ninh Bình bằng một con đường đèo qua dãy núi Giăng Cưa (Tam Điệp) gọi là Eo Bún (đèo Yên Ban). Tuyến đường bộ này lại đi song song với tuyến đường thuỷ từ thời Lê Hoàn ở thế kỷ X: Vùng biển Thần Phù - Ngã Tư Thanh Đớn - Kênh Nga Châu - sông Nga (sông Báo Văn) - sông Ấu - sông Mã. Con đường bộ này gắn liền với truyền thuyết đường hành quân của Mã Viện có lẽ được hình thành từ hồi đầu Công Nguyên. Đến thời Lê Hoàn, với việc đào kênh Nga Châu, khai thông một tuyến đường thủy Bắc - Nam mới thì đường này song song với đường thủy, càng trở nên quan trọng từ Bắc vào Nam qua Eo Bún. Vì thế mà Lê Long Đĩnh “đã cho tu sửa và đặt ụ bia” (giống như ki lô mét hiện nay) tuyến đường thiết yếu này từ cửa quan Chi Long qua Đinh Sơn đến Vũ Lung(1).
Một dấu tích quan trọng khác là Cửa quan Chi Long - vốn là một trạm kiểm soát việc qua lại từ Bắc vào đặt ở đâu? Về cửa quan Chi Long được xác định ở vùng địa bàn của con đường thuỷ bộ từ Bắc vào, tức là quanh vùng Eo Bún - Trị Nội. Tại vùng này ngày nay có làng Hợp Long ở phía Tây Nam Trị Nội khoảng 2km. Tên làng này còn mang dấu vết Chi Long xưa. Làng Hợp Long cũng ở sát sông Tống và gần với cửa biển Thần Phù xưa kia còn ăn sâu mãi đến hang Bạch Á (xã Nga Thiện hiện nay).
Với vị trí nằm giữa đầu mối hai tuyến đường thuỷ bộ cửa quan đặt ở đây vừa kiểm soát được đường bộ từ Eo Bún vào, vừa kiểm soát được đường thuỷ từ vùng biển Thần Phù vào ở ngay đầu tỉnh vào một nơi rất xung yếu về mặt giao thông. Điều đó có thể nghĩ rằng cửa quan Chi Long xưa ở vào vị trí Hợp Long ngày nay. Theo tiếp tuyến đường này sẽ băng qua một số núi như Tam Linh, Vân Hoàn (Nga Sơn), Bạch Đầu - Yên Ổn (Hậu Lộc), Băng Sơn, Trinh Sơn (Hoằng Hóa) và vào làng Ràng (thành phố Thanh Hóa ngày nay)(2). 
Mặt khác, tính chất cổ xưa của vùng đất phía Tây Bắc Nga Sơn còn được minh chứng qua một dấu tích quan trọng, nơi đây - làng Trị Nội đã từng là một căn cứ kiên cường chống quân xâm lược Đông Hán hồi đầu Công Nguyên trên vùng đất Cửu Chân (Thanh Hóa) do Lê Thị Hoa nữ tướng của Hai Bà Trưng xây dựng lừng lẫy một thời.
Như vậy, làng Đông Kinh - quê hương của nhà viết kịch Mai Bình nằm trong không gian của một vùng đất cổ, mà ở đó có một hệ thống các làng Việt cổ như Trị Nội, Hoằng Cương, Hợp Long, Mật Kỳ, Ngũ Kiên, Thượng Thọ,… nằm dưới chân núi Tam Điệp được hình thành khá sớm và nằm trên tuyến đường bộ cổ đại đầu tiên từ Bắc vào đồng bằng sông Mã và sát ngay bờ biển phía Đông, mà ở thế kỷ X Lê Long Đĩnh đã cho đặt ụ bia và cửa quan kiểm soát Chi Long (Hợp Long) được ghi chép trong các nguồn sử cũ. Và cũng chính từ sự hình thành sớm như vậy, nên làng Đông Kinh nói riêng và các làng Việt cổ xung quanh có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa với những đặc trưng riêng, và vùng quê ấy đã góp phần gây dựng nên trong nhà viết kịch Mai Bình tình yêu quê hương cũng như sự say mê nghiên cứu văn hóa và một phần dành cho sáng tác văn học.
Nhà viết kịch Mai Bình sinh năm 1924, vào đúng đêm trước của Cách mạng tháng Tám năm 1945 - một cuộc cách mạng xã hội đầu tiên theo ý nghĩa đích thực của nó. Lúc đó còn nhỏ tuổi nên hẳn rằng ông cũng chưa nhận thức được những người nông dân quê ông từ bao đời sống lầm lũi trong luỹ tre làng, đã quật khởi đứng dậy với tầm vóc của những con người anh hùng làm nên một cuộc khởi nghĩa Ba Đình oanh liệt ở cuối thế kỷ XIX. Về sau, khi trở thành một cán bộ văn hóa của Đảng, bằng kinh nghiệm, tri thức hiểu biết ngày càng sâu rộng, cùng với tinh thần yêu nước vốn là một sức mạnh tiềm ẩn trong con người ông, đã được cách mạng và kháng chiến phát huy đến đỉnh cao; ông đã ý thức được cái giá phải trả cho những kỳ tích giành được không sao có thể đo đếm. Sự hi sinh của cả dân tộc, trong đó có người nông dân quê ông thực sự là một động lực thúc đẩy để ông viết nên vở kịch “Trống trận Ba Đình” nổi tiếng, điều đó thấy rõ quan điểm sáng tác văn học của ông. Nghĩa là ông không chọn thời nào mà ông chọn phong trào Cần Vương chống Pháp mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Ba Đình diễn ra ở ngay chính quê hương mình, mặc dù cuộc khởi nghĩa này bị thất bại, nhưng đã khẳng định ý nghĩa lịch sử và tầm vóc to lớn của nó; đồng thời cũng trở thành biểu tượng chung cho phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân ta vào những năm cuối thế kỷ XIX và gắn liền với số phận đất nước. 
2. Kịch bản sân khấu “Trống trận Ba Đình” ngoài phần Khai từ, tác giả bố cục thành 5 chương lớn (còn gọi là 5 cảnh) với một hệ thống gồm 15 nhân vật được chia thành 2 tuyến: Tuyến nghĩa quân Ba Đình (gồm có Đinh Công Tráng - Chủ tướng; Phạm Bành - Phó tướng; Nguyễn Hiện Tu - Hiệp quản; Hoàng Xuân Viễn - Hiệp quản; Lụa - Hiệp quản; Sáu Nhung - Vợ Đinh Công Tráng; Bà Huệ - mẹ Đinh Công Tráng; cụ Cử Nga - Nhân sĩ Nga Sơn, bà Mẹ - Mẹ nghĩa quân và dân làng) và Tuyến quân Pháp và tay sai (gồm có Quan Tri huyện Nga Sơn, BritSo - Đại tá Pháp, bà Huyện cùng binh lính Pháp và tay sai).
Mở đầu cảnh Khai từ, tác giả đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật để diễn tả không khí hàng đoàn người từ già trẻ, trai gái bìu díu nhau chạy loạn trước sự xua đuổi, vây ráp của binh lính Pháp ở các làng quê; đồng thời trên nền cảnh ấy là một lời dẫn được vang lên, phản ánh hoàn cảnh thực tế của lịch sử lúc đó là hai bản Hòa ước năm 1884 và 1885 giữa triều đình nhà Nguyễn và chính quyền thực dân Pháp đã được ký kết, đó là việc thừa nhận sự đô hộ của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam. Trước hoàn cảnh đó, vua Hàm Nghi đã xuống chiếu Cần Vương kêu gọi các tầng lớp sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào đã nổ ra ở khắp nơi trên cả nước, nhiều trung tâm kháng chiến lớn đã hình thành, trong đó nổi bật nhất là trung tâm kháng chiến Ba Đình tại vùng chiêm trũng Nga Sơn. Điều đó không chỉ phản ánh tâm trọng chung của phe chủ chiến trong triều đình do Tôn Thất Thuyết đứng đầu mà còn là tâm lý chung của nhiều sĩ phu đương thời có tiết tháo, lý tưởng, muốn tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nguy cho dân tộc. 
Một trong những lý do làm nên sức sống trong vở kịch “Trống trận Ba Đình”, đó là một số nhân vật được tác giả khai thác từ các nguồn tài liệu lịch sử nên có được dáng vóc riêng, khiến cho ta khi đọc xong phải nhớ mãi không thể phai mờ hình ảnh của họ: Đó là Đinh Công Tráng vị Chủ tướng của cuộc khởi nghĩa với trí tuệ thông minh, chí khí cao và đầy bản lĩnh khi biết mẹ mình bị giặc Pháp bắt làm con tin giam trong ngục tối và có thể bị sát hại nhưng ông đã phải gác đạo hiếu trung để lo tròn việc nước và một lòng tin tưởng “nước non rồi sẽ sạch bóng xâm lăng, chúng con sẽ trở về trong vòng tay ấm êm của mẹ, thật là hạnh phúc nhường bao”. Đó là hình ảnh hi sinh lẫm liệt của Hiệp quản Nguyễn Hiện Tu mà lời ca Văn Thiên Tường của một nữ Hiệp quản tên Lụa vang lên một nỗi niềm thống thiết: “Mai này trong niềm vui chiến thắng, có tình chàng trải với nước non. Và mãi còn trong trái tim em, hình bóng một người trai quả cảm phi thường” và khúc Trăng thu dạ khúc: “Hãy yên giấc ngàn thu hỡi ai/ Tuy chưa một lần nên nghĩa vợ tình chồng/ Xin cho em gọi hai tiếng lang quân/ Vòng tay em chở khói tủi hờn vong linh kẻ ra đi”. Đó là lời ca Xàng Xê của cụ Cử Nga: Lịch sử bốn nghìn năm đã ghi dấu bao lần/ Kẻ xâm lược đất này đều chuốc cho mình kết cục thân thương/ Tiếng trống trận Ba Đình vọng lên muôn nẻo/ Thúc giục muôn người đứng lên đòi lại đất quê hương.
Một yếu tố quan trọng nữa làm tăng thêm sức sống cho vở kịch là tác giả đã biết tạo ra, khai thác những mâu thuẫn, những giằng xé trong nội tâm mỗi nhân vật. Ở nhân vật Đinh Công Tráng là những mâu thuẫn giữa đạo hiếu và tình yêu nước thiết tha của ông với quê hương, đất nước; giữa tình yêu thương người vợ trẻ đã rời bỏ quê hương cùng chồng đồng cam cộng khổ ở chốn sa trường. Hoặc một số nhân vật khác nữa như Hiệp quản Nguyễn Hiện Tu, cụ Cử Nga, Hiệp quản Lụa, kể cả bà Huyện là nhân vật phản diện…
3. Có thể nói, để hoàn thành một tác phẩm kịch bản sân khấu có một số lượng nhân vật phong phú như vậy; đồng thời mỗi nhân vật lại thể hiện một cách diễn riêng, kèm theo đó là một lời thoại, lời ca riêng; mỗi người một vẻ, không người nào lẫn với người nào. Rõ ràng tác giả đã đi sâu khai thác toàn diện nhân vật theo cách Sêch-xpia hóa nhân vật, nên mới hấp dẫn như thế.
Điều đó có thể thấy được ngoài việc trở lại nhiều lần căn cứ Ba Đình để có thêm nguồn cảm xúc, tác giả còn phải đọc thật kỹ những tài liệu có liên quan; tận mắt đọc lại những tấm bia chữ Hán, chữ Pháp mà sau này được dựng, kể cả những tài liệu của người Pháp viết… Tất cả gộp lại là một trong những nguyên nhân góp phần lý giải, tác giả Mai Bình tránh được những sai sót mà một số vở kịch lấy đề tài lịch sử làm nội dung kịch bản đã mắc phải. Về mặt này chúng ta đã từng được đọc những phê phán của P.Ăngghen về một số tác phẩm trước khi chủ nghĩa hiện thực phê phán ra đời: “Những sự diễn tả từ trước đến nay chưa bao giờ cho chúng ta thấy những nhân vật ấy dưới bộ mặt thật của họ mà chỉ nêu lên dưới cái vẻ bề ngoài chính thức công khai với đôi hia và vòng hào quang chung quanh đầu”. Điều này được thấy rõ ở một số vở kịch lịch sử viết về Lê Hoàn - Thái hậu Dương Vân Nga; Thái sư Lê Văn Thịnh... Người ta đã thêm cho Lê Hoàn, Dương Vân Nga nhưng lại bớt đi cái hay, cái đẹp của các danh thần tiết liệt có công lớn với nước như Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Thái sư Lê Văn Thịnh ở triều Lý chỉ vì kính trọng đức vua Lý Nhân Tông muốn hộ vệ vua mà ông đã dùng hết sức bình sinh khom mình, tay chống vào thuyền hình dáng trông như con hổ để chèo thuyền trên hồ Dâm Đàm mà người ta đã xây dựng hình tượng ông từ một con người trung nghĩa đã hóa thành con hổ. Tác giả Mai Bình đã không phạm phải sai lầm ấy mà chỉ nói đúng, nói đủ ở vị trí của từng nhân vật. Kể cả những nhân vật phản diện như Quan Huyện, Đại tá Britso: Phản ánh lịch hoàn toàn như tư liệu và phản ánh lịch sử dù có hư cấu, nhưng vẫn đi đúng hướng. Đây là một trong những lý do làm nên sức sống trong vở kịch “Trống Trận Ba Đình”. 
*
Nhìn chung lại, sự nghiệp văn hóa của nhà viết kịch Mai Bình còn có những ý kiến khác nhau về những đóng góp của ông đối với tiến trình lịch sử quê hương. Dẫu vậy, dưới góc nhìn của một người nghiên cứu lịch sử, tôi thấy tác phẩm kịch bản sân khấu “Trống trận Ba Đình” viết về cuộc khởi nghĩa Ba Đình - một địa danh của quê hương ông thân thương, trìu mến và đầy vẻ tự hào, đã ghi dấu một trang sử chống Pháp oanh liệt của dân tộc ta trong hành trình giữ nước. Đảng và Bác Hồ về thủ đô, Ba Đình được đặt tên cho một khu phố lớn giữa thủ đô Hà Nội. Nơi đây Bác Hồ đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác đã sống và làm việc tại đây và đây cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của Bác. Chính nơi đây cũng là nơi làm việc của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, như trái tim lớn từng ngày, từng giờ truyền máu đi khắp cơ thể. Vì thế, cái tên Ba Đình được truyền đi khắp bốn bể năm châu. Chính vì điều đó mà vở kịch “Trống trận Ba Đình” lại có thêm sức sống mới.
                                Ngày 01-7-2024
                                       P.V.T

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb Khoa học Xã hội - Hà Nội 1998, tr.235.
(2) Nguyễn Đình Thực, Về tuyến đường từ cửa quan Chi Long đến sông Vũ Lung thời Tiền Lê, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Lê Hoàn và 1000 năm chiến thắng quân Tống xâm lược (981-1981), Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa xuất bản, năm 1985, tr.149.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 165
 Hôm nay: 1379
 Tổng số truy cập: 12671377
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa