Thơ hay là phải biết tạo sự rung cảm ở cả những điều giản đơn (Đọc bài thơ Sửa nhà của Nguyễn Bình Phương)
PHẠM VĂN DŨNG
Đề tài về ngôi nhà để thành thơ thì thường là: nhà mới, nhà vườn, ngôi nhà ký ức, nhà chật, bán nhà, nhà ngoại… Khi ai đó sửa nhà cũng có thể viết nên bài thơ thì thật là khó. Viết đã khó rồi nhưng để cho nó thật hay, thật ấn tượng, thật rung động thì lại càng khó hơn biết chừng nào. Vậy mà thi sĩ Nguyễn Bình Phương đã làm nên được điều đó, thật là vi diệu.
Có những bài thơ mới đọc đã thấy ấn tượng ngay, nó như bị thôi miên, bị mê hoặc bởi từ ngữ dùng khá thần diệu của nhà thơ. Lại có khi, những bài đọc đi, đọc lại, nghiền ngẫm mãi mới thấy sự hay. Có bài đọc lần đầu chỉ thấy ngang phè, không tài nào cảm nổi, có khi nó đang thách đố ta phải được hiểu ở một trường liên tưởng cao vợi khác. Thế nên có những bài thơ buộc ta phải đọc chậm, đọc đi đọc lại để ngẫm ngợi là vì vậy. Với thi sĩ Nguyễn Bình Phương ta thấy cả 2 yếu tố trên đều trộn lẫn vào nhau. Thơ anh mới đọc đã tạo ngay sự hứng khởi, nhưng nghiền ngẫm lâu lại thấy chất chứa cả một kho tầng vỉa về ý nghĩa của câu từ ẩn phía bên trong.
Khi còn là sinh viên, chúng tôi đã vô cùng mê mẩn với bài thơ “Nhà chật” của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ. Thi tứ thật dung dị, nhưng khi đọc lần đầu nó có thể chiếm trọn sự yêu mến trong lòng độc giả: “Nhà chỉ có mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/ Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình”.
Cùng với trường liên tưởng ấy, ngày hôm nay ta bắt gặp bài thơ “Sửa nhà” với nhiều nỗi niềm tâm sự của người viết: “Gạch au đỏ, xi xám, và kẽm bạc/ rầm rập bám nhau chuyển lên cao/ lòng hàng xóm thoắt trở lạnh cồn cào/ dăm ba lời ngoài xa ì xẹo”.
Mấy câu thơ mở đầu là sự liệt kê các vật liệu dùng để sửa nhà, những chuyển động để biết vị trí chỗ cần sửa, có tình tiết về lòng dạ của những người hàng xóm và không loại trừ có cả những lời bàn tán ì xẹo từ xa. Với chỉ 4 câu thơ ta thấy như đã viết lên một câu chuyện ngắn khá chi tiết về việc sửa nhà. Tuy là chưa phản ánh đầy đủ cho công việc sửa nhà, nhưng cốt truyện cơ bản đã đủ, có tình tiết, có sự việc, có nhân vật, có cao trào. Dẫu không ghi âm cho lời nói của nhân vật, nhưng với từ “cồn cào” và “ì xèo” đủ thấy được thái độ là không mấy thiện cảm, hài lòng với việc sửa nhà của gia chủ. Thơ Nguyễn Bình Phương thật kiệm lời, không thừa từ và thật chắc ý. Không hoa mỹ bề ngoài mà chỉ cốt soi rọi vào cái sâu thẳm tận cùng đang nhức nhối tự bên trong.
Ống kính của thi nhân tiếp tục quay cận cảnh cho công việc sửa nhà: “Từ ống nhựa mưa đột ngột xõa ra/ xẻng nhào lộn những trập trùng phận cát/ giữa mê trận ầm vang thét lác/ thợ hồ thô như vỏ xà cừ khô/ thợ hàn đứng huy hoàng trong chớp lóe/ vòm họng ai xổng một câu vọng cổ/ len lỏi theo từng mạch vữa ướt nhòe/ bàn xoa lượn những vòng đua chênh chếch”.
Với ống kính thần diệu, chỉ quét một đường cơ bản mà đã phản ánh đầy đủ, chi tiết từng hoạt động hỗn tạp của công việc sửa nhà. Thợ hồ, thợ hàn; những nhựa, những vữa, những cát, bàn xoa… tất cả đều được hóa trang bằng những biện pháp tu từ, khi thì so sánh “như vỏ xà cừ khô”; khi thì nhân hóa “huy hoàng trong chớp lóe”, “xổng một câu vọng cổ”, “bàn xoa lượn”; khi thì đối lập: “khô” - “ướt nhòe”; cùng với những từ láy gợi hình “trập trùng”, “chênh chếch”… đủ thấy tài năng dùng từ của người nghệ sĩ. Vốn dĩ Nguyễn Bình Phương là một nhà văn, anh đã viết nhiều pho tiểu thuyết dày cộp. Khi chuyển lái làm thơ, thì những bài thơ được cô chắt đến kiệt cùng câu từ có thể, làm nên sự ám ảnh, ma mị trong mỗi người đọc chúng ta. Từ công việc sửa nhà với bộn bề của sự nham nhở, với ngổn ngang vật liệu, với muôn vàn lời đàm tiếu chẳng mấy đẹp lòng. Những chất liệu ấy ngỡ như phải viết một bài thơ dài vài trang mới đủ lột tả hết. Vậy mà, chỉ với một bài thơ ngắn chưa đầy hai chục dòng thơ cho ta thấy khá đầy đủ về một công việc sửa nhà, không li kì, không kịch tính, không cao trào mà tạo được sức gợi mê hoặc lòng người.
Với những người hàng xóm, người ngoài xa có “ì xèo”, có “lạnh cồn cào”, cộng tất cả cũng sẽ không bằng việc “mặt vợ con méo xệch”. Nếu chỉ dừng ở sự “méo xệch” của một chi tiết thì nó chỉ là một ý của câu chuyện đơn thuần. Để nâng lên giá trị về sức nặng cho một thi phẩm thì nó phải được so sánh một cách thần tình “y như lá bạt nghiêng theo chiều gió”. Mặc dù là nhăn nhó, méo mó, khó chịu đấy, nhưng bất luận gì cũng phải nghiêng theo chiều gió, phải theo cái ý của người cầm lái. Và cái kết cục cũng đã được đáp đền: “Thế nhưng kìa một căn phòng nhỏ/ thật nhỏ thôi, đang hiện dần dà/ sẽ đầy ắp những riêng tư vô tận/ Sau ngập ngụa bụi bay rèm cuốn/ có một người nhìn xuống phố thênh thênh”.
Và đến đây, những câu thơ trong bài “Nhà chật” của thi sĩ Lưu Quang Vũ cũng chợt vang lên trong đầu tôi một cách đồng điệu: “Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió/ Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ/ Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời”.
Bao vất vả cơ cực giờ đây cũng đã được đáp đền một cách xứng đáng. Nhưng cao siêu hơn mà ý của 2 thi nhân muốn gửi gắm tới chúng ta là ở đời chẳng bao giờ là biết đủ cả. Khi cuộc sống đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, khi cái đói đang giày vò ta thì chỉ một cái bánh mì bẻ đôi cũng thật là hạnh phúc. Khi bao ngày phải ở trong căn nhà dột nát, giờ sửa sang để tránh được nắng, che được mưa cũng đã là hạnh phúc muôn lần. Giá trị của thơ là biết khơi gợi trong ta bao điều thấu cảm, khởi lên trong ta niềm mong ước giản đơn mà vô cùng trân quý và ý nghĩa của đời này.
Khép lại đôi điều cảm nhận về bài thơ, tôi vẫn cứ bị ám ảnh bởi câu “xẻng nhào lộn những trập trùng phận cát”. Ngẫm rộng ra, mỗi thực thể đều có phận của riêng mình, như phận thơ chẳng hạn. Mỗi ngày trên đất nước Việt Nam có hàng vạn bài thơ ra đời, liệu trong số vạn bài ấy có được mươi bài sống bền lâu cùng thời gian được chăng? Khuôn hẹp lại, ở một bài, hôm nay ta có thể chưa thấy hay. Nhưng 10, 20 năm sau và lâu hơn nữa ta mới thấy hay thì sao. Thế mới biết rằng, phận thơ cũng trập trùng không khác gì phận cát, phải không những bạn yêu thơ?
P.V.D