Bản lĩnh nghệ thuật
ĐINH QUANG TỐN
Tự trọng nghề nghiệp
Cuối thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, có một lứa thiếu nhi làm thơ gây được tiếng vang trong đời sống văn chương và xã hội lúc đó, tôi chú ý nhiều đến Hoàng Hiếu Nhân bởi sự sâu sắc trong tư duy thơ của em. Và tôi thấy em có một lòng tự trọng nghề nghiệp. Khi em làm thơ đã khá nổi tiếng thì có một vị lãnh đạo địa phương đến nhà chơi và gợi ý em làm thơ về mình. Em đã từ chối bằng hai câu thơ: “Biết nói gì hả bác ơi/ Con chim muốn hót khoảng trời chưa quen”. Rồi sau này Hoàng Hiếu Nhân không làm thơ nữa. Có thể do cảm hứng thơ không đến, cộng với lòng tự trọng nghề nghiệp của mình?
Trường hợp nhà văn Kim Lân thì nhiều người biết hơn. Sau một số truyện ngắn nổi tiếng, cảm hứng sáng tác không đến với ông nữa, ông đã ý thức được và dừng viết; mặc dù ông vẫn rất yêu nghệ thuật. Bằng chứng là ông đã tham gia đóng một vài bộ phim, trong đó nổi bật với vai Lão Hạc ở phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà văn Nguyễn Khải có đến chơi và nói với ông: “Bây giờ là thời của anh đấy, anh viết đi”. Ông trả lời là cảm hứng sáng tác đã qua rồi thì cho nó qua luôn.
Tự trọng nghề nghiệp là biết tôn trọng nghề nghiệp mà mình làm. Trên thế giới có nhiều văn nghệ sĩ sau khi nổi tiếng, biết là mình không thể vượt qua đỉnh cao ấy nữa đã tự dừng lại, rời bỏ công việc ấy để làm công việc khác, thậm chí sống ẩn dật không tiếp xúc với mọi người.
Nhưng lòng tự trọng cao nhất của nhà văn là đối với ngay từng trang viết của mình. Đó là dồn hết tâm huyết để cho những trang viết không nhạt. Mặc dù tôi không đồng tình với quan điểm “chữ bầu lên nhà thơ” và nhà thơ làm “phu chữ” của nhà thơ Lê Đạt, nhưng tôi quý lòng tự trọng nghề nghiệp của ông. Nếu không có tài năng để viết nhẹ nhàng như dạo chơi được những kiệt tác, thì hãy làm “phu chữ” để được những trang có ích. Chứ đã không có tài lại không cẩn trọng nữa thì chỉ làm khổ mọi người thôi. Ở điểm này, các vĩ nhân cổ kim Đông Tây cũng đều thống nhất với nhau. Hơn ba trăm năm trước, danh nhân Trương Triều (Trung Quốc) viết: “Côn trùng mùa thu, chim chóc mùa xuân còn biết hòa thanh uốn lưỡi, cất những tiếng hay; bọn ta trau chuốt bút lông, sao lại cam chịu như quạ kêu trâu rống!”. Nhà thơ hiện đại Cu Ba Nicôla Ghiden đã xác định: “Nhiệm vụ trước hết của nhà thơ là không được làm thơ dở”. Còn thi sĩ Xuân Diệu thì có tập tiểu luận “Dao có mài mới sắc” nói về sự rèn luyện nghề nghiệp của các nhà văn.
Trong thực tế thì không phải bao giờ tác phẩm sau cũng hay hơn tác phẩm trước. Chẳng phải vì thế mà đốt tác phẩm của mình đi. Nhưng đặt ra mục tiêu để phấn đấu thì luôn luôn cần thiết. Nhiều nhà văn tâm huyết với nghề đã ý thức chuẩn bị viết một tác phẩm để đời. Đó là điều rất đáng quý, rất cần làm. Nhưng thường thì “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nó còn có cái duyên văn chương nữa. Nhưng sự tâm huyết và chuẩn bị cho việc ra đời của một đứa con tinh thần thì ít nhất cũng đặt cơ sở vững chắc về chất lượng được năm mươi phần trăm. Đối với người viết văn thì một tác phẩm ra đời phải qua hai bước: Viết tác phẩm và khai sinh cho nó. Những nhà thơ, nhà văn giàu lòng tự trọng nghề nghiệp thì có thể sáng tác nhiều mà công bố ít. Chỉ những tác phẩm có chất lượng mới được họ đặt tên và đăng ký khai sinh vào đời. Đó là việc thận trọng cần thiết để tránh cho đời những tác phẩm kém chất lượng. Còn đừng sợ để sót những tác phẩm có chất lượng. Di cảo thơ của Chế Lan Viên vẫn được mọi người tìm và tôn vinh mà!
Nghề nào thì những người yêu nghề và có tài năng cũng đều giàu lòng tự trọng nghề nghiệp cả. Điều này thì những người làm thơ viết văn đều biết quá rõ. Có điều giữa hiểu biết và việc làm trùng khớp thì chỉ ở những người bản lĩnh cao mới có được.
Bản lĩnh nghệ thuật
Trong truyện cổ dân gian có một truyện nói về bản lĩnh nghề nghiệp, đó là truyện “Đẽo cày giữa đường”. Trong cuộc sống không có lập trường, không có bản lĩnh còn chẳng làm nên cơm cháo gì, huống hồ trong nghệ thuật, một lĩnh vực rất khó, đòi hỏi phải có bản lĩnh rất cao.
Thường thì những tài năng lớn đi liền với bản lĩnh lớn. Thi tiên Lý Bạch (Đời Đường - Trung Quốc), đương thời đã rất nổi tiếng, được vua Đường trọng dụng, các nho gia danh sĩ đương thời cũng rất tôn sùng. Ông cũng ngầm kiêu hãnh so sánh mình với những ngọn núi lớn: “Bao nhiêu mây nổi bay đi hết/ Chỉ còn núi Kính Đình và ta”. Có thể nói ông là vua thơ của thời bấy giờ. Nhưng khi đến lầu Hoàng Hạc, ông đã bái phục nhà thơ Thôi Hiệu với bài thơ “Hoàng Hạc lâu”, tự buông bút thốt lên: “Nhãn tiền hữu cảnh họa bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”. Chính hành động đầy bản lĩnh này cũng đóng đinh tên tuổi Lý Bạch vào lầu Hoàng Hạc. Người đời sau, nhắc đến lầu Hoàng Hạc là phải nhắc đến thơ Thôi Hiệu và lời nhận xét của Lý tiên sinh một cách trân trọng. Giả sử Lý Bạch cố chấp cậy tài làm một bài thơ vịnh lầu Hoàng Hạc đề ở bên cạnh mà lại không hay, kém bài thơ của Thôi Hiệu thì có khi lại là đề tài cho hậu thế bình phẩm, cười cợt. Đây cũng là bài học cho những ai thích ganh tài mà không tự biết khả năng của mình.
Một người tôi cũng khâm phục bản lĩnh nghệ thuật, đấy là Nguyễn Đình Thi. Ông là một người đa tài, điều ấy đã có nhiều người nói và chứng minh. Tôi cũng đã có bài viết “Ngôi nhà của Nguyễn Đình Thi”. Ở đây, tôi chỉ khẳng định bản lĩnh nghệ thuật của ông trong sáng tạo thơ ca. Cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi ở Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc, họp trong những ngày cuối tháng 9-1949, có thể nói khái quát là một hội nghị phê phán thơ Nguyễn Đình Thi. Dự hội nghị và tham gia phát biểu có những tên tuổi lớn của nền văn nghệ Việt Nam hiện đại: Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Văn Cao, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Thanh Tịnh,... Các ý kiến tập trung vào mấy vấn đề: Thơ Nguyễn Đình Thi không vần, trúc trắc khó ngâm, tư duy thơ khó hiểu. Nguyễn Đình Thi đã phát biểu tiếp thu các ý kiến và hứa sửa chữa. Nhưng trong thâm tâm, chắc Nguyễn Đình Thi nghĩ mọi người không hiểu thơ của mình, giống tâm trạng của Galilê, sau khi thoát khỏi giàn hỏa thiêu đã nói “dù sao trái đất vẫn quay”, nên bên cạnh những bài thơ có vần dễ hiểu, ông tiếp tục sáng tác thơ tự do, thơ không vần. Đặc biệt là giai đoạn cuối đời (thập niên chín mươi thế kỷ XX) ông làm được một khối lượng lớn thơ văn xuôi, thơ ngắn không vần tập hợp trong tập “Sóng reo”, vẫn phong cách thơ từ nửa thế kỷ trước phát triển lên, được giải thưởng đặc biệt của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002. Bản lĩnh nghệ thuật đã quyết định thành công nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi.
Còn nhà phê bình Hoài Thanh, khi cùng Hoài Chân làm tuyển tập Thơ Mới trong Thi nhân Việt Nam, ông cũng phải có một bản lĩnh lớn. Đó là việc loại bỏ hơn một vạn bài thơ, để chọn lấy 168 bài. Tất nhiên, một khối lượng công việc đồ sộ như vậy thì sẽ không tránh khỏi có nhiều thiếu sót, nhầm lẫn, như bỏ sót một số bài thơ hay và tuyển chọn nhầm một vài bài yếu. Bản lĩnh nghệ thuật của Hoài Thanh nổi bật ở những nhận định, đánh giá các nhà Thơ Mới. Ông không né tránh, nói thẳng, chỉ ra những ưu, khuyết điểm của từng người. Phải nói, đó là một bản lĩnh lớn của nhà phê bình. Chẳng hạn khi ông viết: “Nguyễn Vĩ là một người có chí cao nhưng tài mọn”. Tôi chưa thấy có nhà phê bình nào của nước ta trong thế kỷ XX dám có những nhận xét tương tự. Và với bản lĩnh của một tài năng biết đánh giá được thực chất các nhà thơ của phong trào Thơ Mới, ông đã viết: “Huy Thông khá hơn... đã lập ra được một trường thơ nhỏ trong ấy có: Lam Giang, Phan Khắc Khoan và một nhà thơ sau này sẽ đi xa: Chế Lan Viên”. Chính nhận định này của Hoài Thanh về Chế Lan Viên mà có người đã gọi Hoài Thanh là thiên tài. Dám khẳng định bước đường sự nghiệp sắp tới của một nhà văn và đã tiên lượng đúng, phải là người có bản lĩnh.
Bản lĩnh nghệ thuật cần với tất cả các nhà thơ, nhà văn. Nói rộng ra, cần với tất cả các văn nghệ sĩ. Bởi bản lĩnh nghệ thuật hỗ trợ rất lớn cho tài năng, chắp cánh cho tài năng vượt qua các thử thách. Nó là một sự kết hợp biện chứng rất khó lý giải. Có phải bản lĩnh nghệ thuật và tài năng luôn luôn song hành? Văn học nghệ thuật thật sự là một lĩnh vực cao siêu, những ai không có tài năng và bản lĩnh nghệ thuật thì sẽ khó thành công như mong muốn.
Đ.Q.T