Nhà thơ Anh Chi với dòng mạch văn chương Việt
NGUYỄN NGỌC QUẾ
Anh Chi là người lao động cật lực cả ngoài đời và trên trang giấy. Lao động đúng nghĩa cụ thể của nó: Dùng cơ bắp, mồ hôi để kiếm cơm, dùng trí não, tâm huyết để nuôi “Nàng thơ”. Đó là cuộc đời của người công nhân - nhà thơ - nhà nghiên cứu văn học Anh Chi… Giờ viết Lời bạt này, trong miền ký ức của tôi mở òa bao nỗi nhớ. Nhớ thời anh em chúng tôi tuổi mới đôi mươi, sống gian lao ở thị xã Thanh Hóa, cũng đã vào thơ Anh Chi năm 1971: Rất nhiều người đã ra đi/ gửi lại nơi này/ phần tâm hồn yên tĩnh nhất/ chỉ mang tấm thân đầy gan mật/ dấn vào máu lửa gian lao/ đường phố không dài thêm một mét/ ngày nhiều thêm gạch nát/ nhưng đây vẫn là nơi/ để ai đó mong ngóng đợi chờ ai!... (Bài Ghi chép trong Thị xã đổ nát). Những đêm lang thang dọc mấy phố nghèo lúp xúp mái tranh từ cầu Cốc lên Rừng Thông trong tiếng đùng đoàng của pháo cao xạ ở Hàm Rồng và ánh đèn dù ma quái của máy bay Mỹ thả. Hồi ấy, Anh Chi tham gia Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ tỉnh Thanh Hóa, Đặng Ái làm thợ tự do, tôi thì dạy toán ở trường cấp III Lam Sơn… Tôi gắn bó thân thiết với Anh Chi từ thuở ban đầu ấy.
Nhà thơ Anh Chi tên thật là Lê Văn Sen, sinh năm 1947, ở xóm Tân An, khu Quang Trung, nay là phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa. Nhà có sáu anh chị em, cha mất sớm, mẹ phải bươn chải từ làm thợ sơn mài mỹ nghệ cho đến bán hàng để nuôi các con. Gia cảnh khó khăn, người anh sát kề Lê Văn Chi nghỉ học từ năm 13 tuổi để đi làm thuê, giúp cha mẹ chăm em. Sau này, Lê Văn Sen - con người mang tên loài hoa thanh khiết, yêu mến, cảm phục người anh, đã lấy bút danh Anh Chi khi viết những bài thơ của mình. Năm 14 tuổi, học xong cấp II, Lê Văn Sen đã theo chị cả lên Thất Khê, Tràng Định, Lạng Sơn để lao động kiếm sống. Đến 18 tuổi (đủ tuổi để xin việc làm) chàng trai này mới về Thanh Hóa, vào làm công nhân xí nghiệp cơ khí Tia Sáng của Ty Công nghiệp. Anh thợ Sen ham công việc, yêu lao động, mê kỹ thuật, nên chỉ vài năm sau đã thành thợ giỏi. Cuối những năm 60 thế kỷ trước, cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt trên cả hai miền, miền Bắc dồn tâm sức vào tuyến giao thông cán xoong Thanh - Nghệ. Người thợ giỏi Lê Văn Sen được điều về Xưởng cơ khí Vận tải Quang Vinh, nơi chỉ cách cầu Hàm Rồng chừng một cây số, để củng cố lực lượng sản xuất, sửa chữa các phương tiện giao thông. Ở đây Lê Văn Sen hòa mình vào cuộc sống khốc liệt, gian khổ của giai cấp công nhân trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ. Làm việc bằng hai, bám xưởng sản xuất, bám trận địa dân quân tự vệ, người thợ Lê Văn Sen gầy sắt lại, da sạm nâu rắn rỏi, ánh mắt nheo lại, tia lửa hàn sáng tắt trong đêm. Năm tháng đầy mồ hôi, nước mắt và máu lửa ấy tôi luyện người thợ Lê Văn Sen một bản lĩnh sống với tình yêu giai cấp, quê hương, đất nước. Đó là ngọn nguồn, cội gốc cho tư tưởng và cảm xúc, đưa người thợ Lê Văn Sen thành nhà thơ, nhà lý luận văn học Anh Chi.
Từ năm 1970 Anh Chi đã có thơ đăng báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Tác phẩm mới… và tạo được dấu ấn với công chúng. Nhiều nhà thơ ở Hà Nội yêu mến, theo dõi giọng điệu mới lạ của cây bút mới xứ Thanh. Năm 1972 nhà thơ bậc thầy Chế Lan Viên trực tiếp vào Thanh Hóa, gặp Bí thư Thị ủy Hồ Văn Huấn xin cho anh công nhân Lê Văn Sen đi học lớp bồi dưỡng nhà văn trẻ của Hội Nhà văn tại Quảng Bá, Hà Nội. Đây là bước ngoặt trong đường đời, người thợ Lê Văn Sen thành người viết chuyên nghiệp, từ cầm búa sang cầm bút, từ bàn dao máy tiện đến bàn viết và sau này là bàn phím máy tính, một quá trình lao động bền bỉ, tâm huyết của đời văn. Năm 1979, Anh Chi đi học Trường viết văn Nguyễn Du khóa I cùng các nhà văn trẻ thế hệ chống Mỹ: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Lâm Thị Mỹ Dạ… Học xong, Anh Chi ở lại Hà Nội công tác qua các cơ quan: Nhà xuất bản Công an nhân dân, tuần báo Người Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ, rồi làm cán bộ theo dõi bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ của Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (nay là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam) cho đến ngày nghỉ hưu năm 2007.
Con đường văn chương của Anh Chi gian truân, khổ luyện, vươn lên bằng tự học. Đọc, đọc, đọc nhiều nữa là tâm nguyện của nhà thơ Anh Chi, để bổ khuyết kiến thức, để vươn lên cái cao đẹp chân, thiện, mỹ của nhân loại. Anh Chi là một mẫu mực của người tự hoàn chỉnh mình cả về tri thức và nhân cách. Ông mê cảm Sergây Êxênhin, say đắm Olga Bergon, ngưỡng mộ Chế Lan Viên, yêu mến Bằng Việt, Lưu Quang Vũ… Những năm 70 thế kỷ trước sách báo rất hiếm, thế mà trên giá sách của Anh Chi xếp đầy đặn sách của các nhà thơ, nhà văn ông yêu mến. Tôi nhớ hồi đó không hiểu bằng cách nào ông có được bản thảo chép tay tập thơ “Garcia Lorca” do Hoàng Hưng dịch. Anh Chi cho tôi mượn một ngày, bảo tôi chép lại vào sổ tay để đọc dần. Ôi cái giọng thơ mê cảm của đất nước Tây Ban Nha xa xôi hút hồn chúng tôi như mooc-phin lúc bấy giờ!...
Trong cuộc đời của người giàu khát vọng rất cần có ba thứ: Thầy giỏi, bạn tốt, sách hay. Anh Chi đã tìm được trong những cuốn sách hay, cả thầy giỏi, bạn tốt cho mình. Nguồn cảm hứng, hồn cốt thơ Anh Chi là từ lao động. Lao động khiến con người phương trưởng, lao động dựng lên xã hội, lao động nuôi dưỡng tình yêu mọi thời đại ở cõi nhân gian này. Lúc biết đến công việc/ Lao động mở cửa cho tâm hồn tôi… (Từ lao động) năm 1970 Anh Chi đã viết vậy. Trong nền văn chương Việt Nam hiện đại, Anh Chi là thế hệ thứ hai của giai cấp công nhân cầm bút viết về giai cấp mình. Sau Võ Huy Tâm, Nguyễn Dậu, Xuân Cang, là Thanh Tùng, Đào Nguyễn (Đào Trọng Khánh), Anh Chi, Phạm Doanh, Nguyễn Tùng Linh… Thi cảm của họ là sự dẻo bền cơ bắp, những giọt mồ hôi mặn chát, hòn than đen bóng, ngọn lửa lò hầm hập, phoi bào nhảy múa và ánh mắt, nụ cười của những người thợ. Lao động là để sống, ước mơ của mỗi cá nhân, và cũng để hiến dâng cho đời:
Là vỉa đá âm thầm quyết liệt
Dâng lên đòi làm xi măng
Là đất đỏ quánh đòi làm gạch ngói
Ôi Tổ quốc - chẳng thề thốt nhiều
Xin nhận đôi bàn tay
Có vết chai cộm là điều giản dị...
(Từ lao động)
Đọc những câu thơ Anh Chi vừa bình dị, chất phác, nhiều chi tiết đời thường sống động, khiến ta như được hòa mình với một xưởng máy ồn ào, công trường nóng nung mồ hôi thấm bạc lưng áo thợ: Là thợ tiện bậc bốn rồi/ tôi nhìn lửa than/ nhìn máy móc/ thấy cửa nhà và áo cơm... Và, thật cảm động khi người thợ với hai bàn tay chai cộm nhìn những tòa nhà nguy nga, cây cầu vạm vỡ, con đường lớn vươn xa tít tắp lại nghĩ về mẹ - người mẹ Việt Nam gầy nhỏ mà vĩ đại: Mẹ là ngọn nguồn sức lực những công trình (Xưa kia). Từ đầu những năm 70 thế kỷ XX, thơ Anh Chi đã có phong cách riêng, mới cả về tư tưởng và nghệ thuật, đó là cấu tứ bài thơ mới lạ, ngữ điệu thơ có tiết tấu đẹp, hình tượng thơ có sức biểu đạt thật sâu. Cá tính đó biểu hiện rõ ngay ở các bài thơ ông viết giai đoạn đầu: Đất, Thời khắc bị thương, Chiếc chiếu Khâm thiên, Những điều nhặt ở cát...; và giai đoạn sau này thơ ông càng điệu nghệ, như các bài: Đời cây kim cang, Tô Lịch dịu dàng, Một chấm buồn nhỏ xíu giữa rừng, Sông Chu, Chiều mưa như khói, Giấc mơ, Nghe hát xẩm ở chợ quê, Gửi ngôi sao khe khẽ hát... Những câu thơ Anh Chi thường như lời thủ thỉ tâm tình mà có sức thuyết phục, lôi cuốn rất mạnh. Đúng như nhà thơ Trịnh Thanh Sơn nhận xét: ‘‘Thơ Anh Chi thật giản dị, thật chân thành, cách lựa đề tài, cấu tứ, cách lựa từ, lựa chữ cũng chẳng giống ai... Nó cường tráng và lực lưỡng, nó mãnh liệt nhưng dịu dàng. Nó là sự tiếp nối của Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh và Hữu Loan đấy thôi...” (Trích tiểu luận Đi dọc cánh đồng thơ).
Những bài thơ vạm vỡ, mạch thơ phóng khoáng, đằm thắm tình yêu quê hương, đất nước và con người, ôm chứa những hình tượng thân quen đẹp đẽ, và ngôn ngữ thơ với cách ngắt câu điệu nghệ đã tạo nên dòng chảy thơ Anh Chi. Liên tiếp những chùm thơ xuất hiện trên báo chí được bạn đọc say mê. Các bài: Đất, Thơ đêm mùa đông, Xương rồng khô khan, Tháng năm, Thuyền than lại đậu bến than, Đời cây kim cang, Bên ngoài cửa sổ... Các tập thơ: Tôi yêu (1972), Điệu hát (1979), Thành lời tôi hát (1982), Cây xương rồng khô khan (1995), Tự bạch (2016) tạo nên vóc dáng thơ Anh Chi. Nhà thơ Chế Lan Viên đã chép vào sổ tay bài thơ “Thuyền than lại đậu bến than” kèm theo câu hỏi như một lời khen: “Một đời thơ viết được mấy bài như thế này?”. Nhà thơ Vân Long là người kiệm lời thế mà khi đọc chùm thơ của Anh Chi trên Tạp chí Tác phẩm mới đầu năm 1971 trong đó có bài “Đất”, đã xuýt xoa: “Giỏi quá!”. Bản thân tôi khi đọc bài “Đất” cũng sửng sốt trước mạch thơ đắm đuối, thi tứ và nhịp điệu nhiều mới lạ. “Đất” gồm năm khúc, thi cảm mênh mang chiều kích mà tha thiết, trong trẻo, giọng điệu thơ khác với giọng thơ chống Mỹ bừng bừng khí thế lúc bấy giờ, nó ám ảnh người đọc bởi cái tôi trữ tình trầm sâu của riêng Anh Chi:
Hơn ba trăm ngàn cây số đất
sau bài địa lý đêm nằm thấy khó ngủ
giường tôi nhỏ con con
bên ngoài kia gió trăn trở
qua những ngọn cây
qua những mái nhà
gió chạy trong đêm bao la
đêm bao la trong kích thước của đất.
(Đất)
Năm khúc thơ dẫn người đọc qua từng chặng đời người, từng cung bậc cuộc sống bằng những hình tượng thơ giàu ý nghĩa nhân văn, con người tuy nhỏ bé nhưng là chủ thể của trời đất, là mầm sống gắn kết vũ trụ trong tình yêu đất đai:
Khi được đất đón vào vô biên tĩnh lặng
đất với tôi là một mà thôi!
Sợi chỉ vàng xuyên suốt hồn điệu thơ Anh Chi là nỗi buồn trong lắng, êm dịu về đời người, tình đất nước. Nhớ về xứ Thanh, ông nhớ dòng sông Mã, nhớ dáng người cần lao, lam lũ mà trung hậu. Cái bến Than đâu chỉ là cái bến thuyền cho người quê qua lại, mà là cái bến đời neo đậu một kiếp người trong dòng chảy thời gian. Từ câu ca dao đắng đót “Thuyền than lại đậu bến than/ thấy anh vất vả cơ hàn em thương”, bầu trời đêm buông đầy sương nơi bến thuyền buổi hiện tại, những vần lục bát của Anh Chi như tỏa sáng một cách lạ thường:
May chưa câu ấy như đèn
cho tôi thầm thấy mắt đen ai cười
đâu đó còn một chàng trai
con thuyền đâu đó còn ngoài bến sông
con sào cảm động cong cong
cũng vít vổng và cũng mong lên bờ…
(Thuyền than lại đậu bến than)
Sau nhiều năm trường bôn ba, về gặp lại sông Chu đầy ắp kỷ niệm, từ thăm thẳm cõi lòng nhà thơ trào dâng bao hoài cảm:
Ba mươi năm ta mới trở về
bến cũ
không gặp người xưa
những gợn sóng lao xao hồn năm tháng
sông Chu dài giấc mộng bể dâu.
(Sông Chu)
Hồn điệu thơ mê đắm, da diết thương yêu những con người sống lam lũ ven sông từ thượng nguồn tới cửa bể. Trong họ có gì như là chính cuộc đời Anh Chi, viết về họ nhà thơ như viết về mình bao năm tháng bên cây búa và cây viết:
Cuối sông bao người kiếm cá
đầu rừng bao người đốt than
chiều chiều ra ngõ
xót ai nơi góc bể
thương ai chốn đầu non
sông dài biệt tăm con cá lội
ai ngóng ai
chớp biển mưa ngàn…
Khi tự sự, thơ Anh Chi vừa đắng đót vừa dịu dàng. Ông viết về người vợ thân yêu:
Một mặt là anh, một mặt là em
Sự sống đôi phần không tách được
Một nửa ngày ửng màu ấm áp
Gắn liền nửa ngày mướt đen…
(Thơ đề lá vú sữa)
Hồn điệu sâu lắng ấy thêm đằm thắm bởi ân nghĩa: “Một nửa năm quá nhiều nắng rát/ Liền kề nửa năm gió lạnh và mưa” và: “Một nửa đời lóe lên như cháy/ Nương nhờ một nửa mát êm...”. Viết về tình yêu, mà tư tưởng thơ thật minh triết:
Bao giờ rụng - lá phải rụng chăng?
Ngày nhập vào tháng ngày tiếp nối
Năm hòa cùng bốn mùa mãi mãi
Và đời ta trong vĩnh cữu muôn đời!
Những năm đầu thế kỷ XXI, với bút lực dồi dào, nhà thơ Anh Chi viết trên nhiều lĩnh vực học thuật, từ văn hóa phong tục đến lý luận phê bình văn học, nhưng ông vẫn đau đáu với thơ, coi thơ như cứu cánh tâm hồn trên cõi nhân gian. Bài “Văn thơ” in trên báo Nhân dân cuối tuần và có mặt trong tập “Tự bạch” ra mắt công chúng năm 2016, như một tuyên ngôn về thơ của Anh Chi những năm Việt Nam ta đang hòa nhập sâu rộng với thế giới cả về đời sống kinh tế - xã hội, cả về văn hóa và văn học nghệ thuật:
Thơ dẫu viết chuyện lên trời
cũng để nói về trần thế
trần thế nhiều khổ nạn, giặc dã
cũng thật nhiều nước mắt mồ hôi.
Nhà thơ phải thực sự nếm trải buồn vui, sướng khổ trong trường đời mới viết được thật sâu về nghĩa lý của những sướng khổ, buồn vui đó. Mọi trường phái cách tân, đổi mới đều lạc lõng, lụi yếu nếu xa rời cội nguồn dân tộc, xa rời cuộc sống cần lao cộng đồng. Nhà thơ nước mình không viết về đời sống Việt bằng tâm hồn Việt thì đâu có giá trị gì cho người Việt Nam ta. Anh Chi đã viết hàng loạt bài lý luận bàn về thơ. Ông cảnh báo phải thận trọng với sự mập mờ xủng xoảng, đao to búa lớn trong câu chữ nhân danh cái tôi nhỏ bé mà xa rời dân tộc, đất nước. Hiện tượng ấy thực sự đang nảy sinh, nên qua bài “Văn thơ”, ông càng khẳng định chân lý:
Chữ viết trong một ngày
văn nhân lội qua một kiếp
tôi mong người ta yêu thương những chữ
chất chứa vật vã phận người.
Thơ như vậy, thực sự là cả tấm lòng và trách nhiệm của nhà thơ với nền thơ ca Việt Nam! Với thể thơ lục bát, Anh Chi thực sự đã tạo được một giọng điệu riêng. Cách ngắt nhịp giãn câu thơ liền mạch từ sáu vắt sang tám, có khi ngắt câu tám thành nhịp 3/5 như lối đảo phách của trống chèo truyền thống, điệu nghệ với liên từ mà, và, ấy mở rộng tầm cảm xúc người đọc: Con sào cảm động cong cong/ cũng vít vổng và cũng mong lên bờ (Thuyền than lại đậu bến than); hoặc: Cùng với Tô Lịch lúc này/ tôi hữu hạn, bỗng thấm đầy vô biên (Tô Lịch dịu dàng); và nữa: Nước non rộng lắm người ơi/ Và dài tới tận xa xôi cây buồm (Cây buồm)... Rất cổ điển, dân gian mà thật hiện đại! Thi sĩ Anh Chi đã nâng cao đôi cánh thơ lục bát dân tộc trên bầu trời thơ Việt Nam hiện đại để thể hiện được những hình tượng thơ mang giá trị nhân văn lớn.
Đưa máu yêu nước lên trời
thành hoa nở - ấy là dời kim cang!
(Đời cây kim cang)
Về thơ, Anh Chi viết từ tốn, kỹ lưỡng, chọn từ ngữ độc đáo, trong hơn ba mươi năm ông chỉ in năm tập thơ, trong đó có tập in chung với Võ Thanh An và tập in chung với Thạch Quỳ và Yên Đức. Ông được trao tặng hai giải thưởng thơ của Tổng Liên đoàn Lao động và Hội Nhà văn Việt Nam, lần thứ II (1972-1975) và lần thứ VI (1991-1995); Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1982; truyện dài “Câu chuyện Buồm Nhỏ” viết cho thiếu nhi được Giải thưởng của NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Việt Nam (1980-1981); Giải thưởng thơ của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội (1991-1995). Thơ chính là cuộc sống của Anh Chi, là sự nghiệp một đời lao động, có khổ đau và hạnh phúc:
Thơ như người như số phận vậy
Đôi khi đẹp đau lòng như một vết thương
(Tưởng nhớ Đào Ngọc Vĩnh)
Nhưng dòng chảy văn chương Anh Chi đâu chỉ có vậy. Hai mươi năm gần đây, nhà thơ Anh Chi đã trở thành cây bút lý luận phê bình uy tín. “Một nhà nghiên cứu văn học Anh Chi với đúng nghĩa của nó” - (nhận định của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu). Hơn ba ngàn trang trong chín đầu sách khảo cứu, phê bình, tiểu luận về văn học ông đã cho xuất bản, cùng nhiều bài báo công bố đều đặn hàng năm khiến ta kính nể sức lao động sáng tạo, hiệu quả công việc của nhà lý luận phê bình Anh Chi. Khi sưu tầm, nghiên cứu để viết về đời sống văn chương nước nhà, ông không đi theo lối mòn của nhiều nhà lý luận phê bình hiện nay là viết và bàn luận những việc, những tác gia đã được định danh, sáng rõ. Anh Chi lục tìm trong tư liệu, phủi lớp bụi thời gian, đưa ra những sự việc, vấn đề và những văn tài bị chìm lấp, lãng quên, do vô tình hoặc cố ý quên lãng. Những bài viết của ông đầy ắp dữ liệu, chứng cứ, được luận giải khoa học và sâu sắc tính nhân văn. Xin hãy đọc tập Bảy người hiền và ba việc cũ (NXB Thanh Niên, 2006), ta sẽ thấy công sức nhà nghiên cứu Anh Chi trong việc tìm kiếm các tư liệu về tờ Tuần báo Tiểu thuyết Thứ năm, về nhà văn Lê Tràng Kiều, về nhà thơ liệt sĩ Quỳnh Dao... Nó thăm thẳm một niềm thương cảm, ân nghĩa của một nhà thơ hôm nay đối với các văn tài tiền nhân. Viết về Lê Tràng Kiều, Anh Chi đắng đót: “Chúng tôi muốn nói với Lê Tràng Kiều một câu thôi, rằng, những gì ông đã làm được trong suốt cuộc đời rong ruổi ngoài Bắc, trong Nam, một cuộc đời hành động, đâu có chết được, và những ý nghĩa của nó càng không thể chìm vào hư vô!”. Đánh giá Hữu Loan, Anh Chi viết thật minh triết: “Thi sĩ tiền chiến Nguyễn Nhược Pháp để lại một dấu ấn tuyệt đẹp trong thời đại thơ ca rực rỡ của nước Việt ta bởi 12 bài thơ. Còn Hữu Loan là một ấn tượng đặc sắc trong thời đại tiếp theo, cũng rực rỡ, của thơ ca Việt Nam, và chỉ với 10 bài thơ!”.
Đọc những trang lý luận phê bình như vậy, tôi đã ứa nước mắt. Đó là bài thơ văn xuôi giỏi về duy lý, hay về duy mỹ và tràn đầy duy cảm. Duy cảm mới là hồn vía cho một tác phẩm văn học, khiến người đọc và giới quan tâm động tâm, động trí não. Năm 2013, Anh Chi đã được bạn đọc và giới quan tâm rất chú ý, trao đổi khá sôi nổi qua một loạt tiểu luận trên báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn & tác phẩm và báo Nhân dân cuối tuần. Năm 2016 ông xuất bản loạt bài đó thành sách “Theo dòng chảy thơ Việt Nam hiện đại”, và tác phẩm này đã được Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương trao Tặng thưởng hạng B (không có hạng A) cho các tác phẩm xuất bản hai năm 2016-2017. Năm 2023, Anh Chi lại cho in bộ sách “Luận về Văn mạch Việt” (tập I và tập II). Vẫn với phong cách sâu sắc về duy lý, đậm về duy mỹ và đầy duy cảm, ông viết về nguồn mạch văn học thành văn của người Việt ta, được khơi mở từ cuối thế kỷ II bởi Khương Tăng Hội, Mâu Bác (dù giới nghiên cứu văn học vẫn cho rằng văn học thành văn khởi đầu từ bài thơ “Phúc nước” do thiền sư Đỗ Pháp Thuận viết năm 981). Anh Chi nhận định về văn chương họ viết gần hai ngàn năm trước: “Đó là văn chương viết bằng tâm hồn Việt để nói về đời sống của người Việt ta. Bởi thế, ngay từ thuở ban đầu ấy, nó được khơi sâu mở rộng cùng dòng lịch sử người Việt chảy xiết và luôn được mở mang thêm trên đất nước Việt Nam ta!”. Vẫn với phong cách sâu sắc về duy lý, đậm về duy mỹ và đầy mỹ cảm, Anh Chi nghiên cứu và luận về các giai đoạn Văn học sử qua từng giai đoạn lịch sử, từ buổi nhà nước Văn Lang đã được nuôi dưỡng bằng những huyền thoại, truyền thuyết, như “Truyện Hồng Bàng thị” dân ta đã “bắc cây làm nhà để tránh hổ sói”. Qua thời Bắc thuộc, tới thời độc lập tự chủ bắt đầu từ Ngô Quyền, rồi Tiền Lê, Lý, Trần văn mạch Việt bắt đầu được khơi sâu, mở rộng, các tác gia đã tạo nên những tác phẩm chứa đựng tư tưởng văn - sử - triết, như Việt điện u linh, Lĩnh Nam trích quái (văn xuôi), và thơ Thiền của Vạn Hạnh, Mãn Giác, Từ Lộ… Rồi Văn mạch Việt vụt chảy xiết, mở rộng vào thời Trần qua ba cuộc đánh thắng quân Nguyên Mông, và cuộc đại thắng giặc Minh xâm lược của Lê Thái Tổ mà Anh Chi gọi là “Giai đoạn Văn chương của nghững người đánh giặc cứu nước” với đại biểu vĩ đại nhất là Nguyễn Trãi “người làm cho sức sống văn chương Việt hùng mạnh lên rất nhiều, gương mặt văn chương Việt rạng rỡ lên rất nhiều… sáng tạo thần tình của Nguyễn Trãi là hiện tượng văn chương mang tầm lịch sử!”.
Do duy cảm, lại nghiên cứu sâu, ngôn ngữ trong “Luận về Văn mạch Việt” có tốc độ nhanh và sự cuốn hút. Anh Chi nhìn nhận: Đầu thế kỷ XVII, với Phố Hiến ở Đàng Ngoài và Hội An ở Đàng Trong đã bắt đầu có giao lưu kinh tế, kỹ nghệ cới quốc tế (cả phương Đông và phương Tây), với nhu cầu tiến triển văn minh “trong giới thức giả tất yếu phải xuất hiện tác gia có bộ óc bách khoa, đó là Lê Quý Đôn với học vấn như biển đã trở thành người tập đại thành hầu hết tri thức của Đại Việt”. Và ông nhận định thật minh triết: “Thực tế lịch sử cho thấy, kế tiếp Lê Quý Đôn đã có những Phan Huy Chú, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Văn Vĩnh, Lê Tràng Kiều, Đặng Thai Mai… và đến giữa thế kỷ XX đã chính thức có Viện Văn học Việt Nam! Cùng sự xuất hiện ngành khoa học nghiên cứu về văn chương, cũng xuất hiện những tác gia văn chương lớn như Vũ Trinh, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát và đặc biệt là thiên tài Nguyễn Du… mà Anh Chi gọi là “những người tạo nên thời đại hoàng kim của nền văn chương Việt Nam”. Tới thời đại chữ Quốc ngữ lại có cuộc canh tân lớn nền Quốc văn với những người khởi đầu như Nguyễn Trọng Quản, Tản Đà… Nhưng thời đoạn đó thực dân Pháp cũng đã đặt được ách xâm lược lên dân ta. Anh Chi lại diễn luận thật nồng nhiệt: “May sao, trong rất nhiều bậc thức giả yêu nước thương nòi đã xuất hiện, có người lỗi lạc và sáng suốt nhất là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Với Người, suối nguồn Văn học Cách mạng được khơi mở nhanh chóng rồi hòa nhập với dòng Văn mạch Việt, tràn đầy sức lực!”. Như nội dung “Luận về Văn mạch Việt”, kể từ đó, Văn học chữ Quốc ngữ đạt tới những giá trị đỉnh cao giai đoạn 1930-1945 với những tài năng lỗi lạc như Nguyễn Văn Vĩnh, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nam Cao, Huy Cận, Thạch Lam, Lê Tràng Kiều; tiếp nữa là Hải Triều, Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Trần Mai Ninh… và dòng Văn mạch Việt, như Anh Chi viết “chảy xiết, tự mở đường mà băng tới!”. Rồi với cuộc Cách mạng vĩ đại tháng Tám năm 1945, thơ ca Việt như được cất lời reo vang hùng mạnh và “hay đến xuất thần” (bài Huế tháng Tám của Tố Hữu):
Ngực lép bốn ngàn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên, tim bỗng hóa mặt trời…
Một thời đại mới lại bắt đầu, lại phải đương đầu với cuộc chiến chống thực dân Pháp theo phương cách toàn dân tộc vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Trong “Luận về Văn mạc Việt”, Anh Chi viết: “Một lần nữa lịch sử lại tạo nên nhà văn và trào lưu văn học mới” trên đất nước vừa tạo dựng được nền Cộng hòa - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà suốt ba mươi năm trời phải kháng Pháp, đánh Mỹ. Ông dẫn chứng nhiều sử liệu về các trận chiến gian lao và anh hùng để chứng minh: “Văn mạch Việt đã thành một dòng chảy cuồn cuộn và mở mang thêm một chi lưu mới là dòng Văn học quân đội!”. Thực tế cho thấy nhận định đó là xác đáng: Sau khi đánh bại thực dân Pháp, năm 1955, một trại sáng tác văn học thật lớn cho nhiều nhà văn tiêu biểu ở các quân đoàn từ ba miền Bắc - Trung - Nam về Thủ đô Hà Nội viết về cuộc chiến của anh hùng dân tộc với niềm tự hào phần nào thể hiện trong câu thơ của Chính Hữu: “Lòng vui rưng rưng câu hát/ của chúng ta làm/ ca ngợi chúng ta!”. Chưa đủ, miền Nam đi trước về sau, phải thêm hai mươi năm trời nữa, các tác gia Việt Nam tiêu biểu như Vũ Bằng, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Vũ Hạnh, Anh Đức… lại tiếp tục cuộc hành trình văn chương bằng tình yêu và máu của mình đúng với nghĩa thực của nó. Trên hành trình đó, xuất hiện cả tác phẩm mang tầm lịch sử như “Chiếu dời đô” của Thái Tổ Lý Công Uẩn (thế kỷ XI) và “Bình Ngô đại cáo” của thi hào Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), đó là bản Điếu văn mà Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng và toàn dân thề trước anh linh Hồ Chủ tịch tại Quảng trường Ba Đình ngày 9 tháng 9 năm 1969!... Chính các tác gia đi suốt hành trình kháng chiến, đến thời kỳ đổi mới (1986) lại tiếp tục làm mới tư tưởng và nghệ thuật văn chương, tiêu biểu như: Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khắc Trường… tiếp tục có những đóng góp lớn cho nền văn chương Việt Nam đương đại, như Anh Chi nhận định trong Luận về Văn mạch Việt: “Mỗi lần đời sống dân tộc ta có những biến chuyển lớn, lập tức nền văn học cũng dậy lên những bước vận động mới mẻ hơn, nhân bản hơn. Đó là động lực lớn lao khiến Văn mạch Việt đương đại càng dồi dào giá trị nhân văn, vừa cuộn chảy vừa sinh sôi!”.
Lại một tin vui khiến các bạn văn đột ngột: Bộ sách “Luận về Văn mạch Việt” Anh Chi xuất bản năm 2023, đầu năm nay ông đã viết xong tập “Nghiên cứu và tiểu luận” với tiêu đề “Luận về công cuộc hội nhập văn học Việt Nam với thế giới”. Riêng tôi thực sự thật mừng cho ông, và còn rất vui, bởi ông chọn tôi là người viết Lời bạt cho cuốn sách, và tôi đã viết những trang chữ ở trên, trân trọng gửi tới bạn đọc!
Đã muốn khép lại Lời bạt này, nhưng bỗng trỗi lên trong tôi những câu thơ của Anh Chi: “Phận người gió cuốn mây bay/ văn nhân thì hiền, dòng đời thì xiết/ tôi mong người ta yêu thương văn nhân/ như yêu hoa, yêu áo cơm/ như thương nước mắt/ thương máu có thể hóa ngọc/ yêu những chữ đẹp như vết thương/ chữ chất đầy khổ đau mộng ước…”. Và tôi biết, tự đáy lòng ông càng mong người đời thương yêu:
Những người muôn năm cũ
hồn đọng thành thơ văn!
(Văn thơ)
Là người gắn bó thân thiết với Anh Chi từ cái thuở ban đầu bước vào nghiệp văn thơ, trải hơn năm mươi năm trời, nay nhìn lại, tôi thấy quả là dòng đời thật xiết. Và dòng văn chương của nhà thơ - nhà nghiên cứu văn học Anh Chi, nó tha thiết và vạm vỡ, trong trẻo và sâu lắng, cũng liên tục cuộn chảy từ bấy đến giờ!
N.N.Q