Từ sinh phận nhỏ yếu đến bài thơ định phận (Đọc tập thơ Những ý thức khác của Bùi Lâm Bằng, Nxb Hội Nhà văn 2024)
INRASARA
Bước vào thơ Bùi Lâm Bằng, ta như lạc vào những câu chuyện nhỏ (Le petit récit - chữ dùng của Jean-François Lyotard), lẻ, rời rạc, chẳng đâu vào đâu mà vẫn tạo nên nỗi ám ảnh kì lạ. Từ “Kẻ tội đồ mang ngù vai kim tuyến”, “Buổi chiều không thể gọi tên” đến những “Con le le ngơ ngác”, “Đám ma rừng” qua “Chợ đêm”... Chúng như thể những mảnh vụn bị cắt rời theo thể điệu hậu hiện đại từ những câu chuyện lớn (Le grand récit) và hệ trọng hơn, đòi hỏi sự chắp nối của kẻ kể chuyện chuyên nghiệp, và… cổ điển.
1. Cánh đồng bị giết, không phải một mà nhiều cánh đồng, hàng loạt cánh đồng - theo đủ thể cách, đủ nguyên do khác nhau bởi những “Kẻ ám sát cánh đồng” như tên một tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thiều. Cánh đồng khắp đất nước xinh đẹp này đang ngắc ngoải, hấp hối. Cánh đồng có mặt từ ngàn năm văn hiến với văn minh lúa nước tưởng trường tồn qua biến dịch thời gian, nay đang chịu đựng nỗi tổn thọ bất khả vãn hồi:
Trở dậy
Tiếng kéc ke buổi sớm
Tiếng chim đánh thức cánh đồng
Tiếng kéc ke không còn chỗ để vang xa
Cánh đồng hẹp dần theo họa đồ ý chí
Tá điền còng lưng
Không đem lại niềm vinh quang gặt hái
Tắt lịm khóe cười mùa vụ truyền gia.
(Sự tổn thọ của cánh đồng)
Cùng tổn thọ với cánh đồng là những phận người từng gắn kết với cánh đồng, đời này qua đời khác. Sáng thức dậy, họ ngơ ngác trước bao lồ lộ:
Bầy bầy cao ốc mọc giữa cánh đồng
Buyn-đinh mọc giữa cánh đồng
Villa mọc giữa cánh đồng
Kiếp thổ mộc, tá điền... trôi dạt về đâu.
(Sự tổn thọ của cánh đồng)
Xuân qua hạ, thu sang đông. Sáng, chiều và tối. Cánh đồng thân thương không còn là cánh đồng của tuổi thơ, tuổi trẻ, tuổi già. Chúng bị nhuốm màu ngoại tạp lạ huơ lạ hoắc, mang khuôn mặt khác, đầy dọa nạt:
Ráng đỏ quạch chân đê
Chiều sẫm hạt
Cánh đồng sàm sạm gương mặt cuối chiều.
(Cánh đồng chiều)
Khiếp quá! Ngày trước Tú Xương đã từng giật mình trước thay đổi đột ngột của làng quê trước thời cuộc:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Còn đỡ! Bởi ở đó dẫu mất “sông” với “tiếng gọi đò” đầy kỉ niệm, nhà thơ vẫn còn “đồng”, còn “ngô khoai”, còn “tiếng ếch”. Nghĩa là vẫn còn đẫm màu cổ điển. Nay thì khác, hoàn toàn khác, khác toàn tập. Như thể một đứt gãy đột ngột đến không thể ngờ. Sau dòng sông là cánh đồng, chúng đã chết lâm sàng. Bùi Lâm Bằng nghe “Sông khóc”:
Lòng sông nhụa nhầy rác rưởi
Vỏ bưởi, vỏ cam, lon nhựa, ni lon… tung tăng trẩy hội
Sông ngập ngụa
Cá chép, cá mè, cân cấn, đòng đong… loi nhoi, ngộp thở, ghếch miệng ngáp phù du
Phù du lều bều, lều bều.
(Sông khóc)
Vài con chim sống sót lạc đàn ngơ ngác giữa màu trời xa lạ, ngơ ngác cả con le le quen thuộc với dân quê, quen thuộc với con sông và cánh đồng xưa: “Con le le mắt tròn ngơ ngác/ Sã cánh nhìn cánh đồng ngập ngụa trong mưa” (Con le le ngơ ngác).
Người dân Việt ngàn đời cư trú trong làng, làng ấy được đùm bọc và cưu mang bởi cánh đồng hiền hòa và dòng sông yên ả. Khi dòng sông nghẽn mạch, và cánh đồng bị bức tử thì không gian văn hóa làng cũng bị phá vỡ thành những mảnh vụn - vô số mảnh vụn.
Trống rỗng đồng làng, trống rỗng cổng làng, trống rỗng cây rạ cây rơm
Trống rỗng đầu làng cây đu, trống rỗng lỗ đồng xu đánh đáo
Trống rỗng... mái bổi, tàu cau
Chum vại ngác ngơ
Bến nước ngác ngơ, ống tấm ngác ngơ, cái lừ, dong dóc...
(Làng thời A-còng)
Hiếm có đoạn thơ hiện đại nào về làng Việt hiện thời lồ lộ thứ hiện thực đen, đau đớn và chua chát như thế. Bùi Lâm Bằng từ miền quê ra phố rồi trở về, anh nhìn thấy, cảm nhận “nước mắt cánh đồng”, và kể lại.
Cánh đồng khỏa thân
Cánh đồng trọi trơ
Cánh đồng tua te rã rượi cuối mùa chờ phiên đấu giá.
(Nước mắt cánh đồng)
2. Kể lại những phận người từng gắn bó keo sơn với cánh đồng, ở đó thân phận người nữ đậm nổi lên như một trò đùa của định mệnh. Sinh linh thuộc giới tính này yếu đuối hơn, dễ bị tổn thương hơn. Cánh đồng chết, những “người đàn bà chờ đợi”, những “người đàn bà đối mặt với bóng đêm”, những người đàn bà “tím như bóng chị”:
Năm mươi năm rồi
Anh không về…
Chỉ một màu tím thôi
Tím như bóng chị năm mươi năm lặng lẽ trong căn nhà nhỏ.
(Tím như bóng chị)
Cánh đồng bị ám sát, những phận đàn bà bị bật văng ra khỏi không gian từng ôm ấp họ. Để tìm mưu sinh trên mảnh đất quê hương mà như thể không là quê hương:
Người đàn bà bươn bải ngoài bãi rác
Tia mắt chị lóe lên
Một mảnh nhựa
Một túi lon
Một vỏ lon bia...
(Mưu sinh)
3. Đứng trước bao sinh phận ấy, tôi có một giấc mơ “I have a dream”. Tôi phải “mơ giấc mơ”, dẫu đó chỉ là “giấc mơ của đười ươi”, tôi không thể không mơ nó. Nhà thơ cần có giấc mơ đó, không thể khác. Và, không thỏa hiệp.
Giấc mơ tôi, giấc mơ tôi
Mây chở giấc mơ tôi. Trú ngụ
trên những cánh đồng no gió. Gió
ngàn ngạt gió trở mùa.
Tôi chạy trên tiếng khản giọng đồng quê
chân trần. Không quy ước
Không mặc định. Không, không, không…
Tôi
Tôi
Tôi
Chạy
Tôi
Mơ
Mơ
Mơ
Trên giấc đồng trinh
Đồng trinh. Không thỏa ước.
(Giấc mơ tôi)
Nhà thơ Mai Văn Phấn: “Được quyền nghĩ những gì đã ước”. Là hay! Thế nhưng, tại sao không được quyền viết những gì đã nghĩ? Và hơn thế: được quyền làm những gì đã viết? Tôi không thể không hành động. Bởi con người là gì, nếu không là tổng hòa mơ, nghĩ, và làm của hắn? Nghĩa là, như một sinh thể nhỏ bé tồn tại trong ngắn ngủn thời gian vô định giữa không gian vô cùng, hắn cần lưu lại dấu vết của chính hắn. Cần, dẫu chỉ là vết mờ, dẫu phải chấp nhận bao tai ương khắp xung quanh sẵn sàng ập đến, quét hắn như quét một hạt bụi ngẫu nhiên có mặt trên mặt đất xinh đẹp và già cỗi này.
Có con đường nhòa trong sương
Có con đường gập ghềnh, khổ ải
Con đường lầm bụi
Mờ ảo dấu chân.
Có những bàn chân vạch đường đi cho nhân loại
Những bàn chân...
Tóe máu...
Nhọc nhằn.
Giá treo cổ lơ lửng
Dọa dẫm những bước đi
Ngàn vạn ánh nhìn run sợ
Bàn chân...
Vẫn đi...
Đi những vệt hoang sơ nhưng vĩ đại.
Sương mờ
Vạn vật mờ ảo...
Không khuất nổi những dấu chân.
(Những dấu chân)
Đó là bài thơ định mệnh. Nhà thơ hiểu mệnh, hành mệnh và yêu mệnh Amor Fati! Bởi, để làm gì thi sĩ, trong thời đại giàu sang nghèo nàn này, nếu không phải để lại những dấu chân, những vết mực, những câu thơ định mệnh?
Chakleng, chiều 13-10-2024
INRASARA