Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   “Cánh rừng nhiều đom đóm bay” và hồn thơ Nguyễn Đức Mậu 
“Cánh rừng nhiều đom đóm bay” và hồn thơ Nguyễn Đức Mậu 

“Cánh rừng nhiều đom đóm bay” và hồn thơ Nguyễn Đức Mậu 

NGUYỄN MINH KHIÊM

Tuyển tập thơ Nguyễn Đức Mậu (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 12 - 2023) dày, rất dày. 273 bài. Gần 500 trang. Một khối lượng thơ đồ sộ. Đây gần như là toàn bộ gia tài thơ Nguyễn Đức Mậu hơn bốn chục năm sáng tác. Thơ viết về thời chiến có. Thơ viết về thời bình có. Tình yêu có. Ký ức có. Thế sự có. Chiến sự có. Đất nước có. Làng quê có. Việt Nam có. Lào, Campuchia có. Cái gì cũng vắt gan vắt ruột nhà thơ. Cái gì cũng da diết trái tim, hơi thở nhà thơ. Bề thế. Sắc sảo. Chắt lọc. Tinh tế. Đủ cung bậc. Tình yêu. Suy ngẫm. Nhân văn. Nhân hậu. Nhân ái. Đau xót. Đằm ngọt. Nhưng ám ảnh nhất, trì níu nhất, lay lật nhất vẫn là bài thơ “Cánh rừng nhiều đom đóm bay”. Mọi lời bình không sắc bằng câu chữ trong thơ. Mọi phân tích, suy ngẫm không gợi, không sâu bằng hình ảnh trong thơ. Mọi ngôn từ chất lên không cao, không nặng bằng hiện thực của thơ. Mọi sự ví von so sánh không hấp dẫn, không lay động bằng đọc trực tiếp bài thơ. Vì lẽ đó, tôi xin chép nguyên vẹn bài “Cánh rừng nhiều đom đóm bay” để bạn đọc trực tiếp cảm nhận được lửa từ câu chữ, muối từ câu chữ, sóng từ câu chữ, gió từ câu chữ, vực thẳm từ câu chữ, xoáy lốc từ câu chữ:
Đêm. Đơn vị dừng chân trong sâu hút cánh rừng. Có giếng nước ai đào dưới dòng suối cạn? Múc nước lên. Chúng tôi uống trong cơn khát cháy khô vòm họng. Nước ngọt mát râm ran cơ thể cỗi cằn. Chúng tôi biết đâu trong lòng giếng có xác người chết. Đêm mịt mùng, cánh rừng nhiều đom đóm bay, những sợi mỏng chập chờn ảo giác.
Tôi rời võng, khoác súng vào phiên gác. Khi bước giữa hàng cây tối đen, tôi vấp phải vật gì mềm nhũn, một mùi tanh lờm lợm xông lên. Có lẽ xác một con hoẵng trúng bom? Tôi mệt mỏi nghĩ thầm. Hết phiên gác tôi ngủ vùi trong võng. Đom đóm rơi đầy giấc mơ của lính. Tôi đang ngủ, đang mơ, tôi nào hay bên những gốc cây bầy mối đục mòn đêm trên những xác người?
Sáng. Tổ anh nuôi múc nước nấu cơm và hoảng hốt nhận ra xác hai cô gái. Tiểu đội sục vào các hốc đá, lùm cây, tìm thấy xác ba chàng trai nữa. Chúng tôi đắp năm ngôi mộ không ngày sinh tháng mất, không họ tên, không địa chỉ thôn làng. Nhìn những cuộn dây điện, những chiếc máy bộ đàm im lặng. Chúng tôi đoán họ là lính thông tin bị giặc chặn đường.
Chiến tranh lùi xa, con đường mòn Trường Sơn bao giờ tôi trở lại? Đâu cái giếng hòa máu người tôi uống trong cơn khát, gốc cây rào rào bầy mối đục mòn đêm. Đâu năm ngôi mộ vô danh đắp bằng nỗi đau, nước mắt. Nơi cánh rừng nhiều đom đóm bay.
Đọc mà tóa mồ hôi. Đọc mà đứt từng khúc ruột. Đọc mà tim buốt nhói. Đọc mà sởn gai ốc. Đọc mà ứa nước mắt. Tự nhiên thốt lên: Ôi chiến tranh! Chiến tranh! Trường Sơn là thế. Chiến trường là thế. Đường ra trận là thế. Không phải mô tả đạn bom nhiều đến mức nào. Không phải mô tả ác liệt đến chừng nào. Không cần phải hô lên khốc liệt. Không cần phải hô lên cái giá của hòa bình. Không phải viết thật nhiều khẩu hiệu khắc sâu lòng biết ơn sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ. Không phải mô tả xương máu của Bộ đội và Thanh niên xung phong. Không phải nói nhiều đến nghĩa tình đồng đội. Đọc xong bài thơ ta chỉ có thể thốt lên: Quá khủng khiếp! Quân đội Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam hiểu cái khủng khiếp ấy, đi qua cái khủng khiếp ấy để trở thành vĩ đại, để làm nên lịch sử vĩ đại. Nụ cười nở trên môi không hề dễ chút nào. Bông hoa mừng chiến thắng không đơn giản chút nào. Ngày sum họp Bắc - Nam không phải đơn giản trải thảm đỏ vào Dinh Độc Lập của Tổng thống nguỵ Sài Gòn. 
“Cánh rừng nhiều đom đóm bay” không dài. Tất cả chỉ có bốn khổ thơ văn xuôi như kể lại, như sao chụp lại, như dựng lại, như tái hiện lại nguyên trạng hiện thực một đêm chiến tranh ở Trường Sơn, người lính - nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trải qua. Một dấu lặng của bản anh hùng ca chống Mỹ cứu nước. Không có ngôn ngữ mượt mà. Không có vần điệu du dương, uyển chuyển, thướt tha. Xúc cảm nén khuất vào bên trong hình ảnh, nén bên trong hiện thực. Không có sự tìm kiếm hình ảnh từ ngữ độc lạ. Tứ thơ, ý thơ là hiện thực trong một cánh rừng đêm. Hiện thực! Hiện thực! Và hiện thực! Không hư cấu. Không tưởng tượng. Không thêu dệt. Nhưng trường liên tưởng, sức mở, sức gợi, sức lay động, sức biểu cảm của “Cánh rừng nhiều đom đóm bay” có trường liên tưởng như một trường ca. 
Hồn thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu là thế. Cái chất đặc hữu của Nguyễn Đức Mậu là thế. Chân chất. Mộc mạc. Giản dị. Không rườm rà. Không cầu kỳ. Chắt lọc. Tinh tế. Vàng trong câu chữ của ông là vàng thỏi, vàng miếng, vàng nén chứ không phải vàng nhẫn, vàng dây chuyền, vàng trang sức, vàng chế tác. Vàng bốn con chín chứ không phải vàng tây. Cách nghĩ, cách cảm của “Cánh rừng nhiều đom đóm bay” chi phối toàn bộ sáng tác của ông. Nó trở thành thương hiệu nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Không cầu kỳ, không màu mè, không làm duyên, không gượng ép trong câu chữ. Cái tứ thường đến từ một hiện thực. Hiện thực của cuộc chiến dữ dội, của ký ức, của những va đập cuộc sống. Nó bất chợt sáng lên, lóe lên, chớp lên trong ông. Ông chộp được cái lưu ảnh ấy. Linh cảm mách bảo ông. Tài năng, vốn sống, kinh nghiệm từng trải mách bảo ông. Cái vụt đến, cái chợt đến được hồn ông nuôi lớn. Ông thả cái tình mình, cái hồn mình, cái ý tưởng của mình vào hiện thực ấy làm cho nó cháy lên thành lửa thành đuốc, rung ngân lên thành chuông thành khánh, bừng sáng trong lòng người đọc, vang lên trong hồn người đọc. Những bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” là một minh chứng. Ông viết: “Hùng ơi, mai gió mùa đông bắc/ Võng bạt, canh khuya lại nhớ Hùng/ Những đêm hai đứa xong phiên gác/ Bao gạo gối đầu chăn đắp chung/ Nhớ khi mình ốm giữa rừng/ Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi/ Quả khế rừng nấu con cá suối/ Thương mình Hùng hóa trẻ đi câu /…/ Thôi mình đi Hùng nhé! Hãy yên nằm/ Trận đánh đêm nay vắng Hùng gài bộc phá/ Trận đánh trường kỳ vắng Hùng tham dự/ Trận đánh cuối cùng chiến thắng phải về ta”. Không gian thơ không rộng. thời gian thơ không dài. Tư duy thơ không mới. Xúc cảm thơ không bùng phát. Nhưng câu thơ tạo nên dư chấn lớn trong con tim người đọc. Ta cứ lặp đi lặp lại: “Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi/ Một thước đất hóa khoảng trời vời vợi/…/ Thôi mình đi Hùng nhé! Hãy yên nằm”! 
Thơ ông hồn hậu. Sự hồn hậu xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông. Ông không dụng công tìm kiếm sự cách tân. Xét cho cùng mọi sự tìm kiếm đều để đạt đến đích chiếm lĩnh tâm hồn người đọc, trí tuệ người đọc. Thơ sống được trong người đọc. Thơ Nguyễn Đức Mậu đã chạm đến đích ấy. Nó chinh phục hết thế hệ này đến thế hệ khác bằng sự hồn hậu. Hồn hậu và chân thật. Cái kim đồng hồ duy cảm trong trái tim của nhà thơ không chỉ sai lệch hành động nào, cử chỉ nào của đồng đội, cũng là của chính mình trong cuộc chiến. Thơ phải ghi lại, tái hiện lại trung thực những khoảnh khắc đời thường bình thường nhưng phi thường của người lính. Nhà thơ Hữu Thỉnh tuyên ngôn: “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”. Có người ghi lại bằng xúc cảm, có người ghi lại bằng ấn tượng, Nguyễn Đức Mậu ghi lại bằng chính hiện thực của cuộc đời mình - cuộc đời người lính. Ông không chủ ý, không dụng công tạc tượng chân dung người lính nhưng từ vô thức, chưa bao giờ chân dung người lính, chân dung anh bộ đội Cụ Hồ trong thơ Nguyễn Đức Mậu hiện lên lại rõ ràng, trung thực, truyền cảm năng lượng cho người đọc nhiều đến thế. Những hình ảnh thơ lay thức con tim ta: “Người binh nhất ngồi trong hố cá nhân/ Mồm nhai lương khô/ Mắt dần khép lại/ Anh vừa ăn vừa ngủ/…/ (Nhưng nếu dưới chân đồi giặc đến/ Bằng giác quan của người lính trận/ Dáng anh ngồi như đạn xé bay lên/ Mặt đất cháy đen sẽ bùng ra tiếng nổ)” (Chép lại một chân dung). Ông là một người lính lăn lộn hết chiến trường này đến chiến trường khác, hết cuộc dải thảm này đến cuộc dải thảm khác nên thấu hiểu nhọc nhằn, vất vả, nỗi niềm, tâm trạng người lính. Lăn lộn trong bom trong đạn, mất ăn mất ngủ trong bom trong đạn, có cung bậc nào của người lính mà ông không thấu cảm: “Anh đã qua những ngọn núi cao, những con sông dài/ Năm chiến tranh/ Dòng tên khắc trên chuôi dao, vách đá /…/ Chung sống chết căn hầm sụt lở/ Tâm hồn anh khát khao mùa hạ” (Từ hạ vào thu). Gần bốn chục câu bài thơ “Tráng khúc Quảng Trị” như một bộ phim dựng toàn cảnh cuộc hành quân thần tốc của binh chủng hợp thành bộ binh, công binh, pháo binh khẩn trương vào mặt trận: “Đây lối mòn đêm nao hành quân/ Dấu chân đạn pháo cày ngang dọc/ Bom tấn, bom khoan rơi ầm ầm/ Đoàn quân nối nhau bò qua dốc/…/ Hỏa châu lấp loáng cánh tay trần/ Tiếng cuốc, tiếng choòng kêu lốc cốc /…/ Bộ binh truy lùng quân rã trận /…/ Súng to, súng nhỏ dồn thêm đạn /…/ Lửa đỏ một vùng sông Thạch Hãn” (Tráng khúc Quảng Trị). 
Đối với người làm thơ, sáng tác nhiều, sáng tác khỏe, tạo ra được một số lượng tác phẩm lớn là rất quan trọng nhưng chưa quan trọng bằng tạo ra được một giọng điệu riêng, một phong cách riêng. Giọng điệu ấy, phong cách ấy không trộn lẫn vào ai, không giống ai. Nó là cái để định dạng, nhận dạng tâm hồn, cao hơn là tri thức, là văn hóa của mỗi nhà thơ. Nguyễn Đức Mậu đã có được cái để định dạng, cái để nhận dạng đó. Chính ông đã tạo dựng nên một tên tuổi lớn, một uy tín lớn, có ảnh hưởng trên văn đàn Việt Nam.
Thơ ông cùng thời với các nhà thơ mặc áo lính như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Lê Văn Vọng, Đỗ Trung Lai, Lê Đình Cánh, Vương Trọng, Trần Mạnh Hảo, Anh Ngọc… Mỗi người một tạng, mỗi người một mạch vỉa, mỗi người một dòng chảy. Nhà thơ Hữu Thỉnh nổi tiếng với “Chuyến đò đêm giáp ranh”, “Phan Thiết có anh tôi”. Tác phẩm mang đậm phong cách Hữu Thỉnh nhất là Trường ca “Đường tới thành phố”. Thơ ông trầm lắng, không ồn ào. Hình ảnh, câu chữ giàu tính khái quát. Thơ ông không tạo ra bão trên mặt đất mà tạo sóng ngầm nơi đáy bể. Nguyễn Duy chinh phục người đọc bằng tập thơ “Ánh trăng” (Tác phẩm được Giải A của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1984). Những bài nổi tiếng nhất của ông đều hội tụ ở đây như: “Đò Lèn”, “Ánh trăng”, “Âm thanh bàn tay”, “Mưa trong nắng nắng trong mưa”, “Lời của cây”, “Cầu Bố”... Ông viết theo phong cách ấn tượng, duy cảm. Nhà thơ Phạm Tiến Duật lại mở ra một hướng chuyển động khác, tiêu biểu là các bài thơ: “Lửa đèn”, “Tiểu đội xe không kính”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Không đề”, “Tiếng bom ở Seng Phan”… Sáng tác của ông mang phong cách lãng mạn, duy mỹ. Ông nhìn cái gì cũng thơ, cái gì cũng nhạc, cái gì cũng lung linh, tươi rói, đầy chất thơ và nhạc. Đọc thơ ông người ta muốn bay lên, muốn ca lên. Niềm lạc quan tràn ngập thơ ông. Cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ khốc liệt bậc nhất của lịch sử dân tộc trong thơ ông là một cuộc chiến đấu siêu thực; một con đường ra trận siêu thực; một sự gian khổ, hi sinh siêu thực: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây); người lính bị thương coi nhẹ như tơ: “Cái vết thương xoàng mà đi viện”(Không đề)… Một bút pháp lãng mạn, siêu thực. Nguyễn Đức Mậu có một tạng thơ riêng, một vỉa thơ riêng, một lối kiến trúc câu chữ riêng. Những tác phẩm: “Nấm mộ và cây trầm”, “Cánh rừng nhiều đom đóm bay”, “Bảy vầng trăng khuyết”, “Trắng”, “Đi trên đường Trường Sơn lá đổ”, “Trường ca Sư đoàn” đã khắc khảm tên ông vào tấm bia Thi ca chống Mỹ cứu nước, thi ca Việt Nam hiện đại.
Hồn thơ Nguyễn Đức Mậu là hồn thơ hiện thực. Ông ở trong cái lõi của cuộc chiến tranh, ở trong cái lõi của sự khốc liệt, ở trong cái lõi của sự hi sinh. Đó là hiện thực của ác liệt, của khốc liệt có nhiều vòng, nhiều lớp, nhiều tầng, nhiều cung bậc. Ông ở cái vòng trong bi tráng nhất, ở cái lớp tận cùng khốc liệt nhất, ở cái cung bậc tận cùng dữ dội nhất. Chính chỗ sâu tận cùng ấy, vòng trong tận cùng ấy, chỗ tận cùng lõi khốc liệt ấy đã góp phần quyết định làm nên bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. 
Ông tận mắt chứng kiến cảnh “trong lòng giếng có xác người chết”, “bên những gốc cây bầy mối đục mòn đêm trên những xác người”, “Tổ anh nuôi múc nước nấu cơm và hoảng hốt nhận ra xác hai cô gái. Tiểu đội sục vào các hốc đá, lùm cây, tìm thấy xác ba chàng trai nữa. Chúng tôi đắp năm ngôi mộ không ngày sinh tháng mất, không họ tên, không địa chỉ thôn làng”. Ông tận mắt chứng kiến cái chết của đồng đội trên đất nước Lào, không đọc được dòng chữ “Khắc bằng chữ Lào/ Tấm bia đá/ Đồng đội tôi đã khuất/…/ Trước những hàng bia khắc chữ Lào /…/ Những tấm bia như bàn tay mọc trên mặt đất/ Dòng chữ im lìm, con mắt đá nhìn tôi” (Trước dòng chữ lặng im). Ông tận mắt: “Đêm chiến tranh bản Lào lửa cháy/ Bên hố bom đào tiếng trẻ mồ côi/ Tiếng trẻ khóc như chùm âm chới với/ Rơi xuống lùm gai, mọc đầy cỏ dại/ Rồi lăn qua mỗi trái tim người” (Tiếng trẻ khóc nơi bản Lào lửa cháy). Hình như, trong tất cả các nhà thơ đi chiến trận, không ai trực tiếp cõng đồng đội, dìu đồng đội, băng bó cho đồng đội, chôn cất đồng đội nhiều như nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.
Hát làm sao được, vô tư làm sao được, véo von làm sao được, tung tẩy làm sao được khi cảm giác về “cái giếng hòa máu người tôi uống trong cơn khát” luôn thường trực trong ông? Ông làm sao có thể hát được? Phải vĩnh biệt một người bạn, một người đồng đội thân thiết, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau như ruột thịt: “Những đêm hai đứa xong phiên gác/ Bao gạo gối đầu chăn đắp chung/ Nhớ khi mình ốm giữa rừng/ Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi/ Quả khế rừng nấu con cá suối/ Thương mình Hùng hóa trẻ đi câu”. Ai có thể hát được trong bi kịch: “Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi?/ Một thước đất hóa khoảng trời vời vợi”! Hát làm sao được trong “Đêm Thành Cổ chiến hào ngập nước/ Hòm đạn kê cao ghép lại thành giường/ Thằng Bường bị thương, hai bàn chân bom tiện đứt/ Dòng máu hòa với nước mưa tuôn/ Bường kêu khát, mưa rơi đầy bát sắt/ (Nước chiến hào xác chuột trộn phân người) /…/ Máu Bường ướt đầm vết thương dập nát/ Tôi vội xé quần, xé áo làm băng/ Dòng máu thấm vào tôi cùng tiếng rên nhức nhối/ Bom vẫn dội triền miên, mặt đất tưởng san bằng /…/ Sau tiếng thét Bường lịm dần rồi tắt thở” (Đêm Thành cổ năm 1972). Trái tim nhà thơ đau buốt, trái tim nhà thơ gào thét, trái tim nhà thơ tơi bời hơn hố bom, hố đạn. Ông tiếc thương bạn: “Tôi gọi cả hai bàn chân đã mất/ Hai bàn chân lạc trong hố bom cày/ Đêm Thành Cổ mưa rơi lấp mặt/ Tôi ôm Bường rụng buốt cả bàn tay” (Đêm Thành Cổ năm 1972). Nhói buốt thế, tang thương thế, lòng dạ xát muối thế, hoa mỹ làm sao được? Mượt mà làm sao được? Thơ là máu xối ra. Ngôn từ là máu tứa ra. Câu thơ hơn lách nứa cứa lòng. Không phải chỉ có thế. Hàng loạt bài thơ khác của Nguyễn Đức Mậu như: “Khúc rừng”, “Mẹ già coi nghĩa trang”, “Chân dung 1”, “Nhật ký sau cơn sốt”, “Hai người bạn”, “Viết từ vùng Bắc Lào gió nóng”, “Đi trên đường Trường Sơn lá đổ”, “Màu trắng”… cùng âm hưởng ấy. 
Có thể khẳng định, âm hưởng của bài thơ “Cánh rừng nhiều đom đóm bay” đã chi phối toàn bộ hồn cốt thơ Nguyễn Đức Mậu. Những “con đom đóm” cứ bất chợt chớp lên, nhoáng lên, lập lòe, vụt ẩn, vụt hiện như những con mắt ma quái của thời gian, những đốm sáng của linh hồn chết, những linh hồn các tử sĩ, các liệt sĩ từ hàng trăm hàng nghìn cánh rừng của trùng điệp Trường Sơn, đại ngàn Trường Sơn hiện về thiêu đốt tâm can ông, ký ức ông. Ám ảnh ấy không chỉ xuyên suốt mảng thơ thời chiến mà nó chi phối cả mảng thơ thời bình của ông. Thơ ông, hồn ông có muốn thăng hoa, có muốn vỗ cánh bay lên thì cũng bị kìm nén, trì níu bởi sức nặng của những “Nấm mộ và cây trầm”, bởi “Đêm Thành Cổ năm 1972”, bởi những “Cánh rừng nhiều đom đóm bay”. Thơ ông đã hóa trầm trong hồn người đọc. Cái phần gốc phần rễ găm vào lòng người, xuyên vào lòng người, bám vào hồn người, khắc khảm vào con tim, khối óc bao thế hệ bạn đọc ngày càng dày hơn, sâu hơn, bền chặt hơn, nhiều tầng nhiều lớp hơn cái phần hoa lá cành tỏa tán vào trời xanh mây biếc.
                                                                     

            27-3-2024
                                                                                   N.M.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 213
 Hôm nay: 50104
 Tổng số truy cập: 12610741
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa